Friday, December 2, 2016

HOÀI NIỆM BÙI GIÁNG (Nguyễn Công Lượng)


Chú Bùi Giáng đã chết?! Báo chí, đài phát thanh ở quận Cam, California đã loan tin như thế. Phân ưu, chia buồn của các văn nhân, thi sĩ gọi là bầu bạn quen biết với chú đã bày tỏ nỗi buồn đau thương tiếc như thế. Cáo phó của Bùi tộc Vĩnh Trinh, Quảng Nam đọc trên đài, đăng trên báo rõ ràng như thế thì còn gì phải hoài nghi về sự ra đi của chú Bùi Giáng nữa?
Vì:
Trùng sinh bất chợt đâu dè
Rằng thiên thu tuyết tê mê ngậm buồn
Thì:
Tặng nhau từ ngữ lạc lầm
Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn
Thì cũng là lẽ thường tình mà thôi.
Tuy nhiên:
Mất rồi toàn thể dấu bèo    
Ðài gương đi mất mốc meo một mình
Cho nên mặc dù không phải văn nhân, không là thi sĩ, cũng không phải là độc giả trung thành say mê thơ văn hội họa, nhưng chỉ vì một chút duyên sơ ngộ nên thấy cần bày tỏ nỗi niềm để gọi là “cảm phiền khúc nghiệt bấy lâu, tầm sưu túy điệu thành thân một bầu,” mà tạ lòng sơ giao để nhớ về Bùi Giáng, một người chú, một người thầy của tôi đã từ lâu lâu lắm nhưng cũng rất mới, mới hôm nay.
Nỗi niềm của tôi là ghi lại vài kỷ niệm với chú Bùi Giáng và mong nói lên được chút gì về một Bùi Giáng không những ở cái chất ngất một trời chữ nghĩa, trùng trùng một biển văn chương của một đấng tài hoa có ma lực tự nhiên, của một cuồng sĩ có nhiều dưỡng chất cho cuộc sống mà còn là một Bùi Giáng thi sĩ, thực sự đúng nghĩa của nó. Có nghĩa là Bùi Giáng không chỉ làm thơ chuồn chuồn châu chấu, thơ liên tồn, thơ lá cồn, thơ dồn làn gió lúa, rừng Maryilyn, biển Brigitte Bardot… mà Bùi Giáng làm thơ với cung cách bình dị, một cung cách Bùi Giáng, không theo lối mòn nào cả, mà vẫn tải đạo, tải tình, tải nhiều thứ linh tinh gắn liền với cuộc sống của con người, với xã hội, với nước, với non, với thăng trầm của lịch sử Việt Nam rất cập nhật, rất phổ quát, và cũng rất hiện tiền…
Tôi được quen biết chú Bùi Giáng thật tình cờ, thời gian gần gũi cũng không lâu, nhưng có biết bao dấu ấn kỷ niệm mà tôi không thể nào quên được. Lúc đó là thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp nổi dậy (1945-1954) thường gọi là chín năm kháng chiến. Quê tôi thuộc vùng thung lũng sông Lại Giang phía Bắc tỉnh Bình Ðịnh, nằm giữa Liên Khu 5 gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh và Phú Yên, dưới sự kiểm soát của Việt Minh tiền thân của Cộng Sản Hà Nội. Với chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Việt Minh tiến hành phá hủy các thành phố, các thị trấn lớn trong toàn vùng. Nhà Chúa, nhà chùa, đình thờ, thánh thất và các nhà lợp ngói đều bị dỡ bỏ. Về phía quân Pháp luôn luôn cho máy bay chiến đấu đến khủng bố, giội bom, tạo ra cảnh nhà cháy người chết thật kinh hoàng… Ðó là chưa kể Việt Minh ban hành chánh sách thuế nông nghiệp, phân chia giai cấp trong giới nông dân gồm địa chủ, phú nông, trung nông, bần cố nông, nhằm gây sự mâu thuẫn và hô hào đấu tranh giai cấp giữa các giai tầng xã hội để phát động phong trào đấu tố nhằm tiêu diệt giai cấp địa chủ thường cũng là thành phần trí thức và tịch thu đất đai tài sản của những người giàu có. Nhân dân Liên Khu 5 sống trong cảnh một cổ hai tròng nên thật điêu đứng hãi hùng. Còn quang cảnh thì trông thật tiêu điều xơ xác. Các cửa biển như Ðà Nẵng, Sa Huỳnh, Quy Nhơn là những mũi nhọn mà Pháp thường mở những cuộc tấn công nên dân chúng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và phía Nam tỉnh Bình Ðịnh thường tản cư về vùng Bắc Bình Ðịnh, thung lũng sông Lại Giang để tạm cư vì nhờ vào cái địa thế hậu phương phòng thủ trời phú của nó. Làn sóng người tản cư này thường là những trí phú địa hào, và trong đó có Bùi Giáng.
Người ta thường nói “đồng bệnh tương lân” cho nên những người cùng chung một hoàn cảnh bị chế độ cô lập, bủa vây và đàn áp tiêu diệt, bị gán ghép là thành phần trí, phú, địa, hào, bị chế độ đào tận gốc trốc tận rễ, thì lẽ dương nhiên họ dễ cảm thông nhau, tìm đến với nhau để an ủi và giúp đỡ lẫn nhau, nếu không muốn nói là họ phải tự kết hợp lại thành một “ thế-lực-mới”để phản kháng lại chế độ. Ông Bùi Giáng và những người thường lui tới với gia đình tôi, thường trò chuyện thân mật với cha tôi, chú bác tôi, lúc thì họ vui vẻ nói cười, lúc thì họ thì thầm to nhỏ trong căng thẳng, chắc chắn là họ đã cảm thông nhau và đang trù tính một công việc gì? Tôi được gặp chú Bùi Giáng trong một hoàn cảnh như vậy.
Nhân đây thiết tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc cần làm sáng tỏ vấn đề lịch sử trong giai đoạn nầy mà lâu nay các sử gia phía Cộng Sản cố tình giấu giếm, còn các sử gia phía Quốc Gia thì hời hợt bỏ qua. Ðó là tại sao năm 1954 Cộng Sản rêu rao là chiến thắng trên chiến trường Ðiện Biên Phủ, chiến thắng trên bàn hội nghị với Hiệp Ðịnh Genève phải chia đôi đất nước, nhưng Cộng Sản lại bỏ lại phần đất Liên Khu 5 mà họ vốn nắm giữ, kiểm soát rất chặt? Ðó có phải là vì cái “thế-lực-mới” phản kháng lại chế độ của tầng lớp trí phú địa hào tại Liên Khu 5 hay không? Bằng chứng còn sờ sờ với vụ án lúc đó Cộng Sản gọi là “Vụ gián điệp Bình Ðịnh, vụ Việt gian, hay vụ án Kim Châu” với gương hy sinh của những người lãnh đạo trong tổ chức như Ðoàn Ðức Thoan, Nguyễn Hữu Lộc, Võ Minh Vinh, Ðoàn Thế Khuyến… Linh Mục Trịnh Hoài Ân, Thượng Tọa Thích Huyền Quang… vẫn còn đó và biết bao chiến sĩ can trường khác của Liên Khu 5 còn lại hay tiếp bước ngày nay, dù ở trong nước hay đang tại hải ngoại vẫn luôn luôn chống đối.
Hồi đó tôi chỉ là một đứa trẻ mới lên bảy lên tám tuổi, hằng ngày thường bị cha tôi“quản thúc” bằng cách bắt phải ngồi vào bàn học, viết cho xong mấy trang tập viết chữ Việt và chữ Nho, làm cho xong năm mười bài toán rồi mới cho “tự do.” Những bài tập viết mà cha tôi phóng ra thường là những câu thơ cổ của nhiều tác giả từ Hồ Xuân Hương tới Nguyễn Du, từ Thôi Hiệu tới Lý Bạch nhưng chính yếu là trích từ Truyện Kiều và quyển Tam Thiên Tự… Một hôm, trong khi cha tôi đang tiếp chuyện với những người bạn tản cư từ phương xa đó thì chú Bùi Giáng đến chỗ tôi ngồi học, chú bảo: “Ðể tao phóng cho mi một bài “và cũng từ đó mỗi khi đến chơi nhà tôi, chú thường phóng cho tôi những bài thơ mới. Những bài của chú Bùi Giáng phóng cho tôi viết so với những bài của cha tôi là hai thế giới khác biệt. Thơ của chú thật trẻ trung, gần gũi với tuổi thơ chúng tôi, nào chuồn chuồn châu chấu trên đồng, nào mía mưng quanh nhà, nào con cá trong mùa nước lụt mưa dầm, nào con voi gầm trên núi trong rừng sâu thẳm, nào lá hoa trên ngàn, nào sương xuống trên đồng, cô gái lội qua khe… nhưng cũng rất kỳ lạ, cao siêu và sâu thẳm đối với tâm hồn non nớt của tôi.
Tôi nhớ mãi có một lần chú Bùi Giáng phóng cho tôi bài “Lá Hoa Cồn,” chỉ có bốn câu:

Kìa kìa gió lúa dồn làn
Ruộng em như thể sương Hoàng Hậu hoa
Ðòng đòng lúa mọc Tháng Ba
Trước cồn lá đổ về hoa lá cồn
Tôi nói với chú, hồi giờ chỉ nghe nói gió nam, gió nồm, gió bấc chứ làm gì có gió lúa? Còn sương thì có sương mù, sương muối, sương gió, sương phụ chứ làm gì có sương Hoàng Hậu hoa? Còn những chữ dồn làn, lá hoa cồn, liên tồn… của chú mà nói lái lại thì nghe thật tục tĩu? Chú mỉm cười thật hiền hậu rồi dắt tôi ra phía trước nhà. Hai chúng tôi đứng giữ một biển lúa đang kỳ đòng đòng trổ bông. Nhìn cánh đồng xanh phủ đầy bông trắng của mùa Tháng Ba, tôi mới cảm nhận được cái “nghị thị địa thượng sương” cũng là cái “ruộng em như thể sương” để so sánh với hoa trong vườn của Hoàng Hậu. Một cơn gió thổi qua, chú Bùi Giáng chỉ tay về phía trước mặt, những làn sóng lúa nổi lên trên mặt đồng, xô nhau chạy dồn về mãi tận chân đồi núi. Thì ra thế! Và tôi “tức khắc được khai ngộ,” cảm nhận gió lúa là gì và tại sao lại là dồn làn. Chú lại chỉ tay về phía cồn đất Phú Văn nơi giao nhau của ngã ba sông Kim Sơn, An Lão và Lại Giang. Không biết bị thôi miên, ảo tưởng hay là thực tại nó như vậy, trước mắt tôi nơi cồn đất những chiếc lá vàng đang lác đác rơi từ trên những cây cao xuống, bên dưới là ruộng bắp cũng đang độ trổ cờ, có cả hoa đồng cỏ nội mọc đầy bên sông. Như vậy không phải cái cảnh lá từ trên cao rơi xuống để trở về với lá hoa của cồn nọ của dặm kia thì là cái gì!
Chú Giáng bảo: “Thơ văn hay là ở chỗ ẩn ngữ của nó, ẩn ngữ của ngôn, vô ngôn mà ẩn ngữ, cảm thông được cái ẩn ngữ vô ngôn thì hiểu thơ văn không khó!”
Tôi thích nhất những bài thơ của Bùi Giáng có dính dáng đến quê tôi, những bài thơ nầy tôi thuộc nằm lòng đến nay vẫn còn nhớ, như bài:

Nhớ Sương Hồng Hạnh
Nhớ sương hồng hạnh trên gò
Tháng Năm nằm nghĩ tối mò căm căm
Hồn mang mang hận mười năm
Ðể cho thu nhớ hạnh năm xưa hồng
Hoa từ cây tản cư trồng
Cây vun Gia Cát đá chồng khe Rinh
Kể hoa thay gió phượng đình
Từ thơ ấu lại bên mình Trung Lương
Con voi gầm núi An Thường
Bỏ xa bảy cõi trên đường chia tay
Tỉnh, Hà nguyệt xuống canh lay
Một giờ nguyên mộng về hây hây chìm.
Lẫn Lộn Lung Tung
Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi nàng sương phụ gái thơ ngây
Tôi sẽ ra đi bỏ lại đời
Mỹ Tho, Mỹ Thọ, Sóc Trăng ơi!
Mỹ Thỏ muôn đời là Sóc Trắng
Gái mặc quần ra đứng ngó trời
Những từ Gia Cát, Khe Rinh, Trung Lương, An Thường, Hội Tỉnh, Hà Tây, Mỹ Thọ, Sóc Trắng… là tên những thôn làng, buôn sóc ở quê tôi, để lẫn lộn với Mỹ Tho, Sóc Trăng của Lục Tỉnh Miền Nam. Nhưng nó lại nói lên cái gắn bó của Bùi Giáng với “quê hương tản cư” của ông…
Rồi bỗng nhiên không thấy chú Bùi Giáng cũng như những người bạn tản cư từ phương xa của cha tôi đến nữa. Một đêm công an đến bắt cha tôi dẫn đi. Lòng tôi nghi hoặc buồn bã, không biết chú Bùi Giáng và những người bạn của cha tôi có cùng chung số phận tù đày như cha tôi không? Sau đó nhiều sự kiện dồn dập xảy ra, những đứa trẻ còn non nớt như tôi tiếp thu thêm được nhiều điều mới lạ của cuộc đời như tố khổ, đấu tố, địa chủ, bần cố nông, đình chiến, Hiệp Ðịnh Genève, hồi cư, tập kết, cửa Tùng, Bến Hải, cách mạng, anh hùng, phản động, Việt gian, gián điệp… nhưng cái sự kiện lớn nhất là đất nước bị chia đôi. Tháng Năm 1955, Việt Minh tập kết ra Bắc theo chế độ Cộng Sản, chính quyền Quốc Gia tiếp thu Liên Khu 5 với chính thể Cộng Hòa… Mãi đến những năm đầu của thập niên 60 ra thị trấn Bồng Sơn, học lên bậc trung học, tôi thấy nhiều tập thơ của tácgiả Bùi Giáng bày bán ở nhà sách Văn Ðàn của thầy dạy nhạc Trần Ðình Cang, tôi mới biết rằng chú Bùi Giáng hãy còn sống. Những năm sau của 60 vào Sài Gòn tiếp tục bậc đại học, tôi có gặp lại chú Bùi Giáng và thỉnh thoảng có đến thăm chú, nhưng lúc nầy tôi phải quyết trả cho xong “cái nợ cầm thư” để chạy theo con đường công danh trước mắt nên ít khi cùng chú nói những chuyện lãng đãng như gần như xa… Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, nhiều người đã thấy Bùi Giáng trên đường phố Sài Gòn, nhiều người đã viết về Bùi Giáng, tất cả đều cho rằng Bùi Giáng đã điên. Chính Bùi Giáng đã là tác giả những bài thơ Người Ðiên, Lời Người Ðiên, Người Ðiên Say Rượu, và nhất là bài Giọng Quảng Nam Nói Ngọng ông đã viết:

Doáng bao diêu tuổi Doáng già
(Giáng bao nhiêu tuổi Giáng già)
Ðiêng bao nhiêu tuổi gọi là điêng non
Người còn thì của hãy còn
Còn thèng Bùi Doáng hãy còn cái điêng
Vậy thì một Bùi Giáng đương đại mà chúng ta bắt gặp phải là một người điên? Thậm chí tại Hoa Kỳ trong thập niên 90, một vị bác sĩ tại Florida đã viết một bài về Bùi Giáng và cho rằng Bùi Giáng là người điên và thơ Bùi Giáng có tác hại xấu cho văn hóa Việt Nam. Hãy bỏ qua cái phần thể phách, điên hay không điên, vì nó thuộc về lãnh vực y học phải căn cứ vào y chứng và thử nghiệm về bệnh lý thì mới biết được, còn nói về thơ Bùi Giáng có tác hại xấu cho văn hóa Việt Nam thì cần phải bàn cãi. Có điều tôi biết chắc rằng nếu Bùi Giáng có đọc được, có nghe được tất cả những gì mà người đời nói về ông, về thơ ông, chắc chắn ông chỉ mỉm cười mà thôi. Bởi vì ông đã từng khai tâm cho tôi: “Biển học không có bến bờ, còn sự hiểu biết của con người cũng ví như khi ta đứng trước sân nhà, ta chỉ thấy cái mảnh vườn của nhà ta;khi ta đứng trên nóc nhà, ta có thể nhìn được những mảnh vườn của nhà người hàng xóm; nếu ta đứng trên một ngọn đồi, ta có thể nhìn thấy khắp cả thôn làng; còn nếu ta leo được lên đỉnh núi cao kia ta có thể nhìn ra tận biển…!” Người đời nhìn Bùi Giáng ở một thằng điên. Người ta tổ chức những đêm Bùi Giáng, lễ tưởng niệm Bùi Giáng, bình thơ Bùi Giáng, nhìn Bùi Giáng hời hợt với lớp vỏ ngoài, lớp áo lòe loẹt được ngụy trang xa lạ với đời thường, hoặc đánh giá quá cao xa huyền hoặc về một Bùi Giáng bình thường đang sống trong một xã hội hiện thực. Cũng có thể như vậy nhưng không thể bỏ qua cái Bùi Giáng là một con người, một con người cũng nổi trôi theo vận nước, một con người biết làm thơ và thơ ông cũng phô diễn tất cả cái nhìn của mình về cuộc đời hiện thực dưới mọi khía cạnh của nó. Có người nói Bùi Giáng của những năm 90 đã xa lắc với bến bờ của thủa Mưa Nguồn. Ðiều nầy đúng bởi vì thời cuộc đã đổi thay trên đất nước thì một thi hào như Bùi Giáng làm sao lại không có cái rung động tự tâm hồn trước những phong ba bão táp tàn khốc đến với một dân tộc. Nếu không thế thì tại sao Bùi Giáng lại có được những vần thơ đi sát với những biến động thời cuộc của lịch sử trong thời gian qua.

Thượng thừa trời mọc cỏ hoa
Ðất riêng đùa rỡn khói và đạn bom
Cõi đời bước tới Hoàng Hôn
Ði về Thế Dạ bồn chồn lửa thiêng

(Thơ BG, Thế Kỷ 1994, trang 70)
Chỉ bốn câu nầy cũng không đủ nói lên được cái chiến tranh khốc liệt của đạn bom giữa Quốc-Cộng vừa qua hay sao?

Bình sinh cuộc sướng cơn vui
Trận điêu tàn tới chôn vùi tử sinh

(Thơ BG, TK 94, trang 36)

Từ bốn bể tới cong queo riêng một
Nước Việt Nam hình chữ S u sầu
(Thơ BG, TK 94, Trang 38)

Ðây không phải ám chỉ một nước Việt Nam đang sống trong hạnh phúc, thanh bình, thì ai đã tràn vào gây nên cảnh điêu tàn chết chóc và biến Việt Nam thành thảm cảnh u sầu hay sao?
Ông Vua kỳ bí thập thành
Vì điên quá độ nên thành Vua điên
Ông Vua kỳ quỷ thập thành
Vì say quá độ nên thành Vua say
Ông Vua quái dị thập thành
Rong chơi quá độ nên thành Vua chơi
Ông Vua dị dạng thập thành
Bình sinh quậy phá tử sinh láng giềng
Ông Vua gian khổ trường kỳ
Thành thân chủ tịch nhu mì năm châu

(Thơ BG, TK 94, Trang 84)
Thì còn bài thơ trào phúng nào hay hơn để mỉa mai những tên lãnh đạo… bên ngoài khéo léo khoác chiếc áo mị dân, miệng họ luôn nói: vui sau cái vui của dân, khổ trước cái khổ trường kỳ của dân. Ðến nỗi năm châu đều lầm tưởng họ là những vị lãnh đạo nhu mì nhưng thật sự họ là những tên bạo chúa hơn cả thời phong kiến, với cái bản chất quỷ quyệt, quái dị, đàng điếm chỉ biết phá hoại gây chết chóc tang thương cho các nước láng giềng, cho nhân loại mà thôi.
Yêu cầu cô bán cho tôi
Một bó rau muống chịu chơi quê nhà
Thượng thừa nước Việt Nam ta
Rau nầy sẽ xuất khẩu ra muôn trùng

(Thơ BG, TK 94, Trang 61)
Ðây có phải cái mỉm cười của tác giả khi nhìn bức tranh kinh tế của Việt Nam sau 1975 không? Khi mà nhu cầu nhỏ nhoi thiết thực của dân chúng như mua một bó rau muống, một cây đinh cũng phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ nhưng chưa chắc đã mua được. Còn gạo là nhu cầu thiết thân của người Việt Nam cũng chỉ mua được một số lượng nhỏ đúng với sự bình bầu đã quy định. Nhưng để giải thích cho việc bắt dân phải ăn đói và cái bất lực của Nhà Nước Cộng Sản trong việc phát triển kinh tế và quản lý đất nước thì người ta được nghe những lời ngụy biện là mọi thứ đều cần cho nhu cầu xuất khẩu.

Ngày bỏ bớt đêm bù thêm
Thêm thêm bớt bớt đáp đêm đền ngày
Bốn mùa lần lượt cho hay
Rằng Xuân chớm đến trầy trầy chợt đi

(Thơ BG, TK 94, Trang 61)
Cũng là cái cười mỉa mai cho cái thành quả lao động đã đạt được trong bốn quý-là sự thất bại ê chề; mặc dù Ðảng và Nhà Nước luôn động viên nhân dân từ nhà máy đến công trường, từ nông trường tới nhà tù cải tạo và luôn kêu gào “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, nếu làm không xong làm thêm ngày nghỉ. ”

Và cũng bắt nguồn từ cái cảnh:
Người cà chớn kẻ uy nghi
Người trang trọng kẻ lâm li khóc hoài
Khóc hoài khóc mãi không thôi
Khéo dư nước mắt khóc người đâu đâu.

(Thơ BG, TK 94, Trang 92)

Do đó, đồng bào trong cả nước, nhất là Miền Nam Việt Nam không thể ngồi nhìn những tên cà chớn làm kẻ uy nghi, ăn trên ngồi trước còn người trang trọng, người lương thiện phải chịu cảnh áp bức lầm than nên họ đã phải đi tìm những cái gì tốt đẹp: Tự Do, Dân chủ, Hạnh phúc.
Ở bên non nước Hoa Kỳ
Thiếu gì du lịch thiếu gì cuộc vui

(Thơ BG, TK 94, Trang 107)
Cho nên mới có cảnh hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi dưới mọi hình thức vượt biên, vượt biển chấp nhận mọi gian khổ hiểm nguy.
Láng giềng gần cõi miền xa
Tiêu tao xứ sở từ ta tặng người
Ði về bếp lửa chia phôi
Lắng nghe tâm sự bồi hồi năm xưa
Người đi ta ở lại nhà
Mây trời phảng phất đầu hoa cuối cùng
(Thơ BG, TK 94, Trang 99)

Mưa nguồn lạc xóm lầm thôn
Lọ là thâm tạ bồn chồn tri âm
Xót người còn chút thích thân
Bấy lâu kẻ Việt người gần người xa
Bấy lâu kẻ Mỹ người Nga
Lầm sương lạc tuyết từ ta tặng người

(Thơ BG, TK 94, Trang 97)
Cảnh người đi kẻ ở cũng làm cho tác giả bồi hồi và cũng mong một ngày mai đoàn tụ.
Nay mai người sẽ ra đi
Tôi ngồi tưởng niệm người về mai sau

(Thơ BG, TK 94, Trang 79)
……….
Thơ Bùi Giáng lại có những lời thơ như tiên tri:

Chép tờ thạch lựu từ bi
Hồn ca vũ địa lối về long quân
Xuân Kỷ Tỵ hội từng bừng
Hồi sinh non nước lẫy lừng Việt Nam
Tới nay từ bấy giang sơn
Lưu ly đất khách hội đàm vu vơ
Tưởng bây giờ là bao giờ
Tài hoa tuyệt đỉnh bao ngờ cô nương
Chép tờ địa lý còn vương
Hùng tâm thục nữ thuyền quyên thiên tài
Có phải Bùi Giáng muốn nói đến năm Kỷ Tỵ (2049), 34 năm nữa hay 60 năm thêm! sẽ xuất hiện một phụ nữ Việt Nam với tài hoa tuyệt đỉnh sẽ làm cho đất nước hồi sinh, sẽ làm cho Việt Nam lẫy lừng ? Thế hệ của chúng ta, những “ngụy quân, ngụy quyền” chắc không chứng kiến được. Nhưng Việt Nam phải trường tồn và con cháu chúng ta phải hãnh diện mình là người Việt Nam.
Tóm lại, dù Bùi Giáng được nhìn dưới những nhãn quan khác nhau nhưng tất cả đều phải nhận rằng Bùi Giáng là một thi sĩ, và trong cõi thơ văn ấy ông đã biểu lộ một cung cách rất khác thường từ ngôn ngữ tới bút pháp, từ diễn đạt tới suy tư và tất cả được phát tiết trong một cung cách rất Bùi Giáng, nghĩa là rất tài hoa, rất bình dị, rất táo bạo, và rất bất ngờ. Chính vì thế mà kể từ Bùi Giáng, thi ca Việt Nam có được cái kỳ ảo, lạ lùng. Những cái cao siêu sâu thẳm trong thơ Bùi Giáng nếu chưa khám phá tới thì chưa phải là cái tác hại đối với nền văn hóa nước nhà. Nói đến Bùi Giáng thì nói khôn cùng!
Bùi Giáng đã vĩnh viễn ra đi! Xin mượn bốn câu thơ sau đây thay lời kết để bày tỏ nỗi niềm “Hoài Niệm Bùi Giáng”:
Hôm nay ly biệt vân mồng
Ðầm đìa hồng lệ sầu đong vơi đầy
Xuân xanh về khóc giữa ngày
Giữa đêm dưới nguyệt trầy trầy tuyết sương.
(Little Saigon, tháng 10 năm 2015)

No comments: