Đặng Kim Côn
Lạc
Phòng mẹ Duy nằm lúc mới
vô có một đứa nhỏ chừng mười lăm mười sáu tuổi, được biết là bị tai nạn trong
lúc đi đào bới nhôm nhựa trong mấy đống rác Mỹ, bị gãy tay, nhưng đáng lo là sọ
não bị chấn thương, nghe nói đã nằm lây lất phòng này mấy ngày rồi mà không
được chữa trị. Đứa bé nằm chung một giường với một bịnh nhân khác, coi bộ nặng
quá, rên không thành tiếng, nghe nói là bị đám công tử con quan, “nhỏ không học
lớn làm giám đốc” không biết gì trường lớp, (chỉ cần tuần lễ ghé đít đến ngồi
nghênh ngang cho có mặt một vài buổi cuối năm cũng tốt nghiệp) hành hung, đập
chấn thương đầu sao đó, xô nSó xuống hố rác, vất cả mấy cây xà beng xuống, bất
chấp trúng đâu thì trúng, cười ha hả, bỏ đi, có người thương tình chở nó vào
đây cũng đã ba bốn ngày gì đó.
Phòng chật cứng bệnh
nhân, có người chân bị treo lên, qua một cái ròng rọc, phía dưới đá cục nặng,
hẳn là để kéo dãn xương ra, có người vẫn còn nguyên nẹp bó im xương gãy từ nhà
đem tới. Ở người nào cũng những ánh mắt thất thần, hốc hác, lộ rõ nét lo lắng
ra mặt. Mấy y tá đi ra đi vô, nhưng thấy họ làm việc không nhiệt tình lắm, và
chỉ làm việc với một vài bệnh nhân đặc biệt, đã có riêng tư, quà cáp biết điều
với họ, còn thì họ chỉ lo gạ bán thuốc, mà giọng điệu thì lúc nào cũng gắt
gỏng.
Cám cảnh đứa bé cũng là
“đồng nghiệp” đào bới phế liệu như mình, đôi lúc Duy có ghé qua thăm, vì nó lúc
tỉnh lúc mê, nên có khi Duy cũng cho nó ăn chút gì, nhưng khả năng Duy, từ nhà
quê nghèo khó, tom góp những đồng tiền cuối cùng trong gia đình, mượn thêm bà
con, để lo cho mẹ Duy, đã hơn 60 tuổi, vừa mới được đưa vào đây vì bị ngã xe
gãy xương chậu, nên chỉ có thể giúp bé chút đỉnh gọi là. Anh cũng gặp chú Xê,
một người quen từ ngoài Trung vô, bị gãy xương đùi, coi như là nhẹ hơn mẹ Duy,
đã nằm đây cả tháng rồi mà vẫn nằm để theo dõi. Chú còn da bọc xương, đau nhức
rên la từng chặp.
Lúc mẹ Duy được đẩy đi
xét nghiệm để chuẩn bị mổ nối xương, chú Xê hỏi thăm tình trạng của bà, Duy kể
và không để chú thắc mắc nhiều, thấy tình trạng thảm hại của chú, Duy không nỡ
kín miệng, Duy mách cho chú là anh đã “chạy” bác sĩ như thế nào, vừa lúc anh
con trai của chú tới, anh sống ở Saigon, nên mỗi ngày anh vào thăm có đến đôi
ba lần. Chú Xê thều thào với cậu con:
-Mày thấy chưa Minh, mày
ở Sài Gòn mà không biết gì hết, để tao phải nằm chịu đau chịu đớn cả tháng nay…
-Chớ con làm gì hơn, Ba?
Bệnh viện nói chờ theo dõi này nọ, mình có chuyên môn đâu…
-Chuyên môn! Thằng Duy
này nó có chuyên môn đâu, sao nó mới vô mà má nó được mổ liền kia? Mày coi hỏi
nó chỉ cách cho mà chuyên môn.
Duy xen vào:
-Thôi chú, nghỉ cho
khỏe, ráng ăn uống cho có sức, yếu như chú…
-Thì phải yếu chớ ăn
uống gì được đâu. Được mổ sớm thì đâu đến nỗi suy kiệt như giờ. Chết cha nó cho
rồi, khỏe thân hơn, nằm ôm cái đau như bị xẻ thịt từng phút. Thà như mấy đứa
nhỏ nằm kia, không tiền có chết cũng đành. Tiền bạc lúc này để làm gì nữa, cho
nó ăn mẹ nó hết đi, đỡ đau đớn lúc nào thiên đường lúc đó.
-Dạ.
Duy quay sang nói nhỏ
với Minh, chỉ cho Minh con đường “phong bì” ngắn nhất, nên đưa cho bác sĩ nào,
vào lúc nào…
Một người đàn bà bộ dạng
lam lũ, nhìn thoáng qua, Duy hiểu ngay chị “hành nghề” bán vé số, đến thăm đứa
bé bị thương, chị có vẻ khá lặng lẽ và hình như chị cũng khá quen thuộc với
không khí phòng này. Chị ngồi quay lưng về phía Duy, nhưng nhìn chị múc từng
muổng cháo đút cho thằng bé với cái giọng nho nhỏ, rưng rưng đầy thương yêu vỗ
về của chị, thì anh hiểu chị là gì của bé.
Bận rộn lo cho mẹ Duy
chuyển phòng, anh chào Chú Xê và Minh để lo “thủ tục” cho mấy y tá nhè nhẹ tay,
quan tâm đến mẹ Duy chút, rồi thủ tục nhập phòng mới. Sự đau đớn hành hạ của
những bệnh nhân như chú Xê đã vội dạy Duy bài học khéo léo, đi tới đâu phải thủ
tục tới đó, tuổi già sức yếu như mẹ anh, ở đâu thì sự nguy hiểm cũng đang đe
dọa, đang sẵn sàng chờ đợi nếu lỡ quên không biết điều.
Bệnh nhân nằm một chỗ,
có cái khổ tâm của sự chịu đựng đã đành, thân nhân “nhà quê lên tỉnh” như Duy,
càng khổ sở hơn với những chuyện đi lại, vệ sinh, ăn ở. Ban đêm, ngồi dựa lưng
một góc sân bệnh viện, chống mắt đập lấy đập để bầy muỗi đói không ngừng tấn
công từ mọi phía, cho đến khi mệt lả, nằm lăn ra, ngủ quên đi, mặc cho cuộc đời
rúc rỉa tha hồ. Ban ngày thì lưng lửng lây lất cho xong, canh chừng những giờ
vắng y tá, nhào đại vào thăm mẹ. Rồi thì cũng phải hỏi cho ra địa chỉ phòng
mạch bác sĩ mổ, đóng vai bệnh nhân, lại “phong bì” để hỏi thăm bệnh tình của
mẹ, và cũng để biết tiếp theo sẽ phải làm gì.
Túi Duy đã cạn queo, hơn
một ngày nhịn không dám ăn no, chỉ tạm đỡ mỗi bữa một ổ bánh mì không, uống
nước lã, chỉ còn dự phòng đủ tiền thuê xe đưa mẹ về quê, vì mẹ Duy không thể
nào ngồi xe đò được. Đã hai ngày liền Duy liên tục đến phòng mạch riêng của bác
sĩ, để nài nỉ ông cho mẹ anh xuất viện. Có lẽ không còn lý do gì để khai thác,
bác sĩ cho biết là chuẩn bị làm thủ tục, chiều nay ra viện, một phần, thấy Duy
thuộc loại chẳng những không dễ nuốt mà còn có vẻ biết nhiều, để lâu không khéo
bể chuyện. Duy quay trở lại bệnh viện, định qua phòng chú Xê chào chú, thì gặp
Minh, mặt mũi bơ phờ, báo tin chú Xê hôn mê, đã được chuyển đi cấp cứu, phòng
“theo dõi” khoa ngoại đó cũng mới có người chết, thằng bé con chị bán vé số,
vừa mất cách đây hơn tiếng đồng hồ, Minh nói, cũng mới nãy, chị bán vé số biết
quê quán chú Xê, đã hỏi thăm đến Duy, và rất vui mừng nhắn muốn gặp Duy.
-Minh cũng vô ý, quên
hỏi phòng má anh nằm, nên… chắc chị ấy cũng đang tìm anh đâu đó.
-Chị ấy có nói tên gì
không?
-Không, Minh cũng quên…
Duy hối hả chạy tới
“phòng theo dõi” của khoa ngoại để tìm người đàn bà, chị không đang có mặt ở
đây, Duy ghé lại thăm bệnh nhân nằm chung giường với thằng bé và hỏi thăm chị,
người ấy nói cũng đâu biết chị ấy tên gì.
-Có biết cô ấy giờ đâu
không?
-Chắc là ở chỗ nhà xác.
Duy vội chạy ra nhà xác,
cũng không gặp, linh cảm, Duy đang gặp lại một người thân, rất thân. Khổ nỗi,
lúc này, thời gian bó buộc quá.
Mừng vì chỉ còn ít thời
gian phải ở nơi đây, để phải lây lất, tính là, thuê xe xong, may ra còn dư ít
nhiều gì lo cơm nước dọc đường cho mẹ và mình, hoặc trả thiếu cho nhà xe, có gì
về đến quê sẽ có thể chạy vạy thêm, Duy yên tâm, thả lỏng một bữa không phải
nhặt nhịn, nên tinh thần cũng đỡ rệu rã như mấy bữa trước. Đầu giờ chiều, phải
bám theo bác sĩ để lo xong giấy tờ ra viện, Duy tất tả đi kiếm thuê chiếc xe,
thỏa thuận giá cả, anh thở phào. Đang lúc lay hoay đưa mẹ lên xe, chợt, Duy
nhìn thấy người đàn bà ấy, đang ngồi khóc trước sân bệnh viện, gần nơi xe sắp
chở mẹ anh. Duy sững sốt, chạy vội lại, quỳ xuống trước mặt người đàn bà, ôm
lấy hai vai:
-Em? Hường!
-Dạ, trời ơi, sao tới
hôm nay em mới biết là anh? Lúc nãy trở lại chỗ giường con nằm, nghe người ta
bảo anh tìm hỏi em, em ngồi canh anh ở đây.
Hường khóc òa lên:
-Con chết mất rồi, anh
ơi!
-Anh hiểu rồi. Anh làm
sao bây giờ.
Duy khóc. Qua màn nước
mắt, Duy đã đoán ra là Hường, anh, nên nhác trông, anh đã không mấy khó để nhận
ra, một hình ảnh dù có tàn phai, thay đổi đến đâu, một người mà ngót mười lăm
năm dẫu không biết tìm đâu, thì thâm tâm vẫn mong có một ngày, và khi nghe Minh
nói chị ấy hỏi thăm, thì Duy đã nghĩ ngay đến chị.
Họ biết làm sao đây, làm
gì khác hơn cái việc ngồi khóc giữa đường cho cái lần gặp đầy căng thẳng, rối
rắm giữa những mảnh đời rách tươm đến khó tin, rách đến độ, người này không thể
mở miệng trách gì người kia một tiếng, dù đã không biết bao nhiêu là nổi chìm
dâu bể, bao nhiêu là nước mắt nhớ thương, sau lần lạc nhau năm ấy.
Thuở ấy, 1975, đoàn xe
di tản của họ bị chặn đánh giữa đường, lúc đầu họ còn bám cứng lấy nhau, hay
đúng hơn, Hường còn theo sát Duy, được đâu hơn nửa buổi, rồi những trận pháo
kích dữ dội, rồi những đợt tấn công ráo riết của bên kia đã buộc Duy phải men
hết gốc cây này sang bờ đá nọ chống trả, cuối cùng Duy bị bắt, và giữa sự hỗn
loạn chết chóc ấy, họ thật sự mất hẳn liên lạc nhau.
Ngày đó, Ở cái thị xa
nhỏ khá yên tĩnh kia, đôi tình nhân ấy đã sống với nhau như vợ chồng, một thời
gian dài đủ để đi đâu người ta cũng gọi Hường là chị Duy, và đủ, để đến lúc
chạy loạn đó, họ vừa có với nhau một bé trai vài tháng trước, còn nấn ná chưa
khai sinh, vì không nỡ để bé mang họ mẹ.
-Em đang ở đâu?
-Rày đây mai đó, thuê
chỗ ở chung với mấy người bán vé số.
Chị vẫn ôm đầu khóc:
-Con chết rồi. Em cũng
không biết làm sao lo cho nó đây. Em hết muốn sống rồi, chết luôn ai làm gì hai
mẹ con thì làm, khỏi lo.
-Anh… anh khó khăn quá,
nghĩ nếu em còn sống, mười mấy năm nay đã đi tìm anh.
-Mấy năm đầu em có tìm
anh, mà anh thì cải tạo mịt mù, em có đi thăm được đâu, nhà cửa anh thì cứ lần
đi tìm sau khác với lần tìm trước… Rồi sau, cuộc sống em… thế đó. Hết sức, anh
ơi.
Họ lại khóc, quên đất
quên trời, trong khi mẹ Duy trên xe thì rên rỉ và tài xế thì hối, Duy như muốn
chết điếng giữa trời.
Anh ngần ngừ hỏi Hường
cây bút, rồi ghi địa chỉ của anh đưa Hường:
-Em viết thư cho anh…
-Anh có gia đình rồi
phải không?
Duy thoáng chút bối rối:
-Anh không còn đồng nào
để lo cho con lúc này, em ráng chờ vài ngày, anh đưa má về, sẽ trở vô ngay, em
cho anh địa chỉ bây giờ? Em dẫn anh đi thăm con chút xíu.
[]
Cái địa chỉ Hường cho,
ban ngày vắng ngắt, ngổn ngang mười mấy manh chiếu, chén bát soong nồi khắp
phòng, may là phòng còn một thằng bé khác, nó kể, là bạn của con Cô Hường, cũng
đi đào nhôm nhựa với bạn hôm ấy, cũng cùng bị bọn con nhà giàu kia đánh bị thương,
chúng nói là đất của chúng, cũng may không nặng đến phải nằm bệnh viện nhưng
cũng đủ để không thể lết đi kiếm ăn nổi, nên nằm nhà. Thằng bé nói, cô Hường đã
dọn đi nơi khác, biết thế nào chú cũng đến đây nên dặn cháu chuyển cái thư này
cho chú.
“Anh thương nhớ,
Mười lăm năm, đủ để
chúng ta quen không có nhau rồi. Em biết anh cũng khốn khó, cơ cực như em, mà
lại… Chúng ta không nên gặp lại nhau thì hơn, phải không anh? Giờ biết anh khó
khăn, em xót lắm, chỉ mong anh hiểu bao năm qua, (chúng ta) không quên cũng không
thể biết làm sao hơn, hoàn cảnh, anh biết đó, muốn tìm nhau thật còn khó hơn
việc bơi thúng chai vượt biển.
Còn được gặp lại nhau
một lần, được hiểu anh vẫn thương nhớ mẹ con em, chắc con cũng nhắm mắt an
nghỉ. Em biết anh vẫn nghĩ đến mẹ con em, như vậy cũng đủ cho em lắm rồi. Anh
còn bổn phận, đừng bận tâm đến em làm gì, đừng tìm em (trong lúc vừa đau thương
vì con chết, vừa mừng được gặp lại anh, em đã quýnh không kịp suy nghĩ, để lại
anh địa chỉ này. Em sai rồi).
Em rất đau lòng và biết
anh cũng vậy. Nhưng em tin anh đồng ý với em, đành vậy thôi, phải không anh.
Đừng buồn (cố gắng để không buồn), anh nhé!
Em sẽ vui khi biết anh
nghe lời em”
Tuy Hòa, Phú Yên Tháng
12-1993
No comments:
Post a Comment