Friday, January 22, 2016

THẰNG CHÓ ĐẺ CỦA MÁ (Tiểu Tử)







Má ơi ! Bữa nay là ngày 23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo. Không biết những người Việt lưu vong như tụi con có còn giữ phong tục hằng năm cúng đưa ông Táo về Trời hay không, chớ vợ của con năm nào đến ngày này cũng mua hoa quả bánh ngọt cúng đưa ông Táo, cũng thành khẩn như ngày xưa, hồi còn ở bên nhà.
Năm nay, nhờ vợ của con lau dọn bàn thờ ông Táo để sửa soạn bày lễ vật ra cúng, nên con mới nhớ ra là ngày 23 tháng chạp. Ngày này cũng là ngày sanh của má. Hồi đó, má hay nói : « Ngày sanh của đứa nào còn khó nhớ, chớ ngày sanh của tao là ngày ông Táo về Trời, không dễ gì quên ! ». Và ngày này hồi đó, khi cúng vái, má hay cầu khẩn : « Ông về ở trển nhờ tâu lại bữa nay tôi lên thêm một tuổi, cầu xin Ngọc Hoàng bớt cho tôi chút đỉnh khổ cực … ». Hồi đó, nghe má cầu xin, con phì cười. Bây giờ, nhớ lại, con bỗng ứa nước mắt… Cuộc đời của má - theo lời tía kể - cũng lắm gian truân từ ngày má bỏ cái làng quê ở bờ sông Vàm Cỏ để đi theo tía dấn thân làm cách mạng vào những năm 1928/29. Gia đình giòng họ từ bỏ má cho nên hồi sanh con, tía bận đi xa, má nằm chèo queo một mình trong nhà bảo sanh, chẳng có người nào đi thăm hết. Vậy mà sau đó, má vẫn tiếp tục bôn ba …Mãi về sau, khi con lên sáu bảy tuổi, có lẽ chỉ vì sanh có một mình con nên tía má mới « trụ hình » - vẫn theo lời tía kể - với nhiều cực nhọc và khó khăn tiếp nối dài dài… Hỏi sao sau này mỗi lần đưa ông Táo má không có lời cầu khẩn nghe tội nghiệp như vậy ?
Nhớ lại, cách đây ba năm má thọ tròn trăm tuổi. Tính ra, từ ngày con đi chui theo ý má muốn - má nói :  « Mầy đem vợ con mầy đi đi, để tao còn hy vọng mà sống thêm vài năm nữa » ! – cho đến năm đó, con xa má 25  năm. Con mới 72 tuổi mà cứ bịnh lên bịnh xuống nhưng năm đó con quyết định phải về. Và con đã về …
Thằng Bảy, con chị Hai Đầy ở Thị Nghè nghỉ chạy xe ôm một bữa để đưa con về cái làng quê nằm bên sông Vàm Cỏ. Nó nói : « Đi xe đò chi cho tốn tiền, để con đưa cậu Hai về, sẵn dịp con thăm bà Tám luôn ».
Hồi tụi con bước vào nhà, cả xóm chạy theo mừng. Con nhỏ giúp việc vội vã đỡ má lên rồi tấn gối để má ngồi dựa vào đầu giường : « Thưa bà cố, có khách ». Má nhướn mắt nhìn, hai mắt sâu hỏm nằm trên gương mặt gầy nhom đầy vết nám thâm thâm : « Đứa nào đó vậy ? ». Con nghẹn ngào : «  Dạ, con… ». Chỉ có hai tiếng « Dạ, con » mà má đã nhận ra con ngay mặc dầu đã xa con từ 25 năm ! Má nói : « Mồ tổ cha mầy ! Trôi sông lạc chợ ở đâu mà bây giờ mới dìa ? Mà dìa sao không cho tao hay ? » Con ngồi xuống cạnh má : “ Sợ cho hay rồi má trông ” Má nói mà gương mặt của má nhăn nhúm lại : “ Tao trông từ hai mươi mấy năm nay chớ phải đợi đâu tới bây giờ ! ” Rồi má nhắm mắt một vài giây mới để lăn ra được hai giọt nước mắt. Cái tuổi một trăm của má chỉ còn đủ hai giọt nước mắt để cho má khóc mừng gặp lại thằng con ... Xúc động quá con gục đầu vào vai má khóc ngất, khóc lớn tiếng, khóc mà không cần biết cần nghe gì hết. Cái tuổi bảy mươi hai của con còn đầy nước mắt để thấm ướt cái khăn rằn má vắt trên vai...
Suốt ngày hôm đó, má con mình nói biết bao nhiêu chuyện, có sự tham dự của họ hàng chòm xóm. Nhớ gì nói nấy, đụng đâu nói đó ...vui như hội. Vậy mà cuối ngày, không thấy má mệt một chút nào hết. Con nhỏ giúp việc ngạc nhiên : “ Bình thường, bà cố nói chuyện lâu một chút là thở ồ ồ. Bữa nay sao thấy nói hoài không ngừng ! Có ông Hai dìa chắc bà cố sống thêm năm bảy năm nữa à ông Hai !”
Đêm đó, má “đuổi ” con vô mùng sớm sợ muỗi cắn. Con nằm trên bộ ván cạnh cái hòm dưỡng sinh của má. Con hỏi : “ Bộ cái hòm hồi đó má sắm tới bây giờ đó hả ? ” Má cười khịt khịt vài tiếng rồi mới nói : “ Đâu có. Cái hòm mầy nói, tao cho cậu Tư rồi. Hồi Cao Miên pháo kích quá, tao đem cậu Tư về đây ở, rồi ổng bịnh ổng chết. Tao có sắm cái hòm khác, cái đó tao cho thằng Hai con cậu Tư. Tội nghiệp thằng làm ăn suy sụp nên rầu riết rồi chết !” Con nói chen vô : “ Vậy, cái nầy má sắm sau đám của anh Hai ” Má lại cười khịt : “ Đâu có. Cái hòm sắm sau cái hòm cho thằng Hai, tao cho dì Sáu rồi. Hồi chỉ nằm xuống, nhà chỉ không có tiền mua hòm thì lấy gì làm đám ma ? ” Ngừng lại một chút rồi má mới nói : “ Còn cái hòm nầy chắc tao không cho ai nữa. Họ hàng quyến thuộc lần hồi chết hết, còn lại có mình tao thôi, có nó nằm gần tao cũng yên bụng ! ”.
Nằm tơ lơ mơ một lúc bỗng nghe má hỏi : “ Thằng chó đẻ ... ngủ chưa ? ” Con trả lời : “ Dạ chưa ” Má tằng hắng : “ Tao tụng kinh một chút nghen ” Con : “ Dạ ” mà nghe tiếng “ Dạ ” nghẹn ngang trong cổ. Mấy tiếng “ Thằng chó đẻ ” của má kêu con đã làm cho con thật xúc động. Hồi đó – lâu lắm, cách đây sáu mươi mấy bảy chục năm, hồi con còn nhỏ lận – má hay gọi : “ Thằng chó đẻ, lại hun cái coi ! ”. Hồi đó, mổi lần cưng con, nựng con, ôm con vào lòng má luôn luôn gọi con bằng “ thằng chó đẻ ” ! Mà con thì chỉ biết sung sướng khi nghe má gọi như vậy. Rồi con lớn lần, má không còn gọi con bằng “ thằng chó đẻ ” nữa. Con không để ý và chắc má cũng không để ý đến chuyện đó. Mãi đến bây giờ má lại gọi con bằng “ thằng chó đẻ ”, gọi tự nhiên như hồi còn nhỏ. Chỉ có mấy tiếng thật thô thiển bình dị, nghe khô khan như vậy mà sao con cảm nhận tình thương thật là tràn đầy. Và đối với má, dầu tuổi đời của con có cao bao nhiêu nữa, con vẫn là “ thằng nhỏ ”,” thằng chó đẻ cưng ”. Con bắt gặp lại sự sung sướng của hồi đó khi được má gọi như vậy. Rồi bao nhiêu hình ảnh thuở ấu thời hiện về trong đầu con, liên miên chớp tắt. Đêm đó, con trằn trọc tới khuya...
Sáng hôm sau, má biểu con đẩy xe lăn đưa má đến từng bàn thờ để má thắp nhang tạ ơn Trời Phật, Ông Bà. Cuối cùng, đến bàn thờ của tía, má nói : “ Ông ơi, Có thằng nhỏ nó dìa đó. Ông độ cho nó được mạnh giỏi, độ cho vợ con nó ở bên tây được suông sẻ trong công việc làm ăn...” Đứng sau lưng má, con phải cắn môi thật mạnh để khỏi bật lên thành tiếng nấc !
Đẩy má ngang bàn viết cũ của tía, con thấy trên tường có treo hai khuôn kiếng lọng văn bằng đỏ chói có đóng dấu cũng đỏ chói của Nhà Nước. Con ngừng lại đọc : một tấm là huân chương hạng nhứt và một tấm là huy chương hạng ba cấp cho Lê thị Ráng. Con hỏi : “ Cái gì vậy, má ? ” Má nói : “ Mề-đai của tụi nó cho tao. Tụi nó bươi chuyện  thời ông Nhạc nào đâu  hồi mấy năm 1928-29 rồi chạy lại cho. Cái hạng nhứt đó cho năm ngoái, còn cái hạng ba mới cho đây ” Con cười : “ Vậy là họ hạ cấp má rồi ” Má hỏi : “ Sao mầy nói vậy ? ” Con giải nghĩa: “Thì từ hạng nhứt tuột xuống hạng ba là bị hạ cấp chớ gì nữa ?” Má cười: “Mầy không biết. Cái đầu hạng nhứt đó, cho treo chơi chớ không có tiền. Cái hạng ba đó mới có cho tiền ” Con đùa : “ Vậy  má  chia cho con chút đỉnh lấy hên coi ! ” Má khoát tay : “ Ối ...từ ngày nhận cái mề-đai đó tới nay đã ba tháng rồi mà có thấy tụi nó đưa tiền đâu. Nghe nói còn mấy khâu gì gì đó chưa thông nên có hơi trễ ! ” Thấy trên văn bằng đề “Lê Thị Ráng ” con thắc mắc : “ Ụa ! Mà Lê Thị Ráng đâu phải là tên của má. Trong khai sanh của con, má là Lê Thị Láng mà !” Má cười khục khục mấy tiếng rồi mới nói : “ Để tao nói cho mầy nghe. Hồi đó tao sanh mầy ở gần nhà thờ Cha Tam, trong Chợ Lớn. Cô mụ người tàu, nói tiếng Việt còn lơ lớ. Cổ hỏi tao tên gì để làm khai sanh. Tao nói tao tên Ráng, mà R cổ nói không được, nên ra sở khai sanh, cổ nói Ráng thành Láng là như vậy ” Mãi tới bảy mươi hai tuổi con mới biết tên đúng của má là “ Ráng ” !
Hôm đưa ông Táo, con có tổ chức một bữa tiệc để ăn mừng một trăm tuổi của má, có họ hàng tham dự đầy nhà. Vừa ngồi vào bàn, dì Bảy Giang nói : “ Theo phong tục mình, con cái phải quì lạy để chúc thọ mẹ cha. Bây giờ, chị Tám được một trăm tuổi, hiếm lắm, quí lắm. Mầy phải lạy má mầy đi rồi ăn uống gì ăn ” Mọi người vỗ tay tán thành. Má cũng cười, nói : “ Ồ phải ! Hồi nẳm, đám cưới của mầy, mầy có đi học lạy với cậu Bảy Dinh, nhưng bên đàng gái miễn lễ chỉ bắt xá thôi, rồi về đây tía mầy cũng miễn luôn. Cho nên tao chưa thấy mầy lạy ra sao hết. Đâu ? Mầy lạy tao coi ! ” Mọi người lại vỗ tay nữa. Con đứng trước mặt má, chấp tay ấp úng: “ Thưa má. Hôm nay là ngày sanh thứ một trăm của má, con xin lạy mừng thọ má ” Rồi con lạy ba lạy, cũng đủ điệu bộ lên gối xuống gối như con đã học lạy cách đây gần năm chục năm. Con lạy mà nước mắt chảy quanh. Con biết rằng lần lạy đầu tiên này có thể là lần lạy cuối cùng, bởi vì qua Tết, con sẽ trở về Pháp với cái lạnh cắt da của mùa đông, rồi sau đó biết có còn về nữa hay không ? Sức khỏe của con càng ngày càng kém, bao nhiêu thứ thuốc uống vô hằng bữa liệu kéo dài sự sống của con được đến bao lâu ? Điều này, con đâu dám cho má biết. Mọi người lại vỗ tay khi con lạy xong. Rồi thì nhập tiệc. Bữa tiệc hôm đó thật là vui. Người vui nhứt là má.
-oOo-
Má ơi ! Bữa nay là ngày sanh thứ 103 của má, ngày đưa ông Táo về Trời. Vậy là ba năm qua rồi, con đã không về thăm má. « Thằng chó đẻ » của má vẫn còn « trôi sông lạc chợ », để cho má cứ phải trông nó về, trông hằng ngày, trông mòn con mắt, trông khô nước mắt !
Má thương con , xin má tha thứ cho con... tha thứ cho con ….

Tiểu Tử

No comments: