Wednesday, November 20, 2024

KIỀU MIÊN (CAO HOÀNG)

 

Kiều Miên

TRANH CAO HOÀNG.

 

CAO HOÀNG

 

Ôi cái âm thanh buồn bã ấy như cuộc đời anh, như

nghệ thuật anh: mãi mãi là kiếm tìm hồn anh, hồn người,

hồn vật, hồn cầm. Ừ, chỉ cần làm sao tìm cho được cái

hồn: vật ra hồn vật, người ra hồn người. Mời các bạn đang

làm nghệ thuật đọc Kiều Miên truyện kinh dị, người đi tìm

nàng nghệ thuật.

 

Đôi khi nàng nhờ anh vặn hộ mấy sợi dây đồng để

làm sườn cho con búp bê, bắt hộ mấy con vít vào cái bệ nặng

để búp bê có thể đứng vững. Nàng bảo anh hãy thử làm một

đứa đi, anh cũng muốn lắm, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy

một hứng thú nào.

Nhiều đêm thức giấc nửa khuya, anh đi quanh các

phòng mà thấy rờn rợn vì những dáng hình kỳ dị. Trong

nhà bếp một bà mập mạp đứng gần lò ga, trông giống như

một bà Đông Âu hay Liên Xô gì đó, tuy mập mà nét u

buồn. Nguyệt thật là tài khi để bà vào vị trí nhà bếp. Có

dân tộc nào đau khổ bằng dân Nga: bao năm lầm than đói

khát phục vụ bọn Sa hoàng hoang phí, lại còn thảm

thương hơn với non thế kỷ trong tay cách mạng.

Rồi còn cái bà già ngồi trên ghế dựa, đặt trên lò sưởi

đốt gỗ nữa chứ, dáng bà thật an nhàn, một tay cầm quạt

phe phẩy mấy sợi tóc bạc lòa xòa trên trán nhăn nheo. Đôi

mắt tinh anh đang nhìn anh, tay kia cầm một chén trà như

mời anh: “Uống trà đi con, mẹ mới bỏ trong bình trà mấy

bông Cúc đấy “. Anh vội đỡ lấy chén trà. Mấy bông Cúc

màu trắng ngà nhỏ bằng đầu ngón tay đang ganh nhau tỏa

hương với mấy bông Ngọc Lan nằm trong đĩa sứ màu

vàng mà ít khi thiếu vắng trên cái bàn gỗ Mít. Lâu lắm rồi,

chẳng bao giờ anh còn được uống trà hoa Cúc nữa. Thì mẹ

anh chứ còn ai nữa. Lạ thật, Nguyệt chỉ thấy hình mẹ anh

trong quyển album cũ rích mà sao thu được cái hình ảnh

tinh xảo thế kia. Tâm địa nàng thật tốt khi đặt bà ngồi trên

lò sưởi – mẹ anh rất sợ lạnh. Giờ ở đâu đó trên quê hương

đã xa nghìn trùng anh cũng mong linh hồn bà được ấm áp

luôn…

Đã hết đâu, trong phòng tắm trang trí bằng vỏ sò, vỏ

ốc, một chàng thủy thủ trung niên cái dáng khom khom:

một tay thọc túi quần sau rút cái ống điếu, tay kia che

nắng, đang cố nhìn một bến sắp tới, hay một bờ đã chia

xa? Hải Âu vỗ cánh bay đi như những mối tình vụn vặt

trên bến cảng năm nào! Hình như mãi mãi gã thủy thủ vẫn

tìm trên sóng nước ấy cái bến bờ xa xôi có đạn bom gào

thét, có kẻ tràn tới săn người, một tiếng gọi hiền hòa chân

thật đầy tình yêu, lúc đó gã sẽ dong buồm trở lại. Trời!

đúng là anh chứ còn ai nữa.

Sáng nay ngày nghỉ. Trưa trật ra rồi anh mới dậy.

Nguyệt đang làm búp bê, còn anh đúng sau lưng ngắm

nghía phê bình.

- Bộ đồ đẹp lắm rồi, khuôn mặt, thân hình cũng tuyệt,

bao giờ em mới làm đầu tóc mắt mũi?

- Em chưa nghĩ ra.

- Bao giờ em mới nghĩ ra?

- Cái đó cũng còn tuỳ. Có khi nó không ra đời nổi,

nếu em bị cụt hứng.

- Này, hơi giống một cô Việt Nam đấy.

- Vậy sao? Em không nghĩ là phải dùng vốn liếng quê

hương vào nghệ thuật đâu!

- Nhưng mở hàng phở thì cần chứ em. Nấu phở cũng

là một nghệ thuật mà.

- Anh đừng có vờ vĩnh, mình đang nói chuyện nghệ

thuật tạo hình mà. Thôi anh đi chơi đâu đi, khi về thì nhớ

ghé Michael’s mua cho em hai ống màu acrylic, một xanh

cobalt, một đen ngà voi. Anh nhớ chưa, đừng quên đấy. À,

mà còn phải ghé anh Thụ, không anh ấy lại giận cho.

Mùa thu trôi trên những cành phong ở đường S.E.

Ferdinant, nơi chỉ có tám cây phong, nhưng là tám cây

phong cổ đại với những lá muôn màu tẩm đẫm nhựa thu.

Anh đậu xe bên lề đường rồi thả bộ dưới những cây

phong. Trời đã lành lạnh nhưng có nắng thu rất dễ chịu.

Khi anh bước chân về phía tiệm cà phê Starbucks ở ngoài

một shopping mall, định bụng sẽ ngồi đó đọc nốt một

quyển sách; nhưng kìa, anh vừa trông thấy một cái eo

thon, một dáng người mềm mại quen quen, thế là anh đi

theo ngay. Nàng trông khỏe mạnh, một vẻ đẹp thiết thực

như nhà cửa, như bánh với bơ, đúng là thứ đàn bà thích

khỏa thân trong nắng. Nhưng nàng bỗng quay phắt lại, lắc

lắc mái tóc óng ả, hai con mắt đen huyền sắc sảo nhìn anh

đăm đăm, rồi nàng biến vào trong cánh cửa lớn của khu

thương mại.

Thôi đúng rồi, tim anh thắt lại. Anh đã gặp nàng ở đâu

nhỉ, khoảng đời nào, thành phố nào, hay chỉ là trong một

giấc mơ. Ừ phải, anh thường mơ một giấc mơ lãng mạn,

có người đàn bà rất đẹp trong căn nhà hoang liêu; hay là

giấc mơ của anh đang thể hiện? Thế rồi anh cũng lướt qua

cánh cửa lớn đó để đi theo. Người con gái ấy có cái thân

thể thực tế gần gũi, nhưng cái nhìn được trên khuôn mặt

nàng thì lại rất xa rời thực tại; một nét cổ sơ hoang đường

dễ làm người ta bị cuốn vào mộng mị đến lạc cả lối về.

Nàng lựa những cái áo ướm vào ngực, cúi xuống

ngắm nghía. Qua một cửa hàng khác, chân co chân duỗi

nàng thử những đôi giày cao gót, hoặc tìm những món nữ

trang. Thỉnh thoảng nàng quay lại nhìn phớt anh với nụ

cười mơ hồ.

- Ông cần gì? tôi có thể giúp được không?

Người đàn bà da ngăm ngăm, môi đỏ chót, trang điểm

rất kỹ, với giọng khàn khàn lôi anh ra khỏi cơn mộng.

- Cám ơn, tôi chỉ đi theo nhà tôi.

Người đàn bà bán hàng cười thông cảm. Mới có nửa

phút không dõi theo mà nàng đã biến mất rồi. Anh than

thầm rồi chân nhanh hơn, mắt đảo lẹ, cố tìm cái nàng thơ

huyền hoặc ấy. Nhớn nhác mãi qua các quầy hàng, qua các

cửa kính mà không thấy nàng đâu nữa. Có nhiều lúc anh

vượt gấp lên để xem mặt một cô mà phía sau rất giống

nàng, nhưng đều hụt hẫng cả. Buồn tình anh dừng lại nơi

cửa hàng bán nghệ thuật Phi Châu với bao hình khắc và đá

quý. Bỗng anh ngửi thấy một mùi hương thoang thoảng

trong ký ức. Đúng là cái mùi hoa cỏ mùa xuân khi anh lên

cao chót vót đỉnh Lâm Viên năm nào, thì ngay lúc ấy. nàng

đứng cạnh anh, tay mân mê một cái tượng gỗ. Mắt nàng

nhìn tượng gỗ, nhưng anh lại thấy là nàng chẳng nhìn gì

đâu; khóe môi cong cong nhích lên, như đang cười cợt

nhạo báng anh đấy.

Hơi quê, anh lùi ra sau một chút, định mở lời rồi lại

thôi, lại theo sau lẽo đẽo. Người đông quá, tiếng chân rộn

rã, nói cười lao xao. Những cậu trai, những cô gái nhỏ vui

vẻ tưng bừng, thật khác với cái huyền ảo của nàng, mà

cũng khác với anh, như một nhà hiền triết ưu tư trong cái

dòng đời ồ ạt đó. Rồi thì anh quyết định bước nhanh lên

gợi chuyện. Kỳ này không để mất nàng nữa. Vừa cả quyết

điều đó thì anh bước hụt một bậc cấp, lảo đảo chực ngã;

một tên Mỹ trắng nắm được cánh tay anh giữ lại, miệng

cười hả hê, anh nói thank you, hắn nói take care, thế là đủ

để mất hút nàng một lần nữa.

Lang thang trong Southcenter Mall có đến nửa tiếng

đồng hồ, không gặp lại, anh đành trở về con đường cũ, vô

xe ngồi ngắm lá thu vàng. Cứ coi như là giấc mơ thấy

ngọc thấy ngà để an ủi.

Giờ thì anh nhớ ra rồi. Ừ! cũng một buổi sáng dịu

dàng như hôm nay nhưng ở Đà Lạt, anh đi xuống con

đường dốc nhỏ ở gần nhà, ven đường toàn hoa cỏ dại.

Ngay cái khoảng trống có nhiều Dã Quỳ vàng rực, không

biết đã mọc từ đời kiếp nào, thì nàng ở dưới dốc đi lên.

Nàng cúi nhìn bước chân mình chẳng hề ngó lên, làm anh

tha hồ ngắm cái dung nhan thần thoại.

-Đẹp quá đi thôi!

Anh bật ra lời đó khi đi ngang nàng. Trời ạ! sao anh

gan cùng mình vậy? Xuống tới gần cuối dốc anh mới dám

ngó lại xem cái ép phê của câu nói đó tới đâu. Nàng dừng

hẳn ở trên dốc, mặt tươi như đóa hoa Phù Dung, mắt môi

mời gọi; chỉ thiếu điều nàng giơ tay ra ngoắc thôi. Thế mà

như một thằng con trai vừa ngu vừa nhát nhất trên đời, lỏn

lẻn anh bỏ đi luôn.

Mấy hôm sau đang đứng với cha anh ở ngay cổng

nhà, cha anh định xây lại cái cổng đá cho con đường dẫn

vào nhà thì nàng đi qua. Vẫn bộ đồ đậm màu giản dị, hai

tay nàng ôm khư khư một con búp bê gái khá lớn. Khi đi

ngang qua cổng, nàng quay nhìn anh rồi hôn ghì con búp

bê ấy. Cũng như buổi sáng hôm nay, lúc ấy tim anh thắt

lại. Ôi tuổi hai mươi bao nhiêu là lầm lỡ: cha anh đâu có

nỡ cho anh một bạt tai đâu, sao không lẹ bước theo nàng.

Đến khi cha đã vào nhà, anh mới bươn bả đi theo, thì chỉ

còn là hình với bóng. Anh định bụng không để lỡ cơ hội

lần thứ ba. Nhưng Kiều, tên cô gái ở gần nhà mà anh đã dò

hỏi lũ nhỏ được, không bao giờ gặp lại. Ở trong một nước

chiến tranh triền miên, một thời kỳ bạo loạn kinh hoàng,

thì những lỡ làng như vậy cũng thường xảy ra, có gì lạ

đâu!

Anh nhớ một lần về phép thăm nhà, mẹ anh vui mừng

cuống quít. Trong lúc sửa soạn bữa cơm, bà nói bao nhiêu

là chuyện: chuyện gần chuyện xa, xóm trên xóm dưới,

chuyện vui lẫn buồn:

- Tội nghiệp con bé, đẹp ơi là đẹp, nhà nó ở cuối

đường, ngay chỗ mẹ vẫn đón xe Lam đi chợ đó. Nó tự tử

chết rồi.

- Sao vậy mẹ?

- Không ai biết tại sao, nó cũng chẳng để lại thư.

- Cơ mà cô ấy tên gì vậy mẹ?

- Ơ! mẹ thường gặp con bé đó, hay nói chuyện với nó

mà quên bẵng đi, chẳng hỏi tên. Thật là hồng nhan bạc

mệnh!

Anh thầm nghĩ chắc gì đã là Kiều, anh cầu cho nàng

đang sống trong hạnh phúc... Khoảng thời gian đó, tâm

hồn lẫn thể xác anh chai cứng lại, cuộc chiến với bắn giết

thường xuyên trong lửa đạn tơi bời không còn làm anh xúc

động về chuyện gì nữa; nhớ tiếc lưu luyến đã từ lâu không

còn vướng bận.

Gió mùa thu lay nhẹ hàng phong già, một chiếc lá

phong giống như ngọn lửa chao đảo trên không rồi bay tọt

vào trong xe, đậu ngay ghế bên cạnh; anh mơ màng nhớ

đến câu thơ của Nguyệt vừa làm:

Trên những cành vàng phong

Mùa thu quên giang hồ

Theo gió về gõ cửa

Lay thức hồn thi ca…

Anh tỉnh lại vì những rung động và nhất là một mùi

hương. Một bàn tay anh vẫn còn vịn trên tay lái. Người

thiếu nữ mà buổi trưa hôm nay anh đã vất vả chạy theo,

giờ đã ngồi trong xe, ngay bên cạnh. Đôi mắt nhung mở

lớn, một bàn tay đưa ngang; anh vội bắt lay bàn tay ấy mà

tưởng nắm được gói bông.

- Em là Miên.

- Tôi là Trường.

Như một cái máy, Trường cho xe chạy chậm chạp,

thần trí bàng hoàng ngơ ngẩn. Chuyện thật đấy mà, có

phải nằm mơ đâu, thế mà anh cứ bối rối; loay hoay mãi

không ra khỏi vài con đường trong khu shopping, loay

hoay mãi vẫn không tìm được câu chuyện.

Nàng cười hóm hỉnh:

- Anh là thám tử của FBI hả?

Anh thấy tai mình nóng bừng, đỏ mặt, anh ấp úng:

- Không, không, ồ không tôi chỉ là một thủy thủ.

- Thủy thủ... nghe cũng khá lãng mạn đấy.

Nàng nhịp nhịp mũi giầy xuống sàn xe như muốn tìm

thêm một ý tưởng:

- Đi lang thang hôm nay anh có vui không?

- Lúc nào cũng vậy thôi, tôi thấy cả cuộc đời buồn vui

lẫn lộn.

Trường đã lấy lại được bình tĩnh hỏi lại:

- Còn Miên thế nào?

- Em thì lúc nào cũng buồn.

- Sao vậy?

 

Nàng cười lăng lẽ, đầu cúi xuống, nụ cười chỉ thoang

thoảng như là đang kể lể nỗi niềm… Thế nào là tình yêu,

là đau khổ, là nghệ thuật, là sự chết. Mà tình yêu đích thực

là gì, nghệ thuật là cái quái gì, sống để làm chi, chờ một

chung cuộc hay thấp thoáng một khởi đầu… Mãi nàng

mới trả lời:

- Lại nhà em đi, em kể cho nghe.

Anh liếc ngang nhìn nàng. Đôi mắt ấy, vầng trán ấy

vẫn thể hiện một nỗi buồn – không chừng còn hơn một nỗi

buồn – với đau thương lạc lõng của kiếp người. Anh nhìn

cái nỗi buồn tuyệt đẹp ấy định nói “đẹp quá đi thôi”. Như

hiểu, nàng nhìn lại anh, gật đầu. Nhưng chỉ một thoáng,

nàng ngồi ngay lại, thỉnh thoảng nhắc anh lái về phía nào.

Tưởng đâu xa, cũng gần nhà anh thôi, nhưng ở một vị

trí cao hơn, trên một con đường vắng hơn. Con đường này

anh cũng đã đi qua, có điều không để ý tới cái nhà cũ xì

với những cây Cedar cao lớn, Trường Xuân đằng và Thiết

Thạch lan phủ gần kín. Bên trong đẹp và ấm áp hơn,

những bức tường sơn đỏ với đèn đã bật sẵn. Nàng chỉ ghế

sofa trong phòng khách:

- Anh ngồi chơi đó đợi em chút.

Thế rồi nàng lại biến. Đã quen với trò chơi trốn tìm

của nàng sáng nay, anh bắt đầu mở những tạp chí trên bàn,

lòng lâng lâng một cảm giác man man.

Tuy mắt nhìn hình ảnh của những tạp chí nhưng tai

anh vẫn nghe tiếng bước chân nàng, tiếng dọn dẹp đồ vật

ở các phòng chung quanh, một lúc khá lâu rồi lại im bặt.

Anh đứng dậy đi quanh phòng khách ngắm các bức tranh,

các hình chụp. Đúng lúc anh định cất tiếng gọi nàng thì

một dòng nhạc ùa tới. Tiếng hồ cầm ròn rã vang lên một

tiểu khúc của Bach, vừa sang vừa buồn, một cái buồn héo

hon trong căn nhà cô quạnh. Nghe được vài đoạn, không

còn kiên nhẫn nữa, anh ra khỏi phòng khách tìm nàng. Lúc

sau, nghe thấy tiếng nước róc rách trong một cửa nhỏ, anh

gõ cửa nói giọng hờn dỗi:

- Anh đi về đây thôi.

Tiếng nàng ở trong hốt hoảng:

- Ôi, đừng có về. Em đang tắm, đợi em tí nữa đi mà…

Nếu anh mệt thì tới phòng em ở bên trái lên giường nằm

nghỉ đi.

Sao giọng nói nàng vừa dễ thương vừa hứa hẹn, thế là

anh quên cả bực mình, anh nói OK rồi đi tìm phòng ngủ

nàng ở bên trái. Thì ra dòng nhạc Bach mênh mông u hoài

ấy phát ra từ máy CD ngay bên giường ngủ. Anh cởi giày

nằm xuống mơ màng với dòng nhạc đuổi bắt ấy. Cứ một

câu nhạc đưa ra, liền có ngay một câu trả lời chắc nịch.

Một câu chạy trốn, lập tức một câu đi tìm; y như anh với

nàng trưa hôm nay. Có lúc lại ríu rít như chim gọi đàn, rộn

ràng như đôi trai gái đuổi bắt nhau trong vườn thạch lựu,

rồi lại quay về với thê lương hoang tưởng… Ôi cái âm

thanh buồn bã ấy như cuộc đời anh, như nghệ thuật anh,

mãi mãi là kiếm tìm hồn anh, hồn người, hồn vật, hồn

cầm. Ừ, chỉ cần làm sao tìm cho được cái hồn - vật ra hồn

vật, người ra hồn người…

Một lần nữa, anh lại tỉnh dậy, không phải ở trong xe

hơi, mà ở ngay trên giường một thiếu nữ. Tiếng hồ cầm đã

dứt, chỉ còn lại dư âm xa vắng. căn nhà yên lặng lạ lùng,

cả đèn cũng tắt ngấm như một nhà hoang. Anh vùng dậy,

xỏ vội chân vào giày, rồi đi tìm Miên. Hết phòng này qua

phòng khác không thấy một dấu vết nào của nàng. Cửa

hàng rào vẫn mở, mờ trong bóng chiều chiếc Suzuki của

anh vẫn còn đậu trên lối vào. Anh mở cửa vào nhà tắm:

nhà tắm sạch và khô. Mở cửa tủ áo: áo nàng mặc hồi trưa

vẫn còn treo bên trong. Rờn rợn anh vuốt ve cái áo của

nàng mà tưởng như là vuốt một đám mây.

Miên là giấc ngủ. Tỉnh dậy lần đầu anh gặp nàng, tỉnh

dậy lần sau anh mất nàng; không biết khoảng thời gian

giữa hai lần tỉnh ấy có thật hay không? Vội vã anh ra khỏi

cửa, quay nhìn lại ngôi nhà cổ, cố tìm một cái bảng số để

nhớ, nhưng nhà này không có cả bảng số. Căn nhà bây giờ

trông khác hẳn lúc anh mới đến trưa nay, không còn cũ kỹ

nữa, nó rực sáng một vẻ đẹp u uẩn, như có cái linh hồn

nghệ thuật ẩn nấp đâu đây. Về đến nhà, Nguyệt vẫn còn

đang làm việc, lưng quay về phía anh. Ngọn đèn nhỏ duy

nhất trong phòng nấp sau nàng, tỏa một ánh sáng dịu,

giống như ánh sáng của trăng.

- Tuyệt lắm anh à, lại đây mà xem.

Nguyệt nói chẳng hề quay lưng, vì đang say mê với

những bước cuối cùng của tác phẩm đang hoàn thành.

Nhưng Trường chẳng còn hồn vía nào mà ra ngắm đại tác

phẩm của Nguyệt, chỉ ừ hử khen đẹp cho qua; với tay tìm

cái remote control bấm đài FSN. Khi Ichiro đấu thủ của

đội banh Mariners hiện lên màn ảnh, quật những cú đầu

tiên của trận đấu bóng chày, anh vẫn còn bối rối. Nguyệt

lại lèng èng:

- Có phải anh khen đẹp thật đó không? lại đây nhìn kỹ

đi chàng ơi. Ngay cả lúc anh ngắm nhìn thật kỹ ngoại

mạo, chắc gì anh đã thấy được cái linh hồn u uất bên

trong. Con búp bê này không biết nói, làm sao anh nghe

được những tâm tư của nó?

Anh đành phải lê bước lại phía nàng, nịnh nọt:

- Con búp bê chẳng biết nói, nhưng em đã truyền tất

cả cái hồn nghệ thuật của em và…

Bỗng anh giật mình run rẩy; cũng cái eo thon đó,

đường cong rực lửa, cũng mái tóc óng ả đó, đôi mắt hoang

sơ cổ lục. Con búp bê nhìn anh thăm thẳm, cười cợt mơ

hồ.

- Anh thấy kiệt tác chưa? Em đã đặt tên rồi: nàng

Kiều Miên đấy… Ồ, sao mặt anh tái ngắt vậy, sao run quá

vậy? Ôi, anh làm sao thế này!

Thời niên thiếu ta ở trong một ngôi nhà cổ. Nhà có

vườn rộng thênh thang lại trồng toàn cây bông sứ. Có đứa

bảo: nhà ta quen thói của bọn thực dân. Cũng đúng thôi, vì

bọn Tây nhìn ra cái tuyệt đẹp của sứ cùi. Còn ta chẳng để

ý chi tới những lời thô thiển đó; chỉ biết rằng: mỗi khi nhớ

về dĩ vãng thì trong ta sáng lên một khung trời huyền ảo là

bóng dáng nàng Kiều Miên diễm lệ. Những đêm trăng

vàng hoa sứ toả hương thơm ngát, nàng ta nhẹ nhàng lướt

đi trên cỏ. Ta muốn lại gần tỏ lời yêu dấu nhưng nào có

được. Nhiều đứa bảo trong vườn nhà ta có ma, cứ xâm

xẩm tối là con đường Trưng Nữ Vương chạy ngang nhà

vắng ngơ vắng ngắt. Ma gì mà ma! Yêu nàng ta cóc sợ.

Hôm nọ bạn đến chơi, bảo có câu này hay lắm, muốn

nghe không? Ta bảo đọc đi. Bạn liền đọc:

Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh.

Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh.

 

Ta hỏi bạn: ai nói đó? Gã đáp Văn Thiên Tường. Ta

lại hỏi về ý nghĩa, gã giảng:

Núi không cần cao, nổi danh vì tiên đến ở.

Sông chẳng cần sâu cũng linh hiển, nếu có giao long

vẫy vùng.

Ta liền kể chuyện nàng Kiều Miên trong vườn bông

sứ cho bạn nghe, gã phán:

Người tình nghệ thuật của huynh đó, cứ thế mà mang

nàng theo suốt đời.

Búp bê cổ tìm thấy trên tầng thượng. Hình bên phải là

minh họa nàng Kiều Miên của bé Ava Lam, 8 tuổi.

No comments: