Thursday, March 31, 2016

LỜI TRĂN TRỐI CỦA BÀ NGÔ ĐÌNH NHU (?)

Luật sư Trương Phú Thứ
Mùa Phục Sinh lại đến.  Chúa sống lại trong niềm hoan lạc của con cái Chúa và vì Chúa sống lại cũng để cho chúng con được sống lại trong vinh quang.  Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 2011, Bà Ngô Đình Nhu đã trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở La Mã trong khi mọi người đang rộn ràng mừng lễ Chúa Phục Sinh.  Bà đã chết đi trong ánh sáng của Chúa Phục Sinh.  Bà đã âm thầm và lặng lẽ trên đường đi về Nhà Cha như mỗi buổi sáng bà lủi thủi đơn côi đi dâng thánh lễ bắt đầu cho một ngày mới.  Bà đã sống lại trong niềm tin yêu vô cùng nơi Thiên Chúa là nơi bà đã ngày đêm cậy trông và nương tựa trong những tháng ngày đau khổ nơi trần gian.

Rất nhiều người đặt câu hỏi rằng trước khi lìa trần bà Ngô Đình Nhu có trăn trối qua tiếng nói hay bút tích không.  Câu trả lời là "có" và đây là lời trăn trối ngắn gọn được bà viết bằng tiếng Pháp:

"Tôi Trần Lệ Xuân, Dân biểu lập Hiến Pháp,  Dân biểu quốc Hội, Chủ tịch Phong trào Phụ Nữ Liên Đới, Vâng lệnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, với sự đồng ý của chồng tôi, ông cố vấn Ngô Đình Nhu, rời Viêt Nam sang các nước Tây Phuơng tranh đấu cho sự thật và độc lập của đất nước tôi, trong lúc tôi rời đất nước các thế lực Tây Phương đã dùng nhóm phản loạn, phản bội lại chính quyền Dân Chủ và Độc Lập Việt Nam Cộng Hoà, đã sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm và gia tộc của Tổng Thống và chồng tôi,  sứ mệnh của tôi càng trở nên khó khăn hơn, khi con gái của tôi Ngô Đình Lệ Thủy bị sát hại vì muốn nói lên tiếng nói sự thật, sứ mệnh của tôi chưa hoàn tất, tôi vẫn là con dân Việt Nam Cộng Hoà, vẫn là sứ giả của nước Việt đến hơi thở cuối cùng với "Sự Vụ Lệnh" của Tổng Thống Ngô Đình Diệm... "

Bà Ngô Đình Nhu được Tổng Thống Ngô Đình Diệm trao phó một sứ vụ vô cùng khó khăn và nặng nề. Thân nhi nữ cô độc gánh vác sứ vụ "đội đá vá trời" chống đỡ lại những mưu mô và kế hoạch thâm độc của Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế được sự thông đồng của Mỹ để triệt hạ chính thể Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà.  Bà đã vẫy vùng trong một vũng lầy của những gian manh xảo quyệt của các hệ thống truyền thông quốc tế và ác tâm của một đường lối vô nhân đạo mà chánh quyền Hoa Kỳ đương thời chỉ với một mục đích phục vụ quyền lợi của một nhóm tư bản đứng sau toà Bạch Cung đã tàn nhẫn xuống tay đưa cả dân tộc Việt Nam vào vòng điêu linh thống khổ.  Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người đặt quyền lợi và danh dự quốc gia hơn cả mạng sống mình đã bị thảm sát vô cùng dã man. Bà Ngô Đình Nhu cũng bị tắt tiếng sau cái chết đau thương của vị nguyên thủ quốc gia.

Bà Nhu được giao phó nhiệm vụ “tranh đấu cho sự thật và độc lập của đất nước”.  Bà lên đường với một sự vụ lệnh của Tổng thống và bà đã vô cùng dũng mãnh quyết liệt chống chọi với bọn truyền thông gian manh quốc tế và những xảo quyệt của chính quyền Hoa Kỳ.  Mùa Thu năm 1963 cả thế giới đã kinh ngạc nghe và nhìn bà Nhu mạt sát và lên án những người được gọi là bạn, là đồng minh Hoa Kỳ ngay tại một địa điểm chỉ cách Toà Bạch Cung mấy con đường. Nhiều người cho đó là một hành vi thiếu khôn ngoan nhưng có ai thấu hiểu đó chỉ là những tiếng kêu tuyệt vọng của một người lương thiện trước khi bị bọn gian manh thổ phỉ hành quyết!

Đọc những dòng chữ trăng trối của bà Nhu thì không ai có thể phủ nhận được tâm huyết của bà với non sông đất nước.  Năm trên giường bệnh trong giờ phút lâm chung nhưng bà không nghĩ đến những oan cừu khổ nạn mà bà và cả gia đình bà phải thống khổ chịu đựng.  Bà không thù oán những người đã cầm súng bắn vào chồng bà bởi vì bà nói “đó là một bọn ngu dốt” không đáng đếm xỉa đến.  Nhưng hơi thở cuối cùng của bà vẫn trông về quê hương yêu dấu mà bà đã can đảm dự phần trong công trình xây dựng một quốc gia thanh bình thịnh vượng, toàn dân sống trong tự do no ấm.  Bà tiếc nuối vì sứ mạng đã bị trù dập và không hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Bà vẫn tự gánh vác trọng trách đó cho đến hơi thở cuối cùng trong đơn côi lặng lẽ cho dù đó chỉ là những ước vọng của những giây phút tàn hơi.  Một "lãnh tụ chánh trị" khoe đã gặp bà Nhu và nghe than thở “thời của tôi đã hết rồi”.  Đây cũng chỉ là một tưởng tượng nghèo nàn của vị "lãnh tụ" này mà thôi.  Bởi vì những giây phút cuối đời thì bà Nhu khẳng định: vẫn là sứ giả của nước Việt đến hơi thở cuôi cùng với Sự Vụ Lệnh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm...

Bài viết này đến tay độc gỉả nhân ngày giỗ thứ năm bà Ngô Đình Nhu.  Từ sau ngày Đệ Nhất VNCH sụp đổ, bà Nhu  sống đơn độc nơi đất khách quê người gần như hoàn toàn cách biệt với những sinh hoạt chộn rộn của một con người.  Người yêu kẻ ghét với những lời khen tiếng chê đã không lọt qua bức tường căn phòng nhỏ hẹp của một người muốn rũ bỏ tất cả những oan cừu trần gian. Bà sống khổ hạnh như một nữ tu ngong ngóng trông chờ giây phút “đoàn tụ” với ông chồng mà bà hết lòng yêu thương và kính phục.

Gần đây có một quyển sách viết về bà Nhu bằng tiếng Anh với tựa đề "FINDING THE DRAGON LADY" của tác giả Monique Demery và vừa được dịch sang tiếng Việt Nam với một loại chữ nghĩa văn thể rất kệch cỡm: "MADAM NHU TRẦN LỆ XUÂN QUYỀN LỰC BÀ RỒNG". Tác giả Demery đã có một thời gian “học tập” ở Hà Nội, nói tiếng Việt thành thạo giọng đặc Hà Nội. Tôi có xem qua quyển sách này, không có gì gọi là tư liệu hay lịch sử.  Từ đầu đến cuối chỉ là những sao chép vụng về chẳng có một giá trị nào dù rất nhỏ nhoi. Vào Google đánh chữ Bà Ngô Đình Nhu thì có đến gần 4 triệu tài liệu và bài viết nói về bà Nhu được đăng tải rải rác trên nhiều mạng lưới vi tính từ nhiều quan điểm khác nhau đã được bà Demery vơ vét làm của riêng mình rồi nặn óc sáng chế ra một cái tựa sách nghe ra cũng độc mồm độc miệng. Bà Demery viết và đọc tiếng Việt Nam thành thạo nên đa số những cái gọi là “tài liệu hiếm qúy” trong quyển sách này đã từ lâu xuất hiện trên các mạng lưới vi tính Việt ngữ. Tựa đề của cuốn sách trong bản dịch tiếng Việt với mấy chữ QUYỀN LỰC BÀ RỒNG có thể làm người đọc hình dung ra hình ảnh của một “bà rồng” mặt sắt đen xì dữ tợn hung ác nhưng trong cả cuốn sách chỉ toàn là những nhai đi nhai lại nhàm chán trên các mạng lưới vi tính Việt ngữ chứ chẳng thấy “bà rồng” đâu.

Tác giả Demery sẽ biện minh như thế nào khi gán ghép cho “bà rồng” một giai thoại như sau:

When her brother-in-law, President Ngo Dinh Diem, had once questioned the modesty of Madame Nhu’s slim-fitting tunics, referring to their décolletage, she is said to have silenced him with a withering reply: “It’s not your neck that sticks out, it’s mine. So shut up” (P.18)

Một dịch giả dễ tính có thể chuyển dịch những dòng chữ này một cách giản lược như sau: Tổng Thống Ngô Đình Diệm tỏ vẻ không được hài lòng vì cái áo dài hở cổ của bà Nhu.  Nhưng bà em dâu đã xấc xược trả lời ông anh chồng: “Cái cổ tôi hở ra chứ không phải cổ của ông.  Vậy thì ông câm mồm đi.”

Đọc những dòng chữ bặm trợn này thì ai cũng có thể lượng giá được khả năng viết lách của tác giả và giá trị của quyển sách.

Đã rất lâu tôi có xem một phim tài liệu của hai nhà nữ nhân chủng học người Mỹ làm công việc khám phá một bộ lạc gần như tuyệt chủng ở trong rừng rậm Phi châu và chưa hề có bất cứ một tiếp xúc dưới bất cứ hình thức nào với thế giới bên ngoài.  Hai nhà nữ nhân chủng học này đã lặn lội trong những điều kiện vô cùng gian khổ và đã đến được nơi muốn đến.  Hai cô gái xinh đẹp này đã sống với hai người đàn ông hiếm hoi còn lại của bộ tộc này như vợ chồng trong thời gian một năm.  Họ học tiếng nói cũng như ăn uống sinh hoạt như một thành viên của bộ tộc và như là những người vợ của hai người đàn ông còn lại của bộ tộc trước ngày bị hoàn toàn diệt chủng.  Hai cô gái trở về Mỹ đã cống hiến cho thế giới một tài liệu phong phú và những thước phim chân thực sống động vô cùng qúy giá. Họ đã tự mang cả thân mình ra để làm một công việc mà họ say mê và bằng mọi cách phải đạt đến mục tiêu tuy rằng phương cách làm việc của họ không đáng được khuyến khích và đề cao.

Tác giả Demery cũng chỉ nghe và biết đến bà Nhu qua báo chí và những bài viết trên các mạng lươí vi tính mà thôi.  Trong cuốn sách, bà Demery xác nhận có hẹn gặp bà Nhu hai lần nhưng cả hai lần bà Nhu đều thất hẹn.  Mặc dù bà Nhu sống đời ẩn dật tự giam hãm mình trong một căn phòng nhỏ nhưng bà Nhu cũng có những chọn lựa và suy tính trong các giao tiếp rất hiếm hoi.  Bà Demery hẹn gặp bà Nhu ở nhà thờ Saint Leon là nơi bà Nhu đi lễ hàng ngày.  Thế nhưng đến ngày giờ hẹn thì bà Nhu lại không đến.  Lần sau thì bà Nhu hẹn gặp tại nhà, bà Demery đến đúng hẹn nhưng bà Nhu lại không mở cửa. Bà Nhu cũng chẳng mặn mà gì với những gặp gỡ này và cố tình hủy bỏ cuộc hẹn.

Vậy thì ngoài những sao chép trên các mạng lưới vi tính và chưa một lần được gặp bà Nhu thì bà Demery lấy gì và biết gì để viết về cả một cuộc đời cay đắng nghiệt ngã của bà Nhu.

Rất nhiều người có chung một quan điểm là nếu bà Nhu có mặt tại dinh Gia Long vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 thì cục diện của vụ phản loạn chắc chắn đã không xẩy ra như vậy.  Là thân nữ nhi nhưng bà Nhu lại có một dũng chí và rất quyết liệt trong những tình huống dầu sôi lửa bỏng.  Thưở sinh thời, Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ nhiều lần tiếc nuối nói nếu như bà Nhu không đi ra nước ngoài thì chắc là vụ phản loạn đã bị dẹp tắt ngay từ những tiếng súng lạch cạch của mấy chú tân binh quân dịch từ trung tâm huấn luyện Quang Trung.  Ông Duệ nói rằng bà Nhu rất kính trọng và phải nói là rất sợ ông anh chồng Tổng Thống nhưng lúc cần phải lên tiếng thì bà cũng rất mạnh bạo.  Nhiều người truyền miệng câu chuyện bà Nhu bị Tổng Thống Ngô Đình Diệm giận dữ ném cái gạt tàn thuốc lá vào người thì đó cũng chỉ là một bịa đặt nhảm nhí.  Nghị sĩ Lê Châu Lộc nguyên là tùy viên của Tổng Thống Diệm xác nhận là bà Nhu cũng như tất cả những người khác muốn gặp Tổng Thống thì đều phải đi qua một lịch trình xếp đặt của Chánh văn phòng Phủ Tổng Thống. Rất ít khi bà Nhu xin gặp Tổng Thống và những lần diện kiến ngắn ngủi dăm ba phút đó thì bà Nhu ăn mặc rất chỉnh tề, cánh cửa văn phòng Tổng Thống mở rộng và bên ngoài là các sĩ quan tùy viên và nhân viên văn phòng.  Nếu bà Nhu là một loại đàn bà đanh quánh hỗn láo thì chắc hẳn là thiên hạ sẽ được nghe và nhìn thấy những hoạt cảnh ồn ào chợ búa trong những ngày tháng nơi xứ lạ quê người.

Tổng Thống Diệm đặc biệt qúy mến bà Nhu vì đã mạnh bạo hoàn thành bộ luật gia đình và nhất là bà Nhu đã sinh ra hai người con trai để nối tiếp dòng họ Ngô Đình.  Ông Ngô Đình Luyện có hai đời vợ nhưng cũng chỉ có một binh đội đến mười cô con gái, mãi đến người con út mới được một mống con trai. Con trai lớn của bà Nhu là Ngô Đình Trác lấy vợ người Ý và bây giờ cũng có cháu gọi là ông nội rồi.  Người con trai nhỏ là Ngô Đình Quỳnh làm việc ở nước Bỉ và không lập gia đình cũng đã trên sáu mươi tuổi.  Từ sau năm 1963, ông Ngô Đình Trác sống ở Roma và chưa một lần đi ra khỏi nước Ý.  Câu chuyện đồn thổi "bà Nhu cho ông Trác sang Mỹ để xin lỗi" người này người kia cũng chỉ là một bịa đặt láo khoét mà thôi.

Các tài liệu về vụ phản loạn 1 tháng 11 năm 1963 do Hoa Kỳ điều động đã được hoàn toàn giải mã.  Đám quân nhân và các tổ chức liên hệ chỉ thi hành những mệnh lệnh từ một bọn kiêu binh tác oai tác quái lợi dụng sự nhu nhược của một ông tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.  Bà Nhu biết và hiểu rõ phương cách điều hành của các cơ chế chánh trị Mỹ.  Tất cả đều bị sai khiến bởi các thế lực đứng sau toà Bạch Cung. Nói một cách rõ ràng là những thế lực đó được điều hành và nhận chỉ thị từ những nhóm Do Thái có thực lực nắm giữ huyết mạch chánh trị và tài chánh của nước Mỹ.  Cũng chính những thế lực này, qua bàn tay của Henry Kissinger đã dâng hiến nước Việt Nam Cộng Hoà cho khối cộng sản quốc tế..

Khi nói về cái chết thảm thương của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn thì bà Nhu cũng chỉ nhỏ nhẹ nói “Tổng thống của nó mà nó còn giết thì tổng thống của mình nó coi ra gì”.  Chữ “nó” đây bà Nhu cố ý nói về các thế lực Do Thái trong chính trường Hoa Kỳ.  Tổng Thống Kennedy đã bị bắn chết trước mắt hàng triệu dân Mỹ mà cho đến nay hơn một nửa thế kỷ sau vẫn không một cá nhân hay tổ chức nào dám phanh phui ra tên tuổi của đứa đã cầm súng bắn vào đầu Tổng Thống Kennedy.  Những thế lực này mạnh đến nỗi ngay khi ông Obama được đảng Dân Chủ đề cử cũng đã vội vàng bay sang Do Thái “trình diện”.  Trong suốt gần hai nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama chưa hề có một lời nói hay hành động nào làm mích lòng Do Thái.  Đôi khi cũng có tiếng bấc tiếng chì nhưng đó chỉ là những trình diễn có xếp đặt mà thôi.  Bà Nhu rất căm thù những nhóm quyền lực Do Thái đứng sau toà Bạch Ốc.  Cũng chính bọn này đã mua chuộc được hầu như tất cả giới truyền thông quốc tế để cùng toa rập với nhau triệt hạ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà rồi sau đó dâng hiến cho cộng sản quốc tế.  Khi nói về cái chết của cô trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy, bà Nhu vẫn có những câu hỏi về vai trò của tổ chức tình báo Do Thái trong tai nạn giao thông thảm khốc này.

Ai cũng biết là từ ngày tủi nhục vất vưởng nơi quê người, bà Nhu sống rất nghèo khổ, nhiều năm sống trong cơ hàn.

Trong một bài viết, tôi có đề cập đến nhà bà Nhu là một đơn vị gia cư trong một chung cư bề thế ở thủ đô Paris.  Địa chỉ của chung cư đó là số 24 Rue du Suffrene, Paris 15.  Tôi viết một cách lập lững rằng một tỷ phú người Ý vì thương cảm nên đã cho bà Nhu một số tiền kếch xù để mua một lúc hai đơn vị gia cư, một để ở và cái khác cho thuê lấy tiền sinh sống.  Sự thật không phải như vậy.  Vị tỷ phú này có lòng từ tâm và rất thương cảm hoàn cảnh của bà Nhu. Tuy nhiên vị tỷ phú này biết sử dụng và đầu tư đồng tiền một cách rất khôn ngoan bên cạnh lòng nhân ái cứu giúp người hoạn nạn.  Bà Nhu được vị tỷ phú này nhờ mua một lúc hai đơn vị gia cư của một chung cư ở vị trí rất đẹp ở thủ đô Paris bởi vì bà Nhu vẫn còn những liên lạc với một số chính khách Pháp và có thể nhờ cậy các vị này trong việc thương thảo mua bán.  Bà Nhu đã nhờ một vị cựu bộ trưởng thời chính phủ De Gaulle giúp mua hai đơn vị gia cư.  Không ai biết những cam kết và hợp đồng giữa bà Nhu và vị tỷ phú người Ý như thế nào nhưng ai cũng biết là lúc còn sống thì bà Nhu sinh sống ở một đơn vị và cái khác cho một nhà ngoại giao Nhật Bản thuê mướn để có tiền chi tiêu. Chỉ một thời gian ngắn sau khi bà Nhu từ trần thì các con của vị tỷ phú này đã tiến hành thủ tục pháp lý lấy lại hai đơn vị gia cư này.  Việc chuyển giao đã tiến hành một cách âm thầm và êm đẹp.  Tất nhiên trị giá của hai đơn vị gia cư này đã cao hơn nhiều lần lúc mua.

Trong một lần tôi đang nói chuyện với bà Nhu thì chuông điện thoại reo, bà Nhu đứng lên cầm ống điện thoại nhờ người gọi lấy dùm cái chụp đèn ở ngoài tiệm về.  Bà Nhu nói với tôi là rất thích cái chụp đèn bằng vải này nhưng vì quá cũ nên có chỗ bị rách.  Bà nhờ người mang ra tiệm sửa lại nhưng tiền công sửa quá đắt, đến cả gần một trăm euros nên thôi không sửa nữa.  Nếu bà Nhu có mười bẩy tỷ Mỹ kim như một vài “sử liệu” tiết lộ thì đâu có phải tính toán đắn đo gì với số tiền công sửa cái chụp đèn này.

Chung cư 24 Rue du Suffren Paris 15
Sau ngày phản loạn 1-11-1963, để lấy điểm với một vài phe nhóm và bọn tay sai nằm vùng của cộng sản Bắc Việt thì những người nắm quyền đương thời cũng trình diễn ra những cái gọi là "ủy ban điều tra tội ác và tài sản nhà Ngô".  Cuối cùng thì những ủy ban này với bao nhiêu hận thù và điêu ngoa gian dối sau khi vắt cạn kiệt ác tâm cũng đã chế tạo ra được hai cái “sử liệu” rất "hoành tráng" để đưa vào “chính sử”.  Thứ nhất là "bà Nhu có mười bẩy tỷ Mỹ kim, hai thương xá ở Paris và một đồn điền ở Ba Tây". Thứ nhì là "Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã tàn sát ba trăm ngàn Phật tử ở miền Trung".  Các “sử gia chân chính” đã xác nhận như vậy thì chắc hẳn phải là “chính sử”.!!!

Nói và viết về bà Ngô Đình Nhu thì toàn là những chuyện buồn phiền đau khổ.  Vậy xin kể một chuyện vui vui.  Một thanh niên người Ý bảnh trai con nhà gia thế cùng cha mẹ thưa chuyện với bà Nhu xin cưới cô con gái út Ngô Đình Lệ Quyên, tiến sĩ Luật Khoa Roma.  Trong lúc vui vẻ chuyện trò thì bà Nhu nói với chàng rể tương lai rằng mỗi tuần lễ bà chỉ ăn hai hay ba lần thôi, nếu anh có thể ăn uống được như vậy thì tôi sẽ gả út cưng cho. Anh chàng này vẫn có lòng kính phục bà mẹ vợ tương lai nên xin hai tháng để thử thách.  Sau hai tháng nhịn ăn nhịn uống, rồi cũng quen dần.  Bởi vậy anh chàng gầy đét như con mắm khô, chỉ thấy da bọc xương. Cho đến bây giờ, mặc dầu cô vợ yêu qúy đã chết vì một tai nạn xe cộ nhưng anh này vẫn giữ thói quen ăn uống như vậy.

Con người ta ai rồi cũng sẽ trở về cát bụi.  Nhớ bà Ngô Đình Nhu với hình ảnh của một người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi, đức hạnh và hết lòng vì quê hương đất nước.  Nguyện cầu hương hồn bà an vui nơi cõi Hằng Sống...

25/02/2016
Luật sư Trương Phú Thứ

Peace be with you

No comments: