Sunday, July 26, 2015

CƠM NHÀ (Thukỳ)

“CƠM NHÀ”

(Kính tặng quý anh chị trong Ban Tổ Chức Đại Hội 5)
 (Xin bấm vào hình để coi lớn hơn)

Giống như một số quý ông; độ này tôi cũng đã bắt đầu… chán “cơm nhà”, sau khi được ăn “cơm chùa” trong những chuyến “lãng du”.

Thành phố tôi ở không có hàng quán nào của Việt Nam, đặc biệt là tiệm ăn, nên trong gần 40 năm qua, tôi chỉ có một nhiệm ý duy nhất là “eat-in”, chứ hiếm khi được “eat-out”, nên thèm “phở” cũng chẳng có gì lạ; phải không quý ông? 

Kể từ ngày được “thăng quan tiến chức” trong Đại Hội 5 Cựu Học Sinh Phú Yên, thỉnh thoảng tôi được ăn cơm tiệm, cơm chùa, cơm chay, cơm chực, cơm khách, qua đủ các loại cơm ta, cơm tầu cơm tây…; chứ không đơn thuần như người ta vẫn nghĩ tiêu cực là “ăn cơm nhà vác ngà voi”, hoặc “ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng,” hoặc tệ hại hơn với câu “ăn cơm nhà, đuổi gà hàng xóm!”


​​Vào ngày 15 tháng 10 vừa qua, sẵn dịp ông xã tôi muốn tham dự “đại hội “Quốc Gia Hành Chánh” của ổng ở Houston, tôi vội vàng xung phong làm tài xế, lái xe sơ sơ khoảng 8 tiếng, với hy vọng sẽ được “ngồi mát ăn bát vàng”, chứ không phải lui cui trong xó bếp nấu những món mà quý ông gọi là “ăn cơm nhà” chán đến tận cổ.

Sau đây là một số hình ảnh, xin được “phe” cùng quý anh chị, khi vợ chồng tôi được phục vụ như là ông hoàng bà chúa trong dịp “Hội Ngộ Liên Khóa Cựu Sinh Viên QGHC”  tại nhà hàng “Chateau de l’ Amour” (Lâu Đài Tình Ái), nơi tôi không những được gặp Anh chị Lãm-Hằng, anh chị “An-Thân”, thầy cô Linda Ngọc, cả đồng môn Kim Loan, mà còn được “làm quen” (“thấy người ta sang, bắt quàng làm bạn”) với anh chị Từ Công Phụng, và nhiều nhân vật nổi tiếng của QGHC.  (Sẽ viết bài cho buổi hội ngộ này.)

Với anh chị Lãm-Hằng


Anh chị An-Thân
​​

Với cô Linda Ngọc



Với anh chị Từ Công Phụng


Trong lúc tôi đang loay hoay tinh chụp vài “bô” hình để kỷ niệm “Lâu đài Tình Ái” thì tôi nghe loa phóng thanh gọi tên tôi, nên vừa chạy vừa run, nghĩ có lẽ ông xã tôi đang đụng độ với một “tình địch” nào đó; nhưng khi vào đến hội trường thì được biết đó là ca sĩ Kim Loan (một đồng hương và đồng môn) gọi tôi vào để ông xã của cô là nhạc sĩ Kim Bằng lấy tông cho tôi hát mở màn cho đại hội.

Thấy tôi hơi run, Kim Loan, trong chiếc ái dài tha thướt rạng rỡ, trấn an tôi:
-Bồ cứ hát đi, dù hát có dở cũng không ai bỏ về đâu, vì họ chưa ăn uống gì cả.  

Có ca sĩ và nhạc sĩ nhà chống lưng, nên tôi mạnh dạn bước lên sân khấu; và không ngờ sau khi hát xong, chẳng có ai ném cà chua và trứng thối, mà còn được tặng hoa và vỗ tay như pháo tết. Cám ơn Kim Bằng và Kim Loan.

Kim Bằng và Kim Loan
 

Với Kim Loan
​***

Sau đại hội “hành chánh”, tôi lại được dịp tái ngộ cùng những đồng hương và đồng môn của tôi tại Houston để bàn thảo chương trình và kế hoạch cho Đại Hội 5 Cựu Học Sinh Phú yên vào năm tới ở New Orleans (Louisiana), sao cho dzui dzẻ và xôm tụ, để thầy cô bạn hữu khắp năm châu bốn bể được sống lại cái thời “em tan trường về, anh theo Ngọ về”, và nhất là không ai ngửa mặt lên trời (như Chu Du) để than rằng “hú hồn, may mà mình không phải “mua gạch bát tràng về xây!”, vì các nàng học sinh xứ nẫu này vẫn còn đẹp như tiên nga, trong đó có nhiều cô Ngọ hiện giờ vẫn còn là “single grandmom”, nên quý lão Phạm Thiên Thư tha hồ mà chọn.




​Vì được phiên âm tiếng Việt là “Hữu Tình”, nên “Houston” thật đúng nghĩa của nó,  hình như những ai cư ngụ tại đây tình cảm cũng dồi dào, nồng nàn và đầm ấm.  Những người đầu tiên đón tiếp tôi tại thành phố này là anh chị Lắm-Tuyết, tức văn thi sĩ Lê Thị Hoài Niệm cùng ca sĩ Đinh Thanh.  Các anh chị này đã chiêu đãi tôi một chầu no say tại quán “A-Hùng” với món phở “bê non” (không phải “dê non” đâu) thật khoái khẩu. Thế nào ông xã tôi cũng sẽ phàn nàn sau chuyến viễn du là “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…”



Trưa hôm sau vợ chồng tôi lại đến nhà anh chị Lắm-Tuyết (thành phố Houston trong mùa Thu cũng có “lắm tuyết” đó quý zị) để cùng nhau viếng thăm tư thất của anh Trưởng Ban Văn Nghệ Lê Văn Thọ mà chị Tuyết nói đùa: “Kỳ này mình đi ‘ăn chực’ có giấy mời”.  Tôi không hiểu cụm từ này, nên rất thú vị khi nghe anh chị cắt nghĩa những “thổ ngữ” mà lần đầu tôi học được trên chiếc xe SUV mới toanh trong lúc anh chị chở chúng tôi trên lộ trình hơn 30 phút lái xe, làm tôi cười mệt nghỉ quên cả đoạn đường dài trên xa lộ.
Nhà anh chị Thọ-Nga (không phải “anh-‘tha-ngọ’-zề” đâu) nằm trên khu yên tĩnh dễ thương như gia chủ vậy. Đến nơi anh Thọ chạy ra cười tươi như hoa đón bạn; anh chị “An-Thân” [không biết đã “an thân” chưa.] (TB Tiếp Tân), cũng vừa đến, có mặt cả anh chị Hòa-My [chắc là thích ăn “mì hoa”] (TB Đưa Đón), và anh Đinh Thanh.  Vài phút sau, anh Lê Kim Đạm (TB Khánh Tiết), và Hoạ sĩ Huỳnh Thu cũng đến. Nhìn quanh không thấy chị Mùi, tôi liền hỏi, thì được biết anh bận làm việc ban đêm, nên từ sở làm “chạy” thẳng đến điểm hẹn,  không thể ghé qua nhà để đón hiền thê xinh đẹp của mình. Nghe vậy, tôi ôm chầm lấy anh vì xúc động khi biết qua một ca đêm mệt mỏi anh vẫn hy sinh đến với chúng tôi;  anh đã làm tôi muốn khóc vì tình nghĩa mà khó văn từ nào tả xiết… Cám ơn anh, cám ơn gia chủ, cám ơn anh chị Lắm-Tuyết, anh chị An-Thân, anh Thanh, anh chị Hòa, anh Thu…đã làm cho tôi vừa vui vừa cảm động vì sự hiếu khách của đồng hương đất Phú qua những món ăn ngon, rượu nồng, bánh ngọt; đặc biệt được nghe lại giọng nói quê tôi, nghe lại tâm tình anh em xa xứ, nghe lai kỷ niệm xa xưa với nụ cười thật tươi, nhưng bên trong tôi đang khóc vì nghĩ đến những người bạn không được may mắn như mình tại quê nhà. 



 ​
Rời khỏi mái ấm của anh chị Thọ-Nga, chia tay các anh chị khác mà không khỏi bùi ngùi, cứ nắm tay nhau mà chắng ai chịu vào xe cả, lưu luyến thật lòng, anh chị Hoà trách sao không ở lại đế anh chị có dịp đưa đi chơi… Hẹn anh dịp khác nhé chắc chắn tôi sẽ trở lại sẽ ở qua đêm với các anh chị, sẽ cùng nhau làm một đêm không ngủ để thoả thích tâm tình.

Buổi tối, tôi lại được dịp đến viếng thăm tân gia của anh chị Đinh Thanh trong khu khang trang rộng rãi, bên cạnh một cái hồ nhân tạo rất xinh mà chiều nào anh chị cũng dắt tay nhau đi bên hồ ngắm cá và làm thơ….

Dù vẫn còn no say, nhưng nhìn những món ăn chị Thanh làm, không thể nào nhịn nổi; con mắt của tôi to hơn cái bụng, nên anh chị nhìn tôi ăn cũng phải phì cười cảm thông cho con nhỏ ở quê vừa lên tỉnh, ăn cơm nguội hoài giờ gặp món lạ phải ăn, dù có chết cũng dzui lòng, chị Thanh khéo tay làm món nào cũng tuyệt, chúng tôi thức đến quá khuya mới đi ngủ vì sáng hôm sau tôi phải lên đường; trước đó anh chị Thanh cứ “dụ” tôi chuyển sang Houston cho dzui; không biết khi nghe lời dọn sang, anh chị còn thèm nhìn mặt con nhỏ này không nhỉ.

Sáng ra anh Thanh chính tay pha những ly cà phê mang nặng tình quê, tình anh em xa xứ, trong lúc chị Thanh làm thức ăn cho tôi mang theo đi đường.  Chia tay nhau buồi sáng còn hơi lạnh, tôi nhìn bóng dáng anh chị khuất dần khi xe chuyển bánh mang theo trong lòng bao nhiêu lưu luyến thân thương. (Vì nói chuyện huyên thuyên nên tôi quên bẵng việc chụp hình “căn nhà lý tưởng” và đôi uyên ương để lưu niệm; xin lỗi anh chị.)

Khoảng vài giờ sau tôi ngang qua Thành phố New Orleans, lòng tôi chùng hẳn lại khi nhớ cách đây vài tuần tôi cũng đã lái xe lên nhà anh chị Sắc Mai Phương (TB Tổ Chức) để cùng nhau lo nhà hàng, khách sạn cho ĐH…Anh chị đón tiếp tôi như một thượng khách; tối đến còn đưa đi xem một chương trình văn nghệ gồm các các ca sĩ nổi tiếng như Lưu Bích, Thanh Hà… Hôm sau xong công việc mấy anh em chúng tôi đi ăn và đi “Café Du Mounde” để thưởng thức những “đặc sản” của New Orleans….

Dù chị Mai Phương người miền Nam nhưng khi lấy anh người Phú Yên, chị đã yêu Phú Yên và bạn bè anh thật lòng; chị đã được “phú-yên-hóa” với tính tình thật dễ thương và niềm nở. …



​Cám ơn ngàn lần cám ơn các anh chị; biết nói sao cho vừa nỗi lòng thân ái, nói sao cho hết tâm tình… Một điều luôn ghi nhận trong tim tôi là Tuy Hoà, Phú Yên vẫn nặng nghĩa nặng tình.  Vì thế, tôi hy vọng đại hội “Chim Về Núi Nhạn” sẽ được gặp đông đủ Thầy Cô cùng anh em bà con đất Phú, để chúng ta có dịp tâm tình.

Kể từ đây tôi sẽ ăn “phở” dài dài, nhưng dĩ nhiên sẽ không bao giờ quên cơm nhà, như mấy ông thường nói:
           Ăn phở phải nhớ cơm nhà,
          "Zọng" một hai chén cho bà…khỏi nghi!

Thukỳ
Navarre October/2014

No comments: