Sunday, April 13, 2025

TÊN TỘI ĐỒ MẤT TÍNH NGƯỜI BÙI ĐÌNH THI TRONG TRẠI TÙ “KHÔNG ÁN” (HUY PHƯƠNG)

 


TÊN TỘI ĐỒ MẤT TÍNH NGƯỜI BÙI ĐÌNH THI TRONG TRẠI TÙ “KHÔNG ÁN”


Bùi Đình Thi, giữa đường trở lại quê hương

Huy Phương


TÙ GIAN BÙI ĐÌNH THI


Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi người tù “không án” đầu tiên đặt chưn đến Mỹ, và từ đó đến nay, ngay cả những đứa cháu nội ngoại của những người tù chính trị năm xưa cũng đã tốt nghiệp đại học, cái tên Bùi Đình Thi hầu như đã trôi vào quên lãng, không còn ai nhắc nhở đến. Nhưng vào những năm đầu của thập niên 1990’s, cộng đồng Việt Nam, nhứt là những cựu viên chức VNCH, những người đã trải qua những giai đoạn tù đày dưới chế độ Cộng Sản với mỹ danh là trại cải tạo, đều lưu ý theo dõi bản án của người tù “thi đua” trong trại tù Thanh Cẩm với tội hành hạ bạn tù, đã bị tòa án di trú San Pedro, California, công bố lệnh trục xuất về Việt Nam vào cuối Tháng Tư, 2004. Trong khi chờ thỏa hiệp của hai chính phủ Việt Nam và Huê kỳ, ông Bùi Đình Thi bị đưa đến trại giam của cơ quan di trú trên đảo Quần Đảo Marshall (Republic of the Marshall Islands) và sống tại đây cho đến khi ông qua đời. Tôi độ chừng, Bùi Đình Thi mất vào khoảng năm 2006 hay 2007, vào thời điểm Huê Kỳ và Việt Nam chưa có Thỏa Hiệp Trục Xuất, được hai bên ký kết vào ngày 22 Tháng Giêng, 2008. Khoảng năm 2006 tình cờ có đến nhà sách Tú Quỳnh ở Bolsa, tôi thấy một gói sách sắp được gửi đi cho người đặt mua là Bùi Đình Thi, đó là thời gian ông được đưa ra đảo Marshalls.

Bùi Đình Thi qua đời lúc nào không ai hay biết, có lẽ chỉ gia đình ông mới được thông báo mà thôi! Ngay cả ông Alan E. Fowler, bộ trưởng Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Marshalls Islands, cũng trả lời bà Hà Giang báo Người Việt một câu vô trách nhiệm: “Tôi không rõ ông qua đời lúc nào.”


Tin Bùi Đình Thi qua đời đã dấy lại một dư luận lên án Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, một nạn nhân của sự tàn bạo mất hết tính người của Bùi Đình Thi, người đã đánh chết hai người bạn tù thân thiết của ông ngay trước mắt ông. Khoảng năm 1993, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ từ New Zealand đã viết những loạt hồi ký đăng trên tuần báo Sài Gòn Nhỏ kể lại những chuyện đã xẩy ra trong trại tù “không án” Thanh Cẩm ở Bắc Việt, khi Bùi Đình Thi là tên “thi đua“cho trại, lạm dụng quyền hành hay được bọn cai tù làm lơ, để cho y tra tấn và đánh đến chết những người vượt trại, trong đó có cựu Dân Biểu Đặng Văn Tiếp, và một tù nhân khác tên là Lâm Thành Văn, và sau đó để cho ông Văn chết đói. Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ là một nạn nhơn còn sống sót sau những trận đòn điên cuồng, khát máu của Bùi Đình Thi và ông thề “Tôi Phải Sống” như nhan đề tập hồi ký của ông, để trả món nợ máu này.


Nhưng sau đó, khi sang Huê Kỳ, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ đã đến thăm gia đình Bùi Đình Thi, tỏ ý tha thứ cho Thi và chụp hình chung thân mật với gia đình Thi. Liệu chúng ta đã chịu cảnh tra tấn, đánh đập tàn nhẫn bởi một tên coi tù độc ác như vậy, chúng ta có làm được một hành động như Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ không? Và còn những cái chết oan khuất của những người bạn tù khác, ai trả mạng sống cho họ? Trước khi chúng ta đòi hỏi sự bác ái, tha thứ, xã hội cần phải có sự công bằng. Bùi Đình Thi đã giết người dưới sự che chở của cộng sản, lại được lên một chuyến xe lửa với những nạn nhơn khổ đau của cộng sản, thế gian này đâu còn lẽ công bằng!


Tại tòa án San Pedro, chúng ta cũng biết nguyên đơn là Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, một người chuyên tranh đấu cho nhơn quyền, cũng là giám đốc Boat People SOS có trụ sở tại Virgina, đã tố cáo các hành vi của ông Thi với Sở Di Trú Huê Kỳ và Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ chỉ là một trong những nhơn chứng của vụ án. Liệu chúng ta có thể nói ngược lại những gì đã xảy ra trong trại Thanh Cẩm để làm nhẹ tội cho một người có những hành động như Bùi Đình Thi hay không? Phải là một người tù trong trại tập trung của Việt Cộng, trải qua những ngày khốn khổ, đói rét và nhất là dưới sự đối xử tàn bạo của bọn cai tù và với sự tiếp tay hà khắc của bọn “thi đua,” “đội trưởng,” bọn “cáo mượn lốt hùm,” đánh đập, chèn ép khiến để những bạn tù của chúng ta phải tự tử, mới hiểu biết những gì chúng ta đã được nghe tường thuật lại từ địa ngục Thanh Cẩm. Nhưng không có trại tù nào xẩy ra việc “thi đua” đánh bạn tù đến chết như trường hợp Bùi Đình Thi và cuối cùng nạn nhân cũng như thủ phạm cũng mang nhãn hiệu “tỵ nạn” đến Huê Kỳ như nhau. 


Chúng ta không thể chê trách gì Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ. Có những phiên tòa mà cha mẹ nạn nhơn bị giết chết xin tòa giảm án cho thủ phạm, nhưng cũng có những phiên tòa gia đình nạn nhơn đòi bản án tử hình. Gia đình chúng ta có hứng chịu nỗi đau khổ oan khuất như gia đình cựu Dân Biểu Đặng Văn Tiếp và Giáo Sư Lâm Thành Văn chưa? Sau khi ra tù, Bùi Đình Thi và chúng ta đều được định cư tại Mỹ, sống cuộc đời tự do no ấm, thì các nạn nhơn chỉ còn là những nắm xương lạnh lẽo trong những nấm mồ xiêu lạc trên đất Bắc, vậy chúng ta đi đòi hỏi công bằng bác ái cho ai trên trái đất này?


Trong hàng nghìn trại tù của cộng sản trên đất nước, không phải chỉ riêng ở Thanh Cẩm mới có tù vượt trại. Tại Hoàng Liên Sơn, Đại Úy Trần Văn Cả đã vượt trại ba lần, lần thứ ba với những người tù hào kiệt như Lê Bá Tường (BK Dù), Đặng Quốc Trụ (K.20 Đà Lạt), Vương Mộng Long (BĐQ Biên Phòng), dù bị bọn coi tù đánh đập tàn nhẫn họ đã trở về nguyên vẹn hình hài, vì may mắn trong những trại này không có ai là Bùi Đình Thi, người cùng chiến tuyến làm “trật tự-thi đua.” Vậy thì chúng ta đừng lấy chuyện gói muối, sợi dây để “đổ tội” cho những người này hay người khác. Những ai chưa chịu cảnh tù đày, khốn khổ và sống trong tột cùng địa ngục, xin đừng rao giảng nhân nghĩa, bác ái và dạy người khác phải thương yêu, tha thứ.


Khi nghe tin Bùi Đình Thi sẽ bị tống xuất về Việt Nam và gia đình không can dự, nhiều ý kiến cho rằng đáng lẽ gia đình Bùi Đình Thi cũng phải liên lụy vì chính chiếc vé nhập cảnh gian dối của Thi đã đưa toàn gia đình đến Mỹ bất hợp pháp, chánh ở điểm này chúng ta mới thấy nước Mỹ nhơn đạo dường nào. Mặt khác, trong khi chúng ta có bao nhiêu người tù “không án” năm xưa hăm hở trở lại thăm Việt Nam, thì việc Bùi Đình Thi “bị” trả về Việt Nam với một “hậu cứ” tám đứa con ở Mỹ, đâu còn là một hình phạt.


Tuy vậy, mọi việc không xảy ra như gia đình Bùi Đình Thi mong muốn và như chúng ta đã tưởng. Trong một “trại tập trung” của cơ quan di trú Mỹ, thì cũng là một trại tù, trên một hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương, giữa đường từ Hawaii đến Úc, trong một quốc gia xa lạ mà hầu hết chúng ta mới nghe tên lần đầu, Republic of the Marshall, Bùi Đình Thi đã không về tới được quê hương, đành chết ngậm ngùi, trong nỗi tuyệt vọng như người tù Papillon trên hoang đảo ngày nào.

Nhơn vật phải gánh chịu nhiều nỗi đau nhứt trong tấn thảm kịch này chánh là chị Bùi Đình Thi, người vợ tù đã bao năm nuôi con, tiếp tế cho chồng, cuối cùng phải sống trong sự tủi nhục, khép kín, xa lánh cộng đồng vì búa rìu dư luận bởi những hành động của chồng.

Cuối cùng rồi thì người tốt kẻ xấu, người ngay kẻ gian cũng phải ra đi, nhưng không phải cái chết nào cũng giống cái chết nào, thiên đàng, địa ngục không ở cùng một nơi.


-------------------------------------------------------------------------

TÙ GIAN BÙI ĐÌNH THI

- Đêm rạng sáng ngày 2 Tháng 5, 1979, 5 người tù chánh trị vượt ngục ở Trại Tù Thanh Cẩm, Bắc Việt Cộng. Đó là các ông: Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, Giáo sư Nguyễn Sĩ Thuyên, Thiếu Tá Đặng Văn Tiếp, Đại Tá Trịnh Tiếu, ông Lâm Thành Văn. Hai ông Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Sĩ Thuyên là nhơn vật chánh trị của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, hai ông Đặng Văn Tiếp, Trịnh Tiếu là sĩ quan Quân Lực Việt Nam CH, ông Lâm Thanh Văn là công dân Quốc Gia Việt Nam CH, bị bắt vì tham gia tổ chức Phục Quốc. Năm tù nhân chánh trị liều mạng tìm cái sống trong cái chết. Các ông thất bại ngay trong bước đầu của cuộc vượt ngục: bị giam trong khu gọi là “kiên giam”, trong đêm năm ông khoét được tường phòng giam chui ra ngoài, nhưng hai ông Trịnh Tiếu, Lâm Thành Văn quá yếu sức, không vượt được bức tường bao quanh trại. Ba ông Đặng Văn Tiếp, Nguyễn Sĩ Thuyên, Nguyễn Hữu Lễ thoát ra đến dòng sông gần trại thì trời sáng, ba ông phải nấp trong một hốc đá bên bờ sông. Bọn cai tù đuổi theo, bắt được ba ông, chúng đánh ba ông tàn bạo, ác liệt ngay tại bờ sông. Nhưng tên hành hạ các ông, tên đánh chết, giết chết hai ông trong số năm ông lại là một anh tù cũng như các ông. Anh tù khốn kiếp này tên là Bùi Đình Thi, nguyên Đại úy Quân Lực Quốc Gia Việt Nam CH. Vào tù, Bùi Đình Thi tự nguyện làm “trật tự viên” giúp bọn cai tù giữ “trật tự” trong trại.


Những ngày như lá, tháng như mây… 1979… 1992… Mười mấy năm sau năm hai tù nhân chính trị Đặng Văn Tiếp, Lâm Thành Văn bị tên tù gian Bùi Đình Thi đánh chết và bỏ đói đến chết ở trại tù cộng sản Thanh Cẩm… Sống sót trở về từ trại tù Bắc Việt Cộng, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ sang sống ở New Zealand. Ông viết về cuộc vượt ngục Thanh Cẩm của các bạn tù của ông và ông, ông kể rõ tên Bùi Đình Thi đã đánh chết Thiếu Tá Đặng Văn Tiếp, làm chết ông Lâm Thành Văn. Tên tù gian Bùi Đình Thi đi Hát Ô sang Cali. Tháng Tám năm 2003 có tin nhà đương cục Huê Kỳ đã mở cuộc điều tra về vụ Bùi Đình Thi, đã thấy Bùi Đình Thi có tội, đã bắt giam y và làm thủ tục tống xuất y về Việt Nam. Lý do tống xuất: những người can tội làm hại đến nhơn quyền của những người khác không được sống ở Huê Kỳ.


Bài viết của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã được công bố nhiều lần trên nhiều báo Việt ngữ ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn còn nhiều người Việt chưa được biết rõ nội vụ. Thêm nữa nhiều vị độc giả ở Gia nã Đại, ở Úc đại Lợi, chưa có dịp đọc bài viết của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, nên chưa được biết rõ về nguyên do chánh phủ Huê Kỳ trục xuất một người Việt tên là Bùi Đình Thi, tôi trích đăng vài đoạn trong bài viết của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ như sau:


Một trường hợp của Lương Tâm.

Người viết: Linh mục Nguyễn Hữu Lễ.

Bùi Đình Thi và Trương văn Phát, mỗi anh một bên nắm hai cổ tay tôi, kéo lê về trại, lưng và mông tôi lết trên mặt đường đá cục, đau đớn không chịu được, nhưng biết làm gì hơn? Chúng kéo tôi thẳng vô sân trại, vất nằm ngửa trên nền xi-măng của hội trường.Nằm yên một chốc, tôi mê đi không còn biết gì nữa. Chẳng biết mê man như thế bao lâu vì lúc đó tôi đã mất hết ý niệm về thời gian. Lúc chợt tỉnh lại, tôi mở mắt ra, thấy Bùi Đình Thi đang cầm sô nước lạnh giội lên mặt tôi. Vừa thấy tôi tỉnh lại, anh ta vội đặt cái sô xuống và nhanh như con hổ sợ con mồi vuột chạy mất, nhảy chồm lên, hai tay kéo một cánh tay tôi kéo thẳng lên, đồng thời dùng gót chân đạp một cách điên cuồng vào ngực, vào bụng tôi, miệng anh ta sùi bọt mép, nghiến răng trợn mắt nói như muốn hụt hơi: “Đ.m. mày Lễ, ăn cơm không muốn mày muốn ăn cứt, mày muốn chết tao cho mày chết!”Lúc ấy nằm ngửa nhìn lên, tôi bắt gặp cặp mắt của Bùi Đình Thi, một hình ảnh mà tôi còn cảm thấy kinh hãi cho đến giờ này: một cặp mắt đỏ ngầu như máu, hai tròng con mắt lồ lộ ra ngoài như mắt của một người treo cổ tự tử mà vì bổn phận có lần tôi đã chứng kiến. Chưa bao giờ và tôi nghĩ là cũng chẳng bao giờ, tôi thấy cặp mắt của ai như mắt Bùi Đình Thi lúc đó. Đánh đập chán chê anh ta bỏ tôi nằm yên. Sau này tôi mới biết anh ta bỏ tôi để quay sang “thăm” hai anh Đặng Văn Tiếp và Nguyễn Sĩ Thuyên đang nằm gần đó. Tôi lại đi vào cơn hôn mê một lần nữa. Khi tỉnh lại, tôi thấy Bùi Đình Thi đang cầm hai chân tôi kéo lê lên các bậc thang đúc bằng xi-măng từ sân hội trường sang khu kiên giam. Lưng và đầu tôi va mạnh vào những bậc thang (12 bậc), làm tôi bừng tỉnh lại và nhờ đó tôi mới chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khác: Cảnh “Đại úy” Bùi Đình Thi giết chết Thiếu Tá Đặng Văn Tiếp.……Bùi Đình Thi kéo tôi vào lại buồng cũ, nơi mà chúng tôi vừa khoét tường vượt ngục đêm qua. Chắc chắn một điều là Bùi Đình Thi tưởng tôi đã chết rồi nên mới lôi đầu tôi vào phòng trước, đặt tôi nằm quay mặt nhìn ra sân, nhờ thế tôi nhìn thấy tội ác tày trời của anh ta. Nếu biết tôi còn sống, có lẽ Bùi Đình Thi đã ban cho tôi một vài “cú ân huệ” rồi! Vừa quẳng tôi vô buồng, Bùi Đình Thi vội quay trở ra cửa khu kiên giam, đẩy mạnh anh Tiếp vào. Từ lúc thâý anh Tiếp bị đánh ở bờ sông cho đến lúc đó là bao lâu tôi cũng không thể đoán được vì trí nhớ của tôi lúc ấy bị rối loạn. Anh bị đòn nhiều ít thế nào tôi cũng chẳng hay. Tôi chỉ biết lúc đó trông anh còn có vẻ khá hơn tôi, tuy dáng anh trông tả tơi nhưng anh còn đi đứng được. Tôi nghe có cả tiếng phụ nữ, chắc là vợ con cán bộ nghe tin cũng đã chạy tới xem cảnh hành hạ tù vượt ngục. Tôi không biết ai đã quật anh Tiếp ngã xuống, nhưng tôi thấy rõ Bùi Đình Thi, và chỉ có một mình Bùi Đình Thi mà thôi, nhẩy chồm tới cầm tay anh Tiếp kéo lên, rồi dùng gót chưn dậm một cách điên cuồng lên ngực, lên bụng anh giữa tiếng chửi bới và cổ võ của một lũ cán bộ.Nằm nhìn cảnh ấy, tôi biết là anh Tiếp không thể chịu nổi những cú đòn hiểm độc này của Bùi Đình Thi. Không rõ Bùi Đình Thi hành hạ anh Tiếp trong bao lâu cho tới khi tôi nghe tiếng anh kêu lên thật to…: “Con chết…, Mẹ ơi..!” Đó là câu nói cuối cùng của đời anh!…..Mấy ngày sau tôi được biết hai anh Trịnh Tiếu và Lâm Thành Văn cũng bị đánh đập tả tơi và đang bị cùm chân trong nhà kỷ luật cũ, còn được gọi là “Nhà Đen” (vì mái nhà lợp bằng thứ giấy nhựa mầu đen.)Trước khi chúng tôi vượt ngục, trại cho tù ăn sắn thường xuyên, nhưng anh Lâm Thành Văn, vì đau dạ dầy, vẫn được ăn cháo với muối, nhờ vậy từ khi có kế hoạch vuợt ngục chúng tôi đã để dành được một ít muối, phòng lúc ra rừng có muối mà ăn. Tới ngày vượt ngục, chúng tôi gom góp được non bát muối. Bùi Đình Thi đã xét thấy số muối đó trong túi của tôi khi tôi bị bắt lại. Đây chính là nguyên nhân cái chết của anh Lâm Thành Văn. Sau khi anh Văn bị cùm chân, Bùi Đình Thi không cho anh Văn ăn cháo nữa, mặc dầu tiêu chuẩn của trại vẫn còn. Khi cháo cho tù được mang tới khu kỷ luật, Bùi Đình Thi đá bát cháo của anh Văn đi, bắt anh Văn ăn khoai hay ăn sắn, những thứ mà anh Văn không thể nào nuốt được. Bữa ăn nào anh Văn cũng kêu van, năn nỉ, nhưng Bùi Đình Thi trả lời một cách dứt khoát: “Cho ăn cháo để chúng mày lấy muối trốn trại à? Không ăn sắn được thì chết!”Anh Trịnh Tiếu kể lại rằng trong suốt mấy ngày đó anh Văn không có gì để ăn, anh chỉ uống nước cầm hơi. Sáng sớm hôm đó, anh Văn nhờ anh Tiếu đỡ anh ngồi lên. Với một chân trong cùm, chân kia co lại, anh ngồi gục đầu trên hai cánh tay khoanh trên đầu gối. Anh ngồi yên trong tư thế này như anh vẫn thường ngồi thường ngày.….Rồi anh Tiếu thấy anh Văn gục mạnh xuống và không gượng dậy được nữa, anh vội đỡ anh Văn lên nhưng người anh Văn đã mềm nhũn…


Không nhân danh bất cứ cái gì cả, tôi, người viết những dòng này, một công dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, tôi nói việc vạch tội bọn có tội giết người là đúng, việc đuổi cổ tên tù gian Bùi Đình Thi về sống với bọn đảng viên cộng sản Việt Nam là việc phải làm. Đây không phải là việc trả thù, đây là việc mà người Việt Nam nào cũng phải làm. Ta không làm việc này vì chúng ta, chúng ta làm vì những người anh em của chúng ta đã chết vì sự tàn ác của bọn đảng viên cộng sản.

Vạch tội những tên mặt người, dạ thú như tên tù gian Bùi Đình Thi cũng là việc vạch tội bọn đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. Tội ác của chúng đã cao như núi, đã dài như sông, nước biển đông, biển tây, biển bắc, biển nam rửa ngàn năm không sạch tội chúng, nhưng vì tội ác của chúng làm với dân tộc chúng ta lớn quá, nặng quá, ác độc quá, rùng rợn quá, chúng ta vẫn cứ phải vạch tội chúng. Chúng ta phải vạch tội chúng bây giờ và mai đây chúng ta vẫn phải vạch tội chúng sau khi chúng bị nhân dân ta nhổ vào mặt, bợp tai, đá đít, đuổi đi, như bọn đảng viên anh em của chúng ở những nước Hung, Tiệp, Ba Lan, Lỗ.. đã bị nhân dân Hung, Tiệp, Ba Lan, Lỗ… nhổ vào mặt, bợp tai, đá đít…! Chúng ta phải làm cho con cháu chúng ta biết những tội ác của bọn Việt Cộng, chúng ta có bổn phận phải làm việc đó. Vì những người Việt Nam đã chết thê thảm trong ngục tù ác quỉ cộng sản, chúng ta phải vạch tội bọn cộng sản!


Tôi không sướng khoái gì với việc tên tù gian Bùi Đình Thi bị tống ra khỏi Hoa Kỳ, tôi thấy nhục, tôi thấy buồn. Nhưng tôi vẫn thấy việc vạch mặt những tên bợ đít bọn Việt Cộng, những tên tù làm hại bạn tù để mưu lợi riêng, là việc phải làm. Chúng ta phải làm việc vạch mặt ấy vì những người anh em ta đã chết vì cộng sản. Nếu bị cho là người nhỏ nhen, tôi nhận tôi là người bụng dạ nhỏ nhen. Nếu bị trách phạt “Sao ngươi không biết tha thứ?”, tôi xin thưa:

— Xin Ngài thương! Con không có quyền tha thứ. Tha thứ hay không là quyền của những anh em con đã chết vì sự tàn ác của chúng nó!

 

No comments: