Ga Lyon Đèn Vàng – Văn Thi Sĩ Phong Châu
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng đã bỏ thế giới thi ca của
ông để về với cõi vĩnh hằng cách nay đã hai năm.
Ông mất ngày 9 tháng 10 năm 2022, để lại cho
người thưởng ngoạn thơ và nhạc sự tiếc nuối,
trong đó có tôi. Tôi nhớ lại vài kỷ niệm như là
những dấu ấn khó phai mờ trong đời tôi. Xin ghi ra
đây.Năm tôi học lớp đệ tam niên khóa 1960 – 1961
có vị giáo sư tên Nguyễn Hạnh Tâm dạy môn toán.
Vị giáo sư này người Bắc, đẹp trai, vui tính, không khe khắc với học sinh như
một vài vị giáo sư khác. Phong thái của thầy hào hoa phong nhã, lúc nào cũng
có nụ cười trên môi nên đám học trò chúng tôi rất có cảm tình với thầy. Sở dĩ
tôi nhớ đến thầy vì trong thời gian dạy chúng tôi, thầy đã:Một: Tổ chức cho
chúng tôi leo núi chinh phục đỉnh Langbian cao 1,500 mét khi sắp mãn niên
học.Hai: Có một lần thầy cho một bài toán rất khó nên trong đám học trò,
không đứa nào đạt được điểm số từ 6 trở lên. Sau khi trả lại bài và được thầy
giải, thầy cho tất cả chúng tôi mỗi đứa thêm 10 điểm và được ghi vào sổ điểm.Ba: Một hôm vào đến lớp trong tay thầy cầm một bản nhạc. Thầy bảo đây là
bản nhạc mới xuất bản có tên là Tiễn Em do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của
Cung Trầm Tưởng. Lập tức cả lớp đã nghe vài tiếng “thầy hát đi thầy…thầy hát
đi thầy…”. Thầy cười và hình như thầy cũng đã có ý định hát cho chúng tôi
nghe nên một lát sau thầy đã hát…Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách
Tuyết rơi mỏng manh buồnGa Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giớ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly…
Bài hát khá dài vì lặp lại nhiều lần “Lên xe tiễn em đi. Chưa bao giờ buồn
thế. Trời mùa đông Paris. Suốt đời làm chi ly…” cùng những câu nhắc tới
một sân ga buồn có tuyết rơi lạnh giá. Tiễn em lên con tàu buổi sáng hay
tiễn em lên con tàu buổi chiều thì trên sân ga những ngọn đèn vàng cũng
nhạt nhòa trong màn sương hay trong làn tuyết phủ mong manh. Bài hát
mà thầy Tâm hát cho lũ học trò chúng tôi nghe làm cho chúng tôi rất vui vì
thoát được mười lăm phút nghe giảng những bài toán khô khan. Và tôi. Dĩ
nhiên tôi cũng vui. Và. Nghe bài hát đó tôi rất thích vì trong người tôi cũng
có tí ti máu văn nghệ, thích ca hát. Chẳng phải tôi đã ở trong ban văn nghệ
từ năm lớp đệ thất cho đến năm đệ nhất hay sao? Thế là cuối tuần đó tôi
đạp xe đạp xuống phố, đường xa bốn năm cây số đổ dốc rồi dắt bộ lên
đường Minh Mạng để ghé nhà sách Thiên Nhiên mua bản nhạc Tiễn Em
mang về nhà. Tôi có cây đàn mandoline và dùng nó để đánh bài Tiễn Em,
miệng lẩm nhẩm hát theo, chỉ dám hát nho nhỏ chứ không dám hát lớn.
Vào buổi tối, trước khi học bài và làm bài, tôi
xách bản Tiễn Em ra để trước mặt và hát đôi
ba lần trước khi giở vở hoặc sách để
học…Thời gian sau tôi thường nghe Tiễn Em
được hát ra từ đài phát thanh Đà Lạt với
giọng của Hà Thanh hoặc Thái Thanh. Tôi mê
hai giọng hát này từ đó. Tiễn Em là một
trong số những bài hát mà tôi thích.
Bài hát Tiễn Em của nhạc sĩ Phạm Duy phổ
từ thơ của Cung Trần Tưởng. Bài thơ này khi
xuất hiện trên diễn đàn văn học Miền Nam
có tựa đề “Chưa Bao Giờ Buồn Thế”. “Tiễn
Em” ở câu đầu của bài thơ và “Chưa Bao GiờBuồn Thế”ở câu thứ hai của bài thơ năm chữ nhẹ nhàng, trầm lắng như những
hoa tuyết đang rơi rơi trên con tàu mang theo cả nỗi buồn của người trong
toa “lạnh đầy” cùng người ở lại với “trên con đường anh đi. Lệ em buồn
vương vấn…”.
Bài thơ “Chưa Bao Giờ Buồn Thế” và bài hát “Tiễn Em” xuất hiện đã hơn
60 năm rồi. Với tôi, khi có người nhắc tới nước Pháp, nhắc tới chữ Paris
hoặc một hình ảnh nào đó có liên quan đến nước Pháp, trong đầu tôi
thường nghĩ đến “Ga Lyon đèn vàng” trong bài hát “Tiễn Em” và những
mong có một ngày nào đó tôi sẽ được đứng trước sân ga Lyon để ngắm
mưa bay hay nhìn tuyết rơi trên những con tàu đổ về trăm hướng…
Cung Trầm Tưởng còn có một bài thơ mà cũng tôi rất thích. Đó là bài
“Mùa Thu Paris” với những câu:
Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công viên lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm…”Bài thơ cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc dưới cùng một tựa
đề mà vào thời đó tôi rất thích Sĩ Phú hát giọng trầm ấm truyền cảm. Qua
bài thơ, Cung Trầm Tưởng có nhắc đến một nơi chốn mà vào thời đó tôi
chưa thể hình dung ra được nó – đẹp – nó – lạnh – lẽo – nó – buồn – bã – nó –
hắt – hiu đến cỡ nào! Và dĩ nhiên tôi ao ước có một ngày nào đó được đặt
chân vào “Vườn Lục Xâm” và được ngồi trên “ghế đá” nhìn mưa rơi hay
tuyết phủ “lạnh đầy”.
Vậy mà cũng đã trên mười lăm năm rồi khi tôi
có dịp qua Pháp. Ngoài một số địa danh và
thắng cảnh nổi tiếng phải ghé thăm, tôi ghi vào
bộ nhớ là đừng quên ba nơi này: Ga Lyon đèn
vàng, Vườn Lục Xâm ghế đá và bãi biển
Normandy với cuộc đổ bộ D Day để giải phóng
nước Pháp ra khỏi tay phát xít Đức. Nhưng nếu
đến Ga Lyon và Vườn Lục Xâm mà không thấy
mưa rơi hay tuyết đổ thì tôi buồn lắm. Đừng
cười tôi nhé! Rồi mong ước nhỏ của tôi đã
thành khi đến thăm cả hai nơi tuy không phải là
mùa tuyết rơi nhưng đã có mưa rơi trên cả Ga
Lyon đèn vàng và Vườn Lục Xâm ghế đá…
Chúng tôi có mặt tại Paris vào những ngày cuối hè đầu thu. Tôi chọn một buổi
chiều có mưa để đến nhìn “Ga Lyon Đèn Vàng” và một buổi sáng để ghé thăm
“Vườn Lục Xâm Ghế Đá”. Cả hai nơi đều thoảng gió lạnh và mưa rơi khiến cho
kẻ dị khách như tôi cảm thấy buồn như trong thơ của nhà thơ họ Cung.
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng đã không còn nghe Hà Thanh, Thái Thanh và Sĩ Phú
hát Tiễn Em và Mùa Thu Paris nữa. Ông vừa về với cõi thiên thu vào một ngày
đầu thu tại thủ phủ của xứ Vạn Hồ Minnesota…
Đoạn viết ngắn này để nhớ đến nhà thơ mà tôi yêu thích cùng hai bài hát qua
bàn tay phù phép của nhạc sĩ Phạm Duy – cũng đã đi vào thiên thu…Phong Châu
No comments:
Post a Comment