Friday, December 9, 2016

XUỐNG CHÓ (Đặng Kim Côn)



Kính thưa quý thầy cô & các anh chị,

Nhà thơ Đặng Kim Côn được sinh ra và lớn lên tại Phú Yên, vì vậy thơ văn của anh luôn nhắc nhở nhiều đến quê hương yêu dấu nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Ngoài làm thơ anh cũng viết nhiều truyện ngắn, hôm nay Thukỳ xin gởi đến quý thầy cô & các anh chị một chuyện ngắn: “Xuống Chó” cùa Đăng Kim Côn.  Khi nghe đến tưa đề chúng ta cũng liên tưởng đến phần nào của cuộc đổi đời “lên Vua, Xuống Chó”, đọc câu chuyên này làm cho Thukỳ còn in rõ trong tâm trí hình ảnh những người công an chỉa súng bắt bớ dân lành, hoặc dù là đàn bà trẻ con như mẹ con Thukỳ cũng bị giải giao trong lúc bị bắt vượt biên… Những hình ảnh hải hùng đó không bao giờ phai nhạt dù đã hơn 30 năm qua.

Anh Đăng Kim Côn đã làm cho chúng ta phải bàng hoàng, lo sợ trong câu chuyện có thật trong xã hội cộng sản, và vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay.  Xin mời đọc đế thấy lòng mình tức tưởi, đớn đau theo thân phận của bao người “Xuồng Chó” còn đang sống tại quê nhà. 

Trân trọng,
Thukỳ.



 Xuống chó

Quân nhận ra ngay nét chữ quen thuộc trên nửa mảnh giấy học trò, mà người thanh niên lạ mặt mới vừa trao cho anh. Nhét mảnh giấy vốn đã không mấy phẳng phiu, vào túi, anh lững thững vờ cầm cây chổi quét chầm chậm ra cửa, liếc nhanh một dọc theo con đường trước nhà, xem có cặp mắt bất thường nào đang láo liêng gần đó không, anh cảm thấy có chút gì không yên lòng.

Thời buổi làm gì cũng ngó trước ngó sau, những phó thường dân như Quân ít khi được nới lỏng sự canh chừng. Đỡ cái là nhà nằm ngay mặt tiền của đường lớn, đối diện chợ, nên thường có người ra vô gửi hàng, lấy hàng, xin nước uống, nên cũng làm chùng bớt những vòng dây bó siết kia. Quân trở vào, rót nước mời người khách lạ:
– Đi bây giờ?
– Nó đang chờ. Đi sớm còn kịp có xe về, dạo này xe chiều hết khách sớm.

Quân lúng túng hỏi tên và nhà người đưa thư, để xác định nơi phải đến, hai đứa con nhỏ ở nhà một mình, mười mấy cây số, mà thực tình lúc này trong túi không có lấy một đồng để đi xe, mà Chí cần mình chuyện gì vậy? Nếu đến đó mà Chí nói nó cần tiền thì mình lấy gì giúp nó đây. Anh biết tình cảnh của nó, một người lính cũ, người lính, mà trước kia theo nó nói là nó mê anh như người mê ma túy, và đó là lý do nó gia nhập binh chủng của Quân. Quân cũng cứ mặc nhiên nghĩ vậy, không để ý tới chuyện tới tuổi quân dịch thì mạnh ai nấy chui, kiếm được chỗ nào đỡ chiến đấu vẫn tốt hơn, trong đó, cùng với Chí, một vài người bạn văn thơ của nó, đã có dịp quen Quân trước đó, cũng cùng chui như Chí, với hy vọng may ra được về chung đơn vị Quân cho vui. Từ đó họ trở thành thân thiết như anh em trong gia đình, dù là có chút không như ý, mỗi người mỗi đơn vị khác nhau.

Quân được coi như ông anh tinh thần, thương yêu, đùm bọc lo lắng cho những đứa em, đặc biệt anh quý Chí, người mà anh thấy là có khả năng nhất trong đám bạn bè nói nhiều hơn làm của nó, cũng có thể vì Chí nói năng khéo léo, chịu khó khen Quân hoặc ra vẻ chịu nghe lời như một đứa em. Chí cũng vậy, ông anh như đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, ít ra cũng theo nó thường nói. Quân không có tên tuổi gì đặc biệt, nhưng có một vài bất ngờ khiến Chí ngưỡng mộ. Thư từ, viết lách, hay về phép, đi công tác gì gì, Quân vẫn là người để Chí dành cho nhiều thời gian nhất, nếu Quân không ở nhà thì Chí cũng tìm đến nơi đơn vị Quân đóng.

Từ khi ra trại về, Quân sống khép kín, ngày ngày một thân hiu hắt ở ngoài mấy sào ruộng, rồi về lẩn quẩn trong nhà với hai đứa con mới vừa mồ côi mẹ mấy tháng. Anh ít giao du với bạn bè, nhất là bạn bè mới của cái xóm làng mà anh chỉ mới bắt đầu về ở sau ngày gia đình bị đuổi từ thành phố về, lại càng ít nhớ tới, ít muốn nhớ những quen biết cũ (vốn không ít người đã trở thành người khác, nếu không phải là người mới, người của xã hội mới), trong đó anh có nghe nói Chí (mà nhà cửa ở đâu, gia đình thế nào anh cũng chưa hề biết) vượt biên bị lộ, trốn đi đâu đã lâu lắm rồi. Và cũng có phần cảm động, tháng trước Chí bất ngờ xuất hiện, cùng với mấy người bạn lạ mặt, được Chí giới thiệu là bạn từ miền Nam về, “ghé thăm Chí và thắp nhang cho chị.”

Sĩ diện, Quân không để Chí thấy sự nhút nhát của mình, dù thật ra anh rất lo lắng trước sự có mặt của họ, mà sau đó, trong ngày, kéo theo nhiều đợt bạn bè của Chí đến thăm, nhỏ to một cách bất thường. Quân có phần hiểu ra, “chẳng thảo gì mèo ăn than”, họ mượn sự thăm viếng này để họp hành thảo luận chuyện lớn gì đó, mà theo Chí, “xin lỗi anh, may có lý do thắp nhang này, anh em mới qua mặt được bọn nó.”

Rất may, các cuộc họp chớp nhoáng đó chỉ từng chặp, từng chặp vài người. Chừng hơn một buổi là Chí từ giã, để lại nỗi lo âu canh cánh từng ngày, không biết
đến lúc nào, mấy chiếc nón cối sẽ ập đến nhà, hỏi thăm. Quân đã từ một đội hùng binh phải buông cương chiến mã” một cách tức tưởi, anh không tin mình có thể làm được gì với bắt đầu bằng tay trắng. Quá nhiều những cuộc trấn áp, quá nhiều những chiếc bẫy giăng khắp nơi, và cũng đã không ít những bầu nhiệt huyết phải ôm hận trong tù hay không kịp nhắm mắt ngoài pháp trường, cũng bắt đầu từ chỗ tình thân không nỡ từ chối.

“Anh đi theo người cầm lá thư này”, mấy chữ ngắn ngủi kia chưa kịp làm cho Quân bất mãn. Lòng thương quí dành cho Chí khiến Quân dễ dàng tha thứ cái giọng điệu có vẻ ra lệnh trịch thương kia của nó. Chắc nó có gì khó khăn? Chắc tại không tiện viết nhiều hơn? Chắc nó đang có gì cần đến mình? Dẫu sao mình cũng đang núp dưới vỏ bọc của một gà trống nuôi con, chắc thiên hạ không đến nỗi cạn tàu ráo máng. Đi thì đi.

Bên kia đường là chợ nên con đường trước mặt nhà cũng gần như một cái bến xe Lam, vì xe dừng liên tục cho khách lên xuống. Làm như đứng hút thuốc nhìn vu
vơ, thấy không có ánh mắt nào khả nghi đang rình rập quanh đó, Quân bảo Hổ, tên người đưa thư:
– Chú coi xe nào sớm nhất lên ngồi trước đi, sắp đầy, sẽ có tôi.
Và Quân dạo qua hàng xóm mượn ít tiền.

Kịp bữa trưa ở nhà Hổ, nhưng Quân chỉ ngồi uống nước chờ cho Chí ăn với gia đình Hổ. Vội vã đi, cũng chưa kịp ăn gì, nhưng Quân biết, thời buổi của gạo cân vải mét, tính từng nhân khẩu, một miệng ăn “phát sinh” phải là một khó khăn cho gia đình.
Không khí nhà quê yên ắng, có lẽ Chí cũng biết chọn một một nơi đáng tin cậy, ít cơ nguy bị phát hiện nhất, nhưng chính cái vắng vẻ này, sự có mặt của người lạ lại càng dễ gây chú ý, cho nên Quân cũng thấy không mấy yên tâm.
Cơm xong, nơi bàn uống nước, còn lại ba người, Quân, Chí và Hổ. Quân hỏi ngay:
– Em có sao không? Làm anh lo quá.
Quân không phải thắc mắc lâu, chẳng những không có gì để Quân phải lo lắng cho nó mà còn phải hiểu rõ Chí hôm nay không phải ở dưới thấp như một người lính ngày xưa, hoặc ngược lại thì Quân cũng chả còn là một sĩ quan hay cấp trên gì nữa! Làm như không để ý câu hỏi của Quân, Chí vào đề ngay:
– Tôi biết anh không có nhiều thời gian… (hay nói khéo là tôi không có nhiều thời gian?), nên anh nghe cho kỹ, là, có mấy chỉ thị cho anh, hiện nay, lực lượng thì cái gì cũng có, nhưng để có kế hoạch lâu dài, muốn tấn công địch thì ta cũng cần có đường rút, nói rõ là chúng ta cần căn cứ, cần mật khu. Cấp trên chưa đòi hỏi gì anh, chỉ yêu cầu anh, cái này họ cũng biết là trong khả năng anh, cung cấp cho lực lượng một vài tấm bản đồ tỉnh này, và một cái địa bàn trong thời hạn ngắn nhất.
Thật là đất trời lộn lại! Quân uất nghẹn.

Không biết ai phong cho nó cái quyền điều khiển anh như vậy? Không biết từ bao giờ cái lớp lang bị đảo ngược như vậy? Địch đã cướp mất đi của mình mọi giá trị xã hội đã đành, tự trong chúng ta, còn một chút giá trị tinh thần hiếm hoi cũng bị đập phá ư? Giậu đổ bìm leo, muốn leo sao không mang dép râu, đội nón cối, theo chúng làm một chức sắc nho nhỏ, cỡ đội phó, đội trưởng sản xuất, hay kế toán, thư ký gì đó, thì dưới tay cũng có được đám dân đen để mà hò hét lấy oai?

Cuộc đời không thể là một tuồng hát, đổi vai đơn giản thế này. Ồ, mà nó lỡ mấy lần vượt biên thì ai tin cậy nó mà giao nhiệm vụ!
Nén giận, Quân đốt một điếu thuốc, làm như suy nghĩ, mà không phải suy nghĩ, là sẽ hợp tác như thế nào. Anh kìm chế sự đổi khác trên nét mặt, danh lợi gì, yêu nước gì trong bóng tối của những đôi mắt lòa kia? Có lần thằng Nam nói, tao phong cho mày làm tỉnh trưởng, Quân cười, mày thử phong tao làm tổng thống đi, coi tao có làm không? Có điều, không khéo, chúng nó bịt miệng mình như chơi, không bịt miệng, nó bán mình mình thì còn khổ hơn nữa. Rít thêm vài hơi thuốc lấy bình tĩnh, mặc kệ nó có còn nhận tiếng “anh” mà Quân xưng hay không, Quân nhìn thẳng vào mặt Chí nhẹ nhàng:
– Anh không thể hứa điều gì, anh đã ở tù lâu quá rồi, hiện cũng đang bị quản chế, bị theo dõi ngày đêm. Trong hoàn cảnh gà trống nuôi con hiện nay, anh vất vả quá. Nói thật, đi như thế này là anh thương em, anh lo không biết em có bị gì không, chứ thật ra anh cũng hồi hộp lắm. Có gì không ai nuôi hai đứa nhỏ mồ côi. Mà không khéo, sự xuất hiện của anh ở đây sẽ làm lộ hình tích của em.
Chí ngắt lời:
– Vậy anh có thể có cái gì?
– Em tìm cách giúp anh, cho anh lọt sổ đi, được không? Chắc anh phải về.
Thiệt tình. Nó nghĩ nó leo lên đầu mình được chắc? Bằng những con người loạn thị này lại có thể dập nổi ngọn lửa thắng lợi đang bừng bừng khí thế kia sao? Có phải “ông lính” nghĩ, hắn chỉ kém hơn “thằng quan” vài lớp thì chưa biết ai hơn ai? Hay được dịp để tự nó lập nên một trật tự mới “ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông”?
Không phải ai cũng như Chí, từ mấy chục cây số, có người đến cả hàng trăm cây số, đã tìm tới nhà anh, đi bộ mấy cây số ra ruộng, thăm “ông thầy cũ”. Hay tại vì nó không phải là người lính trực thuộc dưới quyền? Vậy mà thật cũng khó xua được cái hình ảnh lếu láo, nghênh ngang của Chí ra khỏi nỗi lòng vốn quá tình cảm của Quân.

Hình ảnh đó lẩn quẩn mãi cho đến một ngày, đùng đùng giữa buổi sáng đang làm việc tại một xưởng dệt (mà gia đình anh có đóng cổ phần, gọi là núp bóng, có công ăn việc làm, khỏi bị chính quyền đẩy đi kinh tế mới), lố nhố hàng chục bộ nón cối dép râu, sắc phục công an có, thường phục cũng có, còng tay Quân, đọc lệnh bắt và khám xét khẩn cấp.
Vừa sợ, vừa lo, vừa giận, nhưng Quân vẫn đủ bình tĩnh để nhếch mép cười, như coi thường sự đọa đày sống chết, mà đáng lẽ anh đã phải nộp mạng từ những năm trước.
Người bạn cùng xưởng thương tình, gắn vội điếu thuốc lên môi Quân, anh lí nhí nói cám ơn. Điếu thuốc rơi xuống đất. Anh lại cười khấy khi người ta bắt đầu
đẩy anh ra cửa, hướng về phía trại giam, cách đó chưa tới một cây số.
Hai công an lăm lăm hai khẩu AK47 lừ lừ phía sau Quân. Nắng chói chang, trải hơi nóng bất thường trên con đường nhựa. Người qua lại trên đường ái ngại nhìn Quân, trong đó cũng không ít những người quen biết.

Mẹ đã già, vừa mãn tang chồng lại tiếp tang dâu, vợ Quân. Một bầy con và cháu ngơ ngác, vật vã mỗi ngày chờ bà tha mồi về. Cho tới lúc này, Quân vẫn chưa thấy mình giúp được gì cho mẹ, công việc mỗi ngày ở xưởng dệt nếu ăn sáng một đĩa xôi, uống một ly café, hút một điếu thuốc lá thơm thì không đủ, lời lãi gì của xưởng chảy hết vào túi bọn quản lý đục nước béo cò bất lương (tất nhiên để chảy êm vào túi, một con số không nhỏ phải được kín đáo nhét vào túi các quan trên có trách nhiệm liên quan), ai cũng biết mà không thốt nên lời. Hôm nay, hai đứa con dại, mồ côi mẹ, lại thiếu thêm cha, sẽ lại rủ nhau ngồi trước cửa vào giờ cha sắp về…

Thoáng qua đầu rất nhanh, Quân nhớ tới lời nhắn qua bạn bè của Chí mấy tuần trước “Nói với Nam, Sĩ, Tề, Quân… liệu đường, Chí đã khai hết rồi” (?). Vậy có phải vì những lời khai này? Nếu bị hỏi, mình có nên nói gì bất lợi cho Chí không? Và nhất là còn bảo vệ được mình. Quân ngoái đầu lại, hỏi gã công an trẻ:
– Anh có biết tại sao bắt tôi không?
Hắn nhát gừng:
– Không nghe lệnh bắt à? Nhen nhóm phản động, tổ chức ám sát cán bộ…
Quân lầu bầu:
– Cái đó thì nghe rồi. Phản động gì, đói thí bà…
– Đợi lát gặp đồng bọn rồi biết!
– Gì đồng bọn? Quay hụt hơi, chơi với ai đâu mà đồng bọn.
Gã công an chửi thề, theo giọng Bắc từ mấy “sư phụ Bắc” của gã, sửa lại dây súng trên vai, hạ mũi súng về phía Quân:
– Địt mẹ, nên nhớ, cách mạng không bắt oan ai đâu.
Quân nhớ ra, tay này ở cùng xóm, là bạn cùng lớp với thằng em thứ năm của anh. Thời thế tạo anh hùng! Quân im lặng, những cái chết giữa ban ngày, ngay trước mắt bàn dân thiên hạ không hiếm, nói bị chống đối, giựt súng, bỏ chạy, là xong, mọi việc sẽ đâu vào đó.
Con đường nặng nề im ắng một lúc, Quân ngao ngán ngó ngang ngó dọc, chợt bắt gặp những ánh mắt người qua kẻ lại nhìn Quân tò mò, Quân ở vào cái thế không anh hùng cũng không được, anh đi khệnh khạng, nhìn đất nhìn trời, một cách không mong tới, mà lại mong có ai quen biết gần nhà mình, để gia đình có thể biết tin tức sớm hơn một chút.

Họ rẽ vào một con đường đất, vắng vẻ và đầy đe dọa hơn. Quân biết không bao lâu nữa là tới trại giam, bất chợt lòng anh dâng lên một nỗi ngao ngán vô cùng tận, anh quay lại gã công an:
– Tôi nói chơi chứ các anh thiên lôi sai đâu đánh đó làm sao biết được.
Chạm phải mặc cảm thiên lôi của gã, gã nổi nóng, lại bắt chước giọng mấy cán bộ miền Bắc:
– Mày láo, tao bắn gục đầu tại chỗ bây giờ. Tao đi bắt mày mà không biết tại sao à?
Cổng trại giam đầy vẻ âm u, bí hiểm đang nằm ngay trước mắt, thoáng qua đầu thật nhanh những cảnh tra tấn rợn người, không chịu nổi đau đớn sẽ chuyện không thành có, sẽ vô tội thành có tội. Cứ cho là vậy, hơn ai hết, Chí phải biết Quân đã có làm gì hay không chứ! Thêm mấy bước, Quân càng có cảm giác sắp bước vào địa ngục, anh níu kéo trần gian:
– Tôi đã chết từ lâu rồi, các anh có quyền bắn mà, ở tù còn khổ hơn chết.
Quân cũng không cần lường hậu quả của câu nói có vẻ thách thức kia. Đường nào cũng là địa ngục thôi!
Cánh cổng đã mở toang ra, mười mấy bậc cấp xuống dần, xuống dần, chừng như sâu tới một ngày mai thăm thẳm.

Đặng Kim Côn.
— 1992


No comments: