Friday, January 20, 2017

TÌNH HỦ TIẾU ("Hồi Ký" tếu của Thukỳ)

Tui kể ngừ nghe...

Sau ngày miền Nam bị bức tử, dù phương tiện đi lại rất khó khăn, nhưng cứ mỗi độ Xuân về, lòng tui lại rộn ràng như pháo nổ, cố gắng bế con về Tuy Hòa thăm bố, rồi qua La Hai thăm hai bên nội, ngoại, là những nơi mà kỷ niệm chất đầy, đặc biệt là mối "Tình Hủ Tiếu" của tui.

Phú Yên luôn theo tui suốt cả cuộc đời, dù sống bất cứ nơi đâu, và có lẽ cả sau khi chết đi; thật đúng với câu “không nơi nào đẹp và tình nghĩa cho bằng nơi chôn nhau cắt rốn của mình”.

Vì sống bên nhà chồng tận Sài Gòn, nên khi Tết đến là lòng tui lại nao nao, vì sẽ được về quê, như đứa bé được mặc quần áo mới trong ba ngày xuân, nhất là được gặp lại người yêu đầu đời. 

Đã gần 40 năm rồi không còn có dịp về quê ăn tết, lòng tui đau xót lắm. Dù bên này mọi thứ đều dư thừa, nhất là đồ ăn thức uống, nhưng trong lòng tui vẫn trống rỗng, không một niềm vui, ngoài những kỷ niệm “sống giữ, chết mang”.

Hồi còn bé, tui rất tham ăn, đặc biệt là quà vặt.  Bố tui cứ mắng: “ăn quà như mỏ khoét”.  Tui chẳng biết “mỏ khoét” là cái gì, nhưng bản tính tham ăn, tui không bao giờ thích ăn cơm, chỉ muốn ăn quà. May là con gái, chứ không, lại bị mang tiếng như liền ông:
Chồng em chỉ thích ăn quà
Bây giờ ảnh chẳng zề nhà ăn cơm
Cơm nhà vẫn dẻo vẫn thơm
Chồng em giờ đã bỏ cơm ăn quà.

Ngày ấy, mới 10 tuổi mà tui đã cao như…cây sào, đi coi kịch ở làng là tui khỏi cần phải nhón chân, hoặc chen lên trước. Có lẽ vì cao nên yêu cũng sớm.  Nhưng yêu ai không yêu, lại yêu anh hủ tiếu mới chết chứ! 
                                     
Tại ngã tư trong khu phố tui có một xe hủ tiếu, chủ xe là một bà xẩm người Tiều di cư, có người con trai tên là gì tui cũng không biết, cứ gọi là “anh Hủ Tiếu”, người phụ giúp nấu nướng và bán hàng cho mẹ.  Anh chàng vừa mập, vừa lùn; lớn hơn tui chừng vài tuổi, không đi học, chỉ ở nhà phụ mẹ bán hàng nuôi mấy đứa em.

Cũng vì cái tội mê ăn quà nên mỗi khi có tiền tui liền chạy đến xe hủ tiếu của anh mua ngay một tô.  Khi thấy tui ngồi xuống là anh biết ý làm cho tui một tô “tàu bay” với extra thịt và nước lèo. 

Chỉ chưa đầy vài phút là cái tô “tàu bay” bay luôn vào bụng tui.  Ăn xong, tui vẫn còn thèm, lè lưỡi liếm tô sạch bách; còn anh Hủ Tiếu thì mặt tươi rói, vì nghĩ có một “tri kỷ” biết thưởng thức tài “hỏa đầu quân” của mình. 

Những ngày sau tết, bao nhiêu tiền lì xì tui gom lại để ăn hủ tiếu dần, cho đến khi nhẵn túi mới thôi. 

Vì “mê” hủ tiếu nên tui coi anh là người hùng, là thần tượng của mình; chỉ ước ao sau này được se duyên kết tóc với anh; để nếu bữa nào bán ế, tui sẽ được thưởng thức những khúc xương “xí wách” chấm với nước tương, và được húp nồi súp nước lèo bóng ngậy. Tui nghĩ nếu tui đi chơi với anh, chắc có lẽ mấy con bạn của tui sẽ ghen tức “ho ra máu”, khi nhìn thấy hai đứa tui như một cặp tình nhân trời định.

Hằng đêm, mỗi lần nghe tiếng gõ “cóc, cóc” của 2 thanh tre cùng với tiếng “tiếu đây...tiếu đây...sực lớ” là tui biết anh đang đẩy xe hủ tiếu qua nhà tui, tim tui đập loạn cào cào, chỉ muốn chạy ra để đón chào người hùng của tui mang cho tui một tô nóng hổi, vừa thổi vừa ăn. Nhưng vì sợ bố, tui phải nằm im; tưởng tượng những miếng thịt ba chỉ thủ thỉ bên tai, vừa nhai, vừa nuốt nước miếng.

Thời gian trôi nhanh, chẳng mấy chốc 2 đứa tui đến tuổi dậy thì; tui càng cao thì ảnh càng...phì.

Dù ảnh ít học, nhưng tui không cần văn chương, chữ nghĩa, chỉ nghĩ đến những tô hủ tiếu thơm ngon quyến rũ là “điều kiện ắt có và đủ”, hơn cả những định lý học ở trường, và coi ảnh trội yếu hơn tất cả những thằng bạn trong lớp.

Khi trở thành thiếu nữ, những đứa bạn trong xóm cứ trêu chọc:
Con gái nhà ai cao chồng ngồng,
Mới mười lăm mà đã muốn chồng. 

Thật ra, chúng nó đâu có biết là tui đã “muốn chồng” kể từ năm 10 tuổi!

Trong suốt 5 năm dài, ngày nào tui cũng chỉ mong anh Hủ Tiếu đẩy xe hủ tiếu đến xin cưới tui; lúc đó, tui sẽ vênh mặt hát câu: “xe” anh đi trước, võng nàng theo sau.  Nghĩ đến khi ngồi trên võng mà được ăn hủ tiếu thì không còn gì lãng mạn cho bằng.  Lúc đó có lẽ hàng xóm sẽ xếp hàng hai bên đường, trong đó có cả những con bạn của tui, nhìn tui thèm thuồng ao ước.... 

Thời cuộc đổi thay khi Sài Gòn thất thủ, mùa xuân “đại thắng” đầu tiên của tui phải sống trong cảnh “mẹ góa con côi”, vì chồng đi “cải tạo”, bố cũng ở tù; tui phải về lại Tuy Hòa để “thăm nuôi” bố, cũng như thăm bà con, chòm xóm, và bỗng nhớ đến anh Hủ Tiếu.

Sáng hôm sau, tui đến ngã tư đường cũ, mà bây giờ tấp nập kẻ mua người bán đủ thứ thức ăn, nhưng không thấy quán hủ tiếu ngày xưa.  Tui hỏi thăm hàng xóm thì chẳng ai biết gia đình anh đã đi đâu, căn nhà tôn nhỏ bé cũng đã đổi chủ; thế là từ đó tui không còn gặp lại anh nữa; nghe nói đâu gia đình của anh bị đánh “tư sản mại bản” và bị đầy đi “kinh tế mới” rồi.

Bên này tiệm ăn đầy dẫy, những tô hủ tiếu lớn như cái chậu rửa mặt; xương thịt ê chề, nhưng tui không tìm lại được hương vị ngày xưa.  Lòng buồn vời vợi với câu “Tìm anh như thể tìm chim; chim bay biển Bắc, em tìm biển Nam.”
Chỗ tui ở hiện giờ không có một quán ăn Việt Nam nào, đừng nói chi hủ tiếu; nên tui rất thèm, nhất là những ngày Tết.  Tui tự nhủ thầm rằng, sau này về già, có lẽ tui sẽ không vào viện dưỡng lão, mà tìm một anh chàng nào có tài nấu hủ tiếu sẽ đề nghị sống chung. 

Vậy quý anh nào có tài về món ăn này xin nạp resumé để lấy một cái hẹn interview.  Hy vọng chúng mình sẽ sống những ngày cuối đời bên TÌNH HỦ TIẾU.


Navarre nhớ Tết La Hai,
Thukỳ

No comments: