Ngọc Trâm cẩn thận đánh thêm chút phấn hồng rồi bước đến trước tấm gương lớn. Thường thì ít khi nàng điểm trang kỹ lưỡng. Không ngờ những thứ phấn son lỉnh kỉnh vô hồn này lại như có phép màu. Da mặt nàng trông mịn màng hơn. Vài dấu chân chim hậu quả của nhiều đêm thức trắng đã biến mất. Đôi môi mọng đỏ rõ nét trái tim. Và nhất là đôi mắt, chúng không còn là đôi mắt lờ đờ ngái ngủ, mà đã trở lại long lanh to tròn mắt nai thuở nào. Khoác vào chiếc áo thụng đen, đội chiếc mũ vuông và choàng tấm “hood” nhung dài vòng qua sau cổ, Trâm xoay mình ngắm nghía. “Cũng không đến nỗi tệ,” nàng tự thưởng cho mình một câu và đẩy cửa bước ra ngoài.
- Xong chưa Trâm? Nhanh nhanh lên, đi trễ sẽ hết chỗ đậu xe đó!
Tiếng Đại giục giã từ phòng khách làm Trâm mỉm cười. Đại lúc nào cũng vậy. Lo xa, vội vã, hối thúc, làm như sự chậm chạp sẽ cướp mất đi ý nghĩa của cuộc đời. Cũng đúng thôi. Đó là cái “bệnh nghề nghiệp” của Đại. Mua bán nhà mà chậm tay chậm chân thì sẽ mất hết mối. Nhờ vậy mà Đại khá thành công trong việc kinh doanh địa ốc.
Ra đến phòng khách, Trâm bỗng khựng lại khi bắt gặp ánh mắt Đại nhìn nàng. Ánh mắt thiết tha, nóng bỏng làm nàng thấy bối rối.
- Trời ơi! Hôm nay Trâm đẹp quá! Đại kêu lên, giọng xúc động. -Nhất là trong bộ áo mũ này. Chúc mừng tân Dược Sĩ!
Trâm trở nên lúng túng:
- Anh Đại kỳ ghê! Chọc Trâm hoài, làm như mới gặp lần đầu vậy.
- Anh nói thật đó! Hồi nào đến giờ đâu thấy Trâm trang điểm, nên hôm nay em trông thật lạ và đẹp như một nàng tiên!
Nói xong Đại với lấy xâu chìa khóa và cùng Trâm bước ra xe, lái về hướng Stockton.
Con đường từ thành phố Tracy đến đại học UOP (University Of the Pacific) Stockton Trâm thường lái xe qua lại hàng ngày. Mọi khi, qua khỏi khu ruộng “bí lồng đèn,” nàng thường lên cửa kín mít, tăng ga vượt qua cụm chuồng bò lộ thiên ướt nhèm nhẹp có đàn bò sữa mập ú đang đứng nhai từng nạm cỏ khô. Nhưng hôm nay Trâm bỗng thấy mọi thứ xung quanh đều đẹp, đều rất đáng yêu. Nàng thấy thích cả những ngôi nhà mới xây dựng hai bên đường theo kiểu kiến trúc tân thời mà trước đây nàng chê là có vẻ nực nội, rối rắm vì có quá nhiều mái vòm và cửa sổ quây quần đeo bám vào nhau. Nàng cũng thấy vui khi nhìn từng lùm cây xanh, từng ngả đường, ngay cả mấy nhà máy công nghiệp ì ầm ngùn ngụt khói ở Manteca dù mỗi lần chạy qua người ta phải nín thở.
- Tới rồi, Trâm vào đi. Anh kiếm chỗ đậu xe rồi sẽ vô sau. Đại nói rồi dừng xe trước cửa trường.
Trâm vén áo xuống xe, bước chân thong thả đảo mắt nhìn quanh để ghi dấu lần cuối hình ảnh ngôi trường nàng sắp sửa rời xa. Xung quanh trường đầy bóng mát nhờ rừng cây xanh mướt. Trời đã bắt đầu vào hè, nhưng không khí vẫn còn thật dễ chịu nhờ những cơn gió nhẹ. Khu vực khán đài dành cho buổi lễ được trang hoàng rực rỡ, dày đặc với biểu ngữ, bong bóng, và hoa. Quang cảnh trang trọng và sống động làm nức lòng các tân khoa áo mão chỉnh tề, nhộn nhàng như đàn bướm lượn khắp các ngả trong sân trường đại học.
Khi đoàn tân Dược Sĩ sắp hàng đi ra thì Đại len lỏi chen vào, quàng lên cổ Trâm một vòng hoa lan tím.
- Chúc mừng Trâm.
Anh nói nhanh rồi lùi lại, chụp vội mấy tấm hình, trước khi Trâm bước theo dòng người đi dần vào phía bên trong khán đài.
Đứng trong hàng chờ cho buổi lễ bắt đầu, lòng Trâm rộn ràng phơi phới. Nàng không ngờ mình đã vượt qua được những kỳ thi “chết người” mà còn “nguyên vẹn” như bây giờ. Bạn bè nàng có đứa mệt gần xỉu khi bước ra khỏi phòng thi, đứa thì bệnh liệt giường sau đó.
Trâm đến Mỹ cô thân độc mã với hai bàn tay trắng. Tiếng Anh học ở Việt Nam qua đây “có cũng như không.” Lúc mới qua, người bảo trợ là bà Sarah giới thiệu Trâm đi làm “cleaning” lau dọn cho các cơ sở kinh doanh trong thành phố. Hầu hết thời gian làm việc là ban đêm, ban ngày nàng đi học tiếng Anh. Khi liên lạc được với gia đình, nghe nói mẹ và ông bà ngọai dọn về quê nhưng nhà cửa đã bị bom đạn cày xéo tan tành, và họ che tạm một mái nhà tranh để sống. Trâm phải đi làm thêm cuối tuần ở McDonalds để có đủ tiền gửi về giúp mẹ.
Vài năm sau, nhờ Dave con rể bà Sarah giới thiệu, Trâm được nhận vào làm toàn thời gian cho hảng bào chế thuốc tây ở quận San Joaquin, khâu đóng gói. Ngày ngày làm việc, đụng chạm với thuốc men, đã làm trổi dậy trong Trâm cái ước mơ được trở thành dược sĩ. Sau khi giúp đỡ gia đình xây dựng nhà cửa và trang trải mọi thứ, nàng xin làm bán thời gian rồi nộp đơn vào Delta College.
Trâm cố gắng lấy “A” trong tất cả các môn, với hy vọng sẽ được nhận vào trường dược. Trước đây Đại cũng tốt nghiệp ở UOP, ngành “Business Administration.” Nhờ có sự hướng dẫn tận tình của Đại mà Trâm đã chuẩn bị rất kỹ càng. Cuối cùng nàng được nhận vào cái trường nổi tiếng là “khó nuốt” này. Đại nói có lẽ Trâm nhờ “good credit,” học hành xuất sắc cộng với nhiều họat động xã hội, làm thiện nguyện lâu năm. Trâm vui mừng nghỉ làm, chăm chú vào “lò luyện đơn” UOP ròng rã hơn sáu năm.
Ban nhạc của trường bắt đầu hòa tấu những bản nhạc vui rộn rã kéo Trâm về thực tại. Các vị Tiến sĩ, Giáo sư, các vị khách danh dự, áo mão xênh xang bước lên khán đài giữa những tràng pháo tay vang dội. Nhìn về phía quan khách, Trâm thấy gia đình bà Sarah và mấy người bạn làm chung ở hảng thuốc tây ngồi xa xa bên cánh trái. Đại ngồi ở dãy ghế đầu tiên, rất gần khán đài, tay lăm lăm cái máy ảnh. Lúc nào Đại cũng nhanh chân.
Cuối cùng rồi giây phút hạnh phúc cũng đến:
- Doctor Tram Ngoc Nguyen!
Trâm vội tới để ban hội đồng quàng tấm hood nhung vào cổ, nhận bằng tượng trưng, rồi bước lên bắt tay ngài Giám Đốc. Tiếng la hét “Hey! Hey! Doctor Tram!” hòa nhịp cùng tiếng vỗ tay từ phía quan khách và tiếng hò reo của các bạn cùng lớp làm bước chân nàng lính quính. Mắt rưng rưng, Trâm cúi chào và gửi một cái hôn gió về phía khán giả rồi bước xuống khỏi khán đài giữa rừng ánh sáng chớp lóe từ máy chụp hình của nhà trường, của Đại, và của mấy người bạn.
Theo sau buổi lễ tốt nghiệp là tiệc ngọt khỏan đãi của trường UOP dành cho các tân khoa và quan khách. Nhưng nhóm của Trâm không ở lại vì Đại mời tất cả cùng đến nhà hàng China Palace ở đường March Lane để ăn mừng. Anh đã đặt chỗ từ tuần trước. Thực đơn cũng được anh chọn lọc kỹ càng giống như đám cưới với tôm hùm, hải sâm, súp vi cá. Sự quan tâm và hào phóng của Đại đối với Trâm làm cho mấy vị khách Mỹ rất là thích thú. Họ nói, “Hai người thật xứng đôi.”
Trên đường về tâm trạng Trâm rất vui, nàng nói cười tíu tít. Cuối tuần này, nàng sẽ lên máy bay về Việt Nam một chuyến rồi mới trở qua đi làm. Trâm đã được nhận vào công ty dược phẩm nàng từng làm trước đây, nhưng mà làm cái job của một dược sĩ. Bi bô một lúc, nàng chợt nhận ra Đại chỉ ậm ừ mà không góp lời nào. Trâm đã từng tâm sự mọi điều với Đại, anh biết rõ mục đích của chuyến đi nên buồn khi nhìn vẻ hớn hở của nàng.
Trâm quen Đại cũng đã lâu lắm rồi, và quen trong một dịp khá bất ngờ. Đó là thời gian nàng làm thiện nguyện ở trung tâm “St. Mary.” Đến Mỹ, vừa làm vừa học thật là vất vả, nhưng nghĩ đến nỗi thống khổ của những người còn lại quê nhà, Trâm không hề than thở. Nàng luôn cám ơn bề trên đã đưa nàng an toàn đến bến bờ tự do, và biết ơn đất nước Hoa Kỳ đã cho nàng nhiều cơ hội. Nàng thấy mình phải có bổn phận sang sẻ chút gì đó cho những người kém may mắn hơn để gọi là đền đáp ân tình.
Khi nghe một người bạn học ở Delta College đang volunteer tại trung tâm “St. Marys Interfaith Dining Room” do nhà thờ St. Mary ở Stockton sáng lập cung cấp những bữa ăn miễn phí cho người homeless và người nghèo, Trâm cũng tình nguyện đến giúp hai ngày/tuần.Về sau, trung tâm mở rộng thêm chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho những người không có bảo hiểm. Chương trình này đã qui tụ được rất nhiều y tá, bác sĩ, nha sĩ giỏi đến từ các thành phố lân cận như Sacramento, San Jose, San Francisco, Oakland…mỗi tuần vài lần giúp khám chữa bệnh cho bà con. Trâm được chuyển sang phụ cho phòng khám. Nàng rất xúc động khi chứng kiến mỗi ngày có đến hàng năm bảy chục người, đủ mọi thành phần trong xã hội, lớp đứng lớp ngồi sắp hàng trước cửa trung tâm.
Tuy chỉ là một trung tâm “dã chiến,” nhưng vẫn được trang bị đầy đủ dụng cụ và các gian phòng khám nhỏ riêng biệt dành cho mỗi khoa, kể cả nha khoa, không khác gì một trung tâm y tế. Dù họ làm thiện nguyện, dù là bác sĩ danh tiếng, các bác sĩ đã đối xử với bệnh nhân rất thân thiện và chân tình, chữa trị hết lòng như là bệnh nhân ở phòng khám tư của họ vậy. (Ngày nay, hệ thống trung tâm khám bệnh “St. Mary” tuyệt vời này lần lượt được mở ra khắp nơi trên nước Mỹ. Dù đây là chương trình của nhà thờ, tất cả mọi người nghèo đều được giúp, không phân biệt tôn giáo. Chỉ cần lên mạng tìm “St. Marys Health Clinics” người ta có thể sẽ tìm thấy một trung tâm ngay trong thành phố họ đang sống. Lời tác giả.)
Trong một ngày bận túi bụi vì lo chuẩn bị hồ sơ cho quá đông bệnh nhân, Trâm không có thì giờ để ăn trưa. Cộng với mấy đêm trước nàng thức khuya ôn bài thi, lúc này cảm thấy kiệt sức nên xin về sớm. Lái xe về đến trước nhà, Trâm dừng lại mở cửa bước ra, bỗng cảm thấy mặt mày choáng váng. Chưa kịp ngồi xuống thì nàng đã ngã lăn ra, vừa lúc xe của Đại đang trờ tới. Anh thắng “két” sát bên chân Trâm, tưởng mình đã đụng người nên sợ đến mất vía. Sau khi gọi 911, anh mới biết đó là một cô gái Việt Nam. Và anh chạy theo xe cấp cứu vào bệnh viện San Joaquin, bỏ luôn cái hẹn đưa khách hàng đi dự “open house” ở Tracy. Thời điểm đó có ít người Việt định cư ở Stockton, nên gặp nhau hai người rất mừng và họ làm bạn với nhau từ đấy.
Đại là dân Sàigòn, năm 75 anh đang học năm thứ ba đại học Văn Khoa thì nước mất. Anh đến Mỹ năm 78 theo diện bán chính thức cùng gia đình bà dì có chồng Tàu Chợ Lớn. Mới đầu anh sống với gia đình dì ở gần khu phố Tàu Stockton vừa đi học vừa đi làm ở trạm xăng. Hơn năm năm sau, anh tốt nghiệp từ đại học UOP rồi xin được việc làm ở ngân hàng “Merchants National Bank” Sacramento.
Khoản giữa thập niên 80s, Đại thấy ngành xây dựng địa ốc đang phát triển mạnh, bùng nổ khắp nơi. Nhà ở, chung cư, cơ sở kinh doanh, văn phòng cho thuê mọc lên như nấm. Anh bèn rời cái job ngân hàng, chạy sang làm nghề địa ốc. Song song với việc giúp mua bán nhà cho khách hàng, Đại còn đầu tư riêng cho mình. Anh tìm mua những ngôi nhà cũ giá thật rẻ, sửa sang lại và lên list bán.
Nhờ thời điểm kinh tế Hoa Kỳ ổn định, việc làm tăng, thế hệ trẻ “Baby boomers” có thêm nhiều phụ nữ ra đi làm, những căn nhà “giá phải chăng” của Đại được bán rất nhanh chóng. Anh kiếm lời kha khá và dùng hết số tiền đó mua được hai cái “Fourplex” và một cái “Triplex” ở vùng bắc Sacramento, tân trang lại rồi cho thuê. Đại còn làm chủ một văn phòng địa ốc với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, và mua được ngôi nhà riêng thật đẹp trong khu an toàn Quai Lake, thành phố Stockton, trước khi các nhà đầu tư địa ốc California đồng lọat vỡ nợ cùng với các nhà đầu tư khắp nước Mỹ. Sự xây dựng quá mức dư thừa nhà cửa và cơ sở kinh doanh, mức cung vượt quá mức cầu, rất nhiều nơi bỏ trống vì không bán kịp, mà mức tiền lời quá cao nên họ bị vỡ nợ. Đầu thập niên 90s, cánh nhà băng cũng bắt đầu bị “nổ bụp” như bong bóng xà phòng theo con nợ. Đại không bị ảnh hưởng gì, vì anh đã ổn định được mọi thứ.
Đại gặp may mắn trong kinh doanh, nhưng về tình trường thì không. Chưa đầy hai năm sau khi kết hôn, cô vợ li dị anh và lấy một luật sư người Mỹ. Đại nhắc đến người vợ cũ một cách dửng dưng đến lạnh lùng, làm Trâm có cảm giác cặp vợ chồng này chưa bao giờ yêu nhau thật sự.
- Có lẽ vì anh là một sinh viên nghèo không có đồng xu dính túi, mà cũng có lẽ là vì tình cảm anh dành cho cô ấy không đủ lớn để giữ chân cô. Anh nói.
Ngoài cái tính lúc nào cũng tỏ ra vội vã, hấp tấp như sợ “mất phần,” Đại rất thông minh và tốt bụng. Suy nghĩ của Đại đối với nước Mỹ cũng giống như Trâm. Anh nói dù anh hận những người có trách nhiệm đã không làm tròn bổn phận của một nước đồng minh, đã bỏ chạy và đẩy miền Nam tự do vào tay Bắc Việt, nhưng anh cũng nhận biết tấm lòng nhân hậu của xã hội Mỹ đã bảo bọc và tạo cơ hội cho những người tị nạn tiến thân. Anh luôn cố gắng học hỏi để hội nhập với người bản xứ, chẳng những vì sinh tồn, mà còn chứng tỏ cho họ thấy ý chí phấn đấu của người Việt Nam. Để họ thấy rằng cưu mang người Việt tị nạn không phải là gánh nặng cho họ. Và họ sẽ nhận ra, chúng ta cũng là những thành viên quan trọng, đang chung tay xây dựng đất nước Hoa Kỳ.
Sau lần hôn nhân gãy đổ, anh gác lại mọi thứ để lo chuyện học hành. Rồi việc kinh doanh đã chiếm hết thời gian. Cho đến khi gặp Trâm. Bao nhiêu năm qua Đại hết lòng chăm sóc, giúp đỡ Trâm, nhưng nàng chỉ xem anh như một người bạn. Và Đại tôn trọng nàng nên đành kiên nhẫn đợi.
Ngày Trâm về Việt Nam, Đại đưa nàng đến phi trường San Francisco. Lúc ôm từ biệt để đi làm thủ tục vào phòng đợi, Trâm cảm thấy người Đại run lên. Miệng anh mỉm cười, nhưng hình như trái tim anh đang khóc. Trâm ứa nước mắt. Không dám nhìn vào đôi mắt buồn da diết của anh, nàng vội kéo chiếc vali nhỏ bước thật nhanh vào quầy làm thủ tục.
Ngồi trên máy bay, Trâm vẫn còn bàng hoàng vì cuộc chia tay vừa rồi với Đại. Định thần xét kỹ lại lòng mình, Trâm biết tình cảm nàng dành cho Đại chỉ là một tình bạn chân thành, không hơn không kém. Trâm rất khó nghĩ, và biết nàng nợ Đại rất nhiều, một món nợ ân tình. Đã ba mươi sáu rồi, đâu còn nhỏ nhít gì. Nàng biết nếu nàng cần kiếm một bạn đường, thì Đại sẽ là người chồng tốt.
Nhưng Trâm không làm chủ được trái tim. Mười sáu năm rồi, kể từ cái ngày tháng Ba đau đớn ấy. Nàng không thể nhận lời Đại khi chưa biết tin tức gì của Thuyên. Đây là chuyến đi mà nàng hằng chờ đợi.
Trâm lắc đầu và nhắm mắt lại, cố ngủ một chút. Nhưng nàng không tài nào chợp mắt. Hình ảnh bọn lưu manh trên chiếc tàu ở cảng Cam Ranh chỉa dao đe dọa, sờ mó khắp người các cô gái và phụ nữ, miệng cười hô hố tay tước lấy nữ trang, lại hiện ra trước mắt Trâm. Nhưng rõ rệt nhất, vẫn là cái âm thanh vang vang đã theo nàng từ đó đến nay. Đó là tiếng hét của Thuyên lúc anh vung tay đấm túi bụi vào mặt bọn côn đồ khi chúng tiến đến chỗ Trâm, “Chúng mày là một lũ khốn nạn! Nước mất nhà tan rồi, mà chúng mày còn mất đi cả nhân tính!”
Mặc cho Trâm khóc la ngăn cản, Thuyên đã nổi điên nên không thể dừng tay. Nhưng “mãnh hổ nan địch quần hồ,” anh bị bọn chúng đánh tơi bời rồi hè nhau liệng anh xuống biển.
Trâm thét lên đau đớn: - Anh Thuyên! Và ngã nhào bên thành tàu bất tỉnh, trong lúc chiếc tàu bắt đầu tăng tốc, chạy thẳng ra khơi. Một người đàn ông đứng tuổi đã che chở cho nàng khỏi bị người ta dẫm đạp. Cuối cùng, Trâm cũng đến được đảo Guam rồi đi định cư ở Mỹ.
Mãi đến khi liên lạc được với Thủy bên nhà, Trâm mới biết Thuyên không chết trong ngày hôm ấy. Anh may mắn rơi gần một chiếc ghe nhỏ đang chạy qua và được người ta cứu, sau đó ra trình diện rồi đi tù. Thủy có đến nhà tìm nhưng ba Thuyên cũng không về quê. Kể từ đó không ai biết tin tức gì về anh nữa.
- “Hi!” Tiếng chào của người tiếp viên hàng không đang đẩy xe phục vụ bữa ăn làm Trâm giật mình.
- Chị thích chọn phần ăn nào? Phần có cơm trắng thịt kho hay phần có bánh mì thịt băm?
Niềm vui được trở lại quê nhà đã làm cho Trâm “no đến tận cổ” nên nàng không cần lựa chọn:
- Cái nào cũng được, cám ơn cô! và nàng hạ cái khay trước mặt xuống.
Vừa ăn, Trâm vừa chú ý đến tiếng nói cười đùa giỡn khá lớn của một nhóm ba cô cậu hành khách cỡ tuổi “teen” ở hàng ghế trên. Toàn là dân “đầu đen” nhưng nói tiếng Anh rất sỏi. Có lẽ bọn họ là Hoa Kiều từ Mỹ đi du lịch Đài Bắc, vì nàng nghe họ bàn tán rất rôm rả về đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch “Chiang Kai Shek Memorial Hall” và viện bảo tàng Cung Điện Quốc Gia “National Palace Museum” của Đài Loan. Sự vui nhộn của bọn trẻ đã đưa Trâm trở về lại thuở học trò.
Hồi đó ở Nha Trang, Trâm là đứa nhỏ tuổi nhất trong đám bạn năm đứa. Cô bé có đôi mắt to tròn ngơ ngác như chú nai con và mái tóc dài đen nhánh là học sinh xuất sắc của trường Thánh Tâm nghiêm khắc, sau chuyển lên Lê Quí Đôn. Trâm nổi tiếng ngoan hiền, được nhiều nam sinh trường khác ngưỡng mộ.
Nhưng không hiểu tại sao, cách tán tỉnh của đám “nhất quỉ nhì ma” thời ấy thường là chọc phá, làm cho cánh con gái hận thù. Trâm đã bị nhóm công tử nhà giàu ở khu vực Lê Đại Hành để ý. Tụi nó cá độ với nhau, nếu đứa nào dám tán tỉnh và hôn được cô bé thì cả bọn sẽ chi một chầu “nhậu mút chỉ.”
Có một ngày chiếc Mobylette bị hư, Trâm phải đi bộ theo đường tắt. Bọn chúng biết được, phục sẵn ở đó chờ. Tan học, Trâm mang cặp ra về, băng qua đường hẻm trong tâm trạng thơ thới vì mới được điểm cao nhất lớp môn văn. Bất thình lình một tên xông ra, nhe răng cười hềnh hệch:
- Người đẹp ơi! Đi đâu mà vội, vào đây với anh đi! Anh sẽ cho em cả một đời, một đời trai mười hai bến nước, trong nhờ đục …quậy!
Trâm hốt hoảng:
- Ông làm ơn tránh đường cho tôi đi, không tôi la lên bây giờ.
Hắn lì lợm:
- Anh hai thách em la đó! Thử xem ai dám vào đây can thiệp chuyện chúng mình!
Vừa nói hắn vừa xáp vào Trâm, đôi tay chờn vờn toan giở trò sàm sở. Trâm sợ hãi lùi sát bờ tường của con hẻm. Hắn nhào đến ôm Trâm thật chặt và chuẩn bị hôn nàng.
Trâm vùng vẫy, đập chiếc cặp vào mặt hắn. Chiếc cặp rơi xuống đất, Trâm vuột khỏi tay hắn, bỏ chạy.
Nhưng hắn đã kịp thời chụp được vạt áo dài của nàng giật lại, và …soẹt một cái, vạt áo bị đứt ngang eo.
Trâm hoảng hốt dùng hai tay che phần da thịt hở hang, cắm đầu chạy trối chết. Nàng đâm sầm vào một người đang đi ngược chiều. Và người này đã giúp nàng, đánh bọn chúng đến vãi cả máu mũi. Sau khi bọn kia bỏ chạy, thấy Trâm mặt mày ửng đỏ, dùng tay che lại chỗ vạt áo bị rách, người ấy vội ngoắc cho nàng một chiếc xích lô.
- Chuyện xảy ra như trong cinê, “anh hùng cứu mỹ nhân!” Thủy la lên khi nghe Trâm kể lại chiều hôm đó.
Rồi trong khi Trâm ngồi thẫn thờ vì đã không kịp hỏi tên người ân nhân thì có tiếng gõ cửa. Thuyên xuất hiện. Thì ra Thuyên là cháu chồng của bà cô Trâm. Vì xa quê lâu ngày lại không thường liên lạc nên hai bên không biết nhau. Thuyên cho biết nhân đi Đà Lạt nộp đơn vào trường Võ Bị Quốc Gia, anh ghé vào Nha Trang thăm bà bác. Khi trưa anh đến đường Lê Đại Hành đưa dùm thư cho thằng bạn, thấy Trâm bị nạn nên ra tay giúp đỡ.
Ông nội của Thuyên trước kia là dân Hòa Hiệp, võ nghệ đầy mình. Ông cưới vợ Tuy Hòa rồi “ở rể” luôn ngoài này. Có một giai thoại về việc ông cưới bà truyền tụng ở địa phương và được kể luân lưu trong đám con cháu. Bà nội Thuyên từng là một hoa khôi, được nhiều người đeo đuổi. Trong số đó có vị võ sư danh tiếng ở địa phương. Người võ sư đó đã thách đấu với ông. Nếu thua, ông phải vĩnh viễn “biến mất,” không được lai vãng ở vùng này. Trong cuộc thi, mỗi người bưng một vò nước, nhảy qua khỏi nóc cái nhà tranh mái chái. Và dưới sự chứng kiến của xóm giềng, ông nội Thuyên, theo lời kể dù đang mặc bộ đồ bà ba trắng lệch phệch, đã bưng một vò nước đầy, nhún chân nhảy qua khỏi mái nhà, rồi nhẹ nhàng đáp xuống đất, mà nước trong vò không sánh ra một giọt. Trong khi đó, cú nhảy của người võ sư kia làm nước bắng tung tóe ra ngoài. Ông cưới được vợ và sau này còn dạy võ cho rất nhiều người. Đã qua mấy đời, trong gia đình Thuyên ngoài cánh phụ nữ, tất cả đàn ông con trai ai cũng đều giỏi võ. Cho nên ngày hôm đó anh đã tẩn cho bọn kia một trận nên thân.
Và nhóm của Trâm có thêm thành viên thứ sáu. Trước khi Thuyên nhập ngũ, cả bọn đã có một thời gian rất vui vẻ cùng nhau. Khi thì kéo đi trại cá Cam Ranh ăn gỏi cá tươi, đi hòn chồng ăn hàu nhúng giấm, rồi đi Suối Tiên bơi lội. Mọi người đều thấy Trâm và Thuyên là “một cặp trời sanh” nên đi đâu họ cũng đùn cho hai người đi chung. Rồi Thuyên vào quân đội, cả bọn còn lại đều được vào đại học. Đến cuối tháng Ba 1975, Thuyên cùng đám binh sĩ của chàng đã uất ức, đau đớn rời bỏ Ban Mê Thuột theo lệnh triệt thoái, thất thểu theo đoàn quân chạy dọc Liên tỉnh lộ 7 xuống Tuy Hòa, rồi đến Nha Trang gặp lại Trâm và đám bạn. Họ cùng nhau chạy vào Cam Ranh. Tại cầu tàu Đá Bạc, người ta xô đẩy, dày xéo lẫn nhau, bọn họ đã bị lạc mỗi người mỗi ngả. Thuyên kéo tay Trâm cùng lên được trên một chiếc tàu lớn. Và tai họa đã xẩy ra…
Sau mười tám tiếng đồng hồ mệt mỏi của hai chuyến bay, cuối cùng Trâm cũng về đến Saigòn. Mẹ nàng thuê xe từ Tuy Hòa cùng Thủy vào phi trường tân Sơn Nhất đón và chạy về luôn trong đêm. Mười mấy năm xa cách, nước mắt nào khóc cho hết nhớ thương. Mọi người tranh nhau nói cho đến khi mệt lả. Nhiều lần Trâm muốn hỏi bạn về Thuyên, nhưng vì có mặt mẹ nên không tiện mở lời. Xe ra đến Đại Lãnh thì trời đã sáng. Người tài xế tấp vào một quán cóc bên đường.
- Quán này có món cháo tôm tươi và mực luột, ngon lắm! Mình nghỉ để ăn sáng đã. Anh ta nói.
Mọi người cùng ngồi vào bàn chờ đợi. Trâm nhìn ra biển Đại Lãnh. Buổi sáng sớm biển lặng yên bình. Ghe đánh cá có lẽ còn ở cả ngoài khơi. Trong bến chỉ còn lại những chiếc ghe cũ kỹ bị bỏ quên đứng im lìm trong góc bãi, trông chúng buồn bã như đang hoài niệm thời dĩ vãng vàng son. Trời vẫn trong, biển vẫn xanh, gió vẫn mát như ngày nào, nhưng lẫn lộn trong rặng thùy dương lại có lác đác vài cây lá cành xơ xác, gục đầu như luyến tiếc, chạnh lòng dùm cho người lữ khách vừa trở lại cố hương. Cảnh cũ còn đây, mà đâu rồi người xưa.
- Trâm nè! Mày có nhớ lần tụi mình về Tuy Hòa bằng Honda không? Đây là đọan đường bắt đầu cho cuộc đua vượt đèo Cả.
Trâm chợt sững sờ khi nghe Thủy hỏi. Quên à. Có ai quên được nơi mối tình đầu nở hoa không nhỉ.
Trước khi Thuyên vào quân trường, cả nhóm rủ nhau chạy Honda về Tuy Hòa. Vào khỏan đầu năm 70, tình hình chiến sự đột biến, xe đò chạy trên Quốc Lộ I đọan từ Vạn Giã ra đến Đại Lãnh thường phải chuyển đổi, chuyền nhau “tăng bo” chở khách để tránh hố mìn hố bom. Nhưng xe nhỏ như Honda hay xe đạp thì có thể luồn lách vào những con đường mòn bên trong chạy luôn một mạch. Cả bọn đều trẻ tuổi nên chẳng ngán “thằng Tây” nào. Cứ đi lụi tới đâu hay tới đó, chừng nào đi không lọt thì về. Ra đến Đại Lãnh, Tấn cảm thấy hào hứng vì đường đi trót lọt bèn nêu sáng kiến:
- Nè các vị! Sắp về đến Tuy Hòa rồi. Đèo Cả này là đọan đường khó đi nhất, tôi đề nghị chúng ta làm một cuộc đua. Ai về đến Tuy Hòa trước thì sẽ được “muốn gì ăn nấy” và ai về sau chót là người phải “mở hầu bao.” Mọi người đồng ý không?
- Đồng ý! Mọi người reo vang. Rồi cả bọn ầm ầm vượt qua khúc quanh tiến lên đèo Cả.
Đường đèo ngoằn ngoèo hiểm trở, một bên núi đồi hùng vĩ, bên kia biển xanh bao la. Giữa đèo là cái lô cốt to đùng chất đầy bao cát với đài quan sát cao vời, bên trong có người lính ngồi canh. Xa xa về hướng Bắc là ngọn núi Đá Bia dáng uy nghi lừng lững, nhưng cô độc như người thiếu phụ trông chồng. Dưới cảng Vũng Rô, xe nhà binh xe dân sự di chuyển rộn ràng. Từ bãi đậu trực thăng đến cầu tàu chạy dài ra biển, những bóng người mặc quân phục tất bật tới lui. Phong cảnh xung quanh đèo trông thật thiêng liêng huyền bí nhưng lại nhuộm đầy màu sắc chiến tranh. Thuyên bỗng quên khuấy mất cuộc đua. Anh chậm tay ga lại.
- Mình đến đây ngắm biển một tí đi Trâm. Anh sắp đi rồi, mà ngày về còn xa xôi quá, không biết chừng nào mới ngắm lại được khung trời kỷ niệm hôm nay.
Giọng anh thật buồn. Anh dựng xe rồi dắt tay Trâm bước lại gần bờ vực, đứng đàng sau mấy cuộn kẽm gai nhìn xuống biển. Vực sâu thăm thẳm, lởm chởm đá núi trụi trơ, cây cối xác xơ vì đã bị đốt dọn để bảo đảm an toàn cho căn cứ quân sự. Vạn vật u ám, nhưng bầu trời lại quang đãng như vô tư với thế sự đảo điên. Mặt nước xanh lơ, ngọn gió nồm làm sóng biển xôn xao như lòng họ đang dậy sóng. Thuyên chợt ôm lấy vai nàng:
- Trâm nè! Thật ra anh không muốn rời xa thành phố, nhất là xa em. Anh đã bị em “hớp mất hồn vía” ngay lần đầu tiên anh nhìn thấy em trưa hôm đó. Nhưng làm trai thời chiến, anh phải đi để bảo vệ tổ quốc. Em nhìn xem, quê hương của chúng ta đáng lẽ phải thanh bình, xinh đẹp, chứ sao lại tiêu điều hiu quạnh thế này! Em có thể chờ anh không?
Trâm đứng lặng người, mãi một lúc sau mới lên tiếng:
- Trâm cũng nghĩ như anh! Nhưng anh đừng lo. Em chỉ mới mười bảy tuổi. Nếu đậu tú tài, em còn phải đi đại học. Anh cứ yên tâm nhập ngũ. Em sẽ chờ. Dù cho vật đổi sao dời, em cũng sẽ chờ anh!
Khi Thuyên và Trâm về đến Tuy Hòa thì trời đã tối. Cả đám bạn đang nhốn nháo chuẩn bị đi tìm. Vì mãi sôi nổi với cuộc đua, cả bọn đã bỏ quên một cặp đồng hành. Kết quả là Thuyên “méo mặt” chi trả tất cả cho tối hôm đó vì anh và Trâm là người thua cuộc.
- Nhưng mà Trâm nè, mình đã thắng lớn đó!
Thuyên nói với nàng tối hôm sau, lúc hai người ngồi kề bên nhau ở quán chè dưới Phường 6, gần bờ biển. Trâm ngơ ngác:
- Thắng lớn? Em không hiểu.
Thuyên cười âu yếm, giọng anh thiết tha:
- Là mình đã được nhau! Chúng mình sẽ mãi mãi bên nhau nghe em.
Trâm ngã đầu vào vai anh, lòng lâng lâng. Ngoài kia tiếng sóng vỗ bờ nhịp nhàng như tiếng vỗ tay chứng kiến cho lời hẹn ước của họ.
Phương Hoa
No comments:
Post a Comment