CÂU CHUYỆN VƯỜN TÓC TIÊN
Nhất-Phương
Tôi rất thích đọc sách. Vừa làm thú tiêu khiển lành mạnh nhất, vừa để học hỏi thêm ngàn vạn điều quý báu, trong đó, tác giả đã gửi gấm toàn vẹn trái tim qua tác phẩm của mình.
Nhân buổi Trại Hè Liên Trường từ thiên kỷ trước ở Nam Cali, tôi hân hạnh được anh Long Ân trao tặng cuốn Vườn Tóc Tiên. Cầm quyển sách trên tay, giữa trưa mùa Hạ, tôi liên tưởng đến khung trời rợp mát với những dây leo xanh mướt, điểm các đài hoa đỏ li ti, tuy kiêu sa nhưng quá dễ thương, như đôi tay người mỹ nữ đang ôm đàn tỳ bà dệt mộng.
Suốt ngày chủ nhật đó, dù rất bận rộn, tôi cũng dệt kết biết bao mẫu chuyện êm đềm nơi góc Vườn Tóc Tiên trong trí tưởng tượng của riêng tôi, để rồi thời gian tiếp nối, tôi nhẩn nha thưởng thức một lần cho đến hàng chữ chót.
Gấp quyển sách lại, tôi dùng cả hai tay, ân cẩn vuốt ve triều mến khuôn mặt người con gái ở bìa sách, bởi trong lúc say mê đọc, vô tình đã bị uốn cong.
Thông thường, đánh bóng một Tôi hào hùng, cao sang, quyền quý là điều tối kỵ của người cầm bút, nếu không muốn tự giới thiệu đến độc giả con dao hai lưỡi tàn nhẫn lạnh lùng, cắt đứt mọi cảm tình tươi đẹp, khiến người đối diện e dè, lẫn tránh. Do đó, tự mình viết về mình, dù bằng những mỹ từ hoa mộng nhất, vẫn hé lộ một “Tôi đáng ghét vô cùng”.
Nhưng, nhân vật TÔI của Vườn Tóc Tiên, dường như không phải bằng xương bằng thịt, mà tác giả tạo dựng bằng tình thương, bằng ước mơ, bằng lý tưởng. Tôi-của-Vườn-Tóc-Tiên là một Tôi được ướp nồng trong tình Quê Hương bão bùng bom đạn... Như đã trải qua những thực trạng giữa cuộc bể dâu, con người muốn trưởng thành phải vượt thoát được thời gian thử thách của cuồng phong, của sum họp, của chia cách; của những co thắt bỏng rát nơi tĩnh mạch và động mạch, những co thắt đớn đau xé nát tâm cang cho đến khi muốn khóc mà không còn nước mắt.
“-Phong đã đem tôi gần lại với Quê Hương miền Bắc, ở nơi phân nửa phần đời tôi chưa được biết qua. Dù sao, đó cũng là núi, là đồi, là tinh hoa trong vũ trụ, chứng kiến biết bao thời điểm nhiễu nhương, biến đổi, với hào khí đấu tranh bất khuất của các vị nữ anh hùng, của hàng hàng lớp lớp con cháu Lạc Long. Giữa trời cao đất rộng và đại dương ngút ngàn, Phong ngẫu nhiên hấp thụ toàn vẹn nết kiêu hùng, sương gió của người thiếu niên sống nơi miền duyên hải, để đến lúc trưởng thành, tư tưởng và con người anh, đã là đỉnh núi đá xanh, với cuồn cuộn yêu thương chất ngất trong lòng, bất di bất dịch”, (Vườn Tóc Tiên trang 224).
Mỗi lần đọc hết một quyển sách, tôi hay ghi xuống vài hàng nhận xét cho chính tôi đọc, để rồi sau đó, nếu may mắn có ai bày tỏ cảm tưởng về quyển sách ấy, tôi sẽ ngầm thử coi mình nghĩ đúng hay sai, hầu có thể học hỏi thêm cái thâm thúy của các bạn giỏi hơn mình. Lần này cũng không ngoại lệ. Nhưng có điều tôi muốn trang trọng bày tỏ, lòng kính phục và biết ơn sâu xa của tôi đối với tác giả, với anh Long Ân về rất nhiều điểm khi anh tạo dựng nhân vật nữ là chị Hằng. Anh đã cho tôi cảm giác thích thú của người phụ nữ được tôn kính, không những chỉ vì Hằng đẹp mà lại còn là một tâm hồn trong sáng, có lý tưởng, với những nhận xét hết sức sâu sắc về cuộc chiến đang cày nát quê hương nàng:
“-Thế giới hôm nay còn có quá nhiều chênh lệch về vật chất, về tư tưởng. Con người vẫn còn tích lũy quá nhiều những tham vọng tầm thường nên đã chà đạp lên những khát vọng của đồng loại”, (Vườn Tóc Tiên trang 44).
Đọc câu này trong Vườn Tóc Tiên, tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại cho đến lúc thuộc lòng, để khám phá ra chị Hằng hiền diệu, đẹp xinh thục nữ mà Phong trang trọng tôn kính, thương yêu đã phô trương thể chất của nàng, đủ đầy bằng cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng. Cái đẹp nhất của Hằng, của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, đối với tôi là vững tay lèo lái tư tưởng cũng như niềm tin của chính mình đối với cuộc đời. Dám nói lên thực trạng của xã hội một cách mạnh dạn, sắc bén, thiết nghĩ rất hiếm hoi có được ai ngoài Hằng của Vườn Tóc Tiên:
“-... Thời đại của chúng ta là thời đại ô nhục, tăm tối. Thời đại mà chính con người chà đạp con người”, (Vườn Tóc Tiên trang 55).
Tôi không dám đi sâu vào Vườn Tóc Tiên, sợ vô tình xâm phạm đến lãnh vực chuyên môn của các nhà thưởng ngoạn sành điệu. Nơi đây chỉ gói ghém toàn vẹn niềm xúc động miên man, chân thành nhất khi tôi được tặng và được đọc một tác phẩm vừa ý, để chợt thấy lại một góc nhỏ trong ngôi vườn ký ức, màu hoa máu trong tim, chảy dài theo quãng đời mới lớn của chính mình.
Cho dù anh, chị hay tôi đã trải qua một nửa đoạn đường trong cuộc chiến trường kỳ, bất phân thắng bại để sống còn, chúng ta có thể, đã hoặc sẽ tạm xa những nơi chốn phồn hoa đô hội, những cầu kỳ kiểu cách của tiếp tân, của tiệc tùng triền miên dưới hương trầm hoặc ánh nến mờ ảo, nhưng chắc không ai trong chúng ta có đủ can đảm xóa bỏ chuỗi ngày ấu thơ mới lớn của mình. Cho nên đọc Vườn Tóc Tiên, tôi đã ngụp lặn trong nỗi ngây ngô ngày cũ, để thấu hiểu nỗi lòng của Phong, lặng lẽ, âm thầm xao xuyến trước Ngọc Chân:
“-Tôi chợt thấy tay chân tôi rã rời. Tôi chợt thấy tôi buồn nặng chĩu trái tim. Tôi chợt thấy cái thành phố nhỏ bé này rộng thênh thang và trống rỗng một cách phiền muộn... Tôi thấy lạnh ở gáy, vì tôi chợt muốn khóc thật lớn...”, (Vườn Tóc Tiên trang 140).
Lòng bỗng rộn vui, tôi cảm ơn Thượng Đế đã sủng ái nhân loại muôn vàn, đến độ ban bố cho chúng ta một bảo vật vô giá, đó là TÌNH YÊU. Nhắc đến tình yêu là nhắc đến một ngôn từ cũ xưa như trái đất, nhưng cũng vô cùng quyến rũ và mới mẽ, bởi nó có phép mầu biến hóa, muôn hình vạn trạng. “Nào ai định nghĩa được tình yêu”... Có phải Phong đã yêu Ngọc Chân? Tuổi mới lớn khôn, nào ai biết rõ trạng thái phiêu bồng của con thuyền chưa có bến?
“-Chưa bao giờ tôi khóc vì buồn, vì thật sự, không có nỗi buồn nào vĩ đại hơn nỗi buồn của người vong quốc như anh Hùng đã nói với tôi. Anh Hùng bảo tôi, trái tim của người nam nhi chỉ có chỗ cho dân tộc, cho tổ quốc, còn tất cả chỉ là những vụn vặt, được ta nhét vào chỗ này, chèn vào chỗ nọ, thật tạm bợ, thật tầm thường”. (Vườn Tóc Tiên trang 140).
Đặng Thế Phong đã viết: “Trên con sông Thương, nào ai biết nông sâu”. Dù sâu dù cạn, suối tương tư làm mờ nhạt má hồng. Vậy mà có người dám coi nhẹ tình riêng hơn lý tưởng, như đã nói rồi, cũng chỉ một Hằng của Vườn Tóc Tiên:
“-Chị muốn nói đến những thay đổi khác... Em có nhớ khi anh Hùng muốn đi xa để học hỏi, để thu nhận kiến thức đóng góp cho Việt Nam tương lai, chị đã rất buồn rầu vì sẽ phải xa anh ấy, nhưng chị lại muốn anh ấy ra đi, chị không muốn anh ấy tầm thường như một vài người con trai khác ở chung quanh chúng ta...
Nếu anh Hùng lại đổi thay, lại tầm thường như bất cứ một người tầm thường nào khác... thì có nghĩa là chị sẽ mất anh Hùng...”. (Vườn Tóc Tiên trang 104).
Hôm qua tôi mơ một giấc mơ tuyệt đẹp. Hôm qua tôi mơ một giấc mơ dị thường. Sau khi tỉnh dậy, tôi nhủ thầm rằng, thà mãi là mơ để muôn đời không là thật. Tình yêu trong những giấc mơ, như giấc mơ tôi được trải qua, là thứ tình yêu rạng ngời, không tìm thấy bất cứ nơi đâu trên thế gian này. Đó là mẫu trái TÌNH xanh mướt, thướt tha, lụa là, mật ngọt. Màu xanh trên phiến đá, dầy nét phong sương, đã tỏa ra, đã phôi thai cho mạch nhựa chuyển lưu trong thân cây, vươn lên thành mầm sống. Những dòng suối tương tư cuộn chảy trong thoáng mắt nhìn, trên bờ vai rộng, chứa đựng một lý tưởng như trời cao, như biển thẳm, để ai kia nhếch môi cười ngạo mạn trước tham vọng của loài người.
Những thứ đó, trong giấc mơ mới nhất, dường như đã gợi lại sâu xa dư ảnh một loài hoa vô cùng thanh thoát, trong khu vườn đáng lẽ phải được vun bồi sau cơn quốc nạn, cho đôi bạn trẻ yêu thương ngồi xuống thật gần, không phải để nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng. Bên kia bờ rào là quá khứ, là nửa đoạn đường họ đã trải qua trong biến loạn với mất mát đau thương. Thời gian và không gian của phân nửa, của chính giữa, bên này và bên kia, dường như không mà có. Sự giáp nối khi sóng vỗ bờ, trong giấc mơ kỳ ảo, là chỗ ngừng nghỉ giữa hai nhịp đập nơi trái tim người. Phút giây nhỏ bé mông lung mà vô cùng to lớn ấy đã tạo nên hơi thở, cho cây lá xôn xao ấp ủ chim bay về nguồn. Giấc mộng du đã đưa tôi trở lại bến bờ ngày cũ, với bao lưu luyến tạ từ trước lúc vượt trùng dương.
Tưởng rằng đã vơi đi theo dòng đời phôi pha, nhưng mộng hay thực, cũng có lúc không khác nhau là mấy. Niềm đau cuống rún chưa lìa, nỗi buồn ly tán, cho dù từ Bắc vào Nam hay từ Đông sang Tây, như sóng vỗ bờ, như có như không, nhiều nỗi đoạn trường, nhưng niềm đau nào cũng là niềm đau biệt xứ:
“-Chỉ cuộc đời chợt thay đổi, và sự thay đổi trong tôi mới thật kinh hoàng, mới thật vĩ đại. Tôi thấy tôi cô đơn đến lạnh người. Tôi thấy tôi choáng váng vì những hình ảnh của những cơn ác mộng thời ấu thơ chợt trở về với tôi, và trở về giữa ban ngày. Tôi thấy tôi là ngọn núi đá xanh sừng sững đứng nhìn ra biển. Tôi thấy tôi chợt cao vút lên chín từng mây, cao đến độ tôi xây xẩm mặt mày khi nhìn xuống chính chân tôi. Tôi thấy tôi một mình giữa không gian bao la lạnh lùng và vô tình”. (Vườn Tóc Tiên 224).
“Thà sống trong mơ để không thấy mặt trái của cuộc đời, của đóa hồng yêu kiều chứa đầy gai nhọn, không có những chuỗi cười rạng rỡ tiềm ẩn nét thê lương, không có những vòng tay ôm chầm thiết tha khi cõi lòng lạnh lùng băng giá. Trong cõi vô thường sẽ không còn lại gì ngoài màu xanh ngút ngàn nơi biển TÌNH diễm ảo, và tôi đã tìm thấy long lanh đáy ngọc, sự phản chiếu rạng ngời của ráng nắng chói chan. Nơi đó không có thù hận, mà chỉ có trái tim chứa đựng sự tha thứ cho nhau, giữa con người đối sử với con người, không phân biệt màu da, chủng tộc”.
(Vườn Tóc Tiên trang
156-157).
Có thể, con người đã đứng trên những trận tuyến khác nhau để bảo vệ màu cờ, sắc áo, bảo vệ tổ quốc thoát khỏi những mưu toan xâm lấn của ngoại bang.
Nhưng, một chính sách thù nghịch không có nghĩa phải hiểu toàn vẹn là một dân tộc thù nghịch. Tôi đã từng cảm động đến rơi nước mắt khi nghe âm điệu dịu dàng, truyền cảm của ngôn ngữ Việt được diễn tả thật tự nhiên mà như xuất thần qua lời bày tỏ của những người ngoại quốc, điển hình nhất là mới đây, bà Irina Wisman, một phụ nữ Nga (cũng là phụ nữ, hân hạnh thay) phơi bày tâm trạng khao khát Tự Do của mình bằng tiếng nước tôi, sao tôi thấu hiểu không sót lấy một lời. Vậy mà nhiều người Việt Nam, nói với tôi bằng ngôn ngữ Mẹ, tôi vẫn không hiểu họ muốn nói gì. Âm điệu khô khan, lạnh lùng, bỏng rát như tiếng lạc đà hát ngoài sa mạc. Cái tình người Việt Nam, tình đồng đội, dường như trở nên quý hiếm trước lợi danh. Nên khi đọc Vườn Tóc Tiên, tôi rất thoải mái ở tâm tình trong sáng của tác giả. Nơi đó, Phong là hiện thân của những yêu thương đầy ấp, những nỗi niềm vượt thoát trên đỉnh núi đá xanh. Phong là nguyên tố chính để Hằng thêm xinh đẹp. Từ đôi mắt Phong, từ trái tim Phong đã là sóng thần, là những trận cuồng phong tạo thành cơn lốc, cuốn hút mọi người ngồi lại bên nhau, không chỉ bằng lời.
Thượng Đế hãy ngó xuống một lần, ngó xuống thật gần trong đêm thiêng liêng huyền diệu, đêm thánh Vô Cùng... và chắc ngài sẽ thấy, cũng cuống lá xanh, cũng đài hoa đỏ đang cố vươn lên níu lấy ánh trăng rơi... Rồi Ngài sẽ mĩm cười ban phước lành cho nhân loại yêu thương nhau, cho tôi mơ thêm ngàn giấc mơ huyền diệu, nơi gốc Vườn-Tóc-Tiên thơ mộng của riêng mình.
Nhất- Phương
Trong Nguyệt San Phụ
Nữ Việt
No comments:
Post a Comment