Tuesday, April 22, 2025

MƯA MẶN (ĐẶNG KIM CÔN)

 

Đặng Kim Côn

 


Mưa Mặn

 

Mưa bắt đầu lắc rắc. Mới Tháng Hai âm mà trời cứ mưa suốt, mưa như những cơn mưa dầm gọi là “mưa chín chiều” của Tháng Chín, Tháng Mười.

Đám rừng thưa, cây cối thấp lè tè mọc trên đồi cát trắng kéo dài dọc đường tàu lửa, cũng bất chợt ủ dột dưới đám mây mù thấp trên đầu, hứa hẹn cây mưa tầm tã sắp tới. Cách đó năm bảy chục mét, lác đác mấy căn nhà tranh, vọng tới tiếng chó sủa từng chặp, từng chặp...

Chúng sủa một đám người trên đồi cát đang nín thở cặm cụi đào thật nhanh. Một phụ nữ, khoảng gần năm mươi, đốt nguyên bó nhang cắm bên cạnh đó, nước mắt đầm đìa. Chị dâu cả, ôm đứa con gái bốn tuổi, ngồi bên cạnh bà khóc. Bốn đứa con bà - cậu Ba, mất tích hăm mấy ngày nơi mặt trận Pleiku, được tin là đã chết, ở nhà đã lập bàn thờ cúng, mới bất ngờ trở về bốn ngày với hai chân bị thương sưng tấy, Cô Tư, theo chồng ở Ban Mê Thuột thất tán trong rừng, chồng bị bắt, cũng mới về hơn tuần với bụng bầu è ạch gần ngày, Cô Bé Sáu mới lớp chín, và cậu Út bảy tuổi - quỳ cách miệng hố mấy mét, cũng khóc. Và nếu không phải để ở nhà hai đứa con, một trai một gái, để trông em và cháu nhỏ, cũng như nếu cậu Hai, cậu Năm không bị đi “tập trung cải tạo” thì ở bên miệng hố đang mở dần nhờ một anh hàng xóm, một cậu học trò cũ của chồng bà và anh tài xế xe Daihatshu bốn bánh, vốn là anh con ông bác của nàng dâu bà, có đủ chín đứa con, hai đứa cháu nội, một dâu và một rể,

Miệng hố đã được mở rộng ra, bày rõ hai cái xác bị trói quặt bằng dây điện, đâu lưng lại nhau. Chắc tại mấy hôm này trời cứ nắng mưa, mưa nắng làm cho xác bốc mùi nhanh hơn, cũng như nhiều chỗ da bị bỏng rộp lên. Tuy thi thể lem luốc những cát, nhưng mọi người vẫn nhanh chóng nhận ra xác của người muốn tìm: ông Thừa, chồng bà, và là cha của những người con đang gục đầu xuống mặt cát khóc rưng rức kia.

Người ta cắt vội sợi dây điện, tách hai thi thể ra, nhẹ nhàng trả lại hố một xác, lấp lại. Bà Thừa đã biết chắc cái xác nằm lại đó là ai, bà ghi nhớ trong lòng, lúc này không phải là lúc có thể báo cho thân nhân anh ta biết được.

Tiếng khóc cắn trong răng, Bà lăn vào ôm lấy xác chồng, mân mê cánh tay có xâm hai chữ Hán “Trung Hiếu”, cùng với mấy người lau sạch đất cát bám đầy tai, mắt, mũi, miệng, và những chỗ da thịt khác, làm cho mấy chỗ bỏng rộp bị tuột da. Người ta đổ rượu để bóp ngay ngắn lại tay chân tử thi, nhưng không có kết quả, đành chịu cho cái xác cứ co quắp trong cái quần tây xám, cái áo sơ mi trắng cũ và một áo len xanh, tròng thêm vào bộ áo quần vải tám trắng, khiêng đặt vào chiếc quan tài mà bà mới mua chịu của một người quen tốt bụng.

Nãy giờ nhà sư trụ trì Chùa Long Quang, cũng là một ông anh họ xa của người xấu số, không ngừng lầm thầm cầu kinh, những biến kinh cầu siêu cho vong linh, cầu an cho nhân thế. Nhà sư nhắm nghiền mắt, lầm thầm, không mõ không chuông, thỉnh thoảng người ta nghe được “Kinh khủng quá, A Di Đà Phật”

Mọi người không cầm được nước mắt, mỗi người một tay đưa chiếc quan tài lên chiếc xe bốn bánh, rồi tất cả được dồn hết lên xe, lầm lũi hướng ra nghĩa trang. Miệng hố sẽ lại phẳng lì như bãi cát mông mênh, phẳng lì như quanh đó, cách hơn mươi mét, năm bảy hố tập thể mà bà đã moi trong mấy ngày kiếm tìm xác chồng. Những hố đó rồi sẽ mất hút vào mưa gió, trong nước mắt người thân mong đợi dõi đến cuối đời, và trong góc tối tăm của những trái tim cuồng bạo. “A Di Đà Phật, ác quá đi”, vị sư cũng không ngăn được nước mắt.

Dưới cơn mưa nặng hạt, những giọt nước mắt nghẹn trong lòng đã tuôn ra nhòe nhoẹt, chảy mặn xuống môi miệng, mặn cả đường đi.

Tiếng khóc cũng vỡ òa ra, hòa trong tiếng máy xe hốt hoảng, hồi hộp, cùng tiếng mưa xé lòng đang rì rào trên mui xe.

 

[]

 

Tiếng khóc vỡ òa ra để hòa nhập vào một biển nước mắt bởi một biến cố quá lạ lùng cùa lịch sử. Sau 1975. Lúc mà chiến tranh chấm dứt. Lúc mà mọi người không còn lối thoát, bị vây bủa tứ phương. Chỉ còn cách duy nhất là quay về… Ít ra, trong lòng cũng còn chút an ủi, Việt Cộng sau 75 sẽ không còn là của một thời trước 54 mà họ đã sống. Hòa bình, có ăn cơm với muối mà lòng không còn lo tản cư, không phải đào hầm trú bom thì cũng là hạnh phúc…

Ông về buổi chiều, thành phố tiều tụy, lảo đảo như dáng đi của ông. Trong căn nhà thuê sáu năm qua, từ ngày bỏ ruộng vườn tản cư vào thành phố, đây là lần đầu tiên cả gia đình sum họp đầy đủ, lần đầu tiên trút bỏ những âu lo cho đàn con tứ tản mỗi đứa một chiến trường, nhất là cậu Ba về quá trễ, sau những ngày ở nhà đã khói hương nghi ngút bên tấm ảnh của cậu. Đêm ấy ông bà nằm bên nhau trăn trở, trong cái không khí ngột ngạt, căng thẳng. Từng chặp thảng thốt giật mình theo tiếng chó sủa, hay tiếng động nhỏ bên ngoài. Nỗi lo lắng đã làm cho bệnh đau dạ dày của ông trở cơn, phát sốt. Bà lấy cái áo len mặc cho ông, chưa đủ, ông phải trùm thêm một chiếc mền, mê đi. Trong mê, ông thấy vợ chồng nằm ở ngôi nhà mới ngoại ô mà ông chưa được sống ở đó một đêm nào.

Không riêng ông Thừa, mấy đứa con trai lớn của ông cũng như ngồi trên đống lửa, nhiều chuyện thanh toán, chết chóc, mất tích được đồn đại. Qua một đêm, mấy anh em rủ nhau đi nghe ngóng tin tức. Bà Thừa nấu nồi cháo cho ông và cả nhà ăn sáng. Dạ dày ông vẫn đau âm ỉ và cơn sốt chừng như muốn tăng lên. Những ngày này các tiệm thuốc đóng cửa hết, đành ôm bụng chịu đau. Một chiếc xe Jeep nhà binh dừng trước cửa nhà, ba người mặc đồ bộ đội, dép cao su, nón tai bèo cầm súng xộc thẳng vào nhà, mắt láo liêng hỏi tên ông Thừa, trói tay ông và đưa ông ra xe, chở lên Chi Cảnh Sát cũ, bây giờ là cơ quan an ninh gì đó, cách nhà hơn hai trăm mét.  Bà kịp nhận ra một trong ba du kích đó là Tràng, em ruột của tên phó an ninh Mai Tình, người hàng xóm ngoài nhà mới của ông bà. Nồi cháo vẫn chưa kịp chín.

Người ta không nói năng gì tới ông một tiếng, đến cả lấy tên tuổi cũng không, có lẽ chúng đã có sẵn danh sách rồi. Đến bữa trưa bữa chiều, nhà xách cơm lên, ông được ra ngoài ngồi ăn, có người đứng canh giữ, chả phải tử tế gì, phòng giam tối quá, chật quá. Hôm sau nữa thì đứa con trai lớn của ông theo lệnh, chuẩn bị năm ngày gạo, tập trung tại nhà hát cạnh nơi ông đang bị giữ. Lúc đó ông đang ngồi trước sân, trầm ngâm ghi gì đó lên một chiếc hộp diêm. Cậu con trai ghé vào thăm ba, lấm lét nhìn tên lính canh vừa bước ra cổng, nói nhỏ:

-Con cũng bị tập trung, chúng nói học năm ngày về.

-Ba không nghĩ vậy, con có chuẩn bị thuốc men chưa?

-Dạ có, Ba. Nó có nói gì Ba không?

-Không, chắc không sao đâu, ít gì ngày xưa ba cũng đã từng là cán bộ Việt Minh, chỉ là vì má con sinh em con đúng vào ngày phải tập kết ra Bắc, nên ba đã trốn lại, rồi bỏ không hoạt động đến nay. Ba thấy thằng Nguyễn È ở ngoài quê, thằng Mai Tình xóm nhà mới. Tụi nó có vẻ làm lớn.

-Dạ, nghe nói hai thằng đó là trưởng phó gì ở đây. Mà vậy thì sao nó bắt ba?

-Ba nghĩ, học trò võ của ba nhiều quá, có nhiều đứa làm lớn. Chắc nó muốn điều tra. Thằng Mai Tình thì ngày xưa còn ở xóm nhà cũ với nó, nó con nít nghịch ngợm bậy bạ với chị nó, có lần bị ba bắt gặp la mắng nó, thì cũng là dạy dỗ nó thôi, sau này nó nhảy núi, nghe nói nó cứ về rình rập nhà mình, đó cũng là lý do gia đình mình phải tản cư lần nữa vào đây.

-Dạ, mong chỉ là điều tra. Ba thấy trong người ra sao?

-Vẫn sốt, bụng còn đau quá.  Càng lo lắng, dạ dày càng bị trào ngược, buốt cả ngực.

-Ba xanh quá. Má nói thuốc men lúc này mua cũng khó. Nhà đem gì lên Ba ráng ăn uống. Con đi.

-Ừ, con đi.

Ông gỡ cặp mắt kính xuống nhìn theo đứa con thân yêu...

Và đó là ngày cuối của ông. Sáng hôm sau, khi bà Thừa xách gà-mèn cháo, cùng với hộp thuốc đau bao tử mới mua được chiều hôm trước lên thăm ông thì không còn gặp ông nữa. Người ta nói là đưa ông đi cải tạo rồi. Thì cũng có nhiều người phải đi cải tạo, nhưng mấy ai đi mập mờ như thế này. Có một linh cảm không lành, làm bà mềm rũ hai chân, sụp xuống ngất đi. Không biết bao lâu bà tỉnh dậy, cũng vẫn trước thềm cơ quan, một mình. Muốn xỉu đến bao giờ cứ xỉu, chả ai rảnh để phải có trách nhiệm lo cho bà.

Thất thểu về nhà, bằng đôi chân muốn tê dại, bà đi như điên cuồng khắp các vùng quê lân cận để tìm tung tích ông Thừa, mà đã có tin là chính Mai Tình đã gọi tên ông và một người nữa ra khỏi phòng giam trói lại đưa lên xe chở đi trong đêm tối. Nghe ở đâu có người chết là bà tìm tới, và chỉ mới mấy cụm rừng quanh khu nhà mới, bà đã gặp qua mười mấy xác chưa kịp chôn cất cũng như bà đã đào bới hàng mấy chục hố hầm, nơi cát trên miệng hố còn chưa kịp cũ, cũng có những cái hố đào sẵn chưa lấp, đợi người xấu số. Tìm, nhưng vẫn thầm lạy Trời Phật đừng bao giờ gặp. Lạy Trời Phật giữ giùm ông nguyên vẹn ở một trại tù nào đó. Những xác bà gặp trong những hố hầm kia, mấy ai sẽ được thân nhân tìm thấy, sẽ muôn đời nằm im lặng, gió cát sẽ san bằng mọi dấu vết tàn ác trên mặt đất. Rồi vợ con, anh em của họ, sẽ mòn mõi mong chờ, hy vọng một ngày nào… mãi đến cuối đời.

Và giữa trời đất u ám mênh mông ấy, bà đã tìm thấy xác ông, sau khi bà bắt gặp trên miệng hố một cái hộp diêm có mấy chữ của ông, đại khái chuẩn bị mấy câu trả lời nếu bị thẩm vấn, một cái lược và chính cặp kính chữ của ông. Không phải khóc ngất lên, không phải ngã ra xỉu như phim ảnh hay tiểu thuyết, bà lặng lẽ cắn môi, lấp sơ một lớp cát, chạy vội đến ủy ban xã, cách đó hai cây số và chỉ cách nhà mới của bà chừng vài trăm mét, làm đơn xin lấy xác. Không ai trong ủy ban ngạc nhiên về chuyện này, họ lạnh lùng phê mấy chữ ““cho lấy xác chôn để khỏi mất vệ sinh”. Có được cái giấy bà mới nhờ tới người đào, xe đưa, mua quan tài và thỉnh Thầy tụng kinh… Mấy ngày liền bà không có thì giờ để lên thăm một con trai và một con rể ở cách nhà năm cây số, chờ đưa lên núi cải tạo. Thậm chí cũng chỉ nghe tin cậu Năm, đang là học sinh lớp mười một, mang thức ăn lên cho hai anh, đi giữa đường bị một đám du kích, trong đó lại cũng có Tràng, em Mai Tình, chặn lại xét giấy tờ xe Honda, vì không mang giấy tờ theo (chỉ vì giấy tờ xe nằm trong ví của ông Thừa, bận rộn, thấy chưa cần thiết lấy ra dùng), xe bị tịch thu vĩnh viễn và người thì bị đưa đi cải tạo không cần lý do! Giờ thì Năm đang ở đâu, bà không làm sao biết.

Cũng ngày hôm đó, chị con dâu của bà về nhà mới quét dọn, đã gặp chị ruột của Mai Tình, là vợ một bí thư gì ấy, đến mượn chìa khóa nhà, lý do nhà vắng chủ. Không có giấy tờ gì cho việc lấy nhà.

 

[]

 

Người đàn bà khổ mạng hôm lấy xác đó chính là Mẹ tôi, cái xác đó là Ba tôi và cậu bé bảy tuổi có mặt hôm ấy là tôi, cách đây hai mươi mốt năm, ngày mà Miền Nam Việt Nam chúng tôi bị rơi vào tay Việt Cộng. Không có cuộc tắm máu công khai nào, nhất là trên các thành phố lớn, nơi có tai mắt quốc tế (cũng thuộc loại tai mắt thiên tả) đang được chế độ mới vuốt ve o bế. Nhưng những cái chết lặng thầm tức tưởi ở những tỉnh nhỏ như Ba tôi thì không phải là con số có thể đếm được.

Gia đình chúng tôi không còn chỗ ở sau khi căn nhà thuê cũng bị quản lý, chính quyền ép về quê cũ, nằm gần bờ biển. Tất cả chị em tôi đều phải bỏ học, lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ để chèo chống cho qua những ngày tháng thiếu đói mà một mình Mẹ tôi khó gồng gánh nổi. Tôi chăn bò thuê cho một ông cậu họ xa, nói chính xác là chăn bò để được ngày hai bữa ăn, ngày ngày thả bò trên mấy cụm đồi cỏ ven quốc lộ. Đêm đêm phụ ông bán xăng dầu lậu cho xe xuôi ngược qua lại. Nói là phụ, nhưng rất nhiều đêm ông giao hẳn cho tôi, gần như là chia phiên cho tôi bán ban đêm, ông bán ban ngày. Lúc đó xe cộ muốn đổ xăng thường chỉ cần thấy một cái chai không, đặt đứng bên lề đường (hôm nay chỗ này, mai chỗ khác để tránh công an) thì biết đó là điểm bán xăng. Một đêm, bất ngờ có một chiếc xe đỗ ngay chỗ bán xăng của tôi, nhưng không phải để đổ xăng, mà để trút xuống hơn ba chục người từ thành phố ra để mượn con đường vắng vẻ này xuống biển. Bất ngờ gặp tôi, mọi người khựng lại, có phần lo lắng cho hành tung của họ, sau chừng năm phút bàn bạc về việc định đoạt ra sao số phận của tôi, một người hỏi: “Mày có muốn vượt biên không?” Một chút bất ngờ, nhưng nỗi vui mừng làm tôi bất giác quỳ xuống:

-Con lạy mấy bác mấy cô, cho con theo với…

Vừa nói tôi vừa khóc, nhắc tên của Ba tôi. Quả nhiên, trước đó có người còn ngần ngại, khi nghe tôi nói, ai cũng đồng tình, người gọi tôi bằng con, người gọi bằng cháu. Cái tên của Ba tôi lớn quá, nhất là đối với những người lòng còn ở phía bên này. Nhóm vượt biên cũng đã nghiên cứu kỹ, bãi đã được họ mua, và những người “bán” cũng lợi dụng đêm làng chài tổ chức hội hát lăng này, (lệ mỗi năm hai lần để tạ ơn Ông Nam Hải, cầu Ông gia hộ cho sóng yên bể lặng, ra khơi bình an, tôm cá được mùa. Ở quê biển, lệ hát lăng không thua gì Tết, ai cũng nô nức đổ dồn về vui chơi, xem hát, tình tự, hẹn hò) để làm như vì đám hát mà những quan quân trách nhiệm lơ là việc canh phòng, tuần tra. Vậy là tôi nhận nhiệm vụ cùng với một bạn nhỏ trong đám, đi trước dò đường, nếu có gặp gì nguy hiểm, một trong hai chúng tôi quay lại báo động.

Những gì cần thiết cho chuyến đi đều đã được chủ tàu chuẩn bị sẵn. Chúng tôi đã may mắn. Năm đó tôi mới mười tuổi.

Hai mươi mốt năm trôi qua, những gì gia đình chúng tôi, dân tộc chúng tôi bị mất đi đã không thể có gì bù đắp nổi, và cũng không hề được ai trả lại.

Bài viết bằng tiếng Anh của tôi viết về thân phận, vào năm cuối cùng ở Trung học, được giảng viên yêu cầu đọc trước các sinh viên. Tôi muốn nói thêm nhiều hơn tới thân phận của một xã hội, một đất nước, khi tôi định kết thúc bài đọc, nhìn xuống những khuôn mặt u uất, những đôi mắt ươn ướt xót xa của đồng bạn bên dưới, tôi thấy áy náy. chợt bất ngờ có được ý mới, từ cái không khí đang nặng nề, trên đôi môi khô của tôi, tôi nói thêm:

-Thưa các bạn, tôi không bao giờ quên, nhưng người ta không thể sống hoài với nước mắt, dù là nước mắt đã giúp tôi đến được với các bạn hôm nay. Bên cạnh những gì nước Mỹ đã bỏ lại trên quê hương tôi, là những điều nước Mỹ đã và đang mở cho chúng tôi, và các bạn, một cánh cửa nhìn tới một phía trước hy vọng.

Bớt nước mắt là thêm được những tiếng cười, phải không, các bạn?

 

San Jose, Calif. 10-4-1997

 


No comments: