"Xác Mẹ Thăm
Con" (Ở Chốn Lưu Đày)
Tình Hoài Hương
*
Tôi bận lui cui làm mấy bọc ni lông đựng xôi đậu xanh, thêm ít đậu phụng rang
muối, để lát nữa sau khi hết giờ thăm nuôi, Luật sẽ xách vô trại cùng anh em
bạn tù chia nhau tí quà (thay vì mẹ con cháu ngồi ở đây, vừa ăn vừa nói chuyện,
sẽ mất thì giờ, mà không nói được chuyện gì), thì tôi sửng sốt chợt thấy nơi
đường đất đỏ có hai chiếc xe đò lăn bánh vô trại tù, xe dừng lại ngay ngoài
cổng trại Z 30. Trên xe lố nhố kẻ đứng người ngồi, đa số là người mặc áo tang,
họ khóc than thảm thiết.
Tên cán bộ trại liền ra lệnh cho những người đang thăm nuôi
dồn lại một cái bàn dài ở góc trong cùng. Tôi còn ngơ ngác lo lắng nhìn quanh,
Luật thì thầm:
- Anh Trung-úy Long bị tù ở trại Z 30 B, anh hiện làm tại
tổ than. Long biết tin mẹ ở Khánh Hội đã chết, anh bủn rủn tức tốc cầm giấy
báo tử lên xin phép trại trưởng cho anh về nhà một ngày, để phục tang. Nhưng
cán bộ trực trại tù "cải tạo" kiên quyết không cho phép. Nên hôm nay,
thân nhân của anh Long đưa mẹ về quê an táng tại Phan Thiết. Trên đường đi xe
tang đã ghé qua trước cổng trại. Họ xin phép trại trưởng cho anh Long ra đứng
dưới hàng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, để lạy chào mẹ lần cuối
cùng.
Bần thần chua xót và vô cùng cay đắng, uất nghẹn đến nghẹt
thở, khi tôi tận mắt chứng kiến cảnh anh Long xanh lướt, thân thể héo hon, anh
thất thểu ra cổng trại tù. Anh chập choạng ủ rủ như người mất trí, như người
say, như thân cây sắp ngã. Anh Long lê từng bước thấp bước cao tới bàn quản
giáo. Anh run run ký tên vô sổ thăm nuôi. Đôi mắt anh Long sưng chù vù, mọng
đỏ.
Lúc ấy người nhà quấn lên đầu anh Long miếng khăn tang, anh
sững sờ buông thõng hai tay đứng bất động như trời trồng. Anh để mặc họ xỏ áo
thả gấu xỏ quần trắng cho mình như cậu bé con hiền hòa. Hai người thân kè xốc
anh Long ở hai bên nách và ôm cánh tay, dìu anh Long bước thấp bước cao ra sát
cổng trại tù, nơi đặt cỗ áo quan bà mẹ lạnh giá. Như cái xác không hồn, anh
Long run rẩy cầm ba cây nhang quỳ xuống mặt đường đất đỏ gồ ghề có đá lởm chởm.
Bỗng anh Long khóc rống tướng lên thiệt to, anh Long không kếu tiếng nào, chỉ
nấc nấc từng cơn uất nghẹn nghe thảm thiết lắm. Anh Long sì sụp lạy mẹ, và bất
thần anh Long rệu xuống đất.
Bỗng dưng, từ thinh không rót vào tim tôi cảm giác rờn rợn,
bủn rủn đau đau, phiền phiền uất ức, nghẹn ngào đau buốt tức giận đời rất vớ
vẩn. Tôi để tiếng lòng ngân trong chiều Thu vẫn hầm hập nóng rần, dù gió heo
may hái lá so đũa rụng đầy sân tù. Ôi! Vô vàn đau xót, chua cay và đắng chát
nghẹn ngào, thương tâm dường bao! Những người đi thăm tù đang chứng kiến cảnh
não nùng vĩnh biệt ly tan nầy, họ đều bưng mặt khóc. Nhìn mây trắng bồng bềnh
trôi từng lọn trong không trung, như miếng bông gòn xôm xốp thao thức giữa
hoàng hôn đượm buồn, tôi òa vỡ hàng nước mắt chảy ròng ròng xuống má. Cổng đập
đã mở toang hoang, mọi nỗi niềm đau đớn được dịp tuôn trào.
Tôi khóc vì quê hương lầm than, khóc vì chồng đoạ đày khốn
khổ trong ngục tù cộng sản, người tù bị đọa đày trên chính quê hương Việt Nam
dấu yêu. Tôi khóc mẹ chồng già nua khổ sở, khóc các con thơ ốm yếu cơ cực đói
khát. Khóc chính thân tôi rục rả ủ rũ tàn úa trước thời gian. Khóc vì anh Long
tuy xa lạ, mà có phần gần gũi do đồng cảnh ngộ, nên vô vàn thân thiết. Khóc vì
mọi nhánh tình lưu vong bi lụy bạc bẽo đời mình. Khóc ròng! Chuyện xác mẹ đến
thăm con bị tù “cải tạo” cuả anh Long, có thật 100% được anh bạn ngậm ngùi chua
xót ghi bài thơ:
Xưa mẹ đến thăm con giữa
chốn lưu đày,
Thời gian leo lét cháy trên
tóc bạc như mây.
Tình mẹ thiên thu. Nhưng đời mẹ chỉ còn tháng ngày.
Mẹ thường đến thăm con như mưa xuống cỏ cây.
Trưa hôm nay nắng nhiều hơn cả gió!
Có chiếc xe tang phủ đầy bụi đỏ
Trong chiếc quan tài, mẹ lại đến đây,
Mẹ lại đến đây giữa chốn lưu đày
Dù môi mẹ không còn hơi thở!
Gió trong con nhiều hơn giông tố.
Dù tim mẹ không còn nhịp thở.
Đất lung lay, trời cũng xoay xoay.
Mắt con lệ mờ, hay sương
khói xa bay? (4)
Trên trần nhà thạch sùng tróc lưỡi lõ mắt dòm xuống biết
bao gia đình tù dở sống dở chết (khi đất nước đổi đời). Số phận dân đen vùi dập
trong bùn sau ngày 30 tháng 4 . Đa số đồng bào và chính gia đình tôi ở ngoài
trại tù luôn đói khổ vất vả lầm than. Luật ở tù trong một chế độ phi nhân, tàn
bạo, dã man tàn bạo rất độc ác đáng nguyền rủa suốt kiếp. Suốt kiếp! Gây cuồng
nộ triệu triệu con tim, làm kinh hoàng thế giới!
Chúng tôi phải sống thầm lặng, đói nghèo, cơ cực suốt mười
tám năm tẻ lạt, hèn mọn rách rưới và đói khát triền miên dưới tận đáy xã hội
chủ nghĩa. Sống giữa sự lạnh lùng, độc ác phân biệt đối xử đầy bất công, thiếu
thông cảm, không đức độ. Sự trả thù khi người ngã ngựa là phụ nữ như tôi, quả
là hèn hạ trắng trợn, không có sự đồng cảm, tương thân do tôi "tin"
mà càng khốn cùng.
Chao! Trời cao đất dày ơi! Xin Trời ở trên cao ngó xuống.
Đất ở dưới ngóng lên. Hai bên giá vai có hai thánh linh biên chép, soi xét:
Chớ, chúng tôi nào làm gì nên tội, vợ ở ngoài hàng rào sắt khốn đốn lầm than
phải gánh chịu cảnh đọa đày. Con rách rưới tả tơi đói khát. Chồng tù "cải
tạo" can tội "yêu tổ quốc, thương quê hương".
Quá khứ chồng chất lên dĩ vãng mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm
quá đầy, quá nặng, quá đau. Tôi không thể tom góp ít chuyện đau buồn vào từng
ấy nét phác họa sơ sơ, ghi vỏn vẹn trên năm bảy trang giấy, để kể hầu quý vị
nghe hết nỗi cùng cực, cay đắng, khiếp đảm xiết đỗi đã xảy ra cho mình trên
chính quê hương tôi. Dạ thưa! Không thể!
***
Thiệt vô cùng đau xót: vì một thể chế lẫy lừng của miền Nam
Việt Nam kiêu hùng anh dũng đã bị "bỏ rơi". Tôi ghi lại dòng lịch sử
"đổi đời”, không mục đích bôi lọ làm hoen ố xấu xí thêm trang giấy. Chuyện
TÙ “cải tạo” rành rành đã phơi bày ra khắp hang cùng ngõ hẹp, từ Ải Nam Quan
tới mũi Cà Mau lan ra tới Trường Sa, Phú Quốc, nơi nào cũng có toàn chứng tích
trả thù cay nghiệt tàn độc không thể lấp liếm giấu diếm.
Tôi thiệt xấu hổ khóc thầm vì số phận vợ chồng con cái mình
hẩm hiu, do "di tích hậu chứng sau 75" đã để lại trong thân thể mỗi
người trong gia đình mình con bệnh vô cùng quái ác. Hé mắt ra là bẽ bàng quá
đỗi đau xót cơ cùng. Tuy nhiên "tiên trách kỷ hậu trách nhân" vì khờ
khạo tôi "đã tin ở chế độ đỏ" mới ra nông nỗi.
Nhưng mà... I forgive, but i cannot yet forget! (Tôi tha
thứ, nhưng tôi chưa thể quên)! Thế thôi!
***
Tình
Hoài
Hương
(*) Lê Xuân N
Hình sưu tầm trên internet
No comments:
Post a Comment