Friday, April 29, 2016

CÂY ĐÀN TRONG TÙ. (Cao Hoàng)




Kính thưa quý Thầy Cô & các anh chị,

Thầy Hoàng Thế Hào viết rất nhiều chuyện ngắn, làm thơ…Nhân ngày 30 tháng Tư Thầy gởi đến chúng ta một câu chuyện: “Cây Đàn Trong Tù”

Khác với những bài nói về tù đày khổ cực đói rách… Thầy là người nghệ sĩ nên bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng tìm cho mình và những người chung quanh luôn yêu “Tiếng Hát Với Cung Đàn” và âm nhạc có ảnh hưởng lớn lao đến tâm hồn của con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Bài viết này của Thầy đặc biệt có nhắc nhở đến nhiều khuôn mặt nghệ sĩ cùng trong cùng hoàn cảnh tù đày, và trong đó có vài người đã từng làm việc tại Tuy Hòa, đã từng viết bài kỷ niệm về thành phố thân thương của chúng ta.

Thukỳ xin trân trọng giới thiệu bài viết của Thầy, nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm và tình nghĩa của những người cùng chung số phận làm người thua cuộc.

Trân trọng,
Thukỳ.



       Cây Đàn Trong Tù.
                                             Cao Hoàng
Tưởng niệm nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang (mất ngày 27 tháng 3 năm 2011)

Tôi phải bắt đầu từ con ngõ nhỏ ấy và vào thời điểm mùa xuân 1975 khi tôi đứng đầu ngõ xem “anh em ta về[1]” . Đó là một cái ngõ cụt bên hông chùa Dược Sư đường Lê Quang Định – Gò Vấp – Sài Gòn .
Ngày xưa còn bé học sử nước nhà thấy vua Quang Trung tiến binh thần tốc. Ngài lệnh: cứ hai anh khiêng một anh trên võng thay phiên nhau đi ngày đêm không nghỉ. Quân Tầu không lượng được sức tiến quân vũ bão đó, nên thảm bại:
“Sĩ Nghị đang đêm trốn khỏi thành
Sông Hồng cuốn xác vạn quân Thanh”
Hồi 17, 18 tuổi, tôi và hai thằng bạn khỏe mạnh nhất đã làm lại cái lối di chuyển thần tốc đó vào một buổi chiều trong trường đua Phú Thọ.

Chúng tôi kiên nhẫn đi được đúng một tiếng đồng hồ thì cả ba mệt tưởng đứt hơi, không kham nổi nữa. Một tiếng đồng hồ thì cao lắm đi được 3,4 cây số. Các chiến binh hồi ấy còn phải mang theo vũ khí, lương thực oằn vai nữa chứ, mà còn phải đi trên đường núi, đường rừng nữa chứ, làm gì có đường tráng nhựa phẳng phiu. Hai thằng bạn tôi nằm lăn ra đất quả quyết rằng mấy thằng cha sử gia mắc dịch của mình bịa đặt ra cái lối tiến binh thần tốc ấy. Hai đứa chúng nó bảo rằng chúng đã được xem những tấm ảnh của gần trăm năm trước, thấy ông bà cố tổ của mình nhỏ bé ốm o và nghèo đói lắm, không thể  cao lớn khỏe mạnh như tụi nó được. Vả lại, cũng theo chúng, các thành tích thể lực của nhân loại càng ngày càng cao hơn trước, vậy có thể nào người xưa lại khỏe ghê gớm vậy (cứ ba anh khiêng nhau đi không nghỉ từ Nam ra Bắc. Giời ạ !) Hai chúng nó cho rằng cái gì cũng phải trông tận mắt sờ tận tay mới tin được cơ chứ! Nhưng cũng có cái trông tận mắt sờ tận tay mà vẫn cứ sai như thường như chuyện Nồi Cơm Khổng Tử hay chuyện Thầy Bói Sờ Voi.
Vậy mà buổi trưa 30 tháng 4 tôi thấy tận mắt một lối tiến binh còn thần tốc hơn của vua Quang Trung nhiều lần. “Anh em ta về”, cứ hai anh đèo nhau trên một chiếc xe Honda hai bánh (loại của phụ nữ). Anh ngồi sau thủ 2 khẩu AK cho anh trước rảnh tay mà lái. Rất ít anh chạy xe Honda đàn ông. Xe Honda ở đâu mà lắm vậy, cứ nối đuôi nhau tiến vào Sàigòn như cơn lũ tiến vào miền Trung. Tiến quân kiểu này thì binh đoàn hùng mạnh nào cũng phải tan vỡ thôi!
Sau đó ít lâu cha tôi từ Đà lạt xuống trấn an: dù có dính tí máu nhân dân; 1,2 mai trên vai cũng chỉ cải tạo 3,4 năm; miễn là đừng có dính vào chính trị. Còn như ổng, hồi chánh năm 52, nếu họ tóm được thì đi luôn, khỏi về. Thế là tôi an tâm lên đường đi cải tạo cũng như đã vui vẻ gia nhập quân đội VNCH 6,7 năm trước. Thôi giã từ tổ ấm tôi ra đi. Giã từ vợ hiền con thơ ngây, giã từ bảng đen phấn trắng, giã từ con ngõ nhỏ, giã từ những người bạn nhỏ ngày ngày qua dạo đàn hay xem tôi chế tạo những cây đàn guitar cổ điển. Từ nay chẳng còn được làm ồn ào lối xóm bằng tiếng đàn hay tiếng cưa tiếng bào. Từ nay chẳng còn được nghe tiếng ho húng hắng của Thạch giáo sư[2] kiên trì ngồi viết Nhất Nguyên Thế Giới bên cạnh một bác thợ đàn rất ồn.
Người xưa nói ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Câu nói đó hồi còn nhỏ đứa bé VN nào cũng học rồi. Ý nghĩa của nó có thể hiểu xa hơn. Thanh niên hai miền trở thành Việt Cộng hay thành Ngụy cũng là vì hoàn cảnh đất nước chia đôi, thật ra không có nhiều người chiến đấu vì lý tưởng. Kẻ làm chính trị biết rõ điều này nên ra sức trói buộc các tài nguyên nhân lực quốc gia vào trong các đoàn thể. Thanh niên khỏe mạnh thì vào quân đội; già yếu hơn thì vào các đoàn thể phụ lão; phụ nữ, thiếu nhi cũng có chỗ của các cháu . Mục đích là để kiểm soát lẫn nhau, thúc đẩy nhau làm việc cho ý đồ của lãnh đạo. Chính quyền miền Bắc và đệ nhất cộng hòa của miền Nam hiểu rõ điều này hơn cả. Thế nhưng khi miền Bắc chiến thắng, họ không chịu nghĩ rằng thanh niên hai miền đi chiến đấu chỉ vì hoàn cảnh địa lý. Họ tiếp tục “ngoáy mũi gươm sâu hơn vào kẻ chiến bại”. Đầu tiên là cả nước đi cải tạo, sau đó dân thành phố đi kinh tế mới và màn quật mồ tất cả miền Nam, dù lúc đó chưa cần đất để xây nhà cao cấp hay làm sân golf như bây giờ.
Chế độ hà khắc của thực dân có lợi cho Cộng Sản , nhưng việc thực hiện những ý tưởng ti tiện trên đã làm cho miền Nam trở nên có chính nghĩa, làm cho màu cờ vàng càng thắm hơn. Ngày nay lá cờ đó không tung bay trong nước nhưng xuất hiện trên khắp thế giới, đẹp đẽ hơn, vững vàng hơn.
Đó là chuyện của mấy chục năm sau.
Buổi sáng hôm đó sau khi được đổ xuống từ những xe molotova bít bùng, việc đầu tiên của đám binh sĩ miền Nam chúng tôi là tìm những vũng nước mưa để đánh răng súc miệng, sau đó nhặt nhạnh tất cả mọi thứ trông thấy như gỗ thùng, ván ép, bìa carton hay nylon để làm chỗ nằm. Khoảng 5, 6 trăm người được quây lại trong một diện tích mỗi bề chừng 1,2 trăm thước, chung quanh là rào kẽm gai của căn cứ Trảng Lớn, Tây Ninh. Rồi thì ai cũng phải quen dần với trật tự mới. Bí số của đơn vị là L1T3, thêm chữ “hòm thư” ở đằng trước, nhưng không phải để gửi thư ngay về nhà.

Tôi được ở trong một cái nhà nhỏ và thấp, tường mái được chắp vá bằng những miếng ván, mảnh tôn kỳ dị. Có lẽ là một nhà bếp của một đơn vị trinh sát mà tôi đọc được những dòng chữ viết bằng than trên tường. Những ngày đầu chưa phải làm gì cả, mọi thứ rất lộn xộn nên tha hồ đi loanh quanh tìm người quen. Có khi lách rào kẽm gai qua hẳn những đơn vị khác để thấy mọi nơi đều khá giống nhau mang chung một vẻ lầm than đói rách và chán chường. Buổi chiều tôi hay leo lên mái căn nhà dị hình đó để nhìn qua phía núi Bà, núi Cậu. Xa lắm trong ánh hoàng hôn có phải vườn mía nhà ai đang trổ bông trắng xác. Hình như có khói lam chiều tỏa ra trên chái bếp; và hình như có cả một cái xe bò chở đầy rơm khô đang khắc khoải lắc lư đi trên đường quê?…Cứ vào một giờ nhất định, một đàn chim trắng nhịp nhàng nối nhau  bay qua sườn núi. Tôi nhìn mãi cảnh đó cho tới khi trăng lên, mắt tôi nhòa đi và vạn vật chìm dần vào bóng tối. Cái cảnh đó bây giờ tôi gọi là bên kia cuộc đời.
Ở tù mới có một tuần lễ tôi đã ngứa ngáy tay chân – thiếu một cái gì ghê gớm lắm như thiếu thuốc phiện hay thuốc lào. Vâng , đó là thiếu một cây đàn. Cả đơn vị đang quản chế chúng tôi chắc gì đã có một cây đàn. Ừ, mà sao tôi không làm ra một cái đàn nhỉ? Năm 1972 hoàn toàn không có một kiến thức gì về nghề mộc cũng như không hề được ai chỉ dẫn, tôi đã làm được cây đàn đầu tiên. Nay sao không làm cây đàn đầu tiên của trại tù? Thế là ngục cầm bắt đầu thành hình trong tưởng tượng.
Đọc sách thấy người ta nói cá lớn nuốt cá bé. Mới hỏi cá bé nuốt gì để sống. Có người trả lời cá bé nuốt cá bé hơn và cuối cùng thì con cá bé nhất nuốt những vi sinh vật. Vi sinh vật thì nhìn thấy thế nào được? thế là hết ý! Thời đại bây giờ là thời đại của máy móc làm ra các sản phẩm cho ta tiêu dùng. Nhưng cái gì làm ra những cái máy ấy? Xin thưa chắc cũng là những cái máy chế tạo máy. Cuối cùng của cái máy chế tạo ra máy là cái gì? và đó cũng là câu hỏi tôi đặt ra cho việc làm một cây đàn mà hiện giờ không có một dụng cụ chế  tạo nào cả, kể cả con dao.
Thực hiện cây đàn ở đây thật là nan giải. Gỗ thông thùng đạn có nhiều, ván ép cũng có, sắt thép dây đồng cũng tìm được, nhưng dụng cụ như cưa bào đục hoàn toàn không có; và phải tìm ra cái khí cụ đầu tiên để chế tạo ra cưa bào đục…Cái đó chính là những vi sinh vật của biển, nuôi sống loài thủy tộc, hay là những máy đầu tiên chế tạo ra máy móc.
Đi lang thang lên khu 1, còn gọi là nhà lồng. Đó là một kiến trúc cao lớn, có lẽ là bộ chỉ huy hay chỗ giải trí của căn cứ. Tôi thấy có cả bar rượu, bàn bi-a…Những thứ này nặng lắm nên thoát khỏi bàn tay dân chúng vào hôi của, mà thật ra một cái bóng đèn điện cũng chẳng còn. Một anh tìm được mấy cây cơ bi-da khúc đuôi bằng gỗ quí. Từ gỗ này với một lưỡi dao nhỏ anh làm ra một bộ ống điếu 12 cái tuyệt đẹp; trông cứ như những ống điếu bày trong cửa hàng sang trọng. Một anh khác tìm được cái áo giáp. Bên trong áo giáp là một tập hợp của những miếng vải nylon dầy và chắc. Anh ta làm một cái nón kết với cây kim tự chế từ một cọng thép được mài nhọn một đầu, đầu kia đập dẹp và dùi một lỗ nhỏ. Tôi hỏi dùi lỗ kim bằng cái gì thì anh ta cho xem một cục thép cứng hình dáng giống hệt quả bom nhưng chỉ nhỏ bằng đầu đũa. Hình như đó là một viên bi trong quả bom bi. Những ống điếu và cái nón kết này đã thúc đẩy tôi phải làm cho được cây đàn guitar. Hôm sau tôi tìm được một nửa con dao bằng thép rất cứng nằm trong mán nước của căn nhà tôi đang ở. Đó là một nửa con dao đi rừng của quân đội. Tôi nhớ tới Hải Mã Tấu, có lần nó khoe đánh cận chiến bằng loại dao này. Mài thật bén trên nền ciment, tôi biết nó là khí cụ đầu tiên để tạo ra cưa, bào, đục..v.v..Hai miếng sắt vắt chéo nhau hình chữ x, mặt lưng của ba lô, một cái biến thành lưỡi bào, một cái biến thành lưỡi cạo. Nẹp thùng là lưỡi cưa; dây kẽm chặt xéo, một đầu đập dẹp là những cái đinh quí hóa thay cho keo dán gỗ.

Thế là đàn thành hình ngay với sự góp sức của Lại đức Thành và vài anh ham chơi khác, hình dáng thô nhám như đàn của mấy ông thượng cổ. Con ngựa được vặn hai con ốc vào mặt đàn. Phím đàn làm bằng những miếng nhôm cứng lấy từ băng đạn M16. Trục lên dây làm bằng gỗ, giống như của vĩ cầm nhưng đâm ngược từ sau ra trước (những cây đàn flamenco của Tây Ban Nha cũng làm theo kiểu này). Phải nhớ rằng những trục này tuy tròn nhưng có một đầu lớn một đầu nhỏ hơn. Có như thế dây mới không bị tụt. Khi phân phím đàn tôi mới hoảng hồn! Tu trước tới giờ khi làm phím đàn tôi chỉ dựa vào một cây đàn mẩu của ngoại quốc; nay không có mẩu thật kẹt. Nhưng tôi vẫn còn nhớ được vài điểm quan trọng.
– Dây đàn dài nhất gần ba gang tay tôi (26”)
– Các phím đàn không cái nào bằng nhau. Trên dài dưới ngắn theo một luỹ thừa thoái.
– Phím thứ 12 ngay giữa dây đàn.
– Phím 0 đến 7 = 7 đến 19 = 19 đến con ngựa. Nghĩa là dây đàn được chia làm 3 phần bằng nhau ở các phím 7, 19, và con ngựa.
– Phím 0 đến 5 = 5 đến 12 có nghĩa dây đàn chia làm 4 ở các vị trí sau: Phím 5, phím 12 và một phím ở dưới tâm lỗ thùng đàn (phím này không xuất hiện trên đàn guitar classic; guitar classic chỉ có tới phím 19)
Biết được những vị trí của phím 5, 7, 12, 19 khá chính xác rồi, tôi dùng giai điệu của những bản nhạc như Rommance để mò ra những vị trí các phím khác[3].
Tới phần làm dây đàn mới gay go. Xưa nay chỉ quen dùng dây nylon; bây giờ phải quay trở lại thời kỳ dây sắt. Cũng may đơn vị này có không biết bao nhiêu là dây điện thoại, dây bằng kim loại bóng láng và các máy biến điện nhỏ. Tôi dùng dây bằng thép để làm dây 1 và 2. Nhưng các dây phát âm trầm 3, 4, 5, 6 phải được quấn chung quanh sợi dây bằng dây đồng. Những dây càng trầm cần phải càng nặng hơn. Một máy quay tay rất đơn giản gồm 2 cọng dây thép uốn thành hình tay quay máy xe hơi đặt trên một miếng gỗ dài hơn dây đàn một chút. Thành quay một đầu, tôi quay một đầu từng vòng đều nhau. Dây đồng nhỏ từ từ quấn vào sợi dây thép căng thẳng hai đầu tay quay. Lâu lắm chúng tôi mới quay đủ 4 sợi dây đàn.
Khi những âm thanh lảnh lót của bài tình ca Romance vang lên thì các bạn mới giật mình, bao vây chung quanh mà hết lòng ca ngợi. Tôi nhớ hôm đó là ngày thứ 14 của đời tù binh. Tôi không hiểu tại sao các bạn tù của tôi lại vui mừng đến thế, cả đến ông Nguyễn Trường Phát chánh sự vụ sở Sổ Số Kiến Thiết nằm bên cạnh  (Lại đức Thành đặt tên là Phát Cam Tích hàng Bạc, vì có cái bụng rất to) mặt mũi khó đăm đăm cũng nở một nụ cười. Có thể họ đã linh cảm đang rơi vào một cuộc sống lưu đầy thê thảm, dài lâu, nên cây đàn tự chế là một tặng vật, một an ủi lớn lao cho những ngày kế tiếp.
Sáng hôm sau người khách đầu tiên của khu nhà lồng ghé thăm. Đó là một ông bảnh trai, có cái áo chemise rất đẹp. Ông đưa bàn tay ấm áp bắt tay tôi và tự giới thiệu “Tôi là Đỗ Tiến Đức làm điện ảnh”. Thế ra đây là người vừa đoạt giải văn chương toàn quốc với truyện Má Hồng. Anh ngắm nghía cây đàn kỹ lắm, không biết có thất vọng không vì thật thà mà nói nó như cây đàn của người tiền sử. Tôi định hỏi anh về cô Huyền, nhân vật nữ khá bí ẩn trong truyện Má Hồng; không biết là Huyền của trường Bồ Đề hay trường Nguyễn Huệ? nhưng lại thôi, vì trộm nghĩ nhân vật tiểu thuyết chỉ là hư cấu nhiều phần. Định bàn với anh về nhân vật của tiểu thuyết thì ít lâu sau anh đã đi biên chế, chẳng bao giờ gặp lại.
Buổi trưa đang nằm khoèo, gảy đàn lơ mơ thì cửa mở ra, một ông tù phải khom lưng cúi đầu bước qua ngạch cửa[4] của một cái cửa rất thấp. Trời đất quỷ thần ơi ! Đó là ông đồng viện và đồng nghiệp cầm đàn Nguyễn Đức Quang. Câu đầu tiên ông thốt ra:
– Ôi! còn gặp nhau là mừng rồi!
Trong bài Chiều qua Tuy Hòa (1968) ông có viết “ Cầu xưa xơ xác qua cơn bão tố (còn) người dân tan tác bên đường ngẩn ngơ”, có lẽ năm 1975, ông ấy tưởng tôi không chạy kịp qua cầu Đà Rằng dài tới 2 cây số hoặc là đã phơi xác trên quốc lộ số 1 cùng với bao nhiêu ông già bà cả, thiếu nữ, trẻ thơ. Câu thứ 2 ông ấy nói:
– Ơ lạ nhỉ? sao lại có cái đàn quái quỷ này?
Sau khi nghe giải thích ông vẫn chưa tin còn hỏi xem đã nhờ tay bộ đội nào mua dùm dây đàn; đến khi cho ông ấy xem cái “máy quay ma-ni-ven” để quay dây đàn thì ông ấy mới chịu tin.
Tối hôm ấy Lại Đức Thành thắp sáng căn nhà nhỏ bé dị hình ấy bằng nến. Mà không phải bằng nến đâu; hắn vào được nhà kho chứa súng và lấy được rất nhiều giấy hay vải tẩm sáp bọc súng. Những cây nến bằng giấy sáp này cho một ngọn lửa đục ngầu và một mùi khen khét! Không sao đâu, lão Đam già đã nấu một nồi trà vĩ đại toàn dây nhãn lồng với cam thảo nam (chính là cái cây để làm chổi chà). Lão Đam bảo rằng đó là danh trà Thái Đức thơm lừng. Một bạn khác dành dụm được ít cơm nguội, nghiền ra với đường tán rồi gói lá chuối vuông vức từng cái như bánh xu xê. Lúc đó đã qua nửa tháng, đồ ăn mang theo đã cạn, cà phê cũng chẳng còn; vài anh ghiền còn ít thuốc lá. Nhưng hút kiểu này hao lắm nên chúng tôi bắt đầu chế điếu cầy. Chỉ cần tí ti thuốc lá nếu hút tận tình, hút cho tụt nõ thì cũng có thể say bật ngửa ra đấy.
Du ca Nguyễn Đức Quang bắt đầu hát trước. Trong ánh sáng lung linh, trong khói thuốc mịt mù chúng tôi nghe lại Bên kia sông, Chiều qua Tuy Hòa, Vì tôi là linh mục, Như mây trên cao mà hầu hết là những tình ca được Quang phổ nhạc. Trước kia nhạc du ca của Nguyễn Đức Quang được hát trong rừng sâu, nơi ruộng đồng, sân trường đại học với khí thế bừng bừng của người hát lẫn người nghe. Hôm nay Quang cũng hát những bài cũ với cây đàn tự chế. Những người nghe vẫn yêu mến anh nhưng thấp thoáng chút ngậm ngùi, vì chúng tôi cũng như Quang đều hiểu rằng trình trạng ca hát thoải mái này sẽ không có nữa.
Người khách cuối cùng đến xem cây đàn là chính trị viên trung đoàn. Lúc này tôi đã làm cây đàn khác đẹp hơn và chính xác hơn nhiều. Đàn có một bộ trục lên dây bằng sắt còn khá tốt mà tôi đã tìm được trong lúc đào bới một giao thông hào. Có trời mới hiểu tôi đã được đãi ngộ một cách lạ lùng!…Chính trị viên trung đoàn cầm cái đàn một tay ngắm nghía:
– Các anh thế mà tài nhỉ! Cứ phát huy nhá!
Thế rồi phong trào làm đàn bùng lên mạnh mẽ không thua gì phong trào du ca! Anh khéo tay cũng làm mà anh tay ngang như cua cũng đòi làm. Có những cây đàn rất đẹp ra đời nhưng cũng có những cái đàn kỳ lạ: chỉ là 2 miếng gỗ hình chữ nhật như cái cặp táp học trò; có cái hình tam giác cân gắn thêm cần giống hệt đàn Balalaika của nước đàn anh Liên Xô vĩ đại. Balalaika là đàn có 3 dây sắt, lỗ phóng thanh chỉ bằng đồng xu, đánh lên nghe tức anh ách. Tôi tin rằng đàn này của mấy anh cải tạo Liên Xô bị lưu đày ở Tây Bá Lợi Á chế tạo ra; nó có cái hình dạng dị hợm như vậy chẳng qua là thiếu gỗ, y hệt như anh Tù ở L1T3 này.
Bây giờ không phải chỉ có guitar. Mandoline đã xuất hiện khá nhiều, có cả đại hồ cầm làm bằng can xăng mà tiếng rất hay. Thỉnh thoảng một đêm đẹp trời chúng tôi hòa tấu. Hàng chục cây đàn rên rỉ những bài Célèbre Valse hay Chiều Mát-cơ-va. Bộ đội đứng gác gần đó nghe cũng “sướng tè” luôn. Mặ dù được học “lao động là vinh quang” nhưng chúng tôi chưa phải lao động gì cả. Sáu nguời lo một luống rau muống. Tôi có thêm nhiều bạn mới: nhạc trưởng quân đội Nguyễn Phùng, không quân Nguyễn Thành và nhà văn Nguyễn Quang Hiện. Có ai thấy ông già Phùng cầm cây đũa điều khiển dàn hợp ca mới thấy quả thật là cần có một nhạc trưởng. Chất si mê của ông truyền từ đũa qua ánh mắt xuống tất cả mọi người cái hồn bản nhạc. Dạo ấy tôi đã bàn với Nguyễn Thành vấn đề vượt biển bằng thuyền… đóng thuyền kiểu nào, đi biển ra sao với hải bàn… Chính Thành về sau này đã thúc đẩy tôi làm được và lái con thuyền vượt biển đến bến bờ Tự Do. Đơn vị này không phải chỉ có Nguyễn Quang Hiện – trông rất an nhàn như một ông thông ông phán thời Tây thuộc địa, thường tới nghe đàn hay nói chuyện âm nhạc với tôi – mà còn có nhà văn tên tuổi Thế Uyên. Vẫn biết Thế Uyên tên thật là Nguyễn Kim Dũng nhưng theo Nguyễn Đức Quang còn có biệt hiệu khác là Dũng Ba Bi. Vẫn theo N.Đ.Q, Thế Uyên thích hút thuốc lào và tuyên bố phải hút ba bi liền mới đả. Nhưng một sáng sớm, có lẽ điểm tâm toàn nước lã, Thế Uyên ngồi trước bếp lò nóng hực những lửa than để hút thuốc, mới hút có một bi đã ngất ngư muốn nhào vô bếp lò, Quang phải nhanh tay kéo lại.
Rồi Quang cũng tấp tểnh làm đàn, luôn luôn có anh bạn trẻ tuổi tên Bạch cùng “kéo cưa lừa xẻ”[5]. Tôi đi ngang qua đội 2 thấy Quang và Bạch đang hì hục kéo cưa, mong xẻ làm hai một miếng ván thông, miệng thì lẩm nhẩm đếm. Tôi hỏi : bao nhiêu rồi? Quang đáp : mới có 8000 nhát, (thế mới biết là cái cưa tốt lắm). Buổi trưa Quang lại đến, tay lăm lăm một cái kìm mới toanh trông rất hiện đại. Bây giờ các anh tù đã khá thích nghi với hoàn cảnh; đi đâu cái đàu cũng cúi nhìn dưới đất. Lượm được gì thì la to: “ tiền không ! tiền không”. Quang đưa cao tay kìm nói:
– Làm ơn cho xin mấy cái đinh dép.
Theo ngón tay trỏ của Quang tôi mới thấy ngay chỗ tôi nằm, không biết ai đã “huởn” mà đóng lên tường gỗ cả trăm cái đinh nhỏ. Thế ra đàn của mình phải đóng bằng đinh dây thép, còn đàn của Quang lại được đóng bằng những cái đinh thật có mũ mão đàng hoàng. Thôi lỡ rồi, biết làm sao…Cầm nắm đinh trên tay thơ thới ra về có lẽ người nhạc sĩ cho tôi là kẻ hào sảng nhất trên đời!

Bây giờ chúng tôi làm đàn đã tiến bộ hơn nhiều. Máy quay dây đàn được sáng chế. Chỉ cần một người làm, cứ mỗi phút có thể sản xuất ra một sợi dây! một bạn khác, kỹ sư An đã tìm ra công thức phím đàn vô cùng chính xác. Nhưng bây giờ đã vào học tập, chuyện làm đàn phải gác lại. Mỗi anh tự đóng một cái ghế con, xách theo lên hội trường. Cán bộ Cộng Sản làm việc rất tùy tiện, nhưng bài bản “lên lớp”, nói năng thì giống hệt nhau. Những bài như Ba dòng thác Cách Mạng, Đế quốc Mỹ là con đỉa hai vòi… mà tôi đã nghe qua khi đi ngang các phường khóm được nói lại y hệt ở đây. Họ là những con vẹt, những con vẹt rất yếu đuối và rất sợ hãi con vẹt chính trị viên. Sau này ở một trại tù khác tôi đã kiểm nhận điều đó. Một quản giáo tên Trọng có nhờ tôi khắc lên cái điếu thuốc lào của anh ta 4 chữ: Phía Nam Tổ Quốc. Ngay hôm sau anh ta mang lại bảo tôi xóa đi. Tôi nói mấy chữ này hay lắm mà. nhưng anh ta bảo cứ xóa đi, tôi sợ thằng chính trị viên nó nạo,lôi thôi lắm!. À ra thế, địch thủ của chúng tôi đánh đấm cũng “ngoan cường” lắm, té ra chỉ vì sợ. Có thằng bạn sống sót ở Darkto trở về, nó bảo tôi còn vì chúng nó đói nữa. Lúc nào “oánh” thua, chúng nó đuổi rát quá cứ tháo ba-lô quăng mẹ nó đi là thoát chết. Mà ba-lô có đếch gì đâu, gạo sấy, mấy hộp thịt ba lát, bao thuốc quân tiếp vụ, tao chỉ tiếc cái bật lửa Zippo của con bồ tặng. Ôi sao tội nghiệp quá. Dần dần tôi bớt ghét những thằng bộ đội, chỉ thấy thương; rồi “giật mình, mình lại thương mình xót xa”
Nguyễn Đức Quang được bầu làm quản ca, Ở đây những chức vụ như đội trưởng, bếp trưởng nếu không là thằng bon chen xin xỏ thì cũng là vì nổi tiếng quá ở ngoài đời. Lúc này Quang săn nhặt ở đâu được một cái áo nâu ngắn cũn cỡn. Anh ta mặc vào, xương ngực gồ ra, hai bàn tay dài ngoằng thò rất xa ra khỏi cổ tay áo. Hai bàn tay ấy chỉ quen đệm đàn, nào có học múa đũa bao giờ, bây giờ trông vụng về khổ sở. Đầu tóc lại hớt rất cao, gò má xương xẩu, chỉ có hai con mắt là sáng quắc; nên trông giống hệt một “nhân dân nhạc trưởng”.
Một tháng trời lang thang trên chiếc xe đạp cà tàng mới tậu được trước khi lên đường đi cải tạo, tôi có dịp đọc rất nhiều tấm bảng và biểu ngữ. Cái nào cũng sơn đỏ, viết chữ vàng đậm. đặc biệt chữ nhân dân được lặp lại nhiều lần: quân đội nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, chiến tranh nhân dân, hiệu sách nhân dân, nghĩa trang nhân dân..v..v..Nhưng ngân hàng quốc gia Việt Nam thì được đổi thành kho bạc nhà nước! Vâng, tiền nó liền với ruột, không nên để cho nhân dân nó giữ!
Nhạc trưởng nhân dân Nguyễn Đức Quang tuy không múa đũa tài tình như nhạc trưởng Nguyễn Phùng, nhưng vẫn có cái phong độ của ngày xưa, rõ ràng minh bạch của một trưởng hướng đạo. Có điều phải cám ơn quản ca NĐQ vì chúng tôi chỉ phải hát những bài vô thưởng vô phạt: Bắc Sơn, Bạch Đằng Giang, Kết Đoàn..v..v..Quang tránh né không cho hát những bài vừa hát vừa chửi cha mình.
Riêng bài Kết Đoàn nghe khá bực bội:
1- Kết đoàn chúng ta là sức mạnh
3- Kết đoàn chúng ta là thép gang
3- Đoàn kết ta bền vững
4- Là thép hay là gang
5- Mà thép với gang còn kém bền vững
Chúng ta thề phá tan quân thù
Đập tan đế quốc sài lang
với phe phản động ta đập tan hoang…
Câu 2,3,4 bảo rằng đoàn kết thì có sức mạnh và bền vững như thép với gang. Nhưng câu 5 phủ nhận sự bền vững của thép với gang ngay lập tức. Tôi nói với thằng Trí, một đứa ở cùng tổ: Quân chúng nó thật là tráo trở; vừa mới nói thép gang là bền nhất rồi, thế mà câu sau nó đã chối ngay lập tức. Đúng là đồ vô liêm sỉ. Thằng Trí lấy hai tay bịt tai lại, ngoác mồm ra cười, hai chân di chuyển nhanh ra chỗ khác: Đó là mày nói, tao không nghe thấy, tao không có nghe!. Tôi vốn được bạn bè thương nên ở L1T3 tôi chưa bị mập đòn.
Những ngày tù an nhàn bên bạn bè thân thương rồi cũng qua mau. đã đến lúc phải chia tay thôi. Tôi không còn được làm đàn hay đánh đàn cho Quang và các bạn tù nghe nữa; tất cả trong tình trạng chuẩn bị biên chế đi chỗ khác.
Thế rồi Quang có tên trong danh sách đi trước cùng với những thành phần “ác ôn”. Buổi chiều trong lúc đứng ngoài cửa, tôi thấy Quang bịn rịn chia tay các anh em cùng tổ ở trong phòng. Lúc sau nhân mọi người sơ ý, tôi thấy Quang rút trong sắc tay một hộp sữa đặc len lén bỏ lại. Năm đó ở ngoài, đời sống đồng bào vô cùng cơ cực, thì phải hiểu rằng những thằng tù chúng tôi còn gặp khó khăn gấp bội. Thế mà bạn tôi, không hiểu xoay ở đâu được một hộp sữa, lại đem bỏ lại cho anh em.
Năm 2001 tôi có kể chuyện cảm động này tại nhà tôi cho nhiều văn nghệ sĩ nghe: Ngô Mạnh Thu, Vũ Ánh, Huy Quang Vũ Đức Vinh, Nhất Tuấn, Hà Huyền Chi, Cao thị Nguyệt Lãng, Nguyễn Thị Nhuận, Trần Mộng Tú, Nguyễn Thiện Cơ, du ca Hoàng Minh Châu và Kim Oanh, hai Nguyễn Đức Quang: Du Ca và Già Cơ[6], và nhiều người nữa không nhớ hết. Một ông trong bọn dưới hàng ghế hỏi vọng lên: hộp sữa đó là hộp sữa gì? Tôi trả lời: sữa con chim. Thế là cứ lăn ra mà cười. Ô lạ nhỉ, thế mà cười à? Annam ta gì cũng cười!
Hôm nay ngồi đây, vẫn trên cái sân khấu nhỏ của hội quán Lá Phong – nơi Quang thường lui tới hát cười – để viết đôi dòng tưởng nhớ; tôi còn nghe tiếng người du ca lanh lảnh bên kia rào kẽm gai gọi tên tôi nói lời từ biệt. Giọng nói rất lớn, rất vang, nhưng cũng chìm dần vào những tiếng ồn ào khác, tiếng bước chân chuyển động và tiếng rền của những chiếc molotova xấu xí ở đằng xa đang nổ máy chờ đợi. Ôi những chiếc molotova, những hung thần đem bao tuổi trẻ miền Bắc vào Nam nướng trên ngọn lửa thiêu; tối hôm đó lại chở các bạn tôi về một nơi xa xôi vô định, lành ít, dữ nhiều.
Hàng triệu thanh niên hai miền lăn vào chém giết nhau, hàng triệu gia đình, hàng triệu mối tình tan nát. Nếu đau khổ mà những gia đình VN phải gánh chịu có thể cân được, sợ rằng có thể nghiêng được quả đất này. Ba chữ Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc như lời một lãnh tụ lúc nào cũng muốn làm cha thiên hạ, thường thều thào nói, càng ngày càng mơ hồ, láo lếu. Bao nhiêu chủ nghĩa vĩ đại, bao nhiêu hy sinh vô bờ bến cuối cùng hiện nguyên hình một bọn tranh ăn, bám chặt lấy quyền lực.
Nguyễn Đức Quang người tha thiết yêu quê hương dân tộc này. Anh đã xin chọn cái miền đất khó khăn chưa ấm êm, chưa thanh bình ấy để làm quê hương. Nhưng bọn cầm quyền không cho anh chọn. Họ bắt bỏ tù anh và cấm tất cả những bài hát của anh; anh còn có quê hương nào để mà về?  Ở tuổi hai mươi, sống trong một đất nước tan hoang vì chiến tranh anh đã vội đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng: “Giờ còn có nhau, giúp nhau cho thật nhiều. Ngày nào mất nhau sớt chia không được đâu”. Cái thông điệp ấy không phải anh chỉ gởi cho những người đồng trang lứa với anh, trong thời đại của anh. Ngày nay hướng về tổ quốc, Việt Nam không còn phải là “một xã hội đang tan rã, một đất nước đang bị chia cắt từ đất đai đến tấm lòng” như Nguyễn Xuân Hoàng đã viết trong bài tựa tuyển tập Dưới Ánh Mặt Trời của Nguyễn Đức Quang; mà là một đất nước mục nát của bọn Quỷ Ma. 
Cuộc chiến đấu nếu có bây giờ thì chỉ là cuộc chiến đấu của Người chống lại Ma Quỷ. Hỡi những người trẻ sao cứ mãi lặng thinh, có muốn nghe bài “Im lặng là đồng lõa” của Nguyễn Đức Quang không? Nếu không tiện nghe thì xin gửi bài kệ nhỏ của Đặng Thế Tiến, một bạn đồng môn của Nguyễn Đức Quang:
Đại hồng – Quỷ
Tiểu hồng – Ma
Tâm bất lương
Diện vô sỉ
Thượng mãi quốc
Hạ mãi dân
Nam nô tài
Nữ nô tỳ.
Nhưng tôi phải thay mặt cho Đặng Thế Tiến xin lỗi tất cả người ở VN, còn nghĩ mình là người Việt, còn yêu quê hương, “yêu khiến lòng chẳng biết sao nguôi”!!

Cao Hoàng
Seattle 3/16/2013


Nguồn: Tác giả gửi bài và tranh
Chú thích.
[1] “Anh em ta về”: Tác giả không cố ý mỉa mai câu hát trong bài Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh Công Sơn.
[2] Giáo sư Thạch Trung Giả.
[3] Thật ra đây chỉ là sự trùng hợp tình cờ không mấy chính xác giữa thang âm tây phương( chia lẻ theo luỹ thừa thoái) và ngũ cung chia đều. Muốn hiểu rõ hơn về phím đàn, xin tìm đọc “ Những cây đàn của tôi”, một hành trình 30 năm chế tạo guitar cổ điển sắp phát hành.
[4] Thật ra tôi biết lý do là các đàn bà VN rất sợ chuột chù nó chui vào nhà nên ra lệnh cho các ông thợ mộc phải làm ngạch cửa thật cao để bọn này không thể lôi thôi tự tiện xâm phạm tư gia ? Nếu không phải lý do này thì là vì bọn chủ nhà nó láo lắm. Nó đặt bàn thờ gia tiên ngay bức tường đối diện cửa. Khách bước vào phải tự động cúi đầu nhìn ngạch cửa, không thì ngã trợn mắt ra đấy chứ! Lại còn cái cửa rất thấp nên phải khom lưng nữa cơ. Cúi đầu, khom lưng trước bàn thờ gia tiên nhà họ, là điều họ muốn khách làm.
[5] Đồng dao:
Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ !
[6] Già Cơ: Tôi có cái hân hạnh là quen cả hai Nguyễn Đức Quang. Người sau xui xẻo hơn nên bị người trước lấy mất tên; chỉ còn một chữ Già Cơ, thế mà không oán trách; còn viết một bài rất dài ca tụng anh bạn du ca. Đủ biết anh là người đại lượng và tốt với bạn bè. Cũng có lúc than: mặt mũi mình không giống con Già cơ, mình cũng chưa từng cờ gian bạc lận, sao chúng nó lại đặt chết một cái tên như vậy. Thật ra chữ Già Cơ cũng có thể hiểu ngược lại với non cơ hay cao cơ, thấp cơ! Người ta khen đấy chứ.
Để mà khoe khoang với đời là tôi có ông bạn nhạc sĩ tài giỏi, tôi sẽ nói tôi quen Nguyễn Đức Quang Du Ca, nhưng mà để có một người bạn tốt, người bạn chân tình và cũng tài giỏi thì tôi chọn Nguyễn Đức Quang Già Cơ.

No comments: