Wednesday, December 11, 2024

QUYÊN SINH & TÌNH YÊU (NGHIÊM NGUYỄN- CHUYỂN)

 Quyên sinh và Tình yêu

Nghiêm Nguyễn chuyển



Tôi là người một thời say mê các tác phẩm của nữ nhà văn Quỳnh Dao. Một trong những tác phẩm tôi yêu thích có nhan tựa là Cơn Gió Thoảng do Liêu Quốc Nhĩ biên dịch.

Nghe tin bà tự quyên sinh ở tuổi 86 khiến tôi hụt hẫng và bàng hoàng. Có lẽ những cốt truyện của bà phần nào ám lên trên cuộc đời bà. Từ Xóm Vắng, Cơn Gió Thoảng và nhiều những tác phẩm khác nữa. Trong đó, luôn có những nhân vật chính hoặc phụ tự kết liễu đời mình vì tình. Sự ra đi của bà chưa hết làm tôi tiếc nuối ngẩn ngơ, thì có một làn sóng luận bàn xoay quanh về “trợ tử” (tiếng Anh tạm gọi là euthanasia). Nôm na là phương cách dùng đến y tế /thuốc men đưa vào thân thể một người để họ ra đi trong giấc ngủ mà không bị đau đớn.

Về vấn đề trợ tử, đã có rất nhiều nghiên cứu và thống kê bênh vực và chống. Một trong những lập luận bênh vực việc trợ tử cho rằng, con người nên có quyền tự quyết về thân thể và cuộc đời của họ. Ngược lại, những lập luận chống, nhất là người Công Giáo thì cho rằng không ai có quyền tước đoạt đi mạng sống của một người, ngay cả chính bản thân. Vì mạng sống của chúng ta là do Thiên Chúa ban cho chứ không phải tự nhiên chúng ta muốn là có. Hoặc, bên chống cũng luận rằng, việc trợ tử tự do có thể khiến cho một người cảm thấy bị áp lực, vì họ nghĩ rằng mình là gánh nặng cho người thân, và mặc dù không muốn, nhưng đành phải chọn giải pháp trợ tử vì họ nghĩ người thân muốn họ chọn giải pháp như vậy.

Ở đây, tôi xin không luận đến việc bênh hay chống. Tôi chỉ muốn chia sẻ một điều mà trong Thánh Lễ sáng nay khiến tôi bồi hồi xúc động. Cách 5 hàng ghế bên tay phải trước mặt, tôi nhìn thấy hai mái tóc bạc trắng như sương. Hai ông bà đều đã trên 90. Cả hai đều sống hạnh phúc bên nhau. Tôi dõi nhìn theo, khi đến đoạn chúc bình an, ông dang tay ra xoa lưng bà và ngược lại, lúc ông ho sặc, thấy tay bà nhẹ nhàng đưa vào tay ông chai nước suối. Hai ông bà không ai xa lạ, chính là ông bà của tôi. Bà là em ruột của ông nội. Vài năm nữa, cả hai sẽ mừng thọ 100 tuổi.

Tôi tự hỏi, điều gì khiến ông bà sống đến gần 100 tuổi mà vẫn hạnh phúc và chưa bao giờ tôi thấy ông bà nhăn nhó buồn phiền về tuổi già. Ông bà cũng chưa bao giờ thốt ra rằng, “đời buồn bã không muốn sống nữa”. Mỗi cuối tuần, Giáng Sinh, Tết, nhà ông bà luôn vui nhộn đầy ắp những tiếng cười vang của con cháu.

Còn nhớ trước ngày ba tôi mất. Ba nói rằng: “Ba sẽ cố gắng chịu qua cơn đau này. Ba sẽ sống vì mẹ và tụi con.” Và rồi, khi ba biết không còn cách nào cứu vãn được nữa thì ba cũng thốt lên: “Hãy để ba đi. Ba thấy quá cực cho mẹ và tụi con.”

Tất cả những trải nghiệm và cảm nhận trên cho tôi hiểu sâu sắc một điều rằng. Ở đời, động lực mạnh mẽ nhất mà con người ta muốn sống hay sẵn sàng chịu chết, đó chính là “tình yêu”. Tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ dành cho con cái, tình yêu sống cùng, sống với, sống cho tha nhân.

Tôi không rõ nữ sĩ Quỳnh Dao quyên sinh còn có lý do nào khác hơn là về lý do già yếu như bà chia sẻ không. Nhưng với tôi, một cái chết vì già yếu thật có phần đáng tiếc. Tôi tự hỏi, giả sử như bà có thể già yếu, nhưng chồng bà vẫn còn sống hạnh phúc bên bà. Con cháu bà khát khao được sống và học hỏi bên bà mình thì liệu, bà có thương yêu họ đủ để tiếp tục sống bên họ không? Nếu thế, thì câu chuyện và tấm gương bà để lại có thể sẽ mang một ý nghĩa khác về tình yêu con người và tình gia đình chăng?

Với tôi, đôi khi “sống” là cả một sự chọn lựa can đảm hơn là “chết”, nhất là khi ta “sống” trong tinh thần phục và yêu cho đến cùng.
 
Khuyết Danh

No comments: