Friday, November 18, 2016

TIẾC THƯƠNG ÚT BẠCH LAN



Tiếc thương Sầu  Nữ Út Bạch Lan !
Khuya 4-11-2016, Nghệ sĩ Cải lương lừng danh của cải lương thời vàng son với biệt danh “Sầu nữ” – Nghệ sĩ Út Bạch Lan đã qua đời trong sự tiếc thương vô hạn của giới Nghệ sĩ, và khán giả nhiều thế hệ trong và ngoài nước.



Hình ảnh bà ký tặng khán giả.

Bà mất vào khoảng 23 giờ ngày 4-11, vì mang trong người nhiều chứng bệnh, và vừa mổ khối u gan trong khi tuổi già sức yếu. Khi tin tức bà mất được lan truyền, rất nhiều Nghệ sĩ trong và ngoài nước như: Hồng Vân, Linh Tâm, Hữu Châu, Hữu Quốc, Trịnh Kim Chi, Gia Bảo… và hàng bao nhiêu khán giả bày tỏ sự kính trọng, nhớ tiếc, thương yêu …



Bởi đằng sau cánh gà sân khấu và trong cả đời thường, Nghệ sĩ Út Bạch Lan không chỉ mang một vẻ mặt phúc hậu, hiền lành vào hàng bậc nhất sân khấu Việt Nam, mà bà cũng có đời sống hiền lành đức độ nữa. Thời trẻ, bà nhiều lần nuốt nước mắt nhận nuôi con riêng cho chồng là Nghệ sĩ đào hoa Thành Được. Dù ông đã bỏ đi theo người khác, bà vẫn không hờn ghen, giận dữ, mà trả những đứa con riêng lại cho ông nuôi, bởi sợ tính cách bay bướm bay nhảy của ông không thể nuôi chu đáo những đứa trẻ con còn bé bỏng, vô tội này. Vậy mà sau khi mất bao công sức nuôi những đứa trẻ ấy khôn lớn, cứng cáp, mẹ ruột chúng đến nhận lại, bà vẫn nuốt nước mắt trả con, vì không muốn thấy cảnh mẹ con bị chia cắt nhau.

Là Nghệ sĩ đàn chị, nổi danh trước cả Nghệ sĩ Thanh Nga, có thời làm bầu gánh hát Út Bạch Lan – Thành Được trước 1975, rồi Trưởng Đoàn cải lương Long An sau 1975, vậy mà cả đời không nghe bất cứ một Nghệ sĩ nào nói xấu điều gì sau lưng bà. Với đàn em và đồng nghiệp như Thanh Nga, bà sẵn sàng dìu dắt, sẵn sàng lùi về sau để đàn em kế nghiệp. Khi là Bầu gánh, Trưởng đoàn,  bà không tỏ vẻ quyền uy, hay chèn ép mà luôn dìu dắt, nâng đỡ nhiều Nghệ sĩ trẻ như: Phương Hồng Thủy, Mỹ Thu, Ngân Vương… Đời thường, bà ăn chay niệm Phật, làm từ thiện đến hơi thở sau cùng.
Về tài năng, bà là một tên tuổi lớn đóng đinh vào Nghệ thuật Cải lương Việt Nam thời vàng son, với giọng ca ấm, êm, ngọt, mượt, nhẹ nhàng, thánh thót, nỉ non,  như ru hồn người nghe, và những vai diễn đẫm nước mắt khiến được báo chí đương thời gọi là Sầu nữ,  Đệ nhất Đào thương, Nữ hoàng Vọng cổ, Vương nữ Sương chiều… Cải lương Việt Nam, sân khấu Việt Nam lại thêm một lần mất mát quá lớn với khoảng trống để lại, khi bà ra đi. Vô cùng thương tiếc tiễn đưa bà !


Nghệ sĩ Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, Đức Hòa, Long An. Bà mồ côi cha, từ nhỏ được mẹ dẫn lên Sài Gòn làm thuê làm mướn ở khu vực Chợ Lớn. Do không cửa không nhà, tối đến hai mẹ con ngủ trên những sạp thịt trong nhà lồng chợ. Cùng cảnh ngộ với mẹ con bà, có hai mẹ con nhạc sĩ Văn Vĩ – một Danh cầm Cổ nhạc lừng lẫy của sân khấu cải lương sau này (tên thật Đinh Văn Dậm) . Tuy bị mù, nhưng cậu bé Văn Vĩ  biết đờn ghi ta phím lõm rất giỏi, nên dạy bé Hai ca. Rồi Văn Vĩ lượm được cây đàn cũ, hai anh em lén mẹ bắt chước người ta đi hát rong trong chợ xin tiền về phụ mẹ ở tuổi 15 và 11.

Tiếng lành đồn xa về giọng hát ngọt ngào,  cùng với tiếng đàn của hai đứa bé hát dạo đến tai bà Năm Cần Thơ, một giọng ca tên tuổi ngày ấy, nên bà tìm đến xem sao. Từ sự nâng đở của bà Năm Cần Thơ, bé Đặng Thị Hai và cậu anh trai mù được hát ở các sa lông sang trọng ở Sài Gòn, với nghệ danh Út Bạch Lan và Văn Vĩ. Từ đây, cái tên Út Bạch lan bát đầu vang danh trên các hãng đĩa cùng thời với Út Trà Ôn, và ở  sân khấu đoàn các Thanh Minh, Kim Chưởng, Út Bạch Lan – Thành Được, và nhiều đoàn Đại bang khác, và trở thành cô Đào thương sáng giá nhất sân khấu cải lương thập niên 1950.
Ngày nay, những khán giả cải lương tuổi thất thập vẫn trầm trồ về những vai diễn của Sầu nữ – Đệ nhất Đào thương Út Bạch Lan như: Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa, Dưới hàng phượng vĩ, Nước mắt kẻ sang Tần, Tình cô gái Huế, Nước chảy qua cầu, Biên Thùy nổi sóng, Tình Tráng sĩ, Nhớ rừng, Cung đàn trên sông lạnh, Thiên Thần trên thiết mã, Hoa Mộc Lan, Chén cơm đô thành, Đất Việt của người Việt, Khúc hát dưới trăng,  Sầu ly biệt… Sau 1975 bà xuất hiện trong nhiều vở cải lương lớn như Bình Tây Đại Nguyên soái, Người ven đô …

Tuy nhiên, khán giả cải lương Sài Gòn chẳng thể nào quên được bà trong những vai Đào thương tuồng xã hội lấy nước mắt như mưa của người xem ở những vở như: Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Nửa đời hương phấn… Đó là những kịch bản cải lương kinh điển ghi dấu nổi bật đầu tiên của bà trước bao thế hệ sau này như: Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Thanh Tâm…. Bà và Nghệ sĩ Thành Được đã là một cặp đôi vàng ở thập niên 1950 tạo nên tên tuổi, và vị thế Đại bang cho đoàn Thanh Minh từ khi Thanh Nga chỉ là một cô bé con chưa vô nghề. Với vọng cổ, bà cùng với Vua vọng cổ Út Trà Ôn góp công rất lớn ghi dấu nổi bật bản vọng cổ nhịp 32 mùi mẫn vào lòng công chúng, góp phần không nhỏ vào việc khẳng định vị thế hàng đầu của bài vọng cổ ở sân khấu cải lương.
Với điện ảnh, bà góp mặt trong các bộ phim Bóng người đi, Báu kiếm rửa hận thù… với các Nghệ sĩ đương thời: Thành Được, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Văn Ngà, Ngọc Đan Thanh, Hoàng Long, Lý Huỳnh…




Một cuộc tình buồn

Có thể nói, sau thế hệ của nghệ sĩ Phùng Há, thế hệ Út Bạch Lan là những người tiếp tục xây dựng nền móng cho sân khấu cải lương Nam bộ. Những năm cuối của thập niên năm mươi, cặp diễn viên "thinh sắc lưỡng toàn" Út Bạch Lan – Thành Được đã làm rạng rỡ sân khấu Kim Chưởng qua những vỡ tuồng Chưa Tắt Lửa Lòng, Bên Đồi Trăng Cũ, Thuyền Ra Cửa Biển, Áo Trắng Nàng Mộng Trinh, Nửa Bản Tình Ca, Người Đẹp Thành Bát Đa . . 

.Năm 1961, cũng chính Út Bạch Lan – Thành Được đã làm nên thương hiệu của đoàn Thanh Minh Thanh Nga với những tuồng Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Tấm Lòng Của Biển, Rồi Ba Mươi Năm Sau, Tiếng Hạc Trong Trăng, Tình Xuân Muôn Tuổi . . . 

Thế nhưng, thành công trên kịch trường bao nhiêu thì Út Bạch Lan lại thất bại chốn tình trường bấy nhiêu, thất bại đến cay đắng, nghẹn ngào và khổ đau chất chồng theo năm tháng. Trên sân khấu, cô khóc cho nhân vật của mình đến đầm đìa nước mắt để rồi sau bức màn nhung, cô lại khóc cho thân phận chính mình.



Cô với Thành Được có một đám cưới rất huy hoàng trước sự chúc mừng của hàng trăm ký giả, hàng trăm đồng nghiệp do cô Bảy Phùng Há và bà bầu Kim Chưởng tác hôn. Sau đám cưới, hàng chục bài báo ca tụng cuộc tình của hai ngôi sao sân khấu. 
Nhưng dường như tất cả chỉ có thế rồi kết thúc, để lại cho cô một nỗi đau đời. Cô vừa nuôi mẹ ruột, vừa nuôi mẹ chồng trong một căn hộ chung cư còn Thành Được thì tiếp tục vung gươm trên trận tuyến ái tình như một người chưa hề có vợ. 

Cô yêu Thành Được vì sự tài hoa, lãng mạn, đa tình và cô khổ cũng chính vì những điều cô yêu ông ấy. Đám cưới chưa được bao lâu thì có một thiếu phụ dẫn đứa con gái lên ba tuổi đến giao cho cô, nói rằng đây là con của anh Thành Được, nhờ cô nuôi giùm một thời gian để tránh những mâu thuẫn gia đình. Cô vừa thương đứa trẻ vô tội, vừa sợ mất chồng nên đã nhận nuôi. 

Hai năm sau, khi người thiếu phụ ấy vừa đến xin đón đứa con về thì bất ngờ một cô gái trẻ xuất hiện cùng với cái bào thai, cô vừa khóc vừa kể: "Em là Thu Hà, nữ sinh ở Huế. Hôm ấy đoàn ra ngoài Huế hát, em tìm đến xin anh Thành Được tấm hình, ảnh hẹn em ở khách sạn . . . Rứa là em mang thai. Chừ cha mẹ em đuổi em ra khỏi nhà, em không biết phải làm răng . . .". Một lần nữa vì sợ mất chồng, cô Út thuê nhà trọ cho Hà ở, hàng ngày thuê xích lô mang cơm tới cho Hà ăn. Thỉnh thoảng cô tới lui chăm sóc, an ủi Hà cho đến ngày sinh nở. Nhưng sau khi mẹ tròn con vuông, Hà lại van xin cô: "Em còn quá trẻ, không thể sống như thế nầy được, em lạy chị nuôi đứa bé giùm em để em về quê làm lại cuộc đời !" Không một chút đắn đo, cô Út mang đứa bé về nuôi, làm khai sinh theo họ chồng, đặt tên Châu Văn Dũng. 

Trước nghĩa cử của cô, nghệ sĩ Thành Được đã không cầm được sự xúc động, cô thì cảm thấy mình hạnh phúc vì đã làm đẹp lòng chồng. Cứ nghĩ, mình không thể sinh con, thôi thì nuôi con chồng bằng tấm lòng người mẹ. Ý nghĩ ấy đã đem đến cho cô một niềm hạnh phúc để xua bớt nỗi đắng cay, nhất là khi thời gian càng trôi qua, cô càng thương yêu Dũng như con ruột của mình. 

Mấy năm sau, trong một chuyến lưu diễn ở miền tây, tình cờ cô gặp một cô gái tên Trinh ở Gò Công sau khi vãn hát. Thấy một cô gái vừa đẹp vừa sang trọng xin theo mình, cô cứ nghĩ Trinh thích hát cải lương. Nhưng Trinh lại nói: "Em không biết hát, em mê chị và xin theo làm người giúp việc cho chị để được gần chị mà thôi". Thế là cô nhận Trinh làm em kết nghĩa, đưa về nhà làm quản lý gia đình, chăm sóc hai người mẹ và trông coi Dũng. Rồi bất chợt một ngày, cô phát hiện Trinh đã mang thai. Hỏi mang thai với ai, Trinh chỉ khóc mà không nói. Cô bảo nói ra thì cô tha thứ, còn không nói thì cô tự tử. Cuối cùng thì: "Em mang thai với anh Thành Được !"

Một lần nữa, Út Bạch Lan đứng tên làm mẹ, đặt tên con là Châu Điền Sơn – Điền Sơn là tên nhân vật trong vở cải lương Khi Hoa Anh Đào Nở do Thành Được thủ vai đã làm nên tên tuổi của hai người. Nhưng cũng như lần trước, khi mẹ tròn con vuông thì Trinh lặng lẽ ra đi, để lại lá thư nhờ cô nuôi Điền Sơn để về quê làm lại cuộc đời.

Khi hai người chia tay, nghệ sĩ Thành Được vẫn hào hoa phong nhã, vẫn tiếp tục vung gươm trên trận tuyến ái tình như một người chưa hề có vợ, còn cô thì trở thành góa phụ với gánh nặng hai con. 
Những năm sau đó, cô về đoàn Kim Chung diễn với Hùng Cường, nhưng ngặt nỗi Kim Chung mua lại những tuồng mà trước đây Thành Được diễn với cô. Cứ mỗi lần Hùng Cường xuất hiện thì trong mắt cô lại là Thành Được, cô không diễn nổi, quên tuồng, quên vai và khóc nức nở với thân phận của chính mình. 

Qua một vòng đời nghiệt ngã, sau năm 75, cô hội ngộ với Thành Được qua vai hai vợ chồng ông Bảy Đờn trong vở Người Ven Đô. Khi bước lên sân khấu, Thành Được xúc động nói một câu ngoài kịch bản: "Bà ngồi xuống đi rồi nghe tôi nói, bà sống với tôi bao nhiêu năm qua bà chưa được hưởng một ngày hạnh phúc, tôi đã làm khổ bà nhiều quá phải không?" Lúc ấy bỗng dưng cô khóc, khóc thật nhiều dù cảnh ấy không có trong kịch bản. 

Cuộc đời cô cũng có những đoạn kết như sân khấu, cô bé đầu tiên cô nuôi dưỡng hai năm, sau nầy vẫn gọi cô bằng mẹ và cư xử như một đứa con máu thịt, ruột rà. Những năm tám mươi cô gặp lại Thu Hà giữa Sài Gòn, Hà trở thành goá phụ vì chiến tranh, đau khổ vì hai đứa con trai luôn vào tù ra khám, Dũng vừa hiếu thảo với cô, vừa hết lòng chia sẻ khổ đau với người mẹ ruột. Và, cũng vì bi kịch của người mẹ ruột mà Dũng chết vì một tai hoạ bất ngờ.

Điền Sơn lớn lên được cô cưới vợ và cất nhà cho ra riêng. Rồi trong một chuyến đi lưu diễn sang Mỹ, cô bất ngờ gặp lại bà Trinh, hai chị em ôm nhau vừa mừng vừa tủi. Bà Trinh nhã ý muốn bảo lảnh Sơn qua Mỹ, cô nói: "Ừ, thì về đi rồi chị lo". Thế là, gần bốn mươi năm nhọc nhằn nuôi dưỡng, giờ lại nhọc nhằn chạy ngược chạy xuôi làm thủ tục để trả Sơn về với cội nguồn. Ngày tiễn Sơn ra sân bay, sau cái vẫy tay mừng cho mẹ con Sơn đoàn tựu, cô lại quay về với sự cô đơn, kết thúc sự ràng buộc mong manh cuối cùng với một cuộc tình buồn. 

Từ ấy đến nay, cô gởi những năm tháng còn lại của đời mình vào cửa Phật, không phải xuống tóc quy y mà đêm gỏ mõ tụng kinh, ngày chọn sân chùa làm sân khấu, hát trích đoạn những vở tuồng về Phật để lấy tiền trùng tu, sửa chữa chùa chiền. Nếu bảo rằng tu là khổ hạnh thì xem ra, nghệ sĩ Út Bạch Lan đã là bậc chân tu từ thuở thiếu thời./. 


No comments: