Monday, November 25, 2024

BUỔI CHIỀU ĐANG HẾT (ĐẶNG KIM CÔN)

 


Buổi Chiều Đang Hết

 

-Bà nội vào cấp cứu hồi nửa đêm, ba biết không? Bà nội uống thuốc trợ tim thấy không đỡ, bà

uống thêm, bị quá đô, thở không được…

-Bây giờ sao rồi con?

-Dạ, bác sĩ nói ổn định rồi, có thể tối nay về.

Cú điện thoại ngắn vẫn còn làm ông Hai choáng váng. Mẹ ông đã tám mươi tuổi và cách đây

mới năm hôm, khi ông đến chào bà để đi thì bà vẫn rất khỏe, trước đó một ngày vẫn còn ngồi

chơi bài tứ sắc cả ngày.

Bà sống với cô con gái út, chăm mấy đứa cháu ngoại cho vui tuổi già dù cũng có đôi khi mấy

cháu nghịch quá làm bà ngoại mệt.

Ông Hai ở cách chỗ mẹ ông ở gần bảy giờ bay, nếu kể luôn cả thời gian chờ chuyển máy bay nữa

thì cũng phải chín tiếng. Năm ngày qua ông chưa gọi về thăm hỏi mẹ, không như lần trước ở đây

hơn chín tháng, cứ một vài hôm ông lại gọi một lần, lần nào mẹ con cũng nấn ná lưu luyến kéo

dài cuộc điện đàm. “Má bận gì nghỉ đi”, “Đâu có, Má mới cho mấy nhỏ uống sữa xong, có làm

gì đâu…ậy, đừng phá bà ngoại, để bà ngọai nói chuyện, này, coi chừng…”, “dạ vậy thôi má

chơi với mấy đứa nó đi”, “không sao, để coi nó phá đến cỡ nào…”…

Ông nhớ mẹ ông quá, dự trù trở về San Jose lần đó, dự đám cưới con cháu là phụ, thăm mẹ là

chính. Ông tự hứa, sẽ mỗi ngày ghé đến ngồi chơi với mẹ cho đến ngày ông đi. Ông canh cánh

bên lòng nhìn nải chuối chín vàng trên trên cây kia mỗi ngày một chín nẫu, và những cơn gió

không hẹn thì lại cũng rất bất ngờ. Gặp mẹ, ông vừa xót xa với sự già cỗi, gầy guộc của mẹ, mới

chín tháng đã xuống quá nhanh, cũng vừa vui mừng khi nghe giọng nói mẹ còn chắc chắn, ấm áp

bên chiếc điện thoại đang nói với đứa em trai út ở quê nhà. “Ồ, anh Hai con mới về đây, con nói

chuyện với anh con chút” và mẹ ông trao ống nói cho ông.

-Em khỏe không? Nay làm ăn ra sao?

-Dạ em khỏe.

-Lúc này gà bán được không?

-Dạ em nuôi đá chơi cho vui thôi chứ đâu buôn bán gì.

-Sao nghe nói lúc này gà đá bán đi Trung Quốc mạnh lắm?

-Mấy đứa nó đi gà Trung Quốc chớ em đâu có đi.

-Không phải là cung cấp cho người ta đi sao?

-Dạ không.

-Vậy không lẽ em nuôi chơi hoài, sao nghe nói mấy thằng Bắc nó mua đi?

-Dạ, có mấy thằng Hà Nội nhưng mà thân quá đâu có chặt chém gì nó được.

Bất chợt ông Hai nổi điên lên :

-Thân gì mấy thằng điếm đó. Em cũng phải sống chứ! Không lẽ cứ chơi, ngó chừng má hoài.

-Má cho gì em mà anh nói vậy?

Bên kia cúp máy. Ông Hai thẫn thờ, ngồi ủ rũ. Một thoáng hối hận, áy náy liếc nhìn mẹ. Bà mẹ

bứt rứt đi qua đi lại:

-Anh em cả năm trời, con thăm hỏi nó được mấy lần. Con đã cho gì nó? Mở miệng ra là như dao

đâm vô họng.

-Nó thiếu cái gì? Vì sao má phải ở đây để nay than khổ mai than khổ, chỉ vì mấy đồng trợ cấp

thôi. Tại sao mà má phải sống khổ vậy? Tuổi má người ta nghỉ ngơi, còn má phải chắc chiu lo

lắng…

 

-Mày muốn tao đừng ở đây nữa…Mày muốn tao chết…mày lấy dao đâm họng tao đi.

-Má nói hung dữ làm gì, nãy giờ con có xúc phạm gì má đâu. Con nghe nó nói nó “chỉ chơi

thôi”, lại làm đầy tớ cho mấy thằng Hà nội con nổi điên lên, la em chút mà má làm như đụng

nhằm trái tim má.

Mẹ ông nằm dài ra sofa vật vã, khóc lóc, càng lúc càng gào to:

-Có đói cũng là Mỹ, có no cũng là Việt Nam. Mày là thằng anh cả, không lo gì được cho em thì

cũng nói năng sao cho có tình cảm. Mày thù gì nó? Tao khổ sao mày cũng thấy mà, tao có tiền

có bạc gì đâu, thì cũng giành giụm đó, lo cửa lo nhà, lo mồ lo mả, còn chút ít gì thì giúp đỡ bà

con chòm xóm…

-Chớ con có nói gì, thấy má ngày càng già yếu, con sốt ruột thôi. Má có tiền bạc thì con cũng

chẳng đụng tới. Nhưng mà để đó thì cũng ấm túi, lo cho nó sống là đủ rồi cần gì phải nhà to cửa

rộng làm chi.

-Tao hiểu rồi, mày ganh cái nhà với nó chứ gì, tao cũng làm tốt cho anh em mày, cất cái nhà chỉ

có hai phòng, nữa đứa nào đi về có chỗ chui ra chui vô…

-Thì tại nó muốn hai phòng thôi, cái nhà to nhất ở đó, không phải để chơi nổi sao, người ta cũng

Việt kiều tùm lum đó, có ai như mình. Nó được bảo lãnh rồi, trước sau gì cũng đi mà, nhà cửa…

-Đi thì bán, của cải cũng còn đấy. Sao mày không lo làm sao cho thằng em qua mau mau, lỡ Tàu

nó lấy hết không có đất chạy.

-Có gì thì má cho con xin lỗi, ý con cũng chỉ là muốn em nó biết làm biết ăn thôi, không lẽ má

sống đời.

-Thì mày muốn tao chết mà. Thôi đủ rồi, từ nay đừng nói mẹ con gì nữa. Tao chết mày cũng

đừng tới bên tao, đừng để tang gì hết. Mày lo cho vợ con mày đi.

Ông im lặng. Ông biết mẹ ông đã bắt đầu nã đạn vào cái chỗ chịu đựng không đáy, không bao

giờ phản ứng, sẵn sang chứa tất cả mọi uất ức oan uổng mà bà mẹ chồng lúc nào có dịp cũng

không quên trút xuống đầu bà vợ ông. Vâng, im lặng, không im lặng thì sẽ bao nhiêu mảnh đạn

văng tứ tung.

Vợ chồng đứa em gái đi làm về, mọi người trong nhà đều im lặng. Ông ra về, mang theo một nỗi

buồn vô hạn. Mình sai rồi? Quỷ ma gì nhập mà mình lại nóng nảy thế? Tại sao mình lại không

biết nói năn vậy là làm buồn má? Một tháng rưỡi dự tính về bên mẹ đã không còn thấy hào hứng

gì nữa.

[]

Mẹ ông cũng buồn. Thằng con cãi bướng nhưng không phải bà không thấy cái vẻ ân hận của nó.

Nó đã sáu mươi tuổi, sáu mươi năm đủ để nó hiểu mẹ nó đã vất vả ra sao, và trong bầy con, bà

quan tâm đến đứa nào nhiều nhất, đơn giản vì nó được ra đời sớm nhất và những tai ương quá

nhiều trong đời nó đã làm bà từng phải lo lắng nhiều nhất. Bà bỏ bữa ăn tối, đóng cửa phòng

nằm khóc. Bầy con chín đứa, bốn đứa ở Việt Nam chết một còn ba, năm đứa ở Mỹ, tất cả đều ở

quanh quẩn bên bà, chỉ có mỗi thằng cả cùng vợ làm ăn xa, họa hoằn cả năm mới về một lần.

Những lúc buồn, những khi trái gió trở trời, bà nhớ nó biết bao nhiêu. Qua điện thoại, chỉ nghe

được giọng nói, bà mong nó ngồi trước mặt bà, bà vuốt đầu nó như thủa nào nó còn bé dại, bà

muốn nấu cho nó một món cá kho mẳn, hay chưng cho nó một chén mắm cá thu, mà nó thường

nói đó là cái hương vị ấu thơ theo nó cả đời không quên. Chuyện có đáng nổ lớn như vậy không?

Sao mình không la nó một chút, rồi nhẹ nhàng giải thích, rồi mẹ con vui vẻ ngồi vào bàn ăn. Nó

nói “con có xúc phạm gì Má đâu”, tại sao mình lại cứ ép nó? Bà buồn, chỉ vì mong muốn anh em

chúng nó thương nhau. Mà nào phải chúng nó đã không thương nhau? Nó phải hiểu là má nó

 

cũng không quen nhịn, có gì tuôn ào ào cho hết, rồi thôi. Nếu không phải rồi thôi, trong cuộc đời,

chín đứa con, có biết bao nhiêu điều không vui để nhớ? Sao nó không quay lại? Sao nó không

bất chợt mở cửa phòng, cầm tay nói “má cho con xin lỗi, con lỡ lời?”. Sao nó không gọi điện

thoại? Bà nhớ lại những lần nó gọi điện thoại về, bà kể nó nghe những chuyện cuộc đời, từ tuổi

ấu thơ côi cút của bà, đến những ngày tháng tất tả ngược xuôi giữa trùng điệp đạn bom kiếm

từng miếng cơm manh áo cho cả gia đình. Không phải kể lể, nhưng bà muốn nhắc tới lòng mẹ

thương con của bà, những khi bà nằm vật vã ngoài đường giữa những lằn đạn giao tranh trên

đường tìm cách đi thăm nó bị thương ở đơn vị rất xa quê nhà, hay những ngày đêm băng đèo lội

suối, đói khát muỗi mòng nuôi con tù tội trên thăm thẳm rừng cao nước độc. Má hiểu con, cũng

như gia đình mình, đã quá đau khổ bởi những gì đám người bên kia gây ra, nhưng em con cũng

phải sống, quá khứ cho dù vẫn cứ nhói buốt trong lòng, thì vẫn cứ phải ôm vết thương mà sống.

Hà Nôi, dân Miền Bắc, cũng không ít người đã từng cầu mong cho Miền Nam ra giải phóng

Miền Bắc, thậm chí nhiều người còn mong cho B52 cứ rớt xuống ngay đầu họ, miễn sao đánh

sập được bọn lãnh đạo vong thân như con đã kể má nghe, lúc con ra Hà Nội làm hô chiếu để đi

Mỹ người ta đã tâm sự với con, thì họ cũng phải hơn năm mươi năm giả điếc nín thở qua sông,

cũng như con, trước khi được đi Mỹ, gần hai mươi năm con cũng phải mang mặt nạ mà sống. Má

thật không muốn trách con nữa. Má không muốn thấy con buồn nữa. Con là con của má mà, má

nóng nảy thì má cũng biết con nóng nảy. Gan má to thì má cũng biết gan con to. Nhưng chắc

chắn một điều, lúc này, má biết con cũng thao thức như má, má biết, cà hai mẹ con đều đang

không vui vẻ gì.

[]

Ông Hai không ngủ suốt mấy đêm liền. Ông muốn ngồi trước mặt má ông, dưới một không khí

nhẹ nhàng, êm ái, nhưng ông sợ, ông sợ thấy mặt ông, má lại buồn, lại nổi cơn thịnh nộ. Ông

càng thấm thía hơn mỗi khi ông nhớ má ông, lái xe ngang nhà má mà không dám vào.

Thật ra, một việc cũng không kém phần quan trọng trong chuyến về Cali lần này là ông muốn

đến bác sĩ gia đình cũ của ông để khám bệnh. Không còn bảo hiểm sức khỏe từ hơn ba năm nay

từ khi ông tự nghỉ hãng, nên bệnh đau gì ông cũng phải về với người bác sĩ quen với bệnh tình

ông ở đây. Mấy tháng nay, cơn đau dạ dày chuyển biến khác thường quá, mà lại cũng hành hạ

ông dữ dội quá. Những cơn đau đóng cục trong bụng, lồng ngực như vữa ra từng mảnh, đi bộ

hay làm gì nhè nhẹ một chút, chừng hai, ba phút là mệt và đau đến muốn lăn quay ra. Nhiều bạn

bè, luôn cả vợ ông, người ít muốn xa chồng nhất, thúc hối ông đi khám bệnh. Ngặt nỗi, chỗ ông

ở, toàn bác sĩ Mỹ, những gì họ phân tích, hướng dẫn trong phòng khám, ông không hiểu hết

được, và nếu phải nhập viện, ông không phải cư dân địa phương, lại không có trợ phí y tế, chắc

chắn viện phí sẽ không biết gia tài đâu chịu nổi trong hoàn cảnh ông thì thất nghiệp, bà vợ thì

làm không đủ trang trải các sinh hoạt hằng tháng trong thời buổi suy thoái, tiền bạc rớt giá này.

Có gì thì cũng coi như có dịp thăm mẹ. Trừ phi nằm một chỗ dở sống dở chết, còn thì đau đớn

mấy ông cũng chịu nổi, không muốn làm phiền ai.

Và việc đầu tiên sau khi đặt chân xuống phi trường là đến gặp mẹ, sau chín tháng chỉ nghe giọng

nói chứ không thấy được người. Chín tháng, lâu nhất trong cuộc đời hai mẹ con. Những ngày

tháng quân trường và những năm dài chiến đấu, hoặc trong thời kỳ tù tội đọa đày, ông không về

phép thì mẹ cũng tìm thăm. Mình đâu có dễ nổi nóng như vậy, mà cũng đâu phải là người không

biết uốn lưỡi đắn đo lời nói. Giận mất khôn, khi “chiến đấu” ai cũng muốn mình là người thắng,

nói gì được cho người kia thua mà lại chẳng sẵn sàng. Mình thắng thì sao? Mẹ mình thua thì sao?

Có gì, được gì ở phía sau cuộc tranh cãi ấy? Con xin lỗi má. Nếu bây giờ con gọi điện thoại nói

 

một lời xin lỗi liệu má có nghe không? Con không còn thiết tha gì nữa hết. Con có ý định làm gì

ở đây con cũng không muốn nhớ tới. Má không nói từ con thì tự con cũng muốn đừng ai biết gì

đến con nữa. Con lại đi. Ở thành phố xa lạ đó, con có nằm xuống thì cũng là điều con mong.

Trong hắt hiu, cô độc, lặng lẽ kia hy vọng là một điều tạ tội cùng má, cùng anh em, nếu anh em

cũng thấy ông anh có lỗi.

Ông lấy vé máy bay. Ngày đi, ông đến chào mẹ. Ông tự nhủ, nếu má nắm tay con níu lại, con sẽ

bỏ chuyến bay.

-Thưa má, con đi.

Mẹ ông không nhìn ông, mặt cúi thấp, nước mắt bà trào ra, hai vai rung lên. Ông lùi ra khỏi

phòng bà mẹ, chợt nghĩ, đó không phải là những giọt nước mắt ăn năn. Má có đúng, ít nhất, con

nghĩ má cũng đã ăn năn với những lời quá đáng giáng xuống đầu con. Mà, con tội tình gì? Sự im

lặng của mẹ ông không phải là điều ông mong đợi, thốt nhiên ông lại nổi giận:

-Sao má không chịu nghĩ, con chỉ dạy em thôi, nào có xúc phạm gì má đâu mà má cứ làm như là

trời sập?

Và ông bước ra khỏi nhà.

[]

Không phải, không phải đâu, con của má. Má không còn nhớ gì đến chuyện ấy. Chỉ là má quá

xúc động khi thấy con bất ngờ đến. Và má lại càng không hề nghĩ là con lại bỏ má mà đi. Con

ương ngạnh quá, chỉ cần mấy lời an ủi (giả tạo cũng được) thôi mà, khó khăn gì đâu, má cũng đã

chuẩn bị những lời ngọt ngào với con, không hề than oán, không muốn nhắc nhớ, không phải tha

thứ. Má không muốn con nói con có lỗi, cũng không muốn con nhớ gì tới lỗi phải.

Nhưng lần này, con mới thật sự sai. Lần này, má mới thật sự giận con. Con lạnh lùng ác độc bỏ

má ngồi khóc một mình, còn ra vẻ để cho mọi người thấy như “bà điên cứ khóc đi…”, hầu kiếm

tìm một sự ủng hộ của anh em cho “cái đúng” của con. Ừ, con cứ đi đi. Không phải con đã từng

nói với má, phía trước của má đã chiều, ngày không còn là mênh mông, mà đã là hữu hạn?

[]

Năm ngày. Ông Hai xốn xang, khắc khoải nhớ mẹ. Chuyện mẹ bệnh thường thì cũng không có gì

lạ, bởi vì tuổi già bệnh cũng siêng đến, có điều thường thì chỉ là qua loa, đặc biệt ông biết mẹ

ông rất sợ phải vào bệnh viện. Dù gì thì ông vẫn rất lo lắng nhìn ngày tháng cứ vun vút băng qua

đôi vai gầy guộc, loã xõa mấy cọng tóc bạc phơ, như những sợi mây rực lên cuối trời của một

buổi chiều đang xuống.

Ngồi đứng không yên, ông gọi về đứa em gái út, hỏi chi tiết.

-4 giờ chiều hôm qua, thấy má mệt, em chở má đi dạo cho thoải mái, ghé một tiệm cơm tấm, đĩa

cơm bưng ra chưa kịp ăn thì má ôm đầu muốn gục xuống bàn, em chở má về nhà nghỉ ngơi. Em

nói đưa má đi bệnh viện má nhất định không chịu. Càng nghỉ ngơi má càng vật vã không thở nổi,

có vẻ như đứt hơi tới nơi. Nửa đêm, má chỉ còn thều thào gọi tên em từng chặp. Lúc này em sợ

quá, không cần đợi ý kiến má nữa, đưa thẳng má vào phòng cấp cứu, ở đây sau khi được xét

nghiệm, người ta súc ruột, chuyền nước, giải độc cho má, họ cho em biết, má uống thuốc nhiều

quá. Theo như má “khai” với bác sĩ, cứ thấy mệt tim là má uống thuốc “trợ tim” và càng “trợ” thì

tim càng phải chạy quá sức, có nguy cơ đứng nếu không kịp thời đưa đi cấp cứu. Người ta nói

với em là có thể tối nay hay mai má sẽ về.

Tôi thở phào. Lại gọi cho cô em thứ tư. Cô em nói:

 

-Mới có người quen đến thăm má ở bệnh viện, gọi cho em nói Má đã phải chuyển phòng vào khu

chăm sóc đặc biệt ICU. Lúc nãy em ở bệnh viện thì má còn nằm trên lầu mà. Bác sĩ nói nhiều

lắm là mai má về mà.

-Vậy lúc nãy em thấy má có khỏe không?

-Dạ khỏe, nói chuyện vui vẻ mà, má kể với bác sĩ má uống hết tám lần thuốc trợ tim, hễ cứ thấy

mệt là má uống cho nó khỏe, mà thuốc đó chỉ được uống mỗi ngày một viên. Chưa nói là còn

mấy loại thuốc loãng máu, mỡ trong máu, huyết áp cao nữa. Nhưng mà tối qua đến giờ cũng hơn

12 giờ đồng hồ. Bác sĩ gia đình vào nói má đã ổn định mà.

-Chắc mấy cái thằng “chú sĩ” này thấy Medi Cal ngon ăn chứ gì, em chạy xuống bệnh viện coi

có gì em gọi gấp cho anh.

Ông gọi cho đứa con gái, con ông cũng mới từ chỗ bệnh viện về. Nghe nói cô hốt hoảng:

-Ba nói nghe sợ, con sẽ tới bệnh viện ngay, phòng đó con đã hai lần thăm hai người, không ai

sống được hết.

Vợ ông tức tốc lên mạng mua vé máy bay. May quá, ngày mai còn nhiều ghế trống. Bà lấy hai

vé.

Lát sau đứa em út gọi lại:

-Anh Hai ơi, chính xác là má nằm phòng ICU, bác sĩ nói cần theo dõi gì đó, nhưng em cũng chưa

vào gặp được má, người ta chỉ mở cửa cho vào thăm mỗi lần hai người.

Ông bối rối gọi tiếp cho cô em thứ tư.

-Dạ, em cũng mới về. Má không dễ như mình nghĩ đâu, anh Hai. Bác sĩ nói tim má muốn chạy

thì chạy, muốn đứng thì đứng, mình mẩy má dây, ống tùm lum. Hồi nãy tim má bị ngừng sáu

giây, họ nói tình trạnh đó nếu ở nhà rất dễ đi luôn.

-Mấy đứa em có trong đó không?

-Mấy đứa tới đủ hết, bây giờ hai thằng chạy đi nghĩa trang lo đất rồi.

-Trời, chớ em thấy má sao mà đến nỗi vậy?

-Dạ em không biết.

Ông vội vã bấm số gọi thằng con:

-Con có biết nội đang nằm phòng ICU không?

-Dạ, con đang ở bên giường nội đây.

-Nội có nói chuyện được không?

-Dạ, ba nói chuyện với nội.

-Má ơi,

Ông bệu bạo khóc.

-Má đây.

-Mai vợ chồng con về.

-Thôi đi. Mới qua mà về làm gì tốn kém. Ít bữa má khỏe nói chuyện nhiều, ở đây người ta không

cho nói điện thoại.

-Má thấy sao má?

-Không sao đâu, má khỏe mà.

-Dạ. Má nghỉ ngơi.

Khi con trai ông ra ngoài, nó gọi cho ông:

-Lúc nãy bác sĩ bệnh viện có đưa bác sĩ tim đến, họ nói nếu bệnh nhân và gia đình đồng ý, họ sẽ

gắn trong lồng ngực bà nội một miếng chip, gọi là máy trợ tim. Máy sẽ giúp cho nhịp tim tăng

lên mỗi khi tim đứng hay chạy chậm. Lúc nãy máy báo tim nội đứng, làm năm, sáu y tá bác sĩ

hốt hoảng chạy vào làm hô hấp cho nội.

 

-Mổ có nguy hiểm không con?

-Dạ, họ nói tỷ lệ an toàn trăm phần trăm. Máy đó cả trăm ngàn đô, họ chỉ rạch dưới vai một chút,

để đặt cái máy nhỏ, mỏng, cỡ bằng nửa cái thẻ căn cước, luồn hai sợi dây điện tiếp giáp với vách

tim, thế thôi, không có đụng gì tới tim hết.

-Nghe ba về, nội có nói gì không?

-Nội nói về chi, mà thấy nội vui lắm, mấy người vào thăm, nội khoe…

Con sẽ về bên má, trước khi chiều muốn hết.

9/ 2009

No comments: