Friday, August 23, 2024

NHỮNG THẰNG GIÀ NHỚ MẸ (VŨ THẾ THÀNH)

 

NHỮNG THẰNG GIÀ NHỚ MẸ.


 

Vũ Thế Thành

 

“Những thằng già nhớ Mẹ” là tùy bút đầu tiên tôi viết khoảng 6 tháng sau khi mẹ tôi mất, đăng lần đầu trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị năm 2011. Khi xuất bản thành sách tôi lấy tên “Những thằng già nhớ Mẹ” đặt tựa cho tập tùy bút này.

 

Từ khi sách ra đời, tôi nhận được khá nhiều nhận xét về tựa đề sách chỉ vì hai chữ “thằng già”, nghe không lọt tai chút nào, khen chê đủ cả. Riêng nhận xét tiêu cực thì đủ mọi liều lượng cao thấp, từ nhẹ nhàng đến gay gắt. Tôi tôn trọng nhận xét của độc giả, nhưng giữ im lặng, không giải thích.

 

Nhận xét gay gắt đầu tiên không phải từ độc giả, mà đến từ một nhà xuất bản, nơi tôi gửi bản thảo để kiểm duyệt lần đầu vào năm 2013. Biên tập viên trả lời, về nội dung không có vấn đề gì, nhưng tựa đề có chữ “thằng” nghe không được… văn hóa lắm, phải đổi thành ông già, người già, hay bạn già gì gì đó… Tôi chạnh lòng. Bạn biên tập viên đó tầm tuổi với con gái lớn tôi.

Tôi gửi bản thảo đến nhà xuất bản khác, tựa đề “Những thằng già nhớ Mẹ” được giữ nguyên, sau vài lần tái bản vẫn mang tựa “gây sốc” đó.

 

Một bài viết khác về Mẹ có tựa còn sốc hơn có tên là “Thằng chó đẻ của Má”. Tác giả là ông Tiểu Tử, quê quán Gò Dầu, Tây Ninh, tốt nghiệp kỹ sư bên Pháp năm 1955, về nước làm việc cho hãng dầu lửa Shell ở Sài Gòn. Sau 75 ông vượt biên, rồi tiếp tục làm việc ở hãng Shell cho đến khi về hưu.

Truyện ngắn “Thằng chó đẻ…” nói về ông già 72 tuổi, xa quê đã lâu, nay về thăm mẹ. Hôm về quê, cả ngày ông bận tiếp bà con chòm xóm qua chơi. Tối đến bà mắc mùng lùa ông vào sợ muỗi cắn. Nửa đêm lơ mơ, ông chợt nghe tiếng mẹ ở giường bên: “Thằng chó đẻ… ngủ chưa?”. Thằng con già 72 tuổi bỗng nghẹn lời! Hồi nhỏ, bà hay gọi ông là thằng chó đẻ. “Thằng chó đẻ, lại hun cái coi…”. Khi ông đến tuổi đi học, bà không gọi ông như thế nữa. Ông không còn nhớ mình đã từng được gọi là “thằng chó đẻ”. Bây giờ bỗng nghe lại.

Suốt đêm là ký ức của hai người già, kẻ 72, người trăm tuổi. Ký ức của thằng con già và ký ức của người mẹ già tràn ngập những cảm xúc khác nhau. Với thằng con đó là cảm xúc tuổi thơ, với người mẹ là cảm xúc tình yêu. Hai cảm xúc này đã chạm vào nhau trong đêm chỉ qua tiếng gọi “Thằng chó đẻ”. Văn hóa ở đâu?

 

Ký ức chiếm phần lớn quỹ thời gian ít ỏi của tuổi già. Quá khứ càng nhọc nhằn, cái “phần lớn” đó càng lớn. Những bà mẹ trước năm 75 ở miền Nam, dù nghèo, nhưng bữa cơm gia đình ít ra cũng đủ cơm rau, thu vén cũng có bữa thịt bữa trứng…, không đến nỗi. Những năm sau 75 thì lại… nhiều nỗi. Các bạn trẻ tầm 50 lớn lên trong thời khó khăn này hẳn đã nếm mùi cơm độn khoai sắn. Có than thở với mẹ không? Có chứ, con nít mà! Bạn biết không, chén cơm độn của bạn chắc chắn ít độn khoai sắn hơn của mẹ. Nghe bạn than thở vì chán, vì thèm nhưng món ăn tầm thường mà mẹ đã từng ăn hồi trước. Đau lắm!

 

Tiếng than đó chạm vào bản năng của người mẹ. Vợ chồng là tình nghĩa, lòng Mẹ là bản năng. Nếu liên quan tới sanh tồn của con cái, thì bản năng đó bất chấp mọi thứ – Bản năng của chim mẹ đi tìm mồi về mớm cho cả bày chim con háu đói. Tìm không đủ ăn, nghe tiếng con than, đau lắm. Tôi chứng kiến quanh tôi nhiều cảnh như thế, chẳng đâu xa, nơi cái đất Sài Gòn này. Bây giờ cuộc sống sung túc hơn, nhưng nỗi đau bản năng vẫn còn ám ảnh, liệu tuổi già có đủ thực tế để ném nỗi đau đó ra khỏi ký ức không?

 

Nhiều bạn trẻ thời nay xem quá khứ là cơm nguội, cơm thiu. Hiện tại là cơm nóng, còn tương lai gạo chưa nấu, có thể là gạo Nàng Hương, gạo hữu cơ… Quan điểm thực tế như thế chẳng có gì sai. Hoàn toàn đúng. Tương lai ở phía trước, và hãy quên phía sau đi. Bạn có thể mời mẹ đi du lịch một vòng châu Âu, châu Mỹ, ở resort hạng sang… Đồ ăn, thích món nào chiều món nấy, chỉ cần gọi Grab… Báo hiếu cần phải lấp đầy những gì mẹ mình chưa từng hưởng thụ.

Bạn biết không, hưởng thụ với người già đôi lúc chỉ là miễn cưỡng, làm theo để vui lòng con cái. Có khi nào bạn để ý, ở những chỗ hoành tráng như thế, có những khoảnh khắc mẹ bạn ngồi thừ người ra không?

 

Có người khuyên rằng, ngày nào đó bạn về bên mẹ, hãy nhìn mẹ thật lâu, và nói “Mẹ ơi, mẹ có biết rằng con thương mẹ hay không?”… Đâu cần phải “tự kỷ ám thị” như thế! Trái tim già đó dư sức hiểu mà, hiểu cả tính nết đứa con từ lúc còn bồng ẵm, cho đến khi nó dở đủ trò ma mãnh quậy phá. Rành lắm bạn à. Đâu cần phải dùng những ngôn từ đẹp đẽ để bày tỏ mình thương nhớ mẹ. Nước mắt muôn đời chảy xuôi, chỉ là bạn không để ý đấy thôi.

 

Bạn lâu ngày về thăm, chỉ cần nắm chặt tay bà và nói: Má, con thèm canh chua cá bông lau, ngoài quán họ nấu con ăn không nổi. Má nấu canh chua gấp, con chết thèm tới nơi rồi… Khuôn mặt mẹ bạn lúc đó sẽ thế nào nhỉ? Bản năng bảo bọc của người mẹ sẽ trỗi dậy. Tội nghiệp nó! Nếu còn sức khỏe bà sẽ xuống bếp lụi cụi nấu canh đấy! Bà không vô dụng. Còn bạn mãi mãi vẫn là đứa con bé bỏng hay vòi vĩnh của bà.

Tôi cũng vậy. Tôi mãi mãi là thằng con của mẹ tôi. Tôi già rồi, tôi là thằng già. Nhớ Mẹ, thì tôi là thằng già nhớ Mẹ. Tôi lớn sao được với mẹ tôi?

 

Người già mặc cảm vô dụng, lẩm cẩm, lúc nhớ lúc quên, làm cái gì cũng không nên thân, con cái cằn nhằn nên dễ tủi. Tất cả những mặc cảm đó thu mình trong mớ ký ức hỗn độn và cô độc. Có ai rỗi đâu mà chia sẻ? Các bạn trẻ thân mến, nếu không thể chia sẻ, xin hãy nhẹ tay với ký ức của tuổi già.

 

“Thằng chó đẻ” là tiếng chửi thề ở vài địa phương miền Nam, đôi khi được dùng như tiếng gọi yêu. Tôi chỉ mới đọc “Thằng chó đẻ” cách nay vài năm, lướt tới câu “Thằng chó đẻ…ngủ chưa?”, ứa nước mắt. Hồi nhỏ mẹ tôi gọi tôi là thằng chó con. Tạng người tôi cao, gầy. Bà nhìn tôi, chép miệng, chó gầy xấu hổ người nuôi.

 

Mẹ tôi mất lâu rồi. Nếu hồi xưa bà gọi tôi là “thằng chó đẻ”, khi nhớ mẹ, tôi cũng bắt chước Tiểu Tử viết bài “Thằng chó đẻ nhớ Mẹ”.

 

Vũ Thế Thành

(Vu Lan 2023)

No comments: