Friday, November 15, 2024

LƯƠNG THƯ TRUNG PHỎNG VẤN NHÀ THƠ ĐẶNG KIM CÔN)

 


LƯƠNG THƯ TRUNG phỏng vấn

Bên tách trà với Đặng Kim Côn

 

Lương Thư Trung:

Mến chào anh Đặng Kim Côn.

Rất vui khi được nhà thơ Trần Phù Thế giới thiệu tập thơ Để Trăng Khuya Kịp Rót

Đầy Sớm Mai của anh. Dường như anh khởi viết khá lâu vào những ngày còn đi học?

Anh giới thiệu sáng tác của mình trên các tạp chí nào lúc ấy?

Đặng Kim Côn:

Tôi viết sớm. Khoảng 1967 đã có bài trong Bút Hoa, 1973 có thơ trong Khởi Hành

nhưng không nhiều vì ít chấp nhận được bài viết của mình (nên không thường gửi

bài). Đa số thơ văn nằm “dài dài” trong các báo lá cải, dưới nhiều bút hiệu. Tôi cũng

có phụ trách “ôm” tờ Nguyệt San Bộ Binh Thủ Đức suốt thời gian thụ huấn. Những

bài coi như trở mình tính từ 1973 trở đi. Nói chung là tôi cũng biết khả năng mình

không tới đâu nên đã “chơi” một cách khá hờ hững, và không dám kết thân bạn bè

viết lách. Ngay cả hiện giờ, nếu không được nhiều anh em khuyến khích thì tôi cũng

đã không nghĩ tới việc bắt đầu “đẻ đứa con đang sắp chết ngộp” này mà đúng ra nếu

tha thiết hơn với thơ, tôi đã cho ra đời hơn mười năm trước.

LTT:

Như vậy, tính ra cũng đã hơn bốn mươi năm anh vui thú văn chương. Là một người

sống cùng thế hệ những ngày binh lửa ấy với anh, tôi rất hiểu và cảm thông về những

mối hiểm nguy của "Mùa Hè Đỏ Lửa," “Tháng Ba Gãy Súng,” những tháng năm gian

nguy đầy chết chóc nơi rừng núi Củng Sơn. Có lẽ vì thế mà thơ anh đầy những trăn

trở, thao thức về con sông, bãi biển, ngọn núi, làng quê, ngọn tháp Chàm của vùng đất

Phú Yên.

Được biết anh ở Tuy Hòa nhưng có lần nào anh về qua làng Ngân Sơn, quê hương

của nhà văn Võ Hồng? Anh có mẩu chuyện nào để kể về tác giả của «Trầm Mặc Cây

Rừng» không?

ĐKC:

Ngày ấy tôi chưa biết văn chương là gì, và tuy là lính tráng núi rừng nhưng lại nhút

nhát nên tôi đã không dám kết thân với ai dù cũng có chút quen biết với các cây bút

thành danh ở Phú Yên. Tôi đến Ngân Sơn rất nhiều lần vào sau những năm 1980,

nhưng chưa được cái hân hạnh gặp thầy Võ Hồng.

LTT:

Trong bài thơ mở đầu thi tập Để Trăng Khuya Kịp Rót Đầy Sớm Mai , bài"Trên Đỉnh

Mê Xưa” của anh có nhiều câu trăn trở với đất trời và chính mình:

«Trời đất thấy ta ngồi trên núi không?

Ngọn thấp ngọn cao, đá đựng đá chồng

Đã rêu phong ta nghìn năm sinh tử

Mưa nắng cõi người bao giờ đơm bông?»

 

Bài thơ làm gợi nhớ đến bài “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” của Trương Nhược Hư:

«Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần,

Hạo hạo không trung cô nguyệt luân.

Giang biên hà nhân sở kiến nguyệt,

Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân.»

Anh có thể chia sẻ với những người mê thơ bài này được sáng tác trong trường hợp

nào không, thưa anh?

ĐKC:

Vâng, bài thơ này là một kỷ niệm khó quên trong đời. Trong thời gian ba năm ở Phú

Bổn, tôi rất buồn nhớ nhà, và lại bị thương thập tử nhất sinh. Lúc ấy bị Hội Văn Nghệ

Sĩ Quân Đội tỉnh Phú Bổn “phong” cho làm trưởng ban thơ, tôi lo lắng, tự ti trước

mấy ông “lớn” vì có người từng là ứng viên đoạt “giải ba” thơ Tổng Thống. Tâm

trạng tôi bồn chồn, bất an sau hơn hai năm không viết được gì hoặc thỉnh thoảng vài

bài chả ra gì. Có lẽ với nỗi khắc khoải nằm trên núi quá lâu và cùng rất nhiều nỗi

niềm khác, tôi đã tuôn ra được bài “Trên Đỉnh Mê Xưa” mà tôi xem như bước khởi

đầu có màu sắc trên đường thơ của mình.

LTT :

Cảm ơn anh đã chia sẻ sự ra đời của bài thơ “Trên Đỉnh Mê Xưa.” Khi đọc thi tập của

anh tôi hiểu được phần nào những băn khoăn nhưng có lẽ không bằng chính tác giả

trang trải những nỗi niềm.

Đến bài thơ “Ném Viên Sỏi Xuống Hồ Tiểu Thúy”

Ném viên sỏi xuống Hồ Tiểu Thúy

Nước xôn xao hay lòng xôn xao

Ta muốn nhảy xuống hồ tự tử

Nhưng hồ nhỏ quá, e hồ đau.

……

Một thoáng ta nhìn ta bỗng lạ

Thăm thẳm đâu từ đáy nước sâu

Ngủ với đáy hồ như đá sỏi

Êm ái rêu phong bóng mịt mù.

Bài thơ dùng chữ thật khéo với óc giàu tưởng tượng. Thiên nhiên và con người hòa

quyện cùng nhau. Ngôn ngữ thơ trầm mặc những trăn trở suy tư về thân phận, về cuộc

đời. Nhà thơ biết dùng thiên nhiên để gửi gắm nỗi niềm một cách tài tình. Ví dụ như

Kim Lăng Đồ của Vi Trang, rồi Lý Bạch với Nguyệt Hạ Độc Chước, rồi Mạn Hứng

của Đổ Phủ các bậc thi bá đời xưa coi “con người và vạn vật chung một thể.” Với thơ

anh, bóng mình đó mà tưởng bóng ai? Ta đó mà sao ta lại lạ với chính ta? Làm thơ

mà đạt triết lý đến thế thật tuyệt. Phải chăng tứ thơ của anh là vậy không, thưa anh?

ĐKC:

“Phải chăng tứ thơ của anh là vậy không?” Tôi thật là sung sướng với câu hỏi của

anh. Việc anh đặt giả thuyết cũng có nghĩa là tôi không biết thơ mình được độc giả –

nhất là độc giả như anh – tiếp nhận. Trước 1975, ở Tuy Hòa, có một quán café nổi

tiếng trong giới văn học nghệ thuật tên là Hồ Tiểu Thúy. Hồ nhỏ xíu, ngang hơn 1m,

dài chừng 4m, có hòn non bộ xinh xắn do chủ nhân chế tác. Trong một đêm thơ nhạc

 

được tổ chức tại đây, tôi đã viết và ngâm bài thơ này, gặt ít nhiều thành công “ta

muốn nhảy xuống hồ tự tử/ nhưng hồ nhỏ quá e hồ đau.” Sau khi bài ngâm chấm dứt,

bỗng òa lên những tiếng vỗ tay và sau đó có nhiều người xin chữ ký (hì hì !) Đó chắc

là giây phút “xuất thần” của Đặng Kim Côn. Nói chung, tôi được nhiều may mắn

trong đợt chuẩn bị in sách lần này. Có nhiều đàn anh tên tuổi trong giới cầm bút đã

nhiệt tình quạt lại ngọn lửa văn nghệ trong tôi tưởng đã nguội lạnh khá lâu rồi.

LTT:

Vâng, được biết anh có nhiều tác giả tên tuổi cổ vũ, khích lệ. Trở lại chuyện thi ca, tôi

thấy bài “Tuyệt Khúc Vàng” là một bài thơ chân tình của người lính trẻ. Giã từ biên

cương chiến địa mà thấy nhớ sông núi mãi hoài!

“Ừ ta nửa gánh giang hồ mỏi

Thân đã mòn như que củi khô

Buông cương chiến mã chào sông núi

Sông núi buồn không đứng lặng lờ?”

Để rồi hồn thơ anh lâng lâng một tấm lòng thương nhớ những buổi mặt trận tàn với

chén “rượu biên cương” bên những xác người gối tay lên nhau mà quên hết bạn thù.

“Dẫu có thể đôi khi thấy nhớ

Rượu biên cương bên đám lửa rừng

Bên dăm ba thây ma thù, bạn

Gối tay nhau nằm cũng tình thân.”

Ý tưởng đó tuy không mới nhưng đầy nhân bản. Chỉ người còn sống mới chia rẽ

nhau, thù hận nhau. Khi xuôi tay nhắm mắt rồi thì thù hận hay yêu thương rồi cũng

tan biến hết!

Ngoài ra, tôi cũng thích bài “Trâu Cày” với hai câu trong đoạn kết. Một ước mơ rất

giản dị mà xa vời, chua xót …

“Giá như đến được bên đồng cỏ

Chỉ để lăn thôi cũng đủ vui”

Thưa anh, hai bài thơ trên anh làm ở hai thời khắc khác nhau, một làm vào những

ngày còn lửa khói chiến tranh, một làm vào những năm “hòa bình,” mà sao nghe như

mạch thơ chảy hoài về một nỗi đọa đày. Đọa đày trong chiến tranh đã đành, mà sao

lại còn đọa đày ngay trong cả những ngày đã tàn khói lửa của những mùa chinh chiến

cũ !?!

ĐKC:

Anh ạ, “Tuyệt Khúc Vàng” là bài thơ khao khát một ngày không tiếng súng. Bên cửa

sổ lạnh sương, vòng tay thiếu thốn kia tìm chút ấm. Đến 1975 thì “buông cương” thật.

Bài thơ như một tiên tri, đã khiến bạn bè xem như “điềm” để thương yêu, lẩm nhẩm

trong những lúc chạnh lòng. Được coi như là bài thơ cũ được quê nhà biết tới nhiều

cùng với “Thất tình Ca” và “Chén Rượu Cho Tuy Hòa”. Bài “Trâu Cày” nằm trong

một loạt với những bài “Bức Tranh Chiếc xe Bò” và “Bò Kéo Xe” với bốn câu kết

của mỗi bài như dưới đây:

“Người họa sĩ ngồi trong tòa nhà không có mưa rơi

Vẽ bầu trời thênh thang dưới vành nón lá

Cơn mưa dài, những bước chân rời rã

 

Rơi xuống ngày mai những bước quanh đời.”

(Bức Tranh Chiếc Xe Bò)

Và:

“Ngày mai con bò không phải dậy

Từng mảnh thịt xương ra chợ lạnh lùng

Những lằn roi vẫn hằn lên lưng dốc

Xe gãy càng nằm bên chuồng trống không.”

(Bò Kéo Xe)

Những bài thơ nói lên sự cam chịu trong những năm tháng phó thường dân khốn khổ,

đói khát, đi không ngày mai, về không thấy mình, trên cánh đồng “thiên đường hứa

hẹn” vẫn cứ là hứa hẹn.

LTT:

Hai bài thơ “Bức Tranh Chiếc Xe Bò” và “Bò Kéo Xe” mà anh không chọn vô cùng

“Trâu Cày” thì thật đáng tiếc. Bài “Bonsai Rừng” có hai câu ở đoạn kết:

“Chiều nay rừng núi theo về phố

Lủng lẳng trên vai những đất trời.”

Nghe ra như có chút reo vui của vài gốc cây rừng lủng lẳng trên vai nhưng vừa có

thêm chút cô đơn quạnh quẻ bên đời?

ĐKC:

Thật ra, núi rừng “một thủa cũng tình thân” ấy luôn luôn quyến rũ tôi. Đả đảo, hoan

hô, buồn vui trong núi thẳm một mình đôi lúc cũng giúp mình quên đi thực tại. Nghêu

ngao cũng là cơm áo, anh ạ. Đặng Kim Côn lủi thủi lang thang đào cây suốt thời gian

dài ròng rã bảy năm trước khi có người thứ hai trong tỉnh bắt đầu nối gót, nhiều người

còn gọi là thằng điên. Loạt thơ về thời điểm này còn có “Trăng Bonsai.”

“Ðêm đêm ngồi lặng lẽ

Bên những hòn giả sơn

Bên gốc đa vạn cổ

Nghe đời trôi vô thường.”

Đó là một gắn bó thiền tính trong cõi thơ tôi.

LTT :

Như vậy, ngoài bài thơ “Những Vầng Trăng,” “Trăng Bonsai” anh còn nhiều bài khác

về trăng như “Phù Ảo Đáy Sông Trăng,” “Trăng Thu,” “Vàng Ngập Một Vườn

Trăng,” đặc biệt là bài với cái tựa thật dài “Để Trăng Khuya Kịp Rót Đầy Sớm Mai”

nhưng chỉ vỏn vẹn có bốn câu.

“Trăng bờ tây sáng bờ đông

Khuyết tròn, mọc lặn giữa giòng đời quay

Xin em cạn một chén này

Để trăng khuya kịp rót đầy sớm mai.”

Anh cũng đã chọn bài thơ này làm tựa cho thi tập. Anh có thể chia sẻ một chút về sự

ưu ái này không?

ĐKC:

 

Thưa anh tựa này nó bao gồm vui buồn trong một đêm khuya xứ người. Hôm ấy là

sinh nhật tôi, thằng bạn thân khiêm ông sui rất thích thơ. Nó gợi ý trên bàn tiệc giữa

sân vườn, thu lạnh, trăng khuya. Trong tâm tình đầy ắp thương yêu của bè bạn và gia

đình, tôi đã viết bốn câu trên, và cũng vì sự ràng buộc thiết tha đó, tôi chọn cái tựa

này…để nhớ “rất xưa kia” (và hôm nay) chỉ là một ngày.

LTT:

Ngoài ra, tôi nhận thấy vào năm 2009, anh có làm nhiều bài thơ rất ngắn, như “Lá

Phong,” “Dại Khờ,” “Thị Ngạn,” đặc biệt hai bài thơ “Cuội” và “Thiên Đường” dưới

đây chỉ vỏn vẹn có hai câu:

“Trăng Cali trăng Tuy Hòa

Ngồi chi dưới gốc cây đa mà buồn”

(Cuội)

“Trăng quê nhà, trăng viễn phương

Mây bay luống cuống thiên đường ở đâu?”

(Thiên Đường)

Xin anh có thể chia sẻ một chút về những bài thơ thật ngắn này? Làm thơ ngắn khó

không anh?

ĐKC:

Những bài thơ ngắn, và rất ngắn, tôi đã viết nhiều từ trước 1970. Tôi nghĩ nó tương

đối dễ làm với bất kỳ ai biết làm thơ. Giống như hơi thở, ai cũng thở, có điều tại sao

không thở dài, mà thở ngắn? Phải chăng đó cũng chỉ là cách thở? Và điều tôi muốn

nói là nén sao cho nó đủ, vừa đủ (hoặc để người đọc cảm thấy đủ) để muốn tìm kiếm

một cái gì đó mơ hồ, không có trong bài thơ, mà thấy như đang có đó.

LTT:

Bàn về sáng tác, đọc trên Da Màu thấy anh có truyện đăng trên tạp chí này và như anh

cho biết anh sẽ in thêm một tập truyện. Xin anh vui lòng cho biết những đề tài ưa

thích trong truyện của anh. Ngoài ra, giữa làm thơ và viết truyện, anh mê nhứt là bộ

môn nào, thưa anh?

ĐKC:

Đề tài truyện ngắn tôi thích là TÌNH YÊU. Giữa hai bộ môn thơ và văn, tôi thích viết

văn hơn. Có lẽ, một phần là văn tôi viết có phần khó hơn thơ.

LTT:

Giờ xin trở lại một chút Phú Yên của anh. Hồi những năm đầu thập niên 1970, tôi có

dịp ghé qua Phú Yên nhiều bận. Từ Nha Trang qua đèo Rù Rì về hướng Ninh Hòa, rồi

ra Đại Lãnh bên này chân đèo Cả. Đèo cao chót vót, bên này, vách đá lêu nghêu, bên

mặt, biển sâu chập chùng vực thẳm. Nhìn xa xa ngoài biển vắng ấy là Vũng Rô của

bắt đầu địa giới Phú Yên. Xuống chân đèo Cả đi vào quận Hiếu Xương với những

miếng ruộng không bao la lắm nhưng vẫn biểu hiện được cái nét trù phú. Rồi đến cầu

Đà Rằng bắc ngang sông Ba, chiếc cầu không cao nhưng dài có đến cả ngàn thước

dẫn về thị xã Tuy Hòa. Tuy Hòa nhỏ, có thể gọi là rất nhỏ so với Nha Trang ngày xa

xưa ấy. Phú Yên với địa thế mà tôi còn nhớ; Đông ôm lấy biển, Tây gối đầu lên vùng

rừng núi giáp ranh với Phú Bổn; Nam nằm chắn bởi đèo Cả; và Bắc Bình Định, Quy

 

Nhơn chắn ở bên kia đèo Cù Mông. Thưa anh, Phú Yên của anh bốn mươi năm trước

tôi ghi nhận là thế, nhưng nay bụi thời gian phủ lấp quá nhiều rồi. Có thể Phú Yên

ngày nay không còn như trước, mà sao trong lòng tôi vẫn nhớ về với Phú Yên của anh

với chừng ấy sông nước biển trời núi rừng trong trí nhớ. Và bài thơ “Chén Rượu Cho

Tuy Hòa” của anh đã gợi trong trí não tôi cái nhớ về Phú Yên:

“Có chân tháp mỏi mòn trông đỉnh tháp

Tháp nhớ người đi, ta nhớ Tuy Hòa

Cho ta gượng một bàn tay vẫy

Chào Tuy Hòa và tiễn đưa ta.”

Bài thơ khá cảm động. Chữ “gượng” anh dùng quá tuyệt. Cảm ơn anh đã gợi cho

người đọc một trong những bến bờ mà tôi có lần ghé lại những năm nào.

ĐKC:

Anh Lương Thư Trung ạ, tôi đang chờ anh nhắc đến “Chén Rượu Cho Tuy Hòa.”

Như tôi đã nói khi trả lời về “Tuyệt Khúc Vàng,” “Chén Rượu Cho Tuy Hòa” được

anh em yêu thơ ở Tuy Hòa quý vì theo ý kiến họ, nó dài mà không thừa không loãng.

Riêng với anh, tôi chỉ nói tới một vài khía cạnh thấp thoáng phía sau bài thơ. Câu

“kim cổ ta người chung thế cuộc” là một lời than oán cái thân phận Chiêm Thành của

mình. “Cạn chén binh đao chưa thấy thanh bình” thì giết nhau để làm gì khi mà hòa

bình vẫn còn chưa thanh bình?

“Tưởng chân NAM bước về chân BẮC…

Nghe cà trời SAO nổ dưới chân mình”

Một giấc mộng thôi chỉ còn là TƯỞNG trong cơn say! Và mong sao sẽ không còn

những đe dọa, khủng bố.

“Sẽ không còn hạ giông, đông bấc

Ðộng dài Tháng Giêng, động tố Tháng Hai

Những đợt nam non, những cơn nồm rộ.”

Vần vũ trên đầu hôm nay ngày mai trong lúc “một giòng sông cạn nuớc lang thang”

tới một bến bờ xa lạ. Bài thơ được viết vào những ngày sắp ra đi.

LTT:

Thưa anh, “Tới Ngả Năm Thành Phố” là một bài thơ rất nhiều ý nghĩ, chẳng hạn như

bốn câu:

“Dưới những cột đèn thao thức đứng

Soi nửa đời ai mất bóng mình

Ðưa tay không biết tìm đâu bóng

Ðể giữ đời nhau một chút tình.”

Sao lại là “ngả năm” mà không là ngả ba, ngả bảy, thưa anh?

Tôi cũng thích bài “Như Vẫn Đâu Xa,” hồn thơ buồn, vừa như trách hờn mà tha thiết,

vừa như xa vắng mà cứ ôm ấp mãi trong lòng đất đá núi sông đèo cao ruộng thấp

những thuở nào:

“Chân đã Phú Yên mà lòng cứ lạ

Dừng đây sao vẫn như còn xa*

Lạ suốt Cù Mông, lạ về Đèo Cả

Đất trời ai mà nhói buốt hồn ta.”

(*lời trong nhạc phẩm “Chiều Qua Tuy Hòa” của Nguyễn Đức Quang)

 

Đến như bài “Hãy Mừng Hội Ngộ Một Ly Đi” là một cuộc hội ngộ rất đáng nhớ, có

cả những người bạn cùng học một thời dù nay còn lại chẳng mấy người.

Anh nghĩ sao về vài cảm nhận vừa ghi lại? “Này bạn, rót giùm ta ly nữa

Nâng mời mấy đứa sớm trăm năm

Hai trăm tư đứa thời liên thất

Còn được bao nhiêu đứa uống giùm.”

Nhưng có lẽ bài thơ “Vai Mẹ” là bài cảm động nhất của một người con nhận ra cái

cực nhọc cả đời của mẹ già:

“Mẹ gánh tám mươi năm mưa nắng

Phiên chợ bể dâu tan hợp bao lần

Một tang chồng, một quê hương cay đắng

Nuốt nước mắt vào cho cứng đôi chân.”

ĐKC:

Tuy Hòa có một trung tâm thành phố là Ngả Năm, thưa anh. Khi nói đến Ngả Năm

tức là nói đến Tuy Hòa. Trách ai, anh ạ. Chỉ khao khát tự do, dẫn hết phố phường

“xuống biển,” một nơi mà mình là những chú hải âu bay bổng giữa trùng khơi. Một

trời đất yên ả, thanh bình, thơ mộng “chiếu trải giữa trăng treo,” bỗng phải nát tan.

Chẳng khác gì những đêm trăng ấu thơ xưa nằm nghe ba kể chuyện. Bầy ngạ quỷ đã

biến đổi cả một đất trời. Xa lạ, như đã trả lời cho câu hỏi “Anh thấy quê hương nay

sao? Ồ, tôi không để ý, mà sao thì cũng chẳng phải chuyện của tôi” là vậy anh ạ. Một

“đất trời ai” lạc lõng ngay trên quê hương mình của một Từ Thức về trần.

Tôi muốn nói thêm, thơ tôi, trong cố gắng, không có những câu, chữ dư thừa. Đôi lúc

bị kéo dài nhưng đó là vì không thể rút ngắn hơn.

Mỗi năm có một ngày Mừng Hội Ngộ liên lớp từ thất đến tứ gặp nhau, có thằng xích

lô, ba gác, lính lác, có thằng tỉnh trưởng, giám đốc được dịp làm ra vẻ “nhẹ nhàng”

một bữa dẫu thường thì quanh năm chẳng dám ngước mặt chào, chẳng dám một tiếng

mày tao. Lục thập cả rồi. Lá vàng thật không mong mùa thu tới, nhưng mà không biết

rụng lúc nào, chỉ một cơn gió nhẹ.

Quên kể với anh bài “Vai Mẹ” có người nghi ngờ: làm sao đi bộ 60 cây số một ngày.

Tôi đã phải tính những đoạn đường Má tôi sớm hôm. Cả trăm cái chợ trong tỉnh, xa

gần gì Má tôi cũng đã dẫm tới dẫm lui từ những năm mới mười lăm tuổi. Cho đến

những năm chiến tranh khốc liệt, đoạn Tuy Hòa-Quy Nhơn, Tuy Hòa-Nha Trang, hầu

như mỗi hai ba ngày là có một chiếc xe bị dẫm mìn nổ tung nhiều khi không còn một

mạng. Hàng chục năm trời, Má tôi ngày nào cũng chơi vơi trên hai đoạn đường đó để

lo cơm áo cho chồng con! Người ta cũng cộng trừ nhân chia, thắc mắc: “mẹ gánh tám

mươi năm mưa nắng” không lẽ mới đẻ ra biết gánh rồi (trời đất, mấy ông nhà thơ “đời

mới” cố bới lông…) nhưng họ quên là “gánh đầu đời trĩu xuống bóng mồ côi!” Để

rồi, năm tháng cứ qua đi “nhật nguyệt gánh đi không theo mẹ về”! Có điều, khi được

họ bàn tán thì mình cũng cảm thấy vui vui.

LTT:

Trước khi kết thúc cuộc trao đổi này, xin anh cho tôi hỏi thêm câu này nhé. Nếu có

thể được, xin anh vui lòng kể lướt qua một chút về các sinh hoạt văn học nghệ thuật

vào những năm thập niên 1960-1970 ở tại Tuy Hòa nói riêng và Phú Yên nói chung?

 

Lúc bấy giờ ở Tuy Hòa có tạp chí văn học nào không anh? Các tác giả tên tuổi ngày

ấy nay còn những ai? Các vị này nay còn tiếp tục sáng tác hay đã nghỉ hưu hết?

ĐKC:

Theo tôi biết, trước 1975, Tuy Hòa có một số các cây bút thành danh như Trần Huyền

Ân – tác giả tập thơ Thuyền Giấy – viết văn và thơ, hiện nay vẫn sáng tác mạnh; Đỗ

Chu Thăng với tập thơ Chân Cầu Cũ; Hoàng Đình Huy Quan – tác giả của Mở Cửa

và Phóng Thích; Nguyễn Lệ Uyên, sau 1975 viết dưới tên thật Đoàn Việt Hùng với

vài tác phẩm truyện ngắn và biên khảo được in trong nước và mới đây Thư Ấn Quán

vừa xuất bản hai tác phẩm mới; Phạm Cao Hoàng - tác giả của hai thi phẩm Đời Như

Một Khúc Nhạc Buồn và Tạ Ơn Những Giọt Sương và mới đây Thư Ấn Quán cho ra

đời tập thơ Mây Khói Quê Nhà; Khánh Linh với tập thơ Trên Thảm Xanh Đời. Ngoài

ra, có những cây viết tỉnh ngoài sống và thành danh ở Phú Yên như Y Uyên, Quán

Như, Mang Viên Long, Bùi Đăng, Phạm Ngọc Lư.

Tuy Hòa có hai tạp chí văn học: SÓNG do Hoàng Đình Huy Quan và Nguyễn

Phương Loan chủ trương và HIỆN DIỆN do Trần Huyền Ân và Phan Việt Thủy chủ

trương.

Tôi không nhớ các tạp chí ấy sống được bao nhiêu số, nhưng chắc một điều là không

quá năm số. Sau 1968 tôi vào quân ngũ nên không tham gia các sinh hoạt này nên

không biết nhiều.

LTT:

Thưa anh,

Rất cảm ơn anh đã chia sẻ qua vài nét sinh hoạt văn học nghệ thuật Tuy Hòa – Phú

Yên ngày trước cũng như bây giờ cùng hoàn cảnh ra đời của nhiều bài thơ trong thi

phẩm “ Để Trăng Khuya Kịp Rót Đầy Sớm Mai ” mà anh sắp ấn hành. Với cảm nhận

chủ quan của một người đọc, tôi nhận ra rằng thơ anh vang vang tiếng vọng từ những

tầng ký ức của một dòng đời mà anh đã trải qua giữa những mùa binh lửa cùng những

biến thiên thời cuộc với kiếp người mong manh giữa trùng trùng gian nguy cơ cực.

Hết thảy những bể dâu ấy khiến chất thơ anh có thần hồn và chính nhờ cái thần hồn

ấy tôi tin thơ anh sẽ làm rung động trái tim người đọc. Tôi hy vọng như vậy, thưa anh.

Xin chúc mừng anh với đứa con đầu lòng mặc dù anh đã làm thơ hơn bốn mươi năm!

ĐKC:

Cám ơn anh nhiều, anh Lương Thư Trung. Có chút bùi ngùi khi anh em ngừng trao

đổi với nhau. Những ngày qua thật là thú vị với tôi. Thực lòng mong có thêm những

lúc anh em được gặp nhau. Kính chúc anh và gia đình vạn an.

Houston, 21-01-2011

No comments: