Monday, November 18, 2024

BIẾT ĐÂU LÀ CHIỀU NAY (ĐẶNG KIM CÔN)

 


Biết Đâu Là Chiều Nay

 

Chuyện hai chiếc xe còn gặp nhau lần thứ hai trên xa lộ Mỹ cũng khó như chuyện hai người bạn xa nhau từ thuở thiếu thời, muốn tìm mà không biết tìm đâu, đã tình cờ gặp lại nhau, sau một cuộc chiến mấy mươi năm dai dẳng, khốc liệt, cũng như trải qua bao nhiêu năm tháng bôn ba, lưu lạc xứ người.

Vậy mà, hai chiếc xe lại gặp nhau, lần thứ hai trong một hoàn cảnh như nhau: kẹt xe trên một đoạn xa lộ năm lằn đường gần hai mươi cây số. 

Một lằn đường, cứ cho chừng mười lăm mét có khoảng ba xe nối nhau, thì năm lằn đã phải mười lăm xe là ít nhất, vậy mà gần hai chục cây số kẹt cứng những xe ơi là xe ấy, hai chiếc xe, giữa trùng trùng xe cộ, đã gặp lại nhau như không phải tình cờ. Mọi người cứ lặng lẽ ôm tay lái, nhích tới, nhích tới chút, những khi thoáng ra, lúc mà đến những ngã có xe rẽ bớt vào, thì những xe có thể nhấn thêm ga lên chút, lấp vội vào chỗ trống, mà có nhanh lắm cũng chừng ba mươi cây số trên chặng đường tốc độ tối đa cho phép là hơn trăm cây số một giờ. Có người thừa cơ hội này, lạng lách qua lằn khác, lấn được qua mặt một vài chiếc xe khác rồi cũng tiếp tục nằm chịu trận, có khi, lại để mặc cho những chiếc xe sau lại lạng qua mặt mình.

Chiều nào tan hãng về, cũng thế. Họ chìm ngộp trong dòng xe hàng ngàn chiếc ấy, người ta có thể thấy nhiều hoạt cảnh trên tay lái, người ăn uống, người vung tay làm một vài động tác thể dục, người lim dim, người lắc lư múa hai tay như một nhạc công ngồi trên giàn trống, đáng chú ý hơn, là đa số phụ nữ, nhất là vào sáng sớm, vừa lái xe vừa trang điểm, khéo đến nỗi, có thể thấy họ biến hóa một khuôn mặt nhếch nhác, ngái ngủ sang một dung nhan diễm kiều, tươi tỉnh, mà, không mấy khó để nhận ra đôi tay họ thành thuộc của họ không để lại một vết lem nào trên môi son, trên đôi mắt kẽ chì, hay cả trên đôi hàng lông mi được chuốt cong bằng một lượt keo Mac-Ca-Ra đen mướt.

Lần đầu chàng gặp nàng trong nửa cây số cuối cùng của chặng về hai mươi cây số đó. Cái đẹp của nàng làm chàng luyến tiếc cái khoảng trống vô vị của hơn mười chín cây số sau lưng, vốn chàng an phận gần như ngủ yên trên một lằn xe cố định, ai muốn chậm bao nhiêu thì bao. Nụ cười ngó nghiêng của nàng làm chàng tỉnh táo, rướn xe lên kịp song song xe nàng, để nhận xét cô nàng Á Châu đó là người nước nào. Nàng hất nhẹ mái tóc, hắt chuôi mắt lá răm về phía chàng, ánh mắt cũng cười. Rồi nàng bật đèn hiệu, rẽ vào phố, trước khi không quên gửi lại chàng mấy cái vẫy tay quái ác. Ôi! Bàn tay như cũng hấp háy cười.

Chàng kịp nhớ số xe nàng. 

 

Nếu có mấy câu thơ “Đôi khi một nụ cười sáng sớm, cũng làm nên một ngày nắng tươi” để nhớ, thì nụ cười buổi chiều kia cũng chợt làm cho đêm ấy hơi khó ngủ. Nhưng ngày hôm sau lại cũng không thể ngủ gà ngủ gật trong hãng, nên có lăn qua lăn lại thì giấc ngủ cũng phải đến, chập chờn đến, với hình ảnh nụ cười vừa thân thiện vừa tinh nghịch hắt qua mái tóc dài, đen nhánh, đen như màu chiếc xe Toyota Camry của nàng. Ừ, đâu cần phải thao thức vô duyên thế, mỗi ngày trên chặng đường câu cơm ấy, có biết bao nhiêu là những bất chợt bâng khuâng.

Rồi quên, và phải chi được quên luôn (quên đến nỗi, như có một lúc nào đấy, dù là chạm mặt nhau chăng thì may lắm là chỉ một thoáng tròn đôi mắt trước một dung nhan ngỡ như trong mộng kiếp nào), thì có lẽ cuộc đời không phải cứ vương vướng một chút gì đó trong lòng mỗi khi lái xe qua chặng đường gần hai mươi cây số ấy.

May mắn hơn nữa là, lần này họ được thấy nhau ở giữa quãng đường về, không biết là ngẫu nhiên hay cố tình mong gặp lại, mà cả hai đều như rất đỗi vui mừng, nụ cười ánh lên như nắng sớm, nắng sớm của một buổi chiều vui.

Tất cả các lằn xe đều kẹt như nêm, lúc đầu hai xe họ còn chiếc trước chiếc sau, rồi vì cố tình chờ nhau, nên chiếc nào cũng không muốn vượt qua mặt nhau, nhích tới chút, dừng, nhích tới, dừng, nhiều lúc, đứng hẳn bánh mất cả phút. Xe sau nếu thấy “không vui” thì cứ lách sang lằn đường khác, qua mặt họ mà đi, được cái là, ở đây người ta không hề nghe một tiếng còi xe nào trong cái dòng xe trùng điệp lặng lẽ ấy. Họ chợt thoáng trong đầu một ý vui vui, nếu bên đời cứ là những niềm vui, là những bông hoa, những nụ cười, thì sẽ không bao giờ có con đường nào dài, dù phải vất vưởng đến trăm năm. Vâng, họ đang thấy vui trong lòng, với niềm vui khó hiểu, như một người thảng thốt cựa mình, đánh mất một giấc mơ êm đềm, thơ mộng, đang thẫn thờ tiếc rẽ, thì lại lịm vào giấc ngủ, và lại nối tiếp kịp giấc mơ vừa đứt quãng kia. Được mấy khi nằm lại với giấc mơ, được mấy khi có thể lái xe thật chậm bên nhau ngoài xa lộ mà không bị cảnh sát vịn!

Nên họ không ngớt quay mặt qua cửa kính, giấc mơ đứt quãng nọ cứ chập chạ qua vai, nhìn nhau, lón lén những nụ cười không dè dặt, như cùng gửi tới nhau một tín hiệu: chúng ta sẽ còn có những ngày mai…

Nhưng rồi, tiệc vui cũng phải tàn, cái lối rẽ để vẫy tay đã không còn mấy xa, chàng chợt nhớ ra chuyện một người bạn làm cùng hãng kể đã khá lâu, một câu chuyện quen biết tương tự, người ta đã trao đổi số điện thoại cho nhau. Ừ nhỉ, tại sao không? Chàng lay hoay rút tờ giấy bìa và cây bút đen, nét lớn mà lúc nào cũng được để sẵn trong xe, vội vàng viết lớn số điện thoại của chàng, đưa ra ngoài cửa kính. Cũng có chút khó khăn để mảnh bìa không bị gió giật. Chàng đã thấy nàng cười, thấy nàng cũng rút vội giấy bút ghi lại, rồi vẫy tay trước khi bẻ vô-lăng rẽ vào lối về của nàng.

Mặt trời phía Tây đang hắt lại ánh nắng vàng rực rỡ. Buổi chiều không khép lại một ngày, mà đang mở ra, mở ra một cuộc chờ đợi hân hoan.

 

[]

 

Việt Nam có câu “trâu tìm cột chứ ai lại cột đi tìm trâu” không thể thích hợp ở Mỹ, lại càng không thể áp dụng cho trường hợp này, vì ở đây chỉ có phía cột là biết số điện thoại, cho nên chỉ còn chờ cột có bật đèn xanh hay không.

Nếu như nam nữ ở Việt Nam quen biết nhau dễ dàng trên đường phố, nơi sở làm, hoặc ở trường học… thì ở cái xứ sở bước ra khỏi nhà là mất hút trong xe hơi này, người ta lại có những cơ hội làm quen khác, và chàng đang đợi nàng một cuộc gọi, không phải cũng là một cách có thể sao? Và, nếu nàng không gọi, thì cũng như bất chợt trên đường, hạ kính xe xuống, một cơn gió mạnh thốc vào làm xao động… một buổi chiều trong xe, như, cuốn theo những hạt bụi bên đường.

     Chàng đã chờ không lâu, ngay tối đó, chàng đã không phải giật mình, mà rất mừng rỡ thấy số điện thoại lạ reo trên chiếc di động của chàng. Cô gái hỏi bằng Tiếng Anh:

-Tôi đây, xa lộ chiều nay, xin lỗi anh là người nước nào?

-Tôi đang chờ cô đây. Rất vui mừng được cô gọi tới, tôi. Tôi người Việt Nam.

Chiếc điện thoại như muốn rung lên với tiếng reo bên kia:

-Ồ, vui quá, Vivian cũng người Việt đây. Anh…?

Và họ đã nhanh chóng cuốn vào nhau, với những câu chuyện sinh hoạt hằng ngày, công việc, chuyện văn nghệ văn gừng… Và cũng thật đáng tiếc, là dù họ ở cách nhau chừng hơn hai mươi phút lái xe, dù họ rất muốn gặp nhau ngay, mà đành phải hẹn một dịp sớm nhất có thể, sau chuyến công tác xa trở về, vì nàng đang gọi cho chàng từ sân bay, đang chuẩn bị bay chuyến sắp tới.

Họ quyến luyến như hai người bạn “cố tri tha hương ngộ”, và khi họ nói bye bye để nàng lên máy bay, là khi cả hai đều hiểu, có một đóa hồng đang hàm tiếu trong giấc ngủ rộn ràng màu sắc đêm nay, giấc ngủ không có khoảng cách của thành phố dưới đất và máy bay đang bay giữa không trung, để rồi, những ngày tiếp đó, họ không bỏ lỡ bất cứ phút giây nào có thể nhăng cuội trên trên trời dưới biển, uống từng tiếng cười, hơi thở của nhau.

Họ yêu nhau. Để ở thành phố xa xôi kia nàng không cảm thấy lạc lõng, cô đơn, để con đường sáng sáng chiều chiều chàng ôm tay lái vẫn như thấy có nàng bên cạnh, hoặc ít lắm, cũng có nàng đang chạy song song, nhất là mỗi chiều lại bị dính cứng trên chặng đường kẹt xe đáng nhớ. Với không biết bao nhiêu người đang muốn bỏ xe xuống chạy bộ chơ đỡ sốt ruột, thì “Anh đang có em. Bên hông anh đang là một anh chàng Mễ ngủ gật… Bây giờ thì một gã Mỹ đen hạ kính xe hát to như đang đứng trên sân khấu… Em hát anh nghe đi… Ô kia, hay thật, một chiếc cứu thương phía sau anh đang chớp đèn và hụ còi, xe dồn cục là vậy, mà mọi người đều vội vã tấp vào lề phải, dù là đã có một lằn xe trống, luôn luôn trống, luôn luôn không hề có một chiếc xe nào có thể nói là lỡ, lăn bánh vào đó (trừ khi bị chết máy bất ngờ), đó là lằn dành riêng cho xe cứu thương, cứu hỏa, hoặc cảnh sát khi có việc khẩn cấp cần dùng đến xa lộ, nhiều xe ở lằn xa lằn phải quá, lúng túng chỉ kịp bẻ tay lái qua lằn phải, thì có khi cũng được xe cứu thương tận dụng để lách đi… Con đường lại bị trải đầy xe ra như trước, để mọi “sinh hoạt” quen thuộc trên mỗi xe lại tái diễn…”

-Anh à, có cô nào đang chạy bên anh đó không?

-Có, cô ta vừa đưa cái bảng tên ra cửa kính “Vivian”.

-Ui, xạo quá!

-Cô ta rẽ vào exit rồi.

-Vậy là… đuổi em phải không?

 

Khi có phần hơi cạn chuyện thì tình yêu cũng bắt đầu dẫn họ đi lạc vào cảm xúc của sóng âm thanh. Bắt đầu từ những câu nói đùa, em cho anh hôn chỗ nào của em đây, họ đã cho nhau nhiều hơn, đến mức không còn khoảng cách, không còn kìm hãm giữ gìn, đến mức, họ chỉ mong mau hết giờ làm, mau về đến nhà, ăn uống, lên giường, như hai con thú hoang bị nhốt lâu ngày trong bốn bức tường công việc, bị xích cứng trên bốn bánh xe mệt mỏi lăn đều,  họ tan loãng trong nhau, để cùng nhau

ôm chiếc điện thoại, hạnh phúc đến quên đi cả tội nghiệp cho mình, đang phải lênh đênh trên sóng ảo, phải bằng lòng với những cuộc ân ái mặn nồng như thật. Bởi họ biết trong tay nhau bây giờ đang là một con người, một con người thật, để có nói buông nhau ra ngủ, thì họ vẫn biết ngày mai còn đó một vòng tay khát khao, cháy bỏng của hôm nay, để giữ ấm cho lần gặp mặt.

Chợt nhớ ra là rồi họ sẽ gặp nhau, họ vừa vui mừng, vừa lo lắng. Hồi hôp bao nhiêu. 

-Em sẽ có bất ngờ cho anh…

-Ví dụ như?

-Như bỗng dưng bên hông xe của anh, một chiều kia, sẽ lù lù xe em song song, hi hi.

-Sao được?

-Chớ sao không. Ví dụ như, sau khi chúng ta buông phone, anh ngủ queo, em khẽ khàng gỡ tay anh ra, đáp chuyến bay đêm, sáng vẫn yêu anh như thường nhật, đến hãng, chiều về, cố tình tìm anh ngoài xa lộ.

-Nói hay lắm, thực tế tìm gặp được một chiếc xe trên xa lộ còn khó hơn lặn tìm xác tàu Titanic, biết không?

-Em biết, cứ hy vọng thế đi. Anh muốn em có quà gì cho anh?

-Muốn… muốn hai chị em…

-Quái quỷ! Tham lam quá. Không cần con tim hả?

-Thì… chị em của con tim. Ai bảo méo mó.

-Lẻo mép thật.

-Mà là chừng nào?

-Ai biết. Đã bảo bất ngờ mà. Biết đâu là chiều nay.

Tiếng cười khúc khích giòn tan trong điện thoại bỗng im bặt. Xe chàng cũng vừa mới ra xa lộ một quãng ngắn. Buổi sáng, giờ mở cửa của nhiều hãng xưởng có khác nhau, nên đường không đông xe mấy, và dù tốc độ có không chậm lắm, thì từ nhà chàng đến hãng cũng phải mất hai mươi phút. 

Nắng thật tươi loáng thoáng theo xe, tươi như một ngày đầy hứa hẹn. Cứ sẽ là mai, là mốt, hay chiều nay, đêm nay, cũng là một phía trước có thể với tới. Trong tầm tay ấy, biết đâu chiều nay ấy lại cũng muốn kéo dài một chút trông mong, một chút chờ đợi, như người đang nằm mộng không muốn giật mình.

Bất giác chàng bấm nút hạ cửa kính xuống, tưởng như đang có ánh mắt thân quen nhìn ngang hông xe, chàng mỉm cười một mình. Vâng, cám ơn buổi sáng lành lạnh có chút nắng ấm này, cám ơn hạnh phúc em cho.

Xe chạy được nửa đường thì chợt bị chùng lại. Hàng trăm xe phía trước đều chậm lại hết, chàng nhìn đồng hồ, điệu này chắc không khỏi trễ, hãng có thông cảm cho bất cứ tình huống bất khả kháng nào đâu, cứ trễ là ghi tên, ba lần là đuổi, coi bộ càng lúc càng phải chậm hơn, tốt nhất là gọi điện thoại vào xin phép nghỉ buổi sáng cho chắc ăn.

Xe dồn cục lại rồi. Chắc chắn là phía trước xảy ra gì rồi. Chàng nóng nảy hạ kính xuống ngó ngang. Những buổi chiều trên đường về anh vẫn có thói quen làm vậy để nhớ em, nhưng buổi sáng thì chưa. Cũng đã sắp đến giờ vào hãng, mà thường giờ này, chỉ có nàng có gthể gọi cho chàng, vì giờ chỗ nàng làm việc sớm hơn chàng 3 tiếng, nghĩa là nàng đang làm việc, nàng biết lúc nào vắng, thuận tiện, để có thể gọi

cho chàng, cũng có nghĩa là, chàng không nên làm cho điện thoại của nàng reo bất chợt, lỡ như đang lúc có sếp thì sao.

Mà giờ, khi hạ kính xuống ngó mông lung, sao chàng thấy bồn chồn quá, không kìm lòng được, chàng bấm điện thoại gọi nàng, không nghe đổ chuông.

Văng vẳng có tiếng còi xe cứu thương, hay cảnh sát, cứu hoả gì đó đang hụ ở xa xa, có thể đang ở chiều bên kia, hay đang phía sau chàng. Không lâu sau thì mấy chiếc xe cảnh sát hối hả chạy tới, sau đó nữa, có đủ cả xe cứu thương và cứu hỏa. Tất cả xe chạy trên đường chỉ còn nhích bánh một cách khó khăn. Chừng hơn mười phút nữa thì có trực thăng cứu thương hạ xuống rồi bay lên ở phía trước. 

Cuối cùng rồi mạch xe cũng được khai thông, dù không nhanh như lúc đầu, nhưng cũng đỡ hơn ì ạch một chỗ. Lý do còn chậm, vì xe nào cũng giảm ga để xem thử đã xảy ra gì nơi cảnh sát và cứu hỏa đang làm việc với ba chiếc xe móp mẹp sát lằn xe bên phải kia.

Sao lại thế được? Không thể nào! Không phải là chiếc xe Camry đen của nàng kia sao? Chàng nhìn kỹ bảng số xe, những con số mà chàng đã thuộc nằm lòng lại như muốn trêu ngươi chàng, cái bảng số móp méo, co quắp, như muốn nhắn chàng, không phải đâu, Mỹ mà, Camry màu đen chạy chung một đường ít nhất cũng con số hàng chục. Ừ, không phải, không phải mà.

Ba chiếc xe tông nhau, chiếc Camry tan nát đến độ, vẻ như, trước đó, cứu hỏa đã phải cưa cánh cửa bên tài xế, cánh cửa bứt nằm bên xe, cứu hỏa đang làm các việc dọn dẹp. Xe như vậy, thì con người trong ấy ra sao? Sốt ruột quá, chàng lại bấm điện thoại gọi nàng. Tổng đài báo, không liên lạc được.

Chân ga không muốn dậm nữa, rụng rời, nhưng không thể dừng xe được. Xe vẫn chạy, như đời sống vẫn phải tiếp diễn, như ngày tháng cứ lếch thếch trôi qua. Biết đâu là chiều nay, không phải chứ em? Em đùa mà. Mới tối qua, chúng ta vẫn nói chuyện đến “rã rời”, nếu em có “lén” anh ra sân bay thật thì ai bắt em sáng nay phải đi làm sớm? Sao không phải việc đầu tiên là gặp anh, đi café với nhau, rồi về ôm nhau ngủ?  Cũng có thể em đang tắt điện thoại để làm việc, cũng có thể nhà em, ai đó lái xe của em đi làm. 

Mà như lỡ có gì, anh biết tìm em đâu? Phải chi “biết đâu là chiều nay” là thật, thì anh đâu phải suy diễn hay là, cũng có thể thế này, thế kia lung tung. Chàng chợt nhớ ra, gì cũng đã nghe nàng kể, trừ điều mà chàng rất cần lúc này: cái bí mật mà nàng cố ý dành bất ngờ sau cùng cho chàng, là địa chỉ nàng ở cũng như tên và địa chỉ hãng nơi nàng làm việc.

Biết đâu là chiều nay, bất chợt em đứng trước mặt anh! Hay chiều nay, và rồi sẽ những chiều sau nữa, anh lại bấm điện thoại, ngẩn ngơ chờ những âm thanh quen thuộc, em đây… rất xa, mà cũng rất gần!

 

ĐẶNG KIM CÔN



No comments: