Wednesday, November 6, 2024

NHÀ THƠ DU TỬ LÊ: GIỚI THIỆU TẬP THƠ "ĐỂ TRĂNG KHUYA KỊP RÓT ĐẦY SỚM MAI" CỦA ĐẶNG KIM CÔN

 Nhà thơ Du Tử Lê: giới thiệu tập thơ “Để Trăng Khuya Kịp Rót Đầy Sớm Mai” của Đặng Kim Côn

 



Tính định đề (ít, nhiều) trong thơ Đặng Kim Côn,

 

Tới hôm nay và, có lẽ muôn sau, tôi vẫn nghĩ người ta có thể sẽ còn tranh luận, bàn

cãi ì xèo về những thành tố của một bài thơ. Như vai trò của ngữ pháp, âm tiết, tới

hình ảnh, tư tưởng, ẩn dụ hay hoán dụ, trí tuệ, hay, cảm xúc…

Cũng như với thời gian, vì nhu cầu làm mới, sự bức bách phải tìm cho bằng những

chiếc áo khác (gồm cả loại vải, thớ vải, cách may cắt mới) cho thơ, để xác lập sự hiện

hữu độc lập, tách, thoát khỏi mọi bóng rợp thi ca quá khứ - Với nhiều ni tấc đầy…ấn

tượng.

Thậm chí kết quả đầu tiên và, cuối cùng, có chỉ là những nỗ lực nhập nhoạng vô

nghĩa (vì chúng bước ra từ những mặc cảm yếu, kém, nhu cầu nổi tiếng đốt giai

đoạn…) thì, nhu cầu kia vẫn là những hăm hở dời non, lấp biển…

Nhưng tôi tin, khó ai có thể bài bác định nghĩa tiên khởi: Thơ là sự quánh đặc hay, sắc

xuống phần tinh-chất-của-ngôn-ngữ.

Khi nói tới sự quánh đặc hay, sắc xuống phần tinh chất của ngôn ngữ, theo tôi, là nói

tới sự bước ra khỏi một bài thơ, của những câu thơ mang tính định đề.

Câu thơ mang tính định đề, nói cách khác, là câu thơ tự thân thơ vượt qua được bản

chất xóa bỏ không ngưng nghỉ, rất cần mẫn của thời gian!

Lại nữa, những câu thơ nhiều, ít mang tính định đề, vẫn theo tôi, không nhất thiết là

kết quả của những suy tưởng lao lung, những chủ tâm, toan tính ngặt nghèo mà, nó

thường là một “sẩy chân.”

Câu thơ “sẩy chân” ngã vào bài thơ. Câu thơ “sẩy chân” rớt vào cõi giới thi ca một

tác giả.

Tôi muốn nói, nó tình cờ. Nó tự nhiên (đương nhiên) hiện ra, có đó như khí trời. Như

mưa / nắng…

Ở phương diện siêu hình, tôi cho nó tựa như một mặc khải. Một tương thông hữu cơ

giữa đất trời và, tác giả.

Hôm nay, dù chúng ta đã bước vào thế kỷ thứ 21, tôi nghĩ nhiều người trong chúng ta

vẫn còn thấy thấm thía khi nhớ hoặc, nghe:

“Chữ tài liền với chữ tai một vần” (Nguyễn Du).

Hay:

“Chiếu chăn không ấm người nằm một (Huy Cận).

Hoặc:

“Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng” (Nguyên Sa).

Hoặc nữa:

“Yêu là chết ở trong lòng một ít” (Xuân Diệu).

(Có người sẽ nhăn mặt, lớn tiếng bỉ thử câu thơ này… cải lương, rẻ tiền!? Nhưng khi

trút bỏ được cái vỏ ngoài chứng tỏ, giả tạo, trở về với bản chất thật, tôi nghĩ, họ sẽ

khó thể phủ nhận nghĩa đương nhiên của câu thơ ấy) Lý do tôi nhấn mạnh tới tính

 

định đề trong thơ của chúng ta, nơi bài viết này, bởi vì, tôi tìm thấy tính chất ấy đã có

ít, nhiều trong thơ Đặng Kim Côn.

Nói như thế không có nghĩa cõi-giới thơ Đặng Kim Côn không mở ra, không đi tới

những chân trời liên tưởng ngậm ngùi. Những nhân cách hóa, ẩn dụ hay hoán dụ mới

mẻ, tương hợp tới nao lòng trong thơ của họ Đặng. Thí dụ:

“muốn tao gửi luôn mày cặp nạng?

“tay bước thay chân tiếu ngạo giang hồ

“mang về bển đi, một đời la lết

“làm mồi nhậu với bạn bè xưa.”

……

“chút bẽn lẽn cũng trôi vào mộng

“cài áo lại em kẻo lạnh chiêm bao”

……

“em bỏ con đường ngơ ngác bóng

“tách trà lỗi hẹn với vô vi.”

vân vân…

Nhưng với tôi, tính định đề (ít, nhiều) trong thơ Đặng Kim Côn vẫn là một bất ngờ

đáng kể và, cũng không kém phần thao thiết. Như:

“biển mời ta uống biển

“ta mời biển uống ta

“có say chiều cũng hết

“không say ngày cũng qua.”

……

“già chưa râu tóc tranh nhau trắng”

……

“có say cứ gục lên bàn ngủ

“dễ được mấy khi thực tiếng cười.”

……

“một tang chồng, một quê hương cay đắng

“nuốt nước mắt vào cho cứng đôi chân.”

……

“tuổi mẹ, sớm đôi vai nhói buốt

“gánh đầu đời trĩu xuống bóng mồ côi.”

……

“xin em cạn một chén này

“để trăng khuya kịp rót đầy sớm mai.”

……

“mai kia mầm mộng lên cây

“nghe trong may rủi đã đầy cỏ hoa.”

……

“dòng sông đâu có biết

 

“con nước nào không trôi.”

……

“Có giọt rượu nào vương trên mắt tháp

“để buồn không vẫy nổi bàn tay.”

vân vân…

Nhằm tôn trọng quyền khám phá cõi-giới thơ Đặng Kim Côn, trong thi phẩm “Đề

trăng khuya kịp rót đầy sớm mai” này, chúng tôi xin ngưng bài viết của mình ở đây,

với lời ước mong tác giả tiếp tục ở với thi ca. Tiếp tục đi tới với những câu thơ ít,

nhiều mang tính định đề, đáng kể của Đặng.

 

Du Tử Lê

(Calif. tháng 10 - 2010)

No comments: