Friday, December 30, 2016

CHỦ NGHĨA QUỐC GIA - DÂN TỘC (Lê Đức Luận)


         Chủ nghĩa là hệ thống các quan niệm, ý thức, tư tưởng kết thành cơ sở lý thuyết chi phối, hướng dẫn hoạt động của con người theo một định hướng nào đó. Chữ chủ nghĩa được đặt trước hoặc sau một nhóm từ có chủ đề mô tả những nét đặc trưng về chính trị, kinh tế, xã hội thể hiện trong mỗi chế độ dưới những tên gọi như: chủ nghĩa Quốc Gia Cực Đoan, chủ nghĩa Tự Do, Tư Bản chủ nghĩa, Cộng Sản chủ nghĩa, Tam Dân chủ nghĩa, chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn…v…v…Từ đó trong ngôn ngữ nhân loại có thêm những danh từ mới.
          Đôi khi các triết gia, chính trị gia đưa ra một học thuyết khai phóng tư duy để khơi nguồn cho một cuộc cách mạng về văn hóa, chính tri, kinh tế, xã hội cũng được người đời gọi là chủ nghĩa như: chủ nghĩa Hiện Sinh của Jean Paul Sartre, của Albert Camus.         
         Những chủ nghĩa này có thể tồn tại để nghiên cứu, có thể được áp dụng vào các thể chế chính trị, cũng có thể bị đào thải tùy thuộc vào tính thực dụng của nó có còn phù hợp với những tiến bộ của khoa học kỹ thuât,  sự phát triển kinh tế, sự biến thái xã hội, cùng với tư duy của con người trong mỗi thời đại.
           Vào thế kỷ 17-18, nhiều triết gia ở Âu Châu đưa ra những học thuyết làm thay đổi tư duy và mở đường cho một thời đại mới với các định chế trong việc quản lý nhà nước giữa nhà cẩm quyền với nhân dân – như học thuyết “phân chia quyền lực”- Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp - đã được nhiều quốc gia áp dụng và còn tồn tại cho đến ngày nay.
           Khi bàn về sự phân quyền (Tam quyền phân lập), người ta thường biết đến hai triết gia người Pháp  là C.L.Montesquieu (1689-1775) với các tác phẩm triết học chính trị và luật học như “Tinh Thần Pháp Luật” (De l’Esprit Des Lois – The Spirit of Law) và J.J. Rousseau (1712-1778) với tác phẩm “Khế Ước Xã Hội” hay “Xã Ước” (The Social Contract).    
          Thực ra ý niệm phân quyền đã được triết gia Aristote đưa ra từ thời cổ đại Hy Lạp, Ông bảo rằng nó sẽ phù hợp với mọi thời đại.  Sau này John Locke (1632-1704) một triết gia người Anh khai triển thành học thuyết. Montesquieu đã khơi sáng học thuyết này và được J.J. Rousseau bổ túc để chứng minh tính hữu lý và phù hợp với sự phát triển xã hội dân sự. Bởi vậy, “Tam quyền phân lập” trở nên nền tảng cho ý niệm dân chủ - là “chất men” và là động lực đưa đến cuộc cách mạng Pháp 1789, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, bãi bỏ chế độ Phong Kiến và nhanh chóng thiết lập chế độ “Dân Chủ Tư Sản”, thực sự mở đầu cho chủ nghĩa Tư Bản.  
            Cuộc cách mạng Pháp 1789 bùng nổ trong giai đoạn nền công nghiệp ở một số nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý…) phát triển mạnh nhờ những phát minh khoa học kỹ thuật đem lại, cộng với trào lưu dân chủ lan tỏa, làm thay đổi nếp sống của người dân và khơi nguồn cho những tư duy về kinh tế, chính trị, xã hội …
            Trong bối cảnh sơ khai đó, chủ nghĩa Tư Bản có rất nhiều nhược điểm, nên một nhà triết học người Đức, gốc Do Thái, Karl Heinrich Marx, sau này người ta chỉ gọi Karl Marx (1818-1883) đã viết một tác phẩm đồ sộ: Tư Bản Luận ( Le Capital) - Một học thuyết chuyên đề về kinh tế, chính tri có tính triết học và phê phán chủ nghĩa Tư Bản.
            Tư tưởng triết học của Marx trong Le Capital rất sâu rộng, cho nên người ta thường nhắc những khía cạnh ảnh hưởng đến tiến trình cải tạo và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và dùng thuật ngữ: “Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật sử quan” để đơn giản hóa một phần trong hệ thống tư tưởng triết học của Marx.
            Marx cho rằng vật chất đóng vai trò chính yếu và tác động trong quá trình tồn tại và phát triển xã hội loài người chứ không phải ý thức thuần lý hay thần linh. Bởi vậy ông nói phải bãi bỏ tôn giáo – “Tôn giáo là sự bất lực của trí óc con người – nó là liều thuốc phiện”. Đó là một phần cốt lõi của duy vật biện chứng.
            Khi phê phán chủ nghĩa Tư bản, Marx đưa ra những nhận định về: Tương quan sản xuất, lực lượng sản xuất và công cụ sản xuất, tạo ra “thặng dư giá trị” mà số liệu thặng dư này vào tay những kẻ nắm giữ công cụ sản xuất (tư bản), rồi hình thành giai cấp thống trị và bị trị và cảnh “người bóc lột người”. Vậy phải đấu tranh xóa bỏ giai cấp, quân bình tài sản để “ làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Marx thường phát biểu: “chủ nghĩa Tư Bản đang dẫy chết và tôi sẽ chứng kiến sự suy tàn của nó”. Nhưng đến khi ông qua đời chủ nghĩa Tư Bản chưa chết và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay…
            Marx cũng đưa ra nhận xét về đời sống xã hội và lịch sử nhân loại đã tuần tự xuất hiện qua 5 hình thái: -1/ Cộng sản nguyên thủy -2/Chiếm hữu nô lệ - 3/Chế độ Phong kiến – 4/Tư bản chủ nghĩa – 5/Cộng sản chủ nghĩa. Đây là một phạm trù của chủ nghĩa duy vật sử quan (duy vật lịch sử). Marx  cho rằng chủ nghĩa Cộng sản là hình thái phát triển xã hội cao nhất và sẽ là giai đoạn cuối cùng của xã hội loài người.
             Lenin (1870-1924) đã khai dụng học thuyết của Karl Marx, tiến hành cuộc cách mạng vô sản chuyên chính ở Nga năm 1917,  bắt đầu thời kỳ quá độ  xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội để chuẩn bị tiến lên Chủ Nghĩa Cộng Sản - tạo dựng một “Thế gìới đại đồng” - một hình thái “thiên đàng” hiện thực trên hành tinh này. Cho nên người ta thường gọi là chủ nghĩa Marx-Lenin.
            Nhưng sau hơn 70 năm xây dựng, chủ nghĩa Marx-Lenin đã sụp đổ và tan rã ngay trên quê hương của Lenin và các nước Đông Âu trong những năm 1989-1991. Những điều Karl Marx tiên đoán và Lenin mơ tưởng: - Chủ Nghĩa Tư Bản sẽ suy tàn – Nhân loại sẽ tiến đến thế giới đại đồng – Nơi đây sẽ không còn giai cấp, cảnh tuợng người bóc lột người và sẽ làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu đã không diễn biến như ý Marx.
             Do vậy, Chủ Nghĩa Xã Hội không còn hấp dẫn và đủ sức kích họat xã hội như ở Thế kỷ 19 –  Nó đã đi vào lịch sử nhân loại với những ám ảnh tàn bạo và suy thoái về kinh tế. Nó đã sản sinh một “giai cấp thống trị mới” không khác gì thời kỳ phong kiến và cai trị dân chúng với một chính quyền “cướp được và tự xưng” do đảng Cộng Sản lãnh đạo ( không do nhân dân bầu chọn) nên đã xa rời quần chúng và không còn sự tin tưởng và ủng hộ của toàn dân. Nó lỗi thời và đã thuộc về quá khứ…
           Trong khi đó các nước theo chủ nghĩa Tư Bản luôn luôn “điều chỉnh”các định chế cho phù hợp với những phát minh mới trong lãnh vực khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, văn hóa, đồng thời phát huy nền Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền phù hợp với ý thức và trào lưu tiến hóa của nhân loại.
           Nhiều nhà nghiên cứu chính trị, xã hội đã đưa ra nhận định: - Các nước tư bản phát triển đang chuyển mình sang một chủ nghĩa mới - Chủ nghĩa Khoa Học Thực Dụng, đồng thời người ta cũng nhận thấy ngày nay nhiều nước có khuynh hướng quay về với chủ nghĩa “Quốc gia - Dân tộc”.
           Trên đây chỉ khái lược những nét chính về chủ nghĩa Cộng Sản và Tư Bản không nhằm mục đích phê bình mà chỉ muốn tìm hiểu tại sao ngày nay nhiều quốc gia lại quay về với chủ nghĩa Quốc Gia DânTộc? – Và Việt Nam có nên đi theo trào lưu tiến hóa của nhân loại: - Áp dụng chủ nghĩa Khoa Học Thực Dụng để phát triển kinh tế và quay về  với chủ nghỉa Quốc Gia Dân Tộc để bảo vệ nền Độc lập, Tự chủ cho nước nhà?   
            Nhóm từ ngữ “Quốc Gia - Dân Tộc” tự hiển lộ đầy đủ ý nghĩa của nó.
           Quốc gia là một thực thể gồm có lãnh thổ có biên cương – trong đó một cộng đồng nhân loại đang sinh sống được cai quản bởi một chính quyền với một văn kiện lập quy gọi là Hiến pháp.
           Dân tộc là một ý niệm phát sinh từ “tình tự” của những người cùng chủng tộc, màu da, ngôn ngữ…cũng có thể tập hợp nhiều chủng tộc, nhưng đã sinh sống hòa hợp lâu đời trên cùng một lãnh thổ và cùng trải nghiệm những thăng trầm qua nhiều thời đại để có chung một nền tảng văn hóa và lịch sử.
          Ý niệm Quốc Gia được định hình từ khi loài người từ bỏ cuộc sống du mục để quần tụ trên một vùng đất được phân chia ranh giới. Từ đó mọi người có bổn phận bảo vệ biên cương, lãnh thổ của mình và góp phần xây dựng quốc gia giàu mạnh. đồng thời gìn giữ những giá trị văn hóa cùng truyền thống tốt đẹp của tổ tiên.
          Ý niệm Dân Tộc là linh hồn của Quốc Gia. Nó thiêng liêng, cao cả và biểu tượng là lá Quốc kỳ mà quốc dân luôn luôn phải tôn thờ. Biên cương quốc gia có thể thay đổi nhưng “hồn nước” vẫn được lưu truyền.  Dân tộc nào không giữ được “hồn nước” tất sẽ bị diệt vong và tên quốc gia cũng không còn tồn tại.
          Người Do Thái mất nước gần hai nghìn năm, họ đã lưu lạc khắp nơi trên thế giới và chịu số phận đọa đày, khổ ải. Nhưng mỗi người Do Thái giữ trong lòng cái “hồn nước”, nhờ vậy họ đã thực hiện được giấc mơ phục quốc vào năm 1948.
          Cũng nhờ giữ được “hồn nước” mà 14 quốc gia ( Armenia, Azerbaijan, Belorussia, Estonia, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Litva, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraina, Uzbekistan)  bị Stalin sát nhâp vào Liên Bang Xô Viết từ năm 1940 đã tuyên bố độc lập - lấy lại tên nước khi hệ thống XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ năm 1991.
           Lướt qua bộ truyện Đông Chu Liệt Quốc của Trung Hoa ta thấy triều đại nào có đấng minh vương được anh hùng hào kiệt trong nước góp sức lo việc an dân, giữ nước thì vương triều đó tồn tại lâu dài, ngược lại sẽ suy tàn rồi nước mất, dân tan.
          Nếu người Việt Nam không mau thức tỉnh, rồi một ngày không xa những dòng tộc: Đinh, Lê, Lý, Trần, Trịnh, Nguyễn … sẽ kéo nhau đến một nơi núi rừng thâm u nào đó sống đời vong quốc và mỗi dịp Xuân về cùng nhau quỳ lạy tạ tội với tổ tiên và thống thiết thốt lên “nỗi hờn vong quốc”.
         Ba phần tư Thế kỷ trôi qua - Ba mươi năm chiến tranh - bốn mươi mốt năm tiếng súng tạm ngưng nhưng VN vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, nhân dân chưa an hưởng một nền hòa bình lâu dài và bền vững và chưa có một nền Độc lập thật sự cho dân tộc, mặc dù đã có ba lần ra tuyên cáo(1). Đến bây giờ nhân dân Việt Nam chưa được hưởng một nền Tự do trọn vẹn. Còn Hạnh phúc vẫn xa tít tận chân trời..
         Đã đến lúc mọi người dân VN, trong đó có các đảng viên cộng sản đang cầm quyền phải tìm ra nguyên nhân vì sao nhân dân VN không đạt được những khát vọng chính đáng của mình?
          Sau khi chiếm được Miền Nam, rồi tiến đến thống nhất đất nước, chính quyền Cộng Sản đã áp dụng một số chính sách “rập khuôn” thời Lenin cướp được chính quyền ở Nga năm 1917 và Mao Trạch Đông ở Trung Hoa năm 1949 như: -Cải tạo công thương nghiệp - Hợp tác hóa nông nghiệp - Đánh tư sản mại bản - Đưa những thành phần liên hệ chế độ cũ vào trại tập trung lao động khổ sai - Đốt sách - Bắt giam các văn nghệ sĩ không hợp tác với chính quyền chẳng khác gì thời Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn học trò (phần thư, khanh nho) - Tuyển người phục vụ cho chế độ theo tiêu chuẩn “hồng hơn chuyên”. Và điều tệ hại nhất là tuyển sinh vào các trường Đại học dựa theo lý lịch…
           Những chính sách này đã làm phá sản toàn diện từ kinh tế, chính trị, xã hội. Thảm họa đã chụp xuống cuộc sống tự do, sung túc của nhân dân Miền Nam - mọi thứ đều đảo lộn. Cho nên  trong dân gian có nhiều câu ca dao được phổ biến mô tả tình trạng bi thảm thời đó: “Rau muống nửa bó một đồng. Con ăn bố nhịn, đau lòng thằng dân…hay  Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy … hay Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý, Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do …”
           Ông Võ Văn Kiệt (1922-2008), cựu Thủ tướng chính phủ CHXHCNVN nhận ra điều đó nên đã phát biểu: “30-4-1975 là ngày có triệu người vui, mà cũng có triệu người buồn” và ông đã thúc đẩy việc “sửa sai-đổi mới”; Ông cũng là một đảng viên cộng sản cao cấp đầu tiên nêu lên vấn đề “hòa hợp hòa giải dân tộc” trong lúc các đồng chí của ông còn đang say men chiến thắng.
         “Sửa sai và đổi mới” chỉ là một lối thoát tạm thời cho chính quyền khỏi sụp đổ và duy trì sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản chứ chưa xây dựng được một nền tảng vững chắc và một định hướng rõ ràng trong việc “đổi mới” kinh tế, chính trị và đường lối ngoại giao. Bởi vậy hơn 41 năm qua, dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản, Việt Nam đã đi vào “ngõ hẹp” và tương lai dân tộc rất mịt mờ ….
           Sự “nhập nhằng” giữa Chủ Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc và Chủ Nghĩa Cộng Sản khiến các nhà lãnh đạo đương thời khó tìm ra một chính sách đạt được sự đồng thuận của toàn dân. Nếu nghiêng về chủ nghĩa Quốc Gia Dân Tộc để xây dựng một thể chế Tự Do Dân Chủ  thì đảng Cộng Sản mất độc quyền lãnh đạo; mà nghiêng về chủ nghĩa Cộng Sản thì nhân dân không chấp nhận và phản kháng. Đó là trở ngại lớn cho việc phát triển …
         Cũng chính sự “nhập nhằng” này, VN đã để mất nhiều cơ may do những biến chuyển lịch sử đem đến trong thập niên 90: Sự sụp đổ và tan rã của hệ thống XHCN ở Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu (1989 - 1991),và việc TT Hoa kỳ Bill Clinton tuyên bố bỏ lệnh cấm vận VN ngàỷ 3-2-1994. Đây là hai cơ hội bằng vàng để VN xây dựng nền Độc lập, Tự chủ và kinh tế cất cánh.
           Khi phe XHCN sụp đổ, thay vì quay về với dân tộc, Đảng đã vội vàng đưa các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc xin thần phục qua Hội nghị Thành Đô (tháng 9-1990). Đến nay Đảng chưa công bố rõ ràng nội dung Hội nghi Thành Đô cho dân chúng biết,  ngay cả ông TS Nguyễn Trọng Phúc, Viện trưởng Viện lịch sử Đảng ấm ớ phát biểu: “Đấy là thuộc về lĩnh vực quan hệ gìữa hai đảng, hai nhà nước, còn chúng tôi về lịch sử không am tường những vấn đề đó” (trao đổi với đài BBC ngày 17-4-2014). Do vậy, trong nhân dân có những lời đồn đoán rằng vì sợ mất Đảng nên các ông Linh, Mười, Đồng đã ký kết các văn kiện thỏa thuận để VN sẽ trở thành “một tỉnh tự trị của Trung quốc” vào năm 2020 - Nghe mà đau lòng!!!           
          Hơn 50 năm trước, Ông Ngô Đinh Nhu (1910-1963) trong quyển Chính Đề Việt Nam đã đưa ra nhận định: “Cộng sản Bắc Việt tự đặt mình lệ thuộc Trung cộng đã đặt chúng ta trước viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta mà còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc. Giả sử Nam VN bị Bắc Việt thôn tính, thì Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian”.  Đúng là VN đang trong vòng nô lệ của Trung Quốc và sự tồn tại của dân tộc VN đang bị đe dọa.
          Ngày nay đảng cộng sản Việt Nam lấy “chủ nghĩa Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” làm nền  tảng cho chế độ để xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (cương lĩnh 2011) và  áp dụng “kinh tế thị trường, định hướng XHCN” làm kim chỉ nam phát triển kinh tế.
          Hai vấn đề này gây nhiều tranh luận. Nhưng ngày 23-10-2013, ông Nguyễn Phú Trọng, TBT đảng Cộng Sản VN tuyên bố trước Quốc Hội: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm, đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở VN hay chưa”. Còn ông Viện trưởng Viện chiến lược Bùi Tất Thắng nhận định về mô hình kinh tế và đổi mới tư duy: -“Kinh tế thị trường, định hướng XHCN trong vòng 15 năm vừa qua là hành trình – dò đá qua sông – Quá trình này rất dò dẫm về lý thuyết, lý luận. Nhận thức về mô hình mới vẫn chưa rõ ràng nên gây khó khăn trong việc hoạch định chính sách”. Một người có quyền lực cao nhất, một ông hoạch định chiến lược mà nhận định như thế thì không biết tương lai đất nước sẽ đi về đâu?
         Còn tư tưởng Hồ Chí Minh là gì và tại sao ghép nó vào với chủ nghĩa Mac-Lê? Đó là cái day dứt, đó chính là “khủng hoảng tư duy” của Bộ Chính Trị và của các cán bộ lý luận cao cấp cùa Đảng CSVN ( theo nhận định cuả ông Vũ Quang Ninh, cựu Giám đốc Đài phát thanh Tự Do ở Miền Nam trước 1975). Và cũng theo bài viết của ông Vũ Quang Ninh (ngày 29-11-2009) - “ Theo ký giả Pháp Jean Lacouture, khi một người ngoại quốc hỏi ông Hồ: sao ông không viết hồi ký như Mao Trạch Đông, ông ta trả lời: - Mao đã nói hết rồi, còn gì để nói nữa đâu . Trả lời ông Nguyễn Văn Trấn, cũng là đảng viên Cộng Sản kỳ cựu, khi ông Trấn đề câp đến tư tưởng chi đạo cho Đảng Cộng sản VN, ông Hồ trả lời: - Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê. Tôi chỉ có phương pháp để giải quyết thỏa đáng từng vấn đề của ta. Chớ còn tư tưởng là quan niệm về vũ trụ, về thế giới và xã hội con người thì tôi là học trò của Mác, Ăng ghen, Lênin, chớ làm gì có tư tưởng ngoài triết học Mác”.
         Vậy mà Nghị Quyết của Đại Hội lần VII tháng 6/1991 chỉ thị “phải học tập và nghiên cứu  tư tưởng Hồ Chí Minh” và ghép nó vào “cái đuôi”của chủ nghĩa Mác Lê để định hướng cho một chính thể!
         Trước sự phá sản và sụp đổ quá nhanh chóng ở Liên Xô và các nước Đông Âu, chủ nghĩa Mác-Lênin không còn tính thuyết phục, nhưng nếu từ bỏ nó đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ mất hết quyền lực và quyền lợi nên ghép cái đuôi “tư tưởng HCM” vào để không ai dám chỉ trích cái chủ thuyết lỗi thời này, mặc dù ông HCM đã xác nhận “tôi chẳng có tư tưởng gì, chỉ có phương pháp để giải quyết thỏa đáng từng vấn đề”. Đúng thế, ông HCM chỉ nêu lên những phương châm như những lời huấn thị  đảng viên: Chí công vô tư - Cần, kiệm, liêm, chính - Giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình – Cán bộ là đầy tớ của nhân dân v…v… Nhưng ngày nay các hậu duệ của ông đều làm ngược lại.
          Cũng vì quyền lực và quyền lợi mà trong mô hình phát triển kinh tế cũng ghép thêm “cái đuôi” XHCN. Nhóm từ ngữ “kinh tế thị trường định hướng XHCN” đến nay vẫn chưa có luận giải minh bạch, vẫn còn nhập nhằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân làm nảy sinh nhóm lợi ích, nạn hối lộ. 
          Do đó, người ta mới hiểu tại sao sau khi Hoa kỳ dỡ bỏ lịnh cấm vận năm 1994, hơn 10 năm sau, nền kinh tế VN vẫn không cất cánh được. Mặc dù nhiều dự án và vốn đầu tư nước ngoài ( FDI = Foreign Direct Investment) tăng vọt:
- Năm 1988 có 37 dự án - vốn đầu tư 371triệu 8 MK.
- Năm 2006 có 970 dự án-vốn đầu tư 12004triệu MK
- Năm 2015 vốn đầu tư ngoại quốc lên đến 24tỷ MK.
 Ngoài ra VN còn nhận được nguồn viện trợ nhân đạo để “xóa đói giảm nghèo” từ các quốc gia phát triển (nhóm G-7 gồm các nước Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Hoa kỳ và Canada) và được hưởng quy chế “Viện Trợ Chính Thức” (ODA= Official Development Assitance) nghĩa là được viện trợ không hoàn lại (25%) và được vay với điều kiện ưu đãi. Từ năm 1993 đến 2004 Ngân hàng Thế gìới cam kết giúp VN 29 tỉ MK (đã giải ngân 14 tỉ). Riêng năm 2004, ngân hàng Phát Triển Á Châu và Nhật Bản  tài trợ 2.25 tỉ MK (đã giải ngân 1,65 tỉ) - ( trích từ Tổng cục Thống kê và Cục Đầu Tư Nước Ngoài của chính phủ VN).
          Nhưng nguồn ngoại tệ thường xuyên và liên tục đến từ 3 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài và 400 ngàn nhân công “xuất khẩu lao động” gởi về giúp thân nhân trong nước là một khối tài chánh đáng kể. Số lượng kiều hối này tương đương 5,7% tổng sản lượng quốc gia (GDP).
          Số lượng kiều hối tăng nhanh - từ 170 triệu MK năm 1994 tăng 500 triệu MK năm 1995 – Năm 2004 tăng lên 2,3 tỉ MK. Đó là chưa kể hằng năm có ba, bốn trăm ngàn người Việt về thăm quê trao cho thân nhân, bạn bè bằng tiền mặt hay tặng vật.  Ngoài ra chính phủ VN còn thu nhập từ nguồn tài nguyên thiên nhiên (dầu thô, than đá) lên đến 7,4 tỉ MK trong năm 2005. Số tiền này nằm hoàn toàn trong tay nhà nước. (Theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do-RFA- ngày 10-1-2007).
          Vậy mà sau hai thập niên đổi mới VN vẫn còn nằm trong danh sách các quốc gia nghèo khó. Nhìn sang nước Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, họ  đã thu ngắn thời gian để tiến lên hàng các quốc gia phát triển chỉ trong vòng 20 năm. Nước Đức qua kế hoạch Marshall, chỉ hơn 10 năm sau đã trở thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế lẫn chính trị ở Tây Âu.
         Còn VN, với một khối lượng tài chánh to lớn đến từ ngoại viện, từ kiều hối, từ khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên (dầu thô, than đá v…v…) mà theo thống kê của Liên hiệp quốc năm 2013, bình quân đầu người ở VN là 1,868 USD/người, hơn Lào (1,589 USD/người) và Campochia (1,008 USD/người). Nếu so với Singapore: 54,649 USD/người; Nhật Bản (38,528USD/người); Hàn Quốc (26,482 USD/người), những con số chênh lệch đáng buồn cho người dân VN.
        Nói theo cách suy nghĩ của người dân Nam Bộ, của các “bà mẹ chiến sĩ”: -Dân ta buồn, dân ta nghèo khổ - quen rồi! - cực thêm chút nữa chẳng sao – chỉ mong tương lai con cháu khá hơn và dân mình không phải làm nô lệ cho ai …  Dễ thương quá, hiền hoà quá, nhẫn nhịn quá !!! Bỡi vậy trong hơn 41 qua, dân ta vẫn âm thầm chịu đựng để cho Đảng nắm quyền lãnh đạo - để cho Đảng “Đổi mới rồi lại sửa sai - Sửa sai rồi ngồi lại - Ngồi lại rồi lại sửa sai” cứ thế xoay vòng - cha già  thì trao lại cho con quyền cai trị chẳng khác gì thời Phong kiến – cha truyền con nối …
          Ở các nước dân chủ đâu có được như thế, đảng nào được dân tín nhiệm lên cầm quyền 4 năm, nhiều lắm là 8 năm, chỉ có vài trường hợp đặc biệt kéo thêm một hai nhiệm kỳ là cùng. Trong khi cầm quyền mà phạm phải sai lầm thì từ chức, người ta ví von là “văn hóa từ chức”, còn ở VN/ XHCN – sai thì sửa - sửa tới sửa lui rồi ngồi lại, dân ta gọi là “văn hóa sửa sai- ngồi lại” …
          Bây giờ nước đã dâng lên tới nóc - tương lai con cháu và đất nước mịt mờ nên Dân mới hỏi Đàng.  Tham nhũng chỉ là chuyện nhỏ, dân ta đã quen rồi, nó đã trở thành một nét “văn hoá” đặc thù ở VN ngày nay - loại “văn hóa bôi trơn XHCN” hay “văn hóa phong bì”… Cho nên nhân dân chỉ muốn hỏi các vấn đề liên quan đến sự tồn vong và tương lai của dân tộc:
1-Tháng 9-1990 ba ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng sang Thành Đô ký kết với Trung Quốc những điều gì? Xin Đảng công bố cho dân biết. Những tin đồn: Đảng đã chấp nhận để VN trở thành một tỉnh của Trung quốc vào năm 2020 có đúng không?
2-Tổ tiên đã hy sinh xương máu và dày công xây dựng dải giang sơn gấm vóc này, nay để lại cho toàn thể con dân Việt Nam hay chỉ riêng cho mấy triệu đảng viên cộng sản mà trước đây ông Phạm Văn Đồng dám ký công hàm công nhận quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của VN thuộc về Trung Quốc (14-9- 1958), nay thì Đảng tự tiện cho người Tàu thuê (có nơi bán đứt có chỗ thì nhượng) đất, rừng, biển, đảo mà không có sự đồng thuận của nhân dân?
3-Đảng có thấy ngày nay hầu như nhân loại đã chối bỏ chủ nghĩa Cộng Sản vì tính không tưởng và bất cập của nó? - Đảng có nhìn ra từ lâu hai nước đàn anh Liên Xô, Trung Quốc dùng CNXH để chiêu dụ các nước Á-Phi nghèo khó làm thành trì bảo vệ cho họ được an toàn phát triển kinh tế và sức mạnh quân sự để tranh giành ảnh hưởng với các nước Tây phương, còn các quốc gia chư hầu vẫn loanh quanh trong vòng lệ thuộc không ngóc đầu lên được? Vậy Đảng ưu việt hơn cả tư duy của nhân loại hay Đảng đang mê muội?
4-Đảng có nghe ông Đặng Tiểu Bình nói: “Không cần biết mèo trắng(mèo vàng), hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt”. Câu nói cụ thể này đã định hướng cho việc phát triển kinh tế và áp dụng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong mấy thập niên vừa qua. Điều đó chứng tỏ Đặng Tiểu Bình đã bước sang “Chủ nghĩa Thực dụng”. Vậy ngày nào Đảng Cộng Sản VN không còn “bắt được chuột” cho Trung Quốc thì Đảng sẽ đi về đâu và những điều gì sẽ đến với dân tộc VN?
5-Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “ Xây dựng XHCN còn lâu dài lắm, đến hết thế kỷ này không biết đã có XHCN hoàn thiện ở VN hay chưa”. Như vậy thì lâu quá, tính ra đến ba đời vẫn còn sống trong tăm tối…Vậy Đảng phải thay đổi chế độ nào tốt hơn, phát triển nhanh hơn cho người dân được hưởng chút Tự Do, Hạnh Phúc trước khi về cõi … (về cõi là chữ của ông Vũ Cao Quận)
6-Nghe đến chữ XHCN, nhân loại  muốn tránh xa, còn nhân dân VN “ngán tới cổ”. Vậy mà quốc hiệu cũng thêm vào chữ XHCN; Về cơ chế quản lý và phát triển kinh tế cũng thêm vào chữ XHCN: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” khiến các nhà lý luận và hoạch định chính sách “lùng bùng” than thở: - Đang “dò đá qua sông (trích lời của ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược). Vậy Đảng nên cắt bỏ chữ XHCN để tránh những mâu thuẫn nội tại hầu tìm ra một định hướng rõ ràng cho việc phát triển…
7- Đảng nêu khẩu hiệu: - “Chính quyền của dân, do dân và vì dân” nhưng điều hành việc nuớc thì “Đảng lãnh đạo, nhà nước chỉ huy, nhân dân làm chủ”. Nhân dân cứ thắc mắc: - Làm ông chủ mà có “đứa” chỉ huy, có “thằng” lãnh đạo …Vậy thì “làm chủ” cái gì?
8-Hiến Pháp là văn kiện lập quy cao nhất của Quốc gia, ấn định việc điều hành đất nước. Vậy mà Cương lĩnh Đảng đặt trên Hiến pháp - Mọi hoạt động phải tuân theo Nghị quyết của Trung ương Đảng. Vậy Đảng có thấy đây là một nghịch lý, mâu thuẫn  với tinh thần của nền dân chủ pháp trị?
9-Đảng bảo “dân trí” còn kém nên cần Đảng lãnh đạo - cần Đảng soi đường! Người dân thắc mắc: - 61 năm (1884-1945) thực dân Pháp đô hộ nước ta đã áp dụng chính sách ngu dân làm cho dân trí không phát triển, dân sinh không hạnh phúc đã đành…Nhưng từ ngày Cách Mạng Mùa Thu 1945, tính đến nay đã 71 năm, Đảng đã đào tạo một thế hệ “Ma dzê in VN” đang lãnh đạo đất nước “dân trí” vẫn còn thấp kém là lỗi do ai?. Tại sao con cháu người Việt ở nước ngoài học hành giỏi giang, thành đạt, đâu có thua ai. Có phải do Đảng áp dụng chính sách giáo dục sai lầm và áp dụng chính sách tuyển dụng “hồng hơn chuyên” mới ra nông nổi?
10-Và tại sao càng ngày càng nhiều người Việt Nam muốn ra nước ngoài sinh sống, ngay cả những cán bộ đảng cũng tìm cách chuyển tiền, đưa con em ra nước ngoài và chờ cơ hội thoát khỏi VN ? Khi người ta không còn tha thiết với quê hương, đành lòng từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình chứng tỏ nơi đó có “vấn đề” và báo trước cho sự suy tàn … Đảng có quan tâm đến tình trạng này không?
11- Hiện nay ở VN nhiều tổ chức “Xã Hội Dân Sự” được hình thành. Có phải Dân không còn tin Đảng - Dân phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước - Dân tự động liên kết, đứng lên để tự cứu mình và cứu nước?  
         Trước hiện tình như vậy, nhiều bậc thức giả đề nghị Đảng nên mở một cuộc Trưng Cầu Dân Ý  để tìm hiểu nguyện vọng của toàn dân, từ đó tìm ra quốc sách đúng hướng để cứu nguy dân tộc. Miến Điện đã làm và đã đưa đất nước họ thoát vòng lệ thuộc TQ và đang tiến đến một tương lai tốt đẹp …Đây là một bài học thực tiễn về chính tri, xã hội đáng chú ý và học hỏi để rút kinh nghiệm về “thế Nước – lòng Dân”…
         Đảng cứ mạnh dạn tiến hành, đừng lo ai có kinh nghiệm hơn Đảng để cai trị muôn dân, nước nhà sẽ biến loạn. Người xưa thường bảo: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư”, theo đó Dân sẽ chọn được người tài đức ra giúp nước. Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trải đã viết: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau - Song hào kiệt đời nào cũng có”. Vậy Đảng chớ lo thiếu người lãnh đạo mà Đảng nên đắn đo chọn lựa: - Đảng còn thì  Nước mất (vào tay TQ) mà khi Nước mất thì Dân tan !!!
         Qua cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ vừa rồi, ông Donald Trump, một người chưa có kinh nghiệm chính trường như bà Hillary Clinton và bị giới truyền thông “dập” cho tơi tả … Nhưng cuối cùng ông đã thắng. Tại sao? Câu trả lời ngắn gọn và đầy đủ nhất là do: “Sức mạnh vô địch của tinh thần Dân Chủ và Dân Tộc”. Thời gian trước ngày bầu cử, đa số hệ thống truyển thông nghiêng về phía bà Hillary. Bà Hìll đã chi nhiều tiền cho các hãng truyển thanh, truyền hình và  cố gắng tranh thủ khối cử tri da mầu. Mọi cuộc thăm dò cho thấy bà Hillary luôn luôn dẫn đầu.  Đa số người theo dõi cuộc bầu cử tiên đoán bà Hillary sẽ thắng chắc.  Nhưng tinh thần dân tộc tìềm ẩn của những người da trắng đã trổi dậy, đem lại chiến thắng cho ông Trump.
         Nên nhớ mặc dù ngày nay Hoa Kỳ là một Hiệp Chủng Quốc (đa chủng tộc, đa văn hóa) nhưng trong suy nghĩ của người da trắng vẫn xem quốc gia Hoa kỳ là của họ vì tổ tiên họ là những người da trắng Âu Châu đến đây đầu tiên lập nên quốc gia này. Biết bao hy sinh và công khó của nhiều thế hệ cha ông họ xây dựng nên một quốc gia Hoa kỳ hùng mạnh. Họ ôm ấp nó, bảo vệ nó và kiêu hãnh với nó. Cho nên mỗi lần quốc gia Hoa Kỳ lâm nguy, tự ái dân tộc bị xúc phạm, người da trắng đã đứng lên và họ đã chiến thắng…
         Tinh thần Dân Tộc là bất diệt. Ông Hồ Chí Minh biết rõ điều đó và đã bao lần mượn danh Dân Tộc để cứu Đảng ai cũng biết và sử sách còn ghi. Nhưng khi cứu được Đảng,  ông lại bỏ “cái mũ” Quốc Gia Dân Tộc xuống, đội “cái mũ” Mac- Lênin lên. Cho nên nhà văn Võ Phiến, một người sống nhiều năm trong vùng kháng chiến Liên Khu 5 than rằng: Chữ Quốc Gia Dân Tộc mang nhiều nỗi oan khiên – Khi lâm nguy người cộng sản mang nó ra xài – Khi qua cơn hoạn nạn họ lại nguyền rủa nó, ai nhắc đến nó sẽ bị trù dập, tù đày.
        Tinh thần Dân Tộc bất diệt và nhân dân là trụ cột giữ cho Quốc Gia trường tồn. Đó là chân lý. Đảng phái chỉ đóng vai trò trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Tuyên truyển là con dao hai lưỡi – tuyên truyền lừa bịp, mị dân đem lại kết quả tạm thời, khi sự thật được phơi bày, thì sẽ có phản ứng ngược.  
         Trong quyển sách Why Nations Fail (Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại) một công trình nghiên cứu trong 15 năm của hai giáo sư kinh tế nổi tiếng Daron Acemoglu và Jame A. Robinson đã nhận đinh: “ Các quốc gia thất bại thường bị cai trị bởi một nhóm quyền thế tập trung và đã tổ chức xã hội để phục vụ quyền lợi riêng cho họ trong khi đại đa số nhân dân không có được quyền lợi tương xứng”. Hai tác giả này  cũng khẳng định: : “Thể chế chính trị và kinh tế là nguyên nhân quyết định sự thịnh vượng hay nghèo đói của một quốc gia”.
         Việt Nam đang rơi vào hai trường hợp này: Không có một thể chế chính trị minh bạch, hợp lý và không có định hướng cho nền  kinh tế. Không phát huy sáng kiến phù hợp với hoàn cảnh đất nước mình mà cứ theo đuôi, rập khuôn Trung Quốc. Đến khi đàn anh TQ lộ rõ ý đồ xâm lăng và đã biến VN thành cái sân sau tiêu thụ hàng phế phẩm của TQ. Đó là chưa nói đến dã tâm đưa vào VN các hóa chất độc hại đầu độc dân ta. Đảng “quýnh quáng chạy lung tung đi tìm chỗ dựa”.
        VN đang theo đuổi chính sách “ngoại giao đu dây”- Nhưng xưa rồi! “Ngoại giao đu dây” chỉ hiệu quả vào thời điểm chiến tranh lạnh. Bây giờ là thời đại toàn cầu hóa. Sự tương tác giữa các quốc gia là bình đẳng và  sòng phẳng quyền lợi đôi bên, không còn tình trạng “cưu mang” như mấy chục năm về trước. Một quốc gia hào phóng như Hoa Kỳ, ngày nay họ cũng đặt quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ lên trên hết. Ngày nay chủ nghĩa “Quốc Gia Cực Đoan” đang trổi dậy. Chớ có hy vọng hảo huyền Hoa Kỳ sẽ giúp VN thoát nạn TQ xâm lăng, cũng chớ thấy TQ đang lên mà theo đuôi họ… Một ngày nào đó hai nước lớn này thỏa thuận chia chát quyền lợi với nhau: “Nị được cái này thì để cho Ngộ cái kia”, thì cả dân tộc VN sẽ khốn đốn …Vậy hãy khơi dậy vả nuôi dưỡng tinh thần dân tộc để phát triển “Nội Lực Quốc Gia”. Chỉ có con đường đó mới cứu nguy Tổ Quốc.
         Hãy nghe lời giải bày của Cố Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu với đại ý “Trên đời này cá lớn nuốt cá bé, nước lớn hay chiếm nước nhỏ thường xảy ra, hãy biến “con cá bé” thành “con cá độc”, nuốt vô là chết. Không ai dám nuốt “con cá độc Singapore” nên Singapore được độc lập, tự chủ và phát triển…”
          Mong Đảng sáng suốt nhận ra rằng:  “con cá độc VN” sẽ  được sản sinh từ lòng yêu nước, từ tình tự dân tộc và từ ý chí bất khuất, quật cường của nòi giống, chứ không thể đến từ chủ nghĩa ngoại lai, lỗi thời Mac-Lênin.
          Đảng cũng nên nghiền ngẫm câu nói của người xưa: - Làm thầy thuốc sai lầm, giết chết một bệnh nhân - Làm công tác văn hóa, tư tưởng sai lẩm sẽ thui chột đôi ba thế hệ - Làm chính trị sai lầm sẽ giết chết một dân tộc…

Lê Đức Luận.
(Nov 12-2016)
          
(1)-Ngày 11-3-1945, Vua Bảo Đại công bố bản Tuyên Ngôn Độc Lập, đặt quốc hiệu Đế Quốc Việt Nam, giao học giả Trần Trọng Kim thành lập chính phủ.
-Ngày 2-9-1945, Ông Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại Hà Nôi, đặt tên nước Việt Nam Dân Chủ hòa. Ông Hồ Chí Minh lên làm chủ tịch nước.


-Ngày 8-3-1949, với Hiệp ước Elysée ký gìữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại xác nhận nền độc lập của VN, đặt tên nước Quốc Gia Việt Nam, Bảo Đại làm quốc trưởng.

No comments: