Friday, January 13, 2017

"THẦY" TUI (Tản mạn tếu của Thukỳ)

Kính tặng GS. Hoàng Thế Hào


Thường thì chỉ có học trò hay kể chiện tếu cho nhau; hiếm khi thấy sư phụ đùa giỡn với đệ tử.  Nhưng, như chúng ta thấy, tại Đại Hội Du Thuyền “Biển Tình”, trong lúc những "lão sinh" vui đùa với nhau như trẻ thơ, theo đề nghị của anh “Nẫu Nè”,  Thầy Hoàng Thế Hào, người có biệt danh “Cao Hoàng” mà anh Nẫu Nè gọi là “Kào Hoang”, đã kể tới 3 chiện mặn, trong đó có 2 chiện mặn chát mà Thukỳ không dám kể (vì sợ mụ “đười ươi” già lại la toáng lên là “chúng nó nói tục!”), nên chỉ kể một chiện tương đối ít muối, đại khái như sau:




Một “khách trú” gốc Quảng Đông, may mắn "cứ" được một cô gái Quảng Trị; và vì không có tiền thuê thông ngôn, nên trong đêm động phòng hoa chúc, mạnh ai nấy nói tiếng mẹ đẻ của mình, và  hiểu lầm  đã  xảy ra:

Sau khi "trả bài" xong, chú rể lăn qua tính ngủ, thì cô zợ (giọng Quảng Trị) hỏi:
- Xong hỉ? (Bộ xong rồi hả?)
Anh chồng nghe "xong hỉ" lại tưởng là “song hỷ” (zui zẻ 2 lần), nên nói:
- Ừ "song" thì ”song”, ngộ chưa có...“cong”!
Thế là chàng hỉ hục “zác cầy qua núi” thêm 2 lần nữa để “trả nợ cô zợ mới cứ". Vừa mới thở phào, tính “dưỡng lão”, thì bà zợ nói móc:
-Tham hỉ (Tham quá nhỉ!)
Ông già tưởng zợ nói "tam h", nên làm liên tiếp 3 cái nữa.
Đang thở dốc thì bà zợ nói:
- Ngủ hỉ? (Bây giờ ngủ được chưa?)
Ngh
ĩ rằng bà zợ đòi “ngũ hỷ”, chàng “giã" thêm 5 "cối”, khiến cái giường bị gẫy 3 cái chân.  Bà zợ hoảng hốt hỏi:
-Sập hỉ? (Bộ giường sập rồi hả?).
Tưởng “Từ Hy Thái Hậu” đòi làm thêm 10 cái; ông chồng già đành chiều cô zợ trẻ:
-Nị muốn sập thì ngộ cho sập lớ!
Thế là, sau khi làm bổn phận "thập toàn", chàng lén lút ra ngoài “trốn nợ”.  Ai dè , vì hết xí wách, khi bước qua khỏi cửa thì ổng té cái đụi.  Bà vợ tưởng là tường nhà bị đổ nên hỏi:
Sập zách hỉ? (Bộ vách bị đổ hả?)
Ông chồng tưởng dâu bà đòi làm thêm 11 cái nữa, nên hớt hồn chạy mất tiêu. 


Anh Hiền (nẫu nè) ,chị Nga, Thukỳ, Thầy Hào, Chị Bách Họp & Xuân Mai

Tại khách sạn đêm cuối cùng.


Thukỳ cừ thả ga
Chiện tếu của thầy Hào làm rung rinh con tầu. Thukỳ há miệng  cười hết ga, xém chút nữa một con ruồi bay vô cổ họng.

Ngoài tài thoọc léc, Thầy Hào còn xuất sắc và đam mê về "đờn-ca-sáo-thẩu”, nghĩa là trong đời của thầy ngoài đàn-nhạc ra, chiện gì cũng chỉ là thứ yếu.  Mỗi lần thầy đàn và hát, người ta có cảm tưởng như thầy đang... bay trên mây; vì thế mấy cô học trò “chời đánh” tặng cho thầy danh hiệu “người của cõi tiên”.

Khi Ziệc Cộng vào Sài Gòn, vì  bị “mất dạy”; và, không giống những người khác mở xưởng đóng tầu vượt biên, thầy mở tiệm đóng... đàn, để ngân nga câu:
Đàn ai réo rắt bên song
Nghe như nửa gánh tang bồng qua đây
Người đi nhẹ bước chân mây
Tâm tư nặng trĩu đêm ngày riêng ta.

Thầy Hào và cây đàn
Vì hồi đó, dây đàn, nhất là dây nylon, rất hiếm, nên thầy Hào đã sáng chế một cái đàn không cần dây(?).
(Có lẽ nỗi buồn "đầy không gian" nên thầy làm "đàn không dây"😋)

Quý anh chị nhớ hỏi thầy xem cây đàn đó phát ra âm thanh như thế nào; Thukỳ hoàn toàn mù tịt.

Sở trường của thầy Hào là đàn classic acoustic guitar, trong đó thầy sử dụng 10 ngón tay dạo flamenco và tremolo hết sẩy.  Thukỳ thích nhất là khi thầy vừa hát, vừa rải tiếng đàn (arpège) theo lời ca của bản nhạc “Khi Em Đến” mà thầy sáng tác và trình diễn cho một nhóm “thính phòng” tại khách sạn Miami Hilton.  Mọi người ngồi nghe đê mê, không ngờ thầy đàn và hát tuyệt diệu đến như vậy.

Hội trường Biển Tình

Du ngoại Bahamas
Những lần thầy lên sân khấu đều được thưởng những tràng pháo tay nồng nhiệt vang vọng hội trường, Thukỳ cùng 5-6 đứa học trò cảm động quá kéo lên sân khấu khóc sướt mướt “Thầy ơi, tụi “con” thương thầy lắm thầy ơi…” và  nước mắt “cá sấu” ngập tràn “sân khấu”.  Hàng trăm “nữ (hộ) sanh” cũng mủi lòng muốn khóc theo.   Thấy đám “con yêu quỷ” khóc như mưa, thầy liền cất giọng an ủi “Thâu nín đi em, lệ đẫm dzai rầu, buồn thương nhớ ơi…” 



Đang tặng quà cho Thầy




Chuyện “đàn ca sáo thẩu” của thầy rất dài, nhưng Thukỳ xin được tạm dừng ở đây để sang lãnh vực khác là thơ.  

Trước khi nói về thơ của thầy Hào, xin cho phép Thukỳ được nói về “thơ” của chính mình:

Hồi còn đi học ở trường Thánh Guise, Tuy Hòa, Thukỳ rất dốt toán lý hóa, chỉ thích nhất là thơ, nên suốt ngày ngồi mộng mơ.  Biết thế, mấy chàng ở trường Đặng Đức Tuấn khi nhìn thấy Thukỳ là trao những “vần thơ sầu rụng”, nhiều đến nỗi Thukỳ phải mua một cái “bồ sứt cạp” để đựng, gồm đủ loại: từ thơ “hai cu” (Haiku) đến Đường (mật); nhiều nhất là thơ “Lục chén” (người bắc gọi là “Lục bát”) và thơ  “Tứ khoái” (hay còn gọi là... “Tứ tuyệt).  Giá mà không phải chạy loạn VC và làm mất hàng chục bao tải thơ, thì có lẽ bây giờ Thukỳ có mở đến 3 tờ báo cũng không thể đăng hết thơ của nẫu tặng cho mình. (Nổ hổng đóng thuế) 

Nhờ “yêu” thơ, nên Thukỳ cũng có nghiên cứu chút đỉnh và biết đại khái về vận, niêm, và luật...

Thầy trò đi chơ ở Bahama



Một trong số những người “xếp hàng” đưa thơ (hổng phải đưa thư ‘mailman’), và là con đỉa dai nhất, có anh Nẫu Nè.  Thấy ảnh cũng khá điển trai, Thukỳ liền thách anh mần một bài thơ theo vần “IÊN”, vì hầu nhỏ Thukỳ rất khoái “tiền”, chỉ mong ông già sớm quy tiên để được hưởng gia tài.

Hình như được... “trúng tủ”, anh Nẫu Nè bèn ngửa mặt lên trời ứng khẩu đọc liền:
Em ơi, anh là...Hiền,
Em “cừ” rất có diên
Với 2 núm đồng tiền,
Mặt em đẹp như tiên,
Răng em mái tây hiên
Tim anh đập triền miên,
Nhìn thấy, anh mê liền
Nhìn thét rầu đâm ghiền,
Nhưng vì bị động viên,
Anh bèn đi vượt biên,
Chạy sang bên Cao Miên.....
(Chắc để ăn...chuối chiên!)

Sợ ảnh đọc tiếp, Thukỳ nói anh hãy xì tốp ngay, kẻo mấy bà sơ cao “niên” sẽ mang anh zô nhà thương... “điên”.

Anh "Nẫu nè" & Thukỳ.


Thầy & anh "Nẫu nè" thân ái quá...







Kểtừ đó anh "Nẫu Nè" bỏ làm thơ, quay sang làm...thợ, đi ở đợ, để 
trả nợ, rầu sau đó lấy zợ.

Vì tiếng Việt đơn âm, có rất nhiều chữ cùng vần, rất dễ làm thơ, nên đa số người Việt mình là... "thi sĩ".

Một trong những hình thức chính của thơ là “vần”, hoặc “vận” (rhyme), nên nhiều người đã lạm dụng nó, như anh Nẫu Nè, mà quên đi linh hồn của thơ là “cảm xúc”, chứ không phải là “bức xúc”.

Do đó, xin các “thi sởi” hãy thận trọng khi sử dụng vần, vì đại thi hào Shakespeare (!) khuyên chùng ta là:
Làm thơ nên tránh vần “ồn”,
Kẻo không đụng đến cái... “hồn” chị em.

Bùi Giáng cũng để đời 2 câu thơ bất hủ:
Thu Ba khen ngợi Thu Bồn,
Thu Bồn khoái chí sờ “tay” Thu Ba.



Cùng vợ chồng Xuân Thanh & Anh Thống + Hồng An.


Đọc thơ của thầy Hào, chúng ta thấy đa số không có vần.  Và, có lẽ bị ảnh hưởng bởi âm nhạc, trong thơ của thầy chú trọng nhiều về nhịp (rhythm) nên có vẻ là “lời hát” (lyrics) hơn là lời thơ (verses), và theo khá đúng nhịp 4/4: 

Anh về đêm nay, /núi xanh vẫn còn,
Có dòng sông êm/ chảy mãi về xuôi?
Trăng chiều lung linh/ chiếu trên phố hẹn,
Trường xưa em về/ thấp thoáng hàng cây?

Đọc bài thơ này Thukỳ có cảm tưởng như nghe lời ca trừu tượng của “nhạc” Trịnh Công Sơn.

(Nhân tiện, xin được mở ngoặc ở đây là Thukỳ cũng rất thích thể thơ “tự do” của anh Phạm Cao Hoàng, vì anh đã bỏ qua quy luật phiền phức để trải linh hồn mình phiêu diêu theo dòng thơ trong bài “Cha Tôi”./  Trong thơ của anh Phan Minh Châu cũng vậy, có đôi lúc anh gieo nhịp ngoại (syncopated rhythm) trong thể thơ 2/2 lục bát của bài Thôi Thì! Em Hãy Về Đi, nghe rất bùi tai:
Anh từ/ thuở biết/ xa xôi;
Biết thương nhớ(/), biết/ ngậm ngùi/ đa đoan.)   

Hôm đại hội du thuyền, thầy Hào thấy Thukỳ “bơ phờ” trong bộ mặt mệt nhoài vì mất ăn mất ngủ, nên thầy làm 4 câu thơ theo nhịp 3/5, cũng không có vần, để an ủi Thukỳ  (chắc thầy Hào mơ mộng mình là “thân không vợ” nên thường làm “thơ không vận"):

Hãy sống lại,/ theo chim về núi Nhạn
Để một lần/ uống cạn chén thanh xuân
Mùa
Thu ......lạ/ vươn cao đàn tỏa mãi
Nhạc lên đời/ tô vội vã môi son.

Có lẽ vì sợ ông xã Thukỳ (người bị bí đái) nổi sùng, nên thay vì viết “Thukỳ”, thầy lại “viết trại” sang “Thu....lạ”.  (May mà thầy không làm thơ để tặng anh Lê Kim Đạm).

Anh Nguyễn Đình Chiến (Mặc áo lá cây xanh)





Không ngờ, sau khi bài thơ, tưởng như “thất luật” được post trên Facebook, lại được nhiều thi sĩ chiếu cố, như anh Nguyễn Đình Chiến “họa”:

Em cổ tháp trên đồi xanh mây trắng
Xõa tóc dài mơ bóng Chiêm vương
Người đã về mang những yêu thương
Bay ríu rít rợp trời muôn cánh nhạn...

Biết bài thơ trên thầy Hào viết tặng riêng Thukỳ, nên anh Chiến yêu cầu Thukỳ phải họa; không còn cách nào khác, Thukỳ đành “giáng” (thảm) họa:

Đảo Navarre có con cò trắng,
Chân dài dài lội nước tơ vương,
Nghĩ đến "Nẫu" vừa nhớ vừa thương,
Chỉ muốn được bay về núi Nhạn...

Anh Chiến “tức cảnh sinh tình” họa lại:

Núi Nhạn đây rồi Núi Nhan ơi!
Ngàn năm thương nhớ chẳng hề vơi
Người đi dịu vợi phương trời thẳm
Cũng sẽ quay về một sáng vui..

Thấy ngứa tai, cô bạn Hoàng Liên Chi từ Seattle, WA, liền mở hộp thơ cho nàng thơ bay ra:

Từ khi tan tác bụi trần,
Đàn chim lạc hướng bạt ngàn muôn nơi.
Hôm nay biển cả gọi mời,
Tìm nhau nối lại một thời xuân xanh!

Đôi bàn tay nắm bàn tay,
Trái tim viễn xứ ngây say bao tình.
Cùng em nhấp chén lưu linh,
Mai về có nhớ bóng hình của ai?

“Bóng hình của ai” tìm hoài chẳng thấy, nhưng bệnh R.A. trở chứng hoành hành; làm, không những, 2 chân Thukỳ tê buốt, mà 2 tay cũng mỏi mệt; nên cho phép Thukỳ được tạm dừng nơi đây, hẹn sẽ “tản mạn” tiếp trong một dịp khác.

Navarre, sầu đông,
Thukỳ:

No comments: