Monday, November 25, 2024

HƠI THỞ CHIẾN TRANH TRÊN NHỮNG TRANG VIẾT CỦA ĐẶNG KIM CÔN (NGUYỄN XUÂN HOÀNG)

 


Hơi Thở Chiến Tranh

Trên Những Trang Viết

của Đặng Kim Côn

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

 

Từ truyện ngắn Đâu Đó, Ngày Mai viết từ năm 1972 đến Một Ngày, Một Ngàn Ngày viết

vào cuối năm 2010 cách nhau gần 40 năm với con dao 30 tháng Tư chém ngang như một

chia lìa đứt đoạn, thế nhưng Đặng Kim Côn vẫn cho người đọc thấy những trang chữ của

ông không rời khỏi không khí của một cuộc chiến bi thương nhất trong lịch sử Việt Nam.

Trên chuyến xe đò chở khách chạy suốt con đường dài hơn 150 cây số giữa núi rừng dày

đặc, một người lính trở về đơn vị đã gặp một cô gái giao liên VC như một định mệnh. Và

tình yêu giữa họ hiện ra, nhanh như một tia chớp, giữa những hoài nghi và biên giới ta-

địch. Nhưng, bất chấp tất cả, cái chết chờ đợi đâu đó trên mỗi chặn đường, họ đến không

hồn nhiên, và chấp nhận cái sẽ đến, như một thách đố định mệnh. Chiến tranh!

Say Mộng, viết tại Tuy Hoà vào mùa đông năm 1974, trước ngày miền nam mất, là

truyện trong một chuyện. Nhân vật chính là “Tôi”. “Người có mặt bên tôi khi tôi tỉnh dậy

là đứa em gái mười chín tuổi của tôi… Tôi nằm trong phòng hồi sức, kể chuyện cho vợ

tôi chép lại…” Chuyện người sĩ quan sau trận đánh trên đường trở về bị B40… Chiến

tranh!

Muà Xuân, Nếu Có Thật, năm 1988, Đặng Kim Côn viết về những ngày tháng cuối của

cuộc chiến Việt Nam ở miền Trung. Vẫn không khí chiến tranh. Người lính, sau những

ngày phép Tết trở về đơn vị, con đường đầy ổ gà, những quả mìn Việt cộng,… Một chiếc

xe lam cán phải một quả mìn đang bốc cháy, nhiều tử thi văng ra khỏi xe xám xịt, và một

tình yêu kỳ lạ đến rất nhanh giữa hai người trên cùng một chuyến xe: Một trung úy pháo

binh và một cô sinh viên vừa mãn khoá Đại học sư phạm. Thời gian không dài quá một

ngày. Người lính nói: “Anh yêu em.” và “Nàng dụi đầu trong ngực chàng. Môi họ tìm

nhau.” Và sau đó không đầy một tháng. “Cuộc di tản như cơn lốc đầy máu và nước mắt

đột ngột ập xuống con đường số 7 - độc đạo không mấy ai biết tới trước đó – con đường

trở nên nổi tiếng với cái mỹ danh Lộ Máu, để nhớ bức tranh dùng máu làm sơn lót nền,

trên đó, một đám người rừng hằn học hung hãn nã đạn vào hàng trăm chiếc xe đang dồn

lại trên những đoạn đường, với từng đoàn người đói khát, kiệt lực, vẹt đạn, bằng mọi giá

phải về đến duyên hải kịp thoát khỏi cái vùng sẽ giao cho giải phóng. Họ phải chen nhau

dẫm lên những lềnh bềnh, nhầy nhụa máu thịt mà chạy, mà tiếp tục ngã xuống dưới họng

súng reo hò đắc thắng của những kẻ mà ngoài bọn họ ra thì chung quanh đều là phía bên

kia.” . Chiến tranh!

Một Ngày, Một Ngàn Ngày, truyện mới nhất viết năm 2010. Thời gian: Sau 1975. Không

gian: Một nơi nào đó ở miền Trung. Hai người tưởng là yêu nhau, gặp lại nhau. Hồi

tưởng lại những ngày trước tháng Tư 1975. Chiến tranh. Tình yêu. Phản bội. Lợi dụng.

Hai mang. Thật và giả.

 

Những địa danh Cheo Reo, Buôn Hô, Pleiku, Ban Mê Thuột, Qui Nhơn, Tuy Hoà, Phú

Bổn…, nơi những người lính và người dân cùng khổ, những người của bên kia len lỏi

giữa bên này, đi đứng qua lại gặp nhau, chia tay, khóc, cười, yêu giận, lạnh nhạt vồn vã…

không biết đâu là thật đâu là giả. Họ sống trong một thứ tình yêu của bóng tối hơn là ánh

sáng, họ không có thời gian để chờ tình yêu đến. Thời gian đứng ngoài những lời tỏ tình

bằng ngôn ngữ của thân xác. Chiến tranh!

Truyện của Đặng Kim Côn là chuyện về số phận con người trong cuộc chiến Việt Nam.

Chuyện của những người lính ngoài mặt trận, giữa tiếng súng và bom mìn, trên một miền

đất cách xa đô thị, họ phải giết và họ bị giết chính bàn tay của những người cùng chủng

tộc. Họ sống trong bầu khí chiến tranh và thở hơi thở của một cuộc chiến mà không hề

biết đâu là biên giới địch và ta. Mặt trận ở đâu? Và tình yêu đến với họ dễ dàng như cứ

đưa bàn tay ra là chụp bắt được.

Nhà báo Oriana Fallaci trong cuốn Nothing, and so be it viết “Graham Green đã viết rằng

trong chiến tranh phần lớn thời gian là ngồi mà chờ đợi cái gì đó sẽ tới. Mà đúng vậy

thật. Nhưng ông không biết rằng trong lúc phải ngồi yên, người ta cũng không buồn. Bởi

vì trong chiến tranh, không bao giờ ta ngồi ở ghế khán giả, bao giờ ta cũng ở trên sân

khấu, ta là một phần của vở diễn. Ngay khi ta đang ngồi uống cà phê trên sân thượng

khách sạn Continental đi nữa. Một trái mìn có thể nổ, một quả lựu đạn có thể rơi, …”*

Đặng Kim Côn, tác giả của những trang viết tràn ngập mùi khói súng, hối hả chạy trên

những con đường đầy ổ gà, mìn bẫy, lựu đạn, súng ống; chủ nhân của những dòng chữ

tràn ngập hơi thở gấp rút của một tình yêu chợt đến như một lằn đạn; .. cho biết rất thích

truyện Bác sĩ Zhivago của Boris Paternak. Tại sao? Vì hoàn cảnh sống của ông ấy giống

như hoàn cảnh phần lớn những cây bút chân chính của Việt nam. Ông nói.

Liệu những chiếc xe đò chở khách trên những con đường đầy ổ gà, mìn bẫy có còn tiếp

tục chằng chịt trên trang giấy ông? Liệu những dòng chữ của ông có còn vướng mắc

những địa danh Tuy Hoà, Qui Nhơn, Cheo Reo, Ban Mê Thuột…? Hay giờ đây là xa lộ

thênh thang của một quốc gia có một cuộc sống khác hẳn? Hôm nay ở San Jose? Ngày

mai Bolsa? Và Florida? Và New York? Là Washington? Liệu những sáng tác sắp tới của

ông có ra khỏi ám ảnh của cuộc chiến Việt Nam?

Tôi hy vọng câu trả lời là sẽ có. Bởi vì khi hỏi tác giả Một Ngày, Một Ngàn Ngày là ông

đang đọc gì? Đặng Kim Côn nói ông đang đọc Hoàng Tử Bé / Le Petit Prince của

Antoine de Saint-Exupéry, bản dịch của Bùi Giáng.

Bạn nghĩ sao khi xếp lại trang cuối của tập truyện này?


Nguyễn Xuân Hoàng

*Oriana Fallaci trong Cuộc Sống, Cuộc Chiến Tranh Và Rồi… bản dịch của Lê Minh

Đức. Nxb Hồng Lĩnh 1993

No comments: