GIAO THỪA NĂM ẤY, Ở Quê Tôi...
,,
Tạp ghi
Nhất-Phương
C |
ó lẽ chúng ta, chẳng ai cần nhắc đến ngày-giờ-tháng-năm của thảm
trạng Tết Mậu Thân năm ấy nữa, bởi con Heo, con Gà, hay bất cứ con gì, đã từng
sống một thuở thanh bình đều biết hết cả rồi. Hơn thế nữa, đám gia súc này còn
bị chết nhiều, chết oan ức xấp xỉ với
Chòm-Xóm-Người mà nó yêu thương, nên nó vẫn tiếp tục oán hận những đứa chính
xác là thủ phạm gây nên bao cảnh bi thương, khiến gia đình nhà nó không kịp ăn
một cái Tết-Hưu-Chiến đúng nghĩa, thầm mong được hy sinh, làm quà dưỡng quân
cho những Chiến-Sĩ mang Tổ-Quốc, Danh-Dự và Trách-Nhiệm nặng oằn vai gánh.
Nhìn lại quê hương trong
các thời điểm nhiểu nhương, vui buồn lẫn lộn, tuy
chứa chan thống khổ nhưng cũng xảy ra nhiều chuyện đáng được hãnh diện, đáng được
vui cười, dù chỉ là nụ cười cam chịu, in hằn dấu vết tan tác đạn bom.
Ai đó đã ví von, “nụ cười là giọt nước mắt khô
không lệ”, hay lệ không còn đủ để rơi thành giọt, nên đành mượn tạm nụ cười
thay thế, thể hiện mọi niềm đau?
***
Gia đình chúng tôi khá
đông, từ khắp nơi, quây quần về quê hương Bến-Tre, buổi chiều cuối năm ấy,
không phải dự định ăn một cái Tết thật lớn, mà vội vã dắt díu để cùng về lo liệu
đám tang, vĩnh biệt Bà Ngoại, tiễn đưa bà đến nơi an nghĩ cuối đời (trừ ai đang ở chiến trường, không về kịp).
Ngoại vừa buông tay buổi
sáng, các bậc trưởng thượng trong Họ đã phải lo ngay tang sự buổi chiều. Hồi ấy,
theo phong tục và cũng là niềm tin chung, không nên để quan tài bà lấn sang năm
mới.
Lo toan chỗ ngủ miên viễn
cho bà xong đã gần 10 giờ đêm, chúng tôi còn bao nhiêu việc cần thiết khác chưa
kịp làm. Nhớ đến giao thừa lòng đau dao cắt. Hình ảnh Ngoại với mái tóc trắng
phau bông bưởi, im-ắng trong quan tài, gợi khơi triều sóng ba đào trong đáy tim
tôi. Ngoại ơi, sao Ngoại chẳng chịu chờ thêm vài hôm nữa hãy đi, hở Ngoại?
Tôi không khóc được thành
tiếng dù rất muốn để lòng bớt quặn đau. Nhớ Bà, tôi nhớ luôn rổ Chuối-Quết-Bốc,
món ăn đặc biệt Ngoại hay làm vào những lúc mưa dầm, không cá không tôm, cách
biến chế cũng khá giản dị từ những trái chuối Xiêm vừa… hườm hườm, dốt dốt.
Tôi, ngày ấy, cô bé Vàm Ba Lạc, tuổi tròm trèm trái cau non, tuy được học ở thủ
đô Sài-Gòn, nhưng mỗi độ Hè về, vừa khi… qua phà Rạch Miễu là đã tóc dài đuôi
ngựa tung tăng, áo bà ba màu hoa Trang, quần lãnh đen thoải mái, chân mang đôi
dép Mo-Cau, tự âm thầm hãnh diện được làm đứa nhỏ nhà quê an phận của rừng dừa
xanh ngút ngàn...
Khi âm thanh của đủ các
loại súng nổ rền thay pháo Tết giữa đêm Ba-Mươi, với phản ứng tự nhiên, tôi
nhào nhanh xuống nước. Trong trạng thái bềnh bồng mơ hồ, dường như có bàn tay
ai đẩy tôi lên bờ. Chắc bị uống nhiều nước lắm nên toàn thân nặng nề bệ rạc,
không di chuyển nổi. Căn nhà cất giữa vườn dừa sập gần quá nửa, gia cầm chết ngỗn
ngang.
“Họ” bỏ tôi ngồi dựa vào
góc dừa. Tôi cố lắng nghe những tiếng nói lạ lùng, vênh vang:
-Không sao đâu, chỉ là một
bé gái ốm yếu…
Ô! Những người của phía
bên kia đây rồi. Không biết từ đâu hiện về, nhanh như ma xó vậy? Họ… đem thui,
lố nhố đứng lên ngồi xuống, đi qua đi lại như nóng lòng tìm kiếm vật gì. Một tiếng
lịnh ban ra:
-Nhóm lửa lên để hơ đi
(?), ướt tất cả rồi.
Trí tò mò khiến tôi bớt sợ
hãi, mon men bò lại gần. Dưới ánh sáng chập chờn của nắm lá dừa khô mới cháy,
tôi thấy họ đang hơ tiền trên lửa (tiền giấy $500 đồng của thời VNCH). Mà trời
ơi, chú Năm Rơm chạy xích lô chớ ai. Chỉ cách vài tiếng thôi, chú còn chở tôi về,
sao bây giờ…
Nghe động, người được nhận
diện là chú Năm quay lại, “nhỏ nhẹ” hỏi:
-Cháu tỉnh rồi hả Hai? Đến
đây hơ lửa cho ấm nè.
Tôi đang nằm mơ phải
không? Rõ ràng súng đã nổ, nhà đã sập, chú là ai mà bình tĩnh, nói năng di chuyễn
như chỗ không người vậy?
-Chú Năm à, mình đang ăn
Tết phải không chú? Nhưng sao…
-Đúng rồi đó cháu, “mình”
đang ăn, nhưng không phải ăn Tết, mà ăn mừng các…
Chú Năm Rơm chưa kịp dứt lời, một tiếng nổ
khác gần hơn, đẩy tôi ra khỏi khoảnh khắc tuyệt vời của con cá con bị tức tửi xấy
khô, đang phó mặc đời mình trên bếp lửa.
***
Tiếng
động cơ máy bay vang vang trên đầu khiến tôi bừng tỉnh. Chung quanh vẫn là bầu
trời khuya tối tăm, nhưng tôi không còn
cô độc nữa. Tôi đang ngồi dựa vào người dì thứ Tư, chủ ngôi nhà vừa mới bị sập
quá nửa, và vài người thân yêu khác vây quanh.
-Con đã không sao rồi.
Con cố tự đứng dậy thử coi, nếu được, chúng ta sẽ nhanh chóng rời khỏi nơi này.
-Họ đâu hết rồi Dì? Bộ
Quân Đội mình…
-Không, tất cả đều tan
nát. Chỉ nghe tiếng máy bay đang thám thính. Chưa thấy trên trời có hành động
gì, chắc sợ gỏ lên đầu dân chúng.
Thật không ngờ, người dì
nhà quê yếu đuối tôi thương, học vừa xong lớp nhứt đã phải nghỉ ở nhà để lo vườn
tược theo lịnh của ông bà Ngoại, trong giây phút thập tử nhứt sinh này, vẫn còn
nghĩ được đúng câu “sợ gỏ lên đầu dân
chúng”.
Tôi cố ngồi dậy, ngơ ngác
nhìn quanh. Một bóng đen lững lờ đi tới. Lại là chú Năm Rơm:
-Chị Tư và cháu cứ yên
tâm. Quân “mình” đã làm chủ khắp Tỉnh rồi. Bà con muốn ở lại cũng được, muốn ra
khỏi bờ dừa cũng được, vì “chúng em” sẽ dùng chỗ này trong những ngày sắp đến.
Vậy là tôi hiểu hết, hiểu
tường tận tình hình bi đát của Tỉnh, của bà con chòm xóm còn giữ vững tinh thần
quốc gia, cũng như đã hiểu từng dòng chảy nơi các con rạch lượn quanh khu vườn
dừa, con rạch nào sẽ dẫn dắt chúng tôi thoát khỏi vòng kiểm soát của đồng bọn
chú Năm Rơm an toàn nhất.
Nhưng, tôi không thể hiểu con người thật của
chú, tuy quen biết rất nhiều năm. Đúng là, “dò sông dò biển dễ dò”….
-Con lạnh quá chú. Con biết các chú cũng ướt vì từ dưới hầm dưới
hang chui lên. Chú có thứ gì còn khô cho con một miếng quấn đở lạnh không chú?
Chú Năm có vẻ tính toán, ngẫm nghĩ một hồi rồi cẩn thận mở túi lấy
ra một “miếng” gì đó, có vẻ hết sức trân quý của bọn chú”:
-Chú tin tưởng cháu. Chú tặng cháu cái này quấn quanh người ăn mừng,
sẽ ấm lắm.
Tôi mặt mày… tươi rói, bằng cả hai tay, “hân hoan” nhận lấy lá cờ
chết tiệt.
Với sự quen biết và niềm tin lâu ngày với chú Năm trước đây,
chúng tôi được phép rời khỏi vườn Dừa, (vườn Địa-Đàng của gia đình người dì mới
bị hy sinh, luôn cả bầy gia súc), để muốn đi đâu tùy ý, vì… “quân mình đã làm chủ khắp Tỉnh rồi”.
Tiếp nối khu vườn dừa là cánh đồng lúa. Trải qua bốn mươi bảy
năm âm thầm dòng đời trôi, tâm tư tôi không còn chứa đựng chút gì sắc màu chân
thật của cánh đồng ấy nữa. Thật ra, không gian chung quanh lúc bấy giờ, có thể
chỉ rặc một màu đen của đêm truyền thống mà thôi.
Trên trời, tiếng động cơ máy bay thoáng gần thoảng xa, như đang
thám thính, chấm tọa độ mục tiêu trong khi đợi chờ quân lịnh. Ôi, Quê-Hương-Bến-Tre
yêu dấu của tôi, một “Quê-Hương-Đồng-Khổ”, nên hầu hết phái Nam trong gia đình
chúng tôi được khuyến khích gia nhập Quân-Đội. Tôi ngửa mặt nhìn lên trời âm thầm
chờ đợi:
-Cậu ơi, có phải cậu đang ở trên đó không? Nhà mình đã bị giặc
chiếm đóng, cậu liệu mà bỏ bom xuống đi cậu…
Trong phút giây bất an đầy tuyệt vọng, tôi thầm ao ước, phải chi
tất cả các bác phi công đang bay trên bầu trời Bến-Tre, giao thừa năm ấy, đều
trở thành cậu của tôi, để qua thần giao cách cảm, các cậu có thể lắng nghe tiếng
gọi của cháu mình, lâm râm thiết tha cầu nguyện… “huyên thuyên, không đầu không
đuôi” bên dưới cánh bằng.
Bỗng nhiên, một tia sáng quét ngang qua đầu, và tiếng phi cơ
quanh vòng trở lại. Nỗi mừng vui khiến tôi quên mất… hiện trường hiểm nguy kề cận,
chỉ biết vội vàng ngửa mặt nhìn lên nguồn hy vọng trên mây, đôi tay vung vẫy gọn
gàng, phất phơ lá cờ không ai chờ đợi. Và, những gì cần thiết chắc chắn đã xảy
ra, thật đúng lúc, đúng nơi. Không Quân VN hoàn toàn được huấn luyện như thế,
hãnh diện vô cùng, lạ lùng gì đâu chứ? Chỉ một điều lạ lắm, sao chúng tôi vẫn
còn có thể lê lết đôi chút tàn hơi dưới trận mưa bom đầy huyền thoại ấy?...
Đây là lần thứ ba trong cùng một đêm, tôi vô tình được uống đầy
bụng, nếm miên man vị nước đặc mùi phù sa của chi nhánh dòng sông Cửu. Dường
như ai đó đang dùng hết sức lực của đôi tay, tuy không mạnh lắm, nhưng cố tình
dìm sâu tôi xuống dưới màn nước đen ngòm. Bản năng sinh tồn khiến tôi vùng vẩy,
ráng nhoài người lên, dụi mắt nhìn thật kỹ người nào đang muốn giết mình(?).
Trời ơi, chẳng phải ai
khác hết, dì tôi đây mà!
-Sao dì trấn nước con vậy, hả dì?
-Im, không được nói lớn. Dấu đầu xuống nước mau để tránh đạn, muốn
chết hả.
Trong hơi thở đứt quãng, tôi gắng gượng nói rõ từng tiếng với
dì:
-Dì ơi, nước lỏng bỏng làm sao che chắn đạn? Chưa chết vì đạn,
con đã chết… ngắt vì ngộp thở đó dì à.
Bấy giờ, dì tôi mới nhận thức được việc làm do phản xạ tự nhiên
bên bờ tử sinh, cùng dắt dìu nhau, vừa khóc vừa cười rền vang trong màn đêm
loãng dần, tuy chưa thấy rõ mặt người cho lắm.
Chúng tôi di chuyễn bì bỏm dưới rạch, dọc theo mấy bụi dừa nước,
vừa chờ sáng, vừa trốn lần ra khỏi vùng giao chiến. Tiếng súng tuy vẫn còn
nhưng thưa thớt, gượng gạo, xa xôi. Chuyện gì đã xảy ra cho bọn chú Năm Rơm
trong ngôi nhà của dì tôi? Hoàn toàn không có tin tức. Lửa đang cháy ở nhiều
nơi, làm nền cho tiếng khóc và tiếng người muốn tìm người, âm vang thảm thiết.
Ra đến ngã ba lộ tẻ, con Lộ nối liền mương vườn, là nơi bà con
chòm xóm thường gặp nhau khi nhóm chợ “chồm-hổm”, được chia thành hai hướng, hoặc
vô chợ Giữa, hoặc ra chợ Kiến Hòa. Cả hai hướng đều hoàn toàn bị phong tỏa.
Quân Đội đã lần lượt kiểm soát hầu hết các trọng điểm, nhưng dân chúng chưa được
phép qua lại, để đề phòng bất trắc.
Không đi được bằng lộ chính, tôi cùng gia đình dì cũng biết kiếm
đường khác để đi. Tuy trời đã sáng tỏ, nhưng không gian u ám đượm màu chiến
tranh tang tóc, đạn khói và hơi người chết. Chúng tôi nhập chung với nhiều nhóm
đồng hương khác, cũng toàn đàn bà con nít nhóc nheo, mặt mày tóc tai rũ rượi.
Nhìn họ, bất chợt tôi nhìn xuống thân mình, mới biết, chiếc áo bà ba bằng hàng
phin trắng nõn màu hoa Trang tôi mặc lúc tiễn đưa bà, giờ đã tự động nhuộm sắc
thành màu “Phù-Sa-Sông-Cửu”.
Trên quãng đường di tản vào chợ Giữa, là cuộc hành trình tự
nhiên của chiến tranh, nhưng đối với tôi, đó là hành trình vượt qua cửa Địa Ngục,
đầy những xác người, của cả hai bên, quân dân lẫn lộn. Hình ảnh gây nhiều đớn
đau nhất, có lẽ là dáng dấp chết ngồi của một bà mẹ trẻ, tay còn cầm chặt chiếc nón lá che chắn cho con. Viên đạn vô
tình đã xuyên qua vành nón, ngọt ngào như vòng tay ôm của mẹ nâng niu, đưa con
vào cõi Niết Bàn.
Hình ảnh ấy khơi gợi trong tôi tấm lòng của người Dì yêu quý,
khi cố tình… nhận nước để bảo tồn mạng sống cho đứa cháu của mình, mới mấy ngày
trước đó. Và bà tôi nữa, nếu không chôn kịp, chắc rằng Ngoại cũng đã bị chết
hai lần trong cùng chỉ một ngày.
Cả hai bên gia đình Nội Ngoại tôi đều là dân quê mùa, sống bằng
mương vườn ruộng rẫy, nên mặc dù thuộc phái nữ, tôi sớm biết câu cá bẩy chim,
trèo cây tát đìa, tự do bay nhảy thảnh thơi như chim như cá dưới sông trên bờ,
tung tăng thoải mái giữa thôn làng bình dị.
Con đường dẫn đến làng quê em,
Có con sáo nhỏ gót chân mềm,
Xếp đôi cánh mỏng ngang bờ dậu,
Nao nức ngóng chờ Bình-Minh lên.
Vậy mà, ai ngờ cũng có
lúc, suýt chút nữa tôi đã chết đuối dưới những khúc sông vô cùng quen thuộc ấy!...
Ở vào thời điểm tạm gọi Thanh Bình, con đường dẫn xuống miền Tây
là con đường được đắp xây bằng hạnh phúc của người dân. Hàng năm, con đường này
mấy lượt đón đưa tôi trở lại quê nhà trong
vùng xôi trộn đậu. Để được vào ra nơi chôn nhao cắt rún, đứa nhỏ tội nghiệp
phải “học cách nói dối để sinh tồn”. Tôi tập làm quen với hình ảnh do đạn bom
chinh chiến vô tình gây ra. Vì Quê-Hương không thể bỏ nên ai cũng âm thầm cam
chịu, chấp nhận cuộc sống mong manh giữa hai lằn ranh ý thức chung cùng màu da
tiếng nói. Những kiểu gọi hàng ngày thân thiết giữa bà con chòm xóm như
má-ba-cô-bác-chú-cháu, được đầu môi chót lưỡi của phía “sống về đêm” nhào nắn
thành gia vị để các má các em chẳng đặng đừng, xào nấu làm nhiều món ăn ngon,
dưỡng nuôi bọn họ suốt chiều dài của cuộc chiến tranh phi lý.
Mỗi lần ký ức lang thang quay về chốn cũ, tôi luôn bị mặc cảm,
lao đao phiền muộn vì lỡ tốt nghiệp lớp “nói-dối-để-sinh-tồn” trong quá khứ,
trái với kỷ cương nề nếp gia-đình nội ngoại khuyên răn. Ông bà vẫn thường nhắc
nhở câu “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, các con cháu không được quên việc “giấy
rách phải giữ lấy lề”… Nhưng, chắc ông bà cũng thừa biết, trong nhiều trường hợp,
cần phải học thêm một nghề tay trái nữa, như… nghề ảo thuật (của David
Copperfield ngày nay chẳng hạn), để phòng khi hữu sự đem dùng. Giờ đây, các bậc
tiền nhân chắc cũng thấu hiểu cho đàn con cháu, bởi tánh Thiện ở những cuộc bể
dâu đã bị vùi dập lâu rồi, nhất là khi phải đương đầu với hàng loạt bất ngờ dẫn
đến bất toàn, trước mọi tình huống hoang đường trong quá khứ.
Sau đêm Lịch-Sử ấy, Bến-Tre bị tàn phá nhiều hơn tôi tưởng.
Chúng tôi, Mùng Bảy Tết, dẫm lên con đường gập ghềnh, nhầy nhụa hôi tanh để
quay trở về ngôi nhà dưới tàng Dừa. Không còn gì ngoài tử khí của xác thú vật lẫn
xác con người, tuy đã được thu vén phần nào cho đở bị ô nhiễm. Nhưng rải rác đó
đây vẫn hiển hiện thật rõ nét hình ảnh kinh hoàng của một trận mưa bom trút xuống
để tiêu diệt quân thù.
Chúng tôi lần lượt dắt díu nhau trở về thủ đô Sài-Gòn, con đường
hạnh phúc thênh thang, nhưng giờ đây, đã tan hoang loang lỗ máu dân lành. Từng
khoảng quốc lộ bị cày xới vì mìn, phải dùng ghe nhỏ nối liền hai đầu nỗi gian
truân thống khổ…
Sau cái Tết nhớ đời của năm 1968, cô bé vàm Ba-Lạc không còn đủ
tinh thần để tung tăng chân sáo nữa, mà đã hoàn toàn trưởng thành trong chiến
tranh, mặc dù tuổi đời chỉ mới bằng trái Bần non mới nhú, èo-uột của miền đồng
bằng Cửu-Long-Giang.
Và cuối cùng,
Ở cuộc chiến giữa Đêm
Giao Thừa xa xưa ấy, thôn xóm tôi yêu còn lại được những gì?
Có phải các chiến lợi phẩm
mà phía bên kia dòng sông Bến Hải từng hãnh diện khi mạnh tay thu nhặt, chính
là ngàn thi thể chất chồng của Việt Tộc, của hầu hết mọi gia đình bên nây bờ,
đã quyết tâm tự nguyện góp phần trong công cuộc bảo vệ miền đất Tự Do huy hoàng
của họ?
Trăng Tổ-Quốc cố trườn qua bóng tối
Trăng Bến-Tre đâu dám sáng một mình.
[*Trái Bần, còn được gọi là trái Thủy Liễu, la đà nhởn
nhơ khắp mọi vùng “đất-lở-sông-bồi”].
19
No comments:
Post a Comment