Monday, December 5, 2016

TIÊC THƯƠNG CHỊ PHẠM ĐỨC VƯỢNG (Phạm Đức Hiền)


Kính thưa quý thầy cô và các anh chị,

Cách đây khoảng nửa tháng, thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đức Giang có nhờ tôi đi đón thầy từ Đan Mạch đến phi trường San Francisco vào ngày 1 tháng 12 năm 2016.  Tôi đã nhận lời và hứa sẽ đưa rước thầy trong thời gian thầy ở San Jose và Santa Ana.  Nhưng vì có công việc đột ngột không thể làm theo lời hứa; nên tôi đã nhờ Bác Sĩ Phạm Đức Vượng (người anh khác cha khác mẹ) lo dùm (takeover).  Anh Vượng đã vui vẻ nhận lời.

Nhưng người tính “không bằng trời tính”, đùng một cái chị Vượng đã đột ngột ra đi về miền vĩnh cửu ngày 29 thánh 11 năm 2016, tức là 2 ngày trước khi anh có “nhiệm vụ” đi đón thầy Giang theo sự “ủy thác” của tôi.
Một người bạn, Phạm Quốc Trung, Phạm Đức Nghĩa, Phạm Hữu Thành và Phạm Đức Vượng.
Trước đó khoảng 1 tuần lễ, 4 anh em gồm: Phạm Đức Vượng (San Jose), Phạm Hữu Thành (Úc Châu) , Phạm Quốc Trung (Đức Quốc),  và Phạm Đức Nghĩa (Houston) đã gặp nhau tại San Jose. 

3 người em từ xa này đến California cũng để viếng thăm chị dâu; nhưng đâu có ngờ đó là lần cuối cùng mà họ gặp chị.

Cả 4 anh em họ Phạm này từng ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên, vào thập niên 1960, trong đó có anh Phạm Quốc Trung là học sinh Nguyễn Huệ. 

Chuyện của 5 anh em “Phạm gia” (kể cả Phạm Đức Hiền) chẳng có gì đáng nói nhiều; người mà tôi muốn đề cập đến đó là chị Vượng, người phụ nữ đúng với ý nghĩa “xuất giá tòng phu”.

Ngày xưa, phụ nữ đôi khi “mua” chức cho chồng.  Có những bà "cầm cương nẩy mực" cho đức lang quân trên con đường buôn bán làm ăn, hay công danh sự nghiệp..  Có người làm "cố vấn tối cao" cho những nhà lãnh đạo công ty, hoặc "chủ tịch" cộng đồng....

Chị Vượng không phải thuộc típ người như vậy. 

Mỗi lần đi theo chồng trong các sinh hoạt cộng đồng, chị thường ngồi im lặng, đôi khi mỉm cười, chẳng phát biểu gì cả, nhất là chẳng bao giờ nháy mắt nhắc nhở chồng, hoặc trừng mắt nhìn chồng khi ổng nói sai hoặc... nói bậy.

Chị hát khá hay, đặc biệt có giọng ngân “vibrato” tuyệt vời; nhưng không bao giờ “xin” hoặc “đòi” hát.  Năn nỉ lắm thì chị mới thu hết can đảm lên sân khấu.

Anh Vượng có 2 phòng mạch, nhưng chị không bao giờ đến để “kiểm tra”; cũng chẳng bao giờ làm thu ngân, hay lâu lâu ghé để thu...thuế!

Có lần tôi hỏi chị có "audit" tài chánh của ảnh không, thì chị chỉ mỉm cười nói rằng: "Tiền ảnh kiếm được thì cũng chỉ để chi tiêu cho những sinh hoạt cộng đồng, hoặc làm công tác xã hội..."

Đúng vậy, theo tôi biết, anh Vượng hiện nay đang sinh hoạt và giữ những chức vụ hội trưởng hoặc hội viên chính thưc của khoảng hơn một chục hội đoàn; nhiều đến nỗi bạn tôi là anh Ngô  Đình Ngân nói rằng: Khi nào anh Vượng chết, có lẽ tang lễ của anh sẽ phải tổ chức tại công viên (Santa Clara) Fairgrounds mới có đủ chỗ cho mọi người đến đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Thế nhưng anh Vượng...chưa chịu đi; người đi thế cho anh lại là chị Vượng, điều cuối cùng mà chị ấy có thể làm cho chồng; và một điều khá ly kỳ là sau khi xem “Cáo Phó”, tôi  mới biết chị có Phật danh “Diệu Hương”, người mà trước đó tôi thường thấy theo anh Vượng vào cả nhà thờ Tin Lành lẫn Công Giáo.  


Nghe tin chị Vượng mất, vì biết anh "tang gia bối rối", tôi gởi email ngắn cho anh:
“Anh Vuợng, ở xa, nghe tin, bàng hoàng, mường tượng hình
ảnh con chim khóc bạn đời.  Tôi biết hiện giờ nước mắt anh đang bốc hơi lên trời, đọng thành những giọt mưa ngâu, nhỏ xuống trái tim của những người mất vợ, đặc biệt là một người vợ hiền như chị Vượng, người có tên nữ sinh Trưng Vương thật hiền hòa, đơn sơ và dễ thương: NGUYỄN THỊ HƯƠNG."

VÔ CÙNG TIẾC THƯƠNG!



Mời quý thầy cô và các anh chị bấm vào “VĨNH BIỆT CHỊ VƯỢNG” để xem một số hình ảnh tình yêu vợ chồng thật đơn sơ.

Còn sống, hay yêu nhau từ bây giờ.

New Jersey, Dec, 4th, 2016,  
Phạm Đức Hiền

No comments: