Friday, March 11, 2016

CUỘC ĐỜI "VŨ NỮ" CẨM NHUNG


Sơn Dao - Cách đây nửa thế kỷ, vào giữa năm 1963, tại Sài Gòn xảy ra một vụ đánh ghen được coi là rùng rợn nhất ở thành phố này.
Đây cũng là lần đầu tiên 'Hoạn Thư" ở Sài Gòn biết sử dụng axít đậm đặc để "thanh toán" tình địch.

Nạn nhân là cô vũ nữ nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc ấy tên là Cẩm Nhung, người được mệnh danh là “nữ hoàng vũ trường”. Người thủ ác là một mệnh phụ phu nhân, vợ của một trung tá Sài Gòn. Vụ tạt axit rùng rợn đã biến cô vũ nữ giàu có, đẹp lộng lẫy thành cô gái mù lòa xấu xí, phải đi ăn mày. Khi còn là vũ nữ, Cẩm Nhung nổi tiếng nhất Sài Gòn, lúc đi ăn mày cô càng “nổi tiếng” hơn, khi luôn đeo trước ngực bức ảnh mình chụp với người tình trung tá thời trên đỉnh cao danh vọng.

Bà lão mù lòa từng là vũ nữ
Một ngày đầu năm 2013, tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), nơi những người ăn xin, bán vé số, bốc vác tứ xứ đến thuê ở trọ, có một đám ma nghèo. Một bà lão bán vé số đã qua đời vì già yếu, bệnh tật, không một người thân. Bà lão được những người đồng cảnh ngộ lo cho một quan tài loại rẻ tiền, rồi đưa ra nghĩa địa... Sẽ không có chuyện gì đáng nói về đám ma nghèo của bà lão vô gia cư, nếu như người quá cố nói trên không phải là vũ nữ Cẩm Nhung lừng danh của nửa thế kỷ trước.

Trước ngày miền Nam “giải phóng”, người ăn mày mù lòa Cẩm Nhung với cây gậy dò đường và tấm ảnh chụp chung với người tình treo trước ngực, lê bước khắp nẻo Sài Gòn để xin lòng thương hại của mọi người. Về sau do bị săn đuổi, bà xuống ăn xin ở bến phà Mỹ Thuận trên đường về miền Tây. Sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm, người ta còn thấy bà ngồi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận một thời gian. Nhưng từ khoảng năm 1978, không ai thấy người ăn mày đeo tấm ảnh trước ngực đâu nữa.

Người đời bàn luận rằng có lẽ bà đã bệnh chết hoặc đã quyên sinh để chấm dứt kiếp hồng nhan bạc phận của mình. Mãi sau này người ta mới phát hiện bà vẫn còn sống, vừa bán vé số vừa ăn xin quanh các ngôi chùa ở thị xã Hà Tiên, mà thường nhất là ở chùa Tam Bảo. Người ta nhận ra bà bởi khuôn mặt gớm ghiếc và đôi mắt mù lòa, hậu quả của vụ tạt axít năm xưa. Và nay, người ăn mày đặc biệt đã vĩnh viễn từ giã cõi trần, chính thức khép lại một kiếp hồng nhan đa truân, sau đúng nửa thế kỷ từ vụ đánh ghen rùng rợn năm nào.


Nữ hoàng vũ trường  
  Vũ nữ Cẩm Nhung sinh năm 1940 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, cô phải rời xa Hà Nội để theo gia đình di cư vào Nam. Vào Sài Gòn được ít năm, khi cuộc sống chưa ổn định, cha của Cẩm Nhung lâm bệnh rồi mất, bỏ lại 3 người phụ nữ, mẹ cô, bà vú Sọ và cô. Cẩm Nhung phải bỏ học, xin vào làm tiếp viên cho một nhà hàng, chuyên bưng món ăn cho khách. Nhờ đó cô đã lân la làm quen với những bản nhạc, những điệu nhảy trong quán bar của nhà hàng. Để rồi khi chưa tới 19 tuổi, cô đã trở thành gái nhảy chuyên nghiệp trong giai đoạn phong trào nhảy đầm (vũ trường) phát triển rầm rộ ở Sài Gòn.

Cẩm Nhung có khuôn mặt đẹp và làn da trắng hồng đặc thù của con gái xứ Bắc. Tạo hóa ban thêm cho cô đôi mắt lẳng lơ, thân hình quyến rũ. Đặc biệt đôi chân điệu nghệ của cô trong các vũ điệu cuồng say tại vũ trường Kim Sơn đã làm bao khách làng chơi phải ngẩn ngơ. Lúc ấy Sài Gòn có hàng trăm vũ trường, gái nhảy không đủ đáp ứng, vì vậy mà Cẩm Nhung càng có giá, được các vũ trường săn đón như hàng độc, như của quý. Cô được dân chơi Sài Gòn phong là “Nữ hoàng vũ trường”.

Cô đi qua nhiều vũ trường, cuối cùng dừng lại với vũ trường Kim Sơn trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi, quận 1). Tại đây, cô đã trở thành người tình của tay trung tá công binh Trần Ngọc Thức. Cô vũ nữ 23 tuổi dù từng trải trong chốn tình trường, nhưng đã bị tay trung tá công binh lớn hơn cả chục tuổi “hớp hồn” ngay những lần gặp gỡ đầu tiên. Sự già dặn, từng trải, tiêu tiền như nước của Thức cùng với cái lon trung tá rất oai thời ấy đã làm cô vũ nữ sành điệu chấp nhận sa vòng tay bảo bọc của ông.

Thời ấy, “Thức công binh” (biệt danh của trung tá Trần Ngọc Thức) nổi lên như cồn trong giới ăn chơi ở Sài Gòn. Miền Nam bắt đầu tiếp nhận viện trợ ồ ạt của Mỹ, chủ yếu là vũ khí và đô la để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quân đội, phục vụ chiến tranh. Đó là cơ hội vàng để “Thức công binh” tham nhũng, trở nên giàu có, thừa tiền của để bao gái.

Vợ trung tá Trần Ngọc Thức tên thật là Lâm Thị Nguyệt, có biệt danh là Năm Rađô -- một biệt danh giới giang hồ khu Cô Bắc đặt cho --, do bà chuyên buôn mặt hàng đồng hồ Rado của Thụy Sỹ mới nhập cảng vào Sài Gòn. Bà Năm Rađô không lạ gì thói trăng hoa của chồng, nhưng lần này biết chồng say mê cô vũ nữ trẻ đẹp quên cả gia đình, bà như phát điên vì ghen. Bà đã vài lần đón đường hăm dọa, thậm chí tát tai dằn mặt vũ nữ Cẩm Nhung, nhưng bấy nhiêu đó không đủ làm cho cô gái trẻ rời xa chồng bà.

Vụ đánh ghen ghê rợn
Theo thú nhận của Cẩm Nhung với báo chí Sài Gòn sau khi xảy ra vụ đánh ghen ghê rợn, khi làm người tình của trung tá Thức, cô nghĩ rằng mình có thể trở thành vợ bé của ông ta, một việc khá bình thường trong xã hội Sài Gòn thời đó. Cô đâu biết rằng trong lúc cô ngây ngất trong vòng tay của ông trung tá dìu dặt với những điệu nhảy ở vũ trường Kim Sơn, thì ở khu gia binh Cô Bắc, cách đó không xa có một người đàn bà đang âm thầm chuẩn bị một kế hoạch đánh ghen ghê rợn.

Bà Năm Rađô đã vạch kế hoạch tỉ mỉ tiêu diệt tình địch. Hai tên giang hồ có cỡ được bà Năm Rađô thuê với giá 2 lượng vàng để làm việc hủy diệt nhan sắc của cô vũ nữ. Bà Năm Rađô tin tưởng, khi Cẩm Nhung không còn nhan sắc, cô sẽ không thể quyến rũ chồng bà, Thức công binh sẽ trở về với vợ con.

Khoảng 22 giờ đêm ngày 17/7/1963, vũ nữ Cẩm Nhung rời khỏi nhà để đến vũ trường Kim Sơn. Hàng ngày cô đều rời khỏi nhà vào giờ này, hoặc đi taxi, hoặc có xe của đại gia đón rước, để cô đến vũ trường trước 23 giờ, nhảy nhót quay cuồng cho đến 3-4 giờ sáng. Khi Cẩm Nhung còn cách chiếc taxi khoảng 10m, bất ngờ từ bên kia đường một gã đàn ông băng nhanh qua đường, tiến về phía cô. Cẩm Nhung chưa kịp phản ứng thì gã đàn ông đã tạt mạnh ca axít vào mặt cô. Cẩm Nhung chỉ kịp kêu lên: “Chết tôi rồi, cứu tôi với” rồi ngã gục trên đường. Người đàn ông sau khi tạt axít đã phóng nhanh qua bên kia đường, leo lên xe taxi mở cửa chờ sẵn, trên ấy có bà Năm Rađô.

Nghe tiếng kêu cứu, một số người đi đường đã chạy đến, họ thấy Cẩm Nhung nằm quằn quại dưới đường, mùi axít xông lên hôi nồng. Một người đàn ông đã ôm nạn nhân lên xe taxi, chở đến bệnh viện Đô Thành (bệnh viện Sài Gòn ngày nay). Do bệnh viện Đô Thành không có khả năng trị bỏng, nhất là bỏng axít, nạn nhân sau đó đã được chuyển đến bệnh viện Đồn Đất (bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày nay).
Sự việc đến tai bà Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu. Bà cố vấn vốn tính bốc đồng đã làm lớn sự việc, làm cho cả Sài Gòn như sôi lên vì vụ đánh ghen này.

Khi Trần Lệ Xuân bốc đồng
Những vũ nữ là bạn của Cẩm Nhung đến thăm, thấy cảnh sát hại dã man, đã hùn tiền lại mời luật sư bảo vệ cho Cẩm Nhung, đưa sự việc ra pháp luật. Thế nhưng, thời ấy, thế lực của “Thức công binh” và bà “Năm Ra-đô” rất mạnh ở Sài Gòn, nên tưởng như không ai làm được gì họ. Rồi một tuần lễ sau khi xảy ra vụ tạt axít, bà Trần Lệ Xuân (vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu) đi công cán nước ngoài về tới Sài Gòn, đọc báo thấy sự việc, bà Lệ Xuân tức giận, chỉ đạo Nha An Ninh phải làm rõ vụ tạ axít, xử thật nặng những kẻ gây tội ác. Tại bệnh viện Đồn Đất, ban đầu, nạn nhân Cẩm Nhung được cho nằm ở khu dành cho dân thường, ai vào thăm cũng được.

Mỗi ngày, luôn có hàng trăm người thân, bạn bè, những người hiếu kỳ tới thăm Cẩm Nhung. Có một người khách thăm đã kề tai Cẩm Nhung nói rất nhỏ, nói vừa đủ cho cô nghe: “Muốn yên thân thì hãy câm miệng, nếu cô làm lớn chuyện, “bả” sẽ giết chết cô”. Trong những ngày ấy, bà vú Sọ là người suốt ngày đêm trực bên giường Cẩm Nhung. Tình cờ, bà vú Sọ phát hiện có kẻ lạ mặt rình rập cô Cẩm Nhung.

Để kiểm chứng, bà giả vờ đi ra khỏi phòng bệnh để mua đồ, nhưng kỳ thực, bà nép mình ở góc hành lang để theo dõi. Kẻ lạ đã nhanh như sóc lách mình vào buồng bệnh nhân. Bà vú Sọ hốt hoảng chạy ngay trở lại phòng bệnh, vừa lúc bà thấy kẻ lạ giở tấm drap trắng đắp lên người Cẩm Nhung. Thấy bà trở vào phòng, kẻ lạ lúng túng nói là người quen tới thăm nạn nhân, sau đó lặng lẽ biến mất. Bà vú Sọ đã báo lên bệnh viện và thông báo với nhà chức trách.

Bà Trần Lệ Xuân nghe chuyện, đã chỉ đạo bệnh viện đưa Cẩm Nhung vào khu chăm sóc đặc biệt, không ai được vào thăm khi chưa có ý kiến của lãnh đạo bệnh viện. Mọi cuộc thăm viếng Cẩm Nhung sau đó đều có sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát.

Với bản tính bốc đồng và tùy hứng, bà Lệ Xuân còn chỉ đạo cho ngừng hoạt động của tất cả các vũ trường, vì theo bà, đó là nguồn gốc của thói ăn chơi sa đọa, tan nát gia đình và tội ác. Bà còn cho kiểm tra tất cả các tướng tá Sài Gòn xem ai có vợ nhỏ phải áp dụng kỷ luật.

Sài Gòn những ngày sau đó đìu hiu về đêm, khi hàng chục vũ trường nhộn nhịp phải đóng cửa theo lệnh của bà cố vấn. Các tướng tá Sài Gòn thì bị một phen sốt vó, chạy lo đủ kiểu để không “lòi mặt chuột” có vợ nhỏ. Không chỉ các vũ trường mà các nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn sau đó cũng chịu chung cảnh ế ẩm, khi mà phong trào ăn chơi của giới thượng lưu bất ngờ trở nên trầm lắng. Sau giờ làm việc, các đấng phu quân ở Sài Gòn chạy thẳng về nhà với vợ con, để các bà vợ không nổi hứng tố cáo với bà cố vấn là chồng mình đã có vợ nhỏ.

Nếu như cú tạt axít làm Cẩm Nhung đau đớn thân xác, nhan sắc bị hủy hoại hoàn toàn, thì cú tạt axít này cũng làm người trong cuộc là “Thức công binh” đau đớn không kém. Không phải ông đau đớn vì cô vợ nhỏ bị nạn, mà là vì con đường công danh, sự nghiệp của ông ta bỗng chốc chấm hết, bao nhiêu bổng lộc trong ngành xây dựng công trình quân sự bỗng chốc mất trắng.

Chẳng những thế, ông còn bị miệng đời chê cười, mỉa mai. Với áp lực của vợ là Trần Lệ Xuân, ngài cố vấn Ngô Đình Nhu đã buộc trung tá Trần Ngọc Thức phải giải ngũ, trở về làm dân thường. Cũng với áp lức của bà Trần Lệ Xuân, cố vấn Ngô Đình Nhu đã yêu cầu sớm đưa vụ án ra xét xử. Một phiên tòa đã được mở sau khi vụ tạt axít xảy ra gần ba tháng. Bà “Năm Ra-đô” và tên du đăng trực tiếp tạt axít bị tuyên phạt mỗi người 20 năm tù, tên đồng bọn còn lại bị phạt 15 năm tù.

Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, khi vụ án còn đang bị ở quá trình kháng cáo thì chế độ Ngô Đình Diệm đã bất ngờ sụp đổ với cái chết của hai anh em nhà họ Ngô, bà Lệ Xuân phải sống lưu vong. Chính trường Sài Gòn sau cái chết của anh em nhà Ngô đã bị khủng hoảng, vô chính phủ suốt mấy năm trời, không ai quan tâm đến vụ tạt axít cô vũ nữ Cẩm Nhung, vì vậy mà vụ án này tự nó bị “thối án”, về sau không thấy nền “Đệ nhị cộng hòa” của TT Nguyễn Văn Thiệu đưa ra xét xử.

Không bị xử tù, nhưng bà “Năm Ra-đô” đã mất hết quyền uy, giống như người chồng của mình. Theo báo chí Sài Gòn, sau đó, vợ chồng “Thức công binh” đã chia tay nhau mà nguyên nhân chính là vụ tạt axít của người vợ. Về sau, không ai còn biết “Thức công binh” ra sao, còn bà “Năm Ra-đô” thì gửi thân nơi cửa Phật, có lẽ bà muốn nhờ cửa Phật từ bi gột rửa tội lỗi khủng khiếp mà bà đã gây ra.

Trở lại tình trạng của cô vũ nữ bị tạt axít. Axít sunphuric đậm đặc đã gây phỏng độ 3 toàn bộ khuôn mặt của cô vũ nữ, đôi mắt của nạn nhân cũng bị phỏng rất nặng. Các bệnh viện ở Sài Gòn đều lắc đầu, bó tay. Họ chỉ có thể cứu được mạng sống của cô gái, còn đôi mắt, khuôn mặt thì trình độ của y học Sài Gòn lúc đó chỉ biết đứng nhìn. Bà Trần Lệ Xuân đã đích thân đến bệnh viện Đồn Đất thăm nạn nhân, trực tiếp nghe các bác sĩ trình bày tình trạng thương tật.

Đêm về, bà bàn với chồng là cố vấn Tổng thống Ngô Đình Nhu tìm cách giúp nạn nhân. Ngô Đình Nhu đã chỉ đạo cho đại sứ quán Việt Nam Cộng Hòa ở Nhật Bản đỡ đầu, giúp gửi cô Cẩm Nhung sang Nhật chữa vết thương. Một ngày cuối tháng 9 năm 1963, chiếc xe hồng thập tự của bệnh viện Đồn Đất đã trực chỉ hướng sân bay Tân Sơn Nhất và chạy thẳng ra tận chân cầu thang máy bay đang sắp cất cánh.

Hai người bác sĩ dìu Cẩm Nhung lên khoang đặc biệt của chuyến bay và tháp tùng cô sang tận Nhật Bản. Thế nhưng, nền y học của Nhật Bản cũng phải chịu thua, chấp nhận để dung nhan cô gái bị phá hủy hoàn toàn, vô phương cứu chữa. Hai tháng sau, Cẩm Nhung tự trở về nước, không có người đưa đón. Lúc đó, Sài Gòn đã đổi chủ, chế độ Ngô Đình Diệm vừa mới bị lật đổ. Bà Trần Lệ Xuân từng hứa “bao bọc trọn đời” cho nạn nhân Cẩm Nhung giờ đã sống lưu vong tận phương trời xa.
Đau khổ chồng chất đau khổ, Cẩm Nhung đã nhen nhóm ý định “trả thù đời” ngay khi một mình ngồi chuyến bay Tokyo – Sài Gòn không người đưa đón.

Một kiếp phù hoa
Đau khổ, buồn chán đến tuyệt vọng, vũ nữ Cẩm Nhung đã “trả thù đời” bằng cách đập phá, uống rượu, hút thuốc… Ngày trước, khi Cẩm Nhung còn ở trên đỉnh tham vọng, người đàn ông nào được dìu cô bước ra sàn nhảy nhã là diễm phúc lớn. Còn những kẻ được làm người tình của cô bao giờ cũng phải trải hàng núi tiền dưới chân cô. Bây giờ, để “trả thù đời”, Cẩm Nhung sẵn sàng ngã vào lòng bất cứ người đàn ông nào, không cần tiền bạc hay điều kiện gì.

Thế nhưng, với khuôn mặt cháy sém, những vết thẹo lồi lõm như ác quỷ, cặp mắt mờ đục lồi ra ngoài như mắt ếch, hiếm người đàn ông nào đủ can đảm làm tình nhân của cô. Chán chường, tức giận, Cẩm Nhung càng ngụp lặn trong rượu chè be bét. Người mẹ khốn khổ của Cẩm Nhung vì buồn phiền mà sinh bệnh, rồi qua đời cuối năm 1964, chỉ hơn một năm sau ngày đứa con gái bất hạnh của bà bị nạn. Càng thêm đau khổ, Cẩm Nhung càng lao sâu vào cuộc nghiện ngập cho quên đời.

Cô ngày một thiêu đốt hết gia sản kếch sù bao nhiêu năm vắt kiệt mồ hôi trong các vũ trường và cặp bồ với hàng tá nhân tình là sĩ quan cao cấp của nền Đệ nhất Cộng hòa và các đại gia. Bao nhiêu món đồ quý giá của cô cứ lần lượt ra đi, ban đầu là chiếc xe máy loại mới nhập cảng của Nhật Bản, sau đến các loại nữ trang, hột xoàn, vòng vàng…

Bà vú Sọ là người gần gũi, an ủi, khuyên can cô nhiều nhất, nhưng mọi lời an ủi, động viên đối với cô đều không còn giá trị. Cuối cùng, căn nhà trị giá gần 200 lượng vàng, Cẩm Nhung phải bán đi để có tiền đập phá. Cô và bà vú Sọ đến thuê nhà ở khu Cô Bắc, cách không xa nhà của vợ chồng bà “Năm Ra-đô”. Số tiền bán nhà rồi cũng cạn dần. Ngày cô không còn đủ tiền để trả tiền thuê nhà cũng là ngày bà vú Sọ trung thành đổ bệnh nặng, không tiền chạy chữa, nên đã qua đời.

Còn lại một mình trên đời, không nơi nương tựa, không người thân, không nhà cửa, không tài sản, cô vũ nữ lừng danh một thời chỉ còn con đường đi ăn xin.

Lần đầu tiên, người dân Sài Gòn thấy vũ nữ Cẩm Nhung đi ăn xin trước chợ Bến Thành vào khoảng trước Tết năm 1969. Cô ngồi bên vệ đường Lê lợi, khăn che kín mặt mày, trên ngực đeo bức ảnh cô chụp chung với trung tá Trần Ngọc Thức, trước mặt là vỏ lon hộp sữa Ghi-gô cô chìa ra xin lòng thương hại của người đi đường.

Người Sài Gòn nghe tin đã kéo tới xem Cẩm Nhung đi ăn xin, đông đúc như đi xem cải lương. Ngoài tấm hình đeo trên ngực, người ta còn nhận ra Cẩm Nhung ở đôi bàn tay mịn màng, không chút tì vết và đôi bàn chân gót son thon thả. Ban đầu, người Sài Gòn cho tiền cô thật nhiều. Có tiền, Cẩm Nhung tiếp tục nghiện ngập.

Càng về sau, người Sài Gòn càng bớt cảm động về chuyện ăn xin của cô vũ nữ nên càng ít cho tiền. Người dân Sài Gòn khu vực quận 1 lúc đó đã không khỏi bùi ngùi khi thấy Cẩm Nhung mù lòa cầm gậy dò đường trên đại lộ Lê Lợi, con đường Tự Do, trên những lối đi một thời in dấu chân cô vũ nữ Cẩm Nhung từ nhà tới vũ trường Kim Sơn. Sau đó, Cẩm Nhung phải rời khỏi khu vực chợ Bến Thành, lần mò đến chợ Bình Tây, chợ Bà Chiểu, và cuối cùng là ngã tư Trần Quốc Thảo – Lý Chính Thắng (quận3), trước khi cô âm thầm rời Sài Gòn hoa lệ để về miền Tây xa xôi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận.

Hình ảnh của Cẩm Nhung một thời được đem ví với chuyện “hồng nhan bạc phận”, cho một kiếp phù hoa sáng nở, tối tàn. Một kiếp người ngắn ngủi trôi qua nhưng có rất nhiều điều đáng để con người ta suy ngẫm, quá khứ vang bóng đã tạm gác lại cùng sự nuối tiếc một thời vừa kiêu hãnh mà cũng không kém truân chuyên. Trên ngực bà không còn bức chân dung với người tình sĩ quan năm xưa nữa. Sau nhiều năm bôn ba khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, cuối cùng, bà đã ẩn mình sống quãng thời gian cuối đời nơi vùng đất tâm linh cuối trời Nam, dưới mái chùa Tam Bảo.

Những năm tháng Cẩm Nhung lang thang trên khắp nẻo Sài Gòn sau khi bị nạn, cũng là lúc trên sân khấu ca nhạc của Sài Gòn thịnh hành bài hát “Bài ca cho người kỹ nữ” của hai tác giả Nhật Ngân – Duy Trung. Không biết các tác giả viết bài hát này để tặng cho ai khác hay vì xót thương số phận của Cẩm Nhung mà lời bài hát như nói về cuộc đời của cô vữ nữ bất hạnh này. Người ta kể rằng, mỗi khi đang đi ăn xin trên đường, tình cờ nghe bài hát “Bài ca cho người kỹ nữ” vang lên, Cẩm Nhung luôn ôm mặt khóc, đứng tựa vào đâu đó thật lâu rồi mới dò gậy đi ăn xin tiếp.
Bài hát có đoạn:
“…Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người
Ta xót xa em, em là một cánh hoa rơi
Loài người vô tình giẫm nát thân em
Loài người vô tình giày xéo thân em
Loài người vô tình giết chết đời em ..."





No comments: