Friday, January 6, 2017

THÍ SINH 82 TUỔI - ĐOÀN TỬ QUANG (Đoàn Minh Hùng sưu tầm)




GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG VỀ THÍ SINH LÃO NIÊN 82 TUỔI - ĐOÀN TỬ QUANG (1818-1928)
* Ảnh chụp cụ Đoàn Tử Quang lúc 106 tuổi ( Ảnh Thái Lộc chụp lại )

Ông Đoàn Tử Quang sáng dạ học giỏi nhưng lận đận trong thi cử, mãi đến năm 49 tuổi mới đỗ tú tài. Ông là một tấm gương về nghị lực học tập suốt đời, không kể tuổi tác để con cháu noi theo.

1. CHUYỆN LẠ VỀ MỘT KHOA THI
Khoa thi Hương trường Nghệ (Nghệ An) năm Thành Thái thứ 12 (1900) có một thí sinh râu tóc bạc phơ, dáng ngoài giống bậc lão niên, dự thi. Hỏi ra mới biết người đó tên là Đoàn Tử Quang, sinh năm Mậu Dần, đời Gia Long thứ 17 (1818), người làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn (nay là xã Đức Hòa và Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Tính tuổi thì thí sinh này đã 82.

Chánh chủ khảo kì thi là Quốc tử giám Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880) và Phó chủ khảo là Tham tán nội các Mai Đắc Đôn. Hai vị quan trường này thấy người học trò tuổi ngoài 80 mà vẫn đi thi thì lấy làm lạ, chưa hiểu gia thế người này ra sao, vì lẽ gì tuổi cao là vậy mà vẫn theo đuổi con đường cử nghiệp.
Tìm hiểu, các vị mới hay thí sinh Đoàn Tử Quang là con thứ hai ông Đoàn Nhuyện (biệt hiệu là Liệt Giang cư sĩ) và bà Lê Thị Nậm. Ông Nhuyện mất khi bà Nậm mới tuổi 20, nhưng bà thủ tiết thờ chồng, nuôi con khôn lớn học hành, không chịu đi bước nữa và được vua ban biển ''Tiết Hạnh Khả Phong''.
Từ nhỏ Đoàn Tử Quang đã được mẹ dạy bảo, khuyến khích học hành, theo đuổi khoa cử để lập công danh thi thố với đời. Ông Đoàn sáng dạ học giỏi nhưng thi mãi cũng chỉ đỗ hai khóa tú tài: một khoá ở tuổi 49 và khóa thứ hai ở tuổi 66.

Cũng cần nói thêm rằng, thể lệ thi cử thời xưa quy định khá nhiều điều lắt léo, đến mức phi lý. Chẳng hạn như khi làm bài, bắt buộc thí sinh phải tránh các tên húy của vua, hoàng hậu và cả một số trong hoàng tộc. Nếu quên thì bài làm hay mấy cũng bị đánh hỏng, thậm chí còn bị cấm thi suốt đời. Chả thế mà người thông minh, tài giỏi có tiếng như Phan Bội Châu mà hỏng thi 6 khoa liền, mãi đến năm 34 tuổi mới đỗ giải nguyên, cùng khoa thi Hương với ông Đoàn.

Lại nói, vợ cả của Đoàn Tử Quang là Nguyễn Thị San chẳng may mất trước khoa thi có mấy tháng. Hai con ông Đoàn cũng là sĩ tử, đều đã lọt qua các kì khảo hạch, nhưng phải để tang mẹ không được dự thi. Bà mẹ ông Đoàn lúc này đã 98 tuổi, vẫn áy náy trong lòng là con cháu mình học hành đến nơi đến chốn, mà chưa ai đỗ đạt cho rạng mặt cha ông. Nay vì tang gia, chịu bỏ lỡ một kì thi Hương thì thật đáng tiếc. Con cái phải để tang mẹ đã đành, còn chồng thì lễ giáo vẫn cho phép dự thi kia mà. Sợ con mình buồn phiền, không còn lòng dạ nào để làm bài, bà bèn lựa lời khuyên nhủ ông Đoàn cố gắng bớt sầu não, xếp việc riêng tư, thử đua tranh cùng thiên hạ phen nữa, may ra đỗ đạt mới thỏa lòng mong mỏi của bà bấy lâu, mà gia tông cũng được phần rạng rỡ. Họ hàng, làng xóm cũng xúm vào ủng hộ ý kiến của bà. Đoàn Tử Quang vâng lời mẹ, thay hai con, quảy lều chõng đi thi.

Quan trường thấy chuyện ông Đoàn ở tuổi đại thọ mà vẫn nuôi chí học hành thi cử, đều cho là chuyện lạ hiếm thấy và tỏ lòng bái phục, song ai cũng ái ngại phân vân. Người thì cho rằng ông Đoàn đã già yếu, nên ưu tiên xếp vào danh sách thứ nhất, gần nơi quan trường ở để dễ bề theo dõi, phòng khi ốm đau mới kịp thời giải quyết; kẻ thì nghi ngại ông trí óc đã già nua, lú lẫn, khó lòng làm nổi bài thi.

Quan Chánh chủ khảo vừa cầm tay ông cùng đi, ngỏ lời động viên khen ngợi, vừa dò la xem sức lực, khả năng của ông ra sao bèn hỏi:
- Mắt cụ có mờ không?
- Dạ, hơi mờ ạ!
Ông Đoàn thành thực trả lời.
- Chân cụ có mỏi không?
Ông Đoàn tự tin đáp, giọng sang sảng:
- Dạ, còn có thể đi bộ, chạy, quỳ, đứng lễ bái được ạ!

2. TÂN KHOA CỬ NHÂN Ở TUỔI 82
Vì chứng kiến chuyện lạ thi cử nói trên nên Chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh đã viết bài kí: ''Nghệ trường giai sự'' (Việc đáng nói ở trường thi Nghệ An), trong đó mô tả tỉ mỉ quá trình thi cử của lão thí sinh Đoàn Tử Quang, đại ý như sau:
Vào thi, ông Đoàn cũng mang ống quyển, hạ lều, trải chiếu và ngồi ngay ngắn, nghiêm chỉnh ở vị trí của mình, theo đúng quy định một cách nhanh nhẹn không thua kém gì các thí sinh trẻ tuổi. Làm xong bài kì thứ nhất thì trời đã xế chiều, ông nộp quyển, rồi tự tay kéo xe, chở lều chõng ra về, chẳng thấy có gia nhân trợ giúp. Có người cho rằng ông Đoàn khó qua nổi vòng thi đầu tiên, vì ở cái tuổi đại thọ như ông sẽ rất dễ quên, hoặc nhầm lẫn không viết tránh các tên huý theo quy định cũng nên. Nhưng khi dò hỏi thì thấy ông còn minh mẫn lắm.

Đến kì phúc hạch, còn lại 35 người, trong đó có tên ông Đoàn. Song lần này quan trường lại nghi rằng ông lão khó lòng mà địch nổi các thí sinh trẻ tuổi. Văn sách, thơ phú chắc lão không còn nhớ được tỏ tường, chữ viết tay run, e rằng cũng khó tránh nghiêng ngả, nét đậm nhạt không đúng kiểu. Thế nhưng, một lần nữa thí sinh 82 tuổi này làm các quan trường rất đỗi ngạc nhiên là khi khớp phách họ thấy bài của ông làm khá hay, được chấm điểm loại ưu về kinh nghĩa, thơ phú và loại thứ về văn sách. Đặc biệt chữ viết của ông không hề run tay, đậm nhạt, mất nét như người ta tưởng ngược lại còn đẹp và rõ ràng hơn nhiều thí sinh khác.

Qua bốn kì thi, Đoàn Tử Quang đạt được kết quả hai ưu, hai thứ, kém người đỗ thủ khoa là Phan Bội Châu một ưu. Lẽ ra, ông Đoàn được xếp á nguyên (đỗ thứ hai). Song khi xét trong quyển, nơi cộng các chỗ tẩy xóa, theo quy chế, thí sinh phải viết 3 chữ: ''Cộng quyển nội'', rồi mới được kê ra từng lỗi, thì ông Đoàn lại không viết. Đáng lý là phạm trường quy sẽ bị đánh hỏng, nhưng quan Chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh cảm phục chí học hành của ông Đoàn hiếm thấy xưa nay trong khoa cử nước ta, nên đã thảo tờ tấu lên trên xin cho ông đỗ, nhưng chỉ xếp thứ 29 trong số 30 người trúng tuyển của khoa thi này.

3. MỘT NGOẠI LỆ BỔ DỤNG CỦA TRIỀU ĐÌNH
Ngày xướng danh, khi nghe tiếng loa gọi đến tên mình, ông Đoàn trả lời một tiếng to, rồi đi vào bái lạy, nhận mũ áo vua ban, nhanh nhẹn, hoạt bát chẳng kém gì các đồng khoa chỉ vào bậc tuổi cháu, chắt mình (như Dương Hữu Thanh, người Hưng Nguyên, mới 18 tuổi, Trần Đình Tuấn, người Nam Đàn, 20 tuổi...).

Các quan đầu tỉnh, chánh phó chủ khảo dự buổi xướng danh, thấy ông Đoàn đi tới, râu tóc bạc phơ, dáng vẻ thanh thoát như là thần tiên giáng thế, đều đứng cả dậy cầm tay nức nở khen ngợi. Suốt ba kì phải bái, lạy, để tạ ơn vua, nhận mũ áo vua ban và được dự tiệc yến, ông Đoàn đều tỏ ra tráng kiện, không có vẻ gì là khó khăn, mệt nhọc do phải đứng lên, quỳ xuống khá nhiều lần.

Trong bữa tiệc, khi nghe các quan hỏi han về gia thế, ngợi ca ý chí học hành, ông Đoàn đã trả lời rằng: ''Sở dĩ tôi có được ngày hôm nay là nhờ công dạy dỗ, khuyên bảo của mẹ già tôi cả!''
Chuyện còn ghi, sau khi dự tiệc xong, theo lệ mỗi tân khoa cử nhân được lấy một phần đem về nhà, để bà con thân thích cùng hưởng lộc vua ban. Ông Đoàn cũng gói phần cho mình; những người cùng dự lấy thức ăn bỏ thêm vào phần của ông và nói:
- Cụ thì phải đem về nhiều nhiều để đủ chia cho lũ cháu, chắt?
Ông Đoàn cảm ơn, rồi trả lời:
- Lộc vua, tôi sẽ xin dâng lên mẹ tôi, để hai năm nữa Người tròn trăm tuổi!
Thủ khoa Phan Bội Châu đã sáng tác ngay bài ca tặng ông Đoàn như sau:

Đoàn Tử Quang xuân thu bát thập nhị (82 tuổi)
Đương hoàng triều Canh Tí chi niên (năm 1900)
Trên cửu trùng có chiếu cầu hiền
Già lọm cọm đề tên ứng thí
Từ trường nhất rồi sang trường nhị
Qua trường tam văn lí đủ ưu bình
Chờ đến ngày treo bảng xướng danh
Thứ hai chín rành rành trong hương giải
Quan bảng tịnh vô bằng bối tại
(Xem bảng yết chẳng thấy ai cùng lứa)
Hồi gia duy hữu tử tôn nghinh
(Trở về nhà chỉ có cháu con đón tiếp mà thôi) .
Trước sân lai rót chén rượu quỳnh
(ý nói rót rượu mừng thọ bố, mẹ)
Già lửng chửng áng mây xanh liền dưới gót
Phong thổ tốt mà phúc nhà cũng tốt
Trong khoa trường âu có một không hai
Làm trai đã đáng thân trai
Giữ trung hiếu vẹn hòa hơn là hạnh thậm
Việc thi cử học hành ai dễ cấm
Quyết làm sao cho "mã thượng cẩm y hồi'' 

(ý nói thi đỗ vinh quy về nhà)
Kéo đến khi tóc bạc da mồi
(Phan Bội Châu, Toàn tập ,Tập I)
Khi ông Đoàn đỗ đạt trở về nhà vinh quy bái tổ, Tổng đốc Nghệ An bấy giờ là Đào Tấn cũng cảm tác một bài thơ chữ Hán dịch như sau:

Giỏi thật Hương Sơn Đoàn tú tài
Xuân xanh nay đã tám mươi hai
Trường văn múa bút râu như mác
Quế đỏ cành thơm ẵm chặt tay
Quế đỏ cành thơm ẵm chặt tay
Báo tin chống gậy trở về ngay
Mẹ già tuổi đã chín mươi tám
Nhìn mặt con mình rạng rỡ thay !

Đỗ cử nhân, Đoàn Tử Quang được bổ dụng làm chức Huấn đạo (phụ trách việc giáo dục một huyện) huyện Hương Sơn (1901), rồi đổi sang huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ. Đây cũng là một sự việc khác thường. Theo lệ, các quan thời đó, thường đến tuổi 65 đã nghỉ hưu, nhưng riêng trường hợp ông Đoàn tuy ở tuổi 83 là vẫn được triều đình đặc cách bổ dụng để tỏ lòng ưu ái với con người đã say mê học tập suốt đời, tuy thi cử lận đận mà không hề nản chí và cũng là giúp ông thực hiện được hoài bão đem những điều đã học để thi thố với đời... .
Năm 85 tuổi, ông Đoàn xin nghỉ hưu để về nhà phụng dưỡng mẹ trên trăm tuổi. Năm ông thượng thọ 106 tuổi còn được triều đình thăng chức Hàn lâm viện thị độc (chức quan văn ở cấp bộ).

Ông mất năm 1928, thọ đúng 11 thập niên. Sinh từ đời Gia Long thứ 16, mất vào đời Bảo Đại thứ 4, ông Đoàn có lẽ là một trí thức độc nhất bấy giờ đã sống qua 13 đời vua của triều Nguyễn nước ta.
Nghị lực học tập suốt đời, không kể tuổi tác của ông Đoàn Tử Quang là tấm gương rất đáng để hậu thế chúng ta noi theo.
MINH HÙNG SƯU TẦM.
* Ảnh chụp cụ Đoàn Tử Quang lúc 106 tuổi ( Ảnh Thái Lộc chụp lại )

No comments: