Friday, December 9, 2016

LỜI QUÊ HƯƠNG (Bút Tre Nguyễn Đình Trình) & Lời Bình của Thư Hoàng.




LỜI QUÊ HƯƠNG *
( Gửi kiều bào Phú Yên ở hải ngoại )

CHIM từ hải ngoại vượt trùng dương
VỀ bến sông Ba đậu sít đường
NÚI ngóng năm lần và bảy lượt
NHẠN chờ chín nhớ với mười thương
TRỜI Yên chửa đến - lòng hoan hỉ
ĐẤT Phú đi rồi - dạ                                                                           vấn  vương                                                                                          
ĐÓN đứa con xa yêu nước Mẹ
MỪNG ngày giáp tết đã hồi hương
Tuy Hòa - ngày 25-9-2016
Bút Tre Nguyễn Đình Trình


LỜI BÌNH THƯ HOÀNG: LỜI QUÊ HƯƠNG cũng chính là mối tình đậm đà son sắt của những viễn khách với quê hương Phú Yên xinh đẹp nguyên sơ.

Quê hương luôn là niềm tự hào trong lòng mỗi con người cho dù là miền đất ấy có "bùn lầy nước đọng' hay "chó ăn đá, gà ăn muối"...huống chi là tác giả Nguyễn Đình Trình có một miền quê tuổi thơ gắn bó điệp trùng cảnh đẹp với lũng sâu núi cả như đất Phú Yên.

Đầu tiên phải kể đến hai tuyến hình ảnh, một đại diện cho cảnh vật Phú Yên và tuyến còn lại là vô số con chim Nhạn như tấm lòng những Việt kiều xa quê. Trời đất thiên nhiên thì bao là hùng vỹ thế với những núi những sông, một đại dương, bầu trời, mảnh đất...Đàn chim Nhạn thì gợi lên sự mong manh cô lẻ trong nhiều ước lệ thơ.

Nói sao cho hết lần gặp gỡ diệu kỳ, ngỡ như bánh xe thời gian ngược quay về thì quá khứ. Sự hội ngộ cháy bỏng và cộng hưởng giữa hàng triệu tấm lòng. Tình cảm ấy lại rất nồng ấm hai chiều như khẳng định quê Mẹ chưa bao giờ thôi nhớ những đứa con xa. Quá khứ thì cũng đã đi qua, bây giờ người ta không còn hỏi nhau về cái lý do từ bỏ Tổ Quốc và hễ còn nghĩ đến Đất Nước, còn khao khát lần về tìm lại kỷ niệm, vun đắp chút gì đó cho xứ sở thì đều là người yêu Nước.

Cái nghĩa đồng bào chưa bao giờ ngọt ngào đến thế. Sau Việt Nam là hai từ Phú Yên hoặc giả là hai từ nào khác, tất cả đều gợi lên sự tự hào tha thiết mến yêu. Trời sinh con người luôn yêu những gì gắn bó với mình nhất là trong ký ức tuổi thơ. Vì vậy người dân Việt dù đi đến đâu, sang cả thành công cỡ nào cũng mang trong lòng nỗi ray rứt khi phải từ biệt quê hương. Trong cuộc phiêu bạt ấy, hình ảnh quê hương lồng lộng vươn cao. Một góc tim đánh mất, cách nói ấy theo tôi cũng không ngoa. Vì vậy cuối cùng họ cũng phải trở về nơi cũ, sờ lại mảnh đất nóng hổi chờ mong, vuốt ve từng màu cây xanh, hoa nội. Cả ước mơ nghe lại tiếng chim quê hót say sưa ngày nào, những điều đơn giản với mọi người thì với họ là một đặc ân, một lời hứa.

Trên cái nền tổng thể tôi lại đi nhanh gọn vào chi tiết thơ. Đó là một bố cục mà tình cảm đi trước và dẫn chứng theo sau.
CHIM từ hải ngoại vượt trùng dương
VỀ bến sông Ba đậu sít đường
NÚI ngóng năm lần và bảy lượt
NHẠN chờ chín nhớ với mười thương
Khác nào đất hạn gặp mưa rào khi tác giả NĐT cho những đàn chim trắng lả lướt đôi cánh trên vùng đại dương xanh, dưới bầu trời lồng lộng và bến đỗ Phú Yên bao la bát ngát, nguyên sơ như ngày nào. "Như chưa hề có cuộc chia ly" sự thân thương giữa người và cảnh vật cứ òa nhập vào nhau không biên giới, không hạn định. 

Bên bến sông Ba, những con Nhạn- những người con xa quê ấy tề tựu thắm thiết.
Chia vui với họ ngọn núi già cũng trào dâng tình cảm chôn nén trong lòng mấy chục năm qua với sự kiên trì và niềm tin mãnh liệt rồi họ sẽ quay về.

Những thành ngữ "năm lần bảy lượt', "chín nhớ mười thương" làm thành từng cặp đối quá tâm đắc. Cùng với sự thả chữ thành câu ở đầu mỗi dòng thơ mà trong thơ Đường Luật gọi tên là Khoán Thủ cho thấy trình độ sử dụng thành thạo các kỹ năng thơ của tác giả là vững vàng mà vô cùng phóng khoáng. Cái khó của thơ Luật Đường không phải nằm ỏ những cái tủn mủn lỗi bệnh mà theo những người chơi thơ giỏi cái khó để khiến bài thơ trở nên lóa sáng chính nằm ở nghệ thuật đối.

Đối sao cho chuẩn mà phải bật được ý thơ vì "sức công phá" của đối vào lòng người, tâm người là hết sức mạnh mẽ và đó cũng thể hiện đẳng cấp người chơi thơ xưa.
Ta có thể yên tâm bắt gặp những vế đối đẹp, ấn tượng trong thơ NĐT. Dùng thành ngữ có chen số đếm vào càng tăng cấp nỗi nhớ nhung vỡ òa trong sung sướng của con người và đất trời quê Cha.
Nếu cặp Thực dễ hiểu bao nhiêu thì cặp Luận lại hơi đánh đố người xem bấy nhiêu.
TRỜI Yên chửa đến - lòng hoan hỉ
ĐẤT Phú đi rồi - dạ vấn vương
Bằng nghệ thuật xây dựng các tiếu đối khiến ý thơ càng thêm trập trùng phong phú. Cách đọc cũng thúc giục hơn, những sắc thái tình cảm thay nhau diễn biến không để tứ thơ rơi vào nhạt nhẻo. 

Vâng, thơ NĐT ở đoạn này như một cao trào và tác giả đã thành công khi thổi được cái hồn giây gặp gỡ ấy.
Chưa đến nơi nhưng vùng trời ấy đã được họ chờ đợi, tô vẽ bao nhiêu cảm giác ấm áp mừng vui; để đến khi đã rời xa dạ còn vấn vương để lại. Dù đi đến đâu thì tình yêu nước thương non của người dân Phú Yên không hề phai nhạt. Tổ Quốc luôn trong trái tim họ từng giây một.
Không bi lụy mà rất thật thà tác giả NĐT đã nói thay lời những người con xa quê-những cánh chim chở đầy sương gió nhọc nhằn của kiếp tha hương.
Cuôi bài thơ đã mang đến cho người xem một cái kết hậu:
ĐÓN đứa con xa yêu nước Mẹ
MỪNG ngày giáp tết đã hồi hương
Những gì chân thành sẽ được đáp trả bằng chính sự chân thành tương ứng. Chúng ta không nghi ngờ điều đó và quê Mẹ mến yêu lại dang rộng vòng tay cho từng đứa con yêu dụi đầu an lành ngày họp mặt.

Có thể sóng gió vẫn còn đó, sự trở về chỉ là trong thoáng chốc như một định mệnh họ lại tung cánh ra đi...Nhưng có hề gì tình cảm quê hương đã được khẳng định "bất di bất dịch' như ngọn núi Nhạn muôn đời dõi mắt ngóng chim xa.

Cả bài thơ chỉ có cặp kết là chưa đủ mạnh để bung xa, vang ngân, theo tôi đó là điều đáng tiếc. Giá như tác giả có thể gò gẫm nó như các câu trên thì bài thơ nhất đinh sẽ có tầm vóc rộng lớn không ngờ.

LỜI QUÊ HƯƠNG nhìn tổng thể vẫn là bài thơ đặc sắc, bài thơ không lẫn vào đâu nếu đã một lần xem qua. Và đó là thành công của một người thơ trẻ tuổi.

Cho dù tác giả viết cho các kiều bào nước ngoài hay chính tâm tình của mình thì cảm xúc của người viễn khách, đứa con của quê hương Phú Yên nhất định đã sống thật trong trái tim người cầm bút.
Có thế NĐT mới cho ra đời được một sáng tác "gan ruột' như thế.

1/10/16
Thư Hoàng

No comments: