Kính thưa quý thầy
cô và các anh chị,
Dù không được
diễm phúc là học trò của Thầy, nhưng Thukỳ rất may mắn được quen
biết Thầy, người mà cả trường Nguyễn Huệ nói chung, và tỉnh Phú Yên
nói riêng, ai cũng biết. Các anh chị, khi nhắc về Thầy, đều bầy tỏ lòng
kính phục, quý mến và biết ơn…Khi Thukỳ hỏi về Thầy thì các
anh chị đều bảo: "Thầy rất nghiêm khắc, dạy rất giỏi, công
tâm, thương học trò, nhất là học trò nghèo..." làm Thukỳ cảm phục
hết lòng.
Người Thầy
khả kính ấy chính là Giáo Sư Dương Đình Đống, người đã chọn Tuy Hòa,
Phú Yên làm quê hương yêu dấu của mình; đem hết tâm huyết, lương tâm để
rèn luyện, dạy dỗ học sinh nơi vùng đất hiền hòa từ khi mới ra
trường năm 1962 cho đến khi mất nước....
Bị kẹt tại quê
nhà, Thầy sống với những tháng ngày kỷ niệm; và khi không được đi dạy
lại, Thầy tâm sự: “Nhiều đêm âm thầm rơi lệ ướt cả gối, sáng dậy
mới hay…”
Thukỳ xin hận
hạnh giới thiệu đến các anh chị hồi ký “Ngày Đầu Tiên Và Cuối Cùng
Đi Dạy Học” của Thầy Đống gởi đến chúng ta qua những kỷ niệm thầy trò và sân
trường mến yêu.
Trân trọng,
Thukỳ.
Nhớ:
· Hai lớp Đệ Nhị A và B năm hoc 62-63
· Khối lớp 12 A , B và C năm học 74-75
Trư ờng Trung học Nguyễn Huệ, Tuy hòa
Cách đây 43 năm, từ Đại học Sư phạm Sài gòn, Tôi được bổ về dạy
tại trường, Trung học Nguyễn Huệ, Tuy hòa.
Sáng hôm ấy, trời thu mát lạnh dễ chịu, trên đường Nguyễn Huệ đến trường, Tôi bảo ông xích lô đạp chậm để Tôi thưởng
thức cảnh vật, nhất là hai hàng dương
liễu xanh tươi, song song và thẳng tắp ở vệ đường sao mà đẹp quá, lại có nhiều chim sẻ nhảy nhót vui nhộn trên
mặt đường, lòng Tôi lâng lâng hớn hở và
tự hào khôn xiết!
Trước khi vào
trường, Tôi rảo mắt, qua hàng rào dây thép gai, nhìn ba dãy lớp trệt cũ, hình chữ U, quét vôi màu hồng, rồi ngước lên tấm bảng to tướng “TRƯỜNG TRUNG
HỌC NGUYỄN HUỆ” đặt trên hai trụ cổng cao ngất cũng màu hồng, như muốn
nuốt chửng “cô dâu mới” lạc lõng này.
Tôi nhè nhẹ đệm
từng bước đi trên mô đất cao dẫn vào văn phòng trường, rón rén cố tránh dẫm lên những bụi cỏ tươi mà
Tôi có cảm tưởng như đang chào đón và khích lệ Tôi, trong khi mắt không dám nhìn thẳng vào trụ cờ
trước mặt, như kính sợ sư trang nghiêm
của ngôi trường, “ngôi chùa mà từ nay
Tôi quyết chí xuất gia tu hành, ” nhưng
Tôi liếc rất nhanh và “ghi” rất rõ tất cả những chuyển động của các em đang
chơi dưới sân ở hai bên lối vào trường. Xa
xa, trước các phòng phía tay phải có nhiều em nam nữ lớn hẳn so với phần còn
lại. Đang vui đùa, các em này chợt dừng lại nhin về phía Tôi, rồi
tụ năm, tụ bảy vừa chỉ chỏ, vừa nói gì với nhau. Tôi biết ngay đó là hai lớp Đệ
Nhị A và B, những lớp lớn nhất của trường mà Tôi sẽ “gặp gỡ” sáng nay. Tim Tôi
hồi hộp thêm. Lần này Tôi nhin thăng về các em ấy. Tôi chợt thấy một em cao
nhất trong đám- mà sau này Tôi biết là Phạm Phích- cười nói gì đó với các
bạn rồi đưa tay phải để ngang trước ngực, vừa tỏ cho bạn vừa cho Tôi hiểu là
ông thầy này lùn quá, chỉ cao tới ngực anh ta thôi! Các bạn cười òa…Trong phút
chốc Tôi cảm thấy hoang mang, nhưng lòng tự tin trở lại với Tôi ngay. Tôi chợt
nhớ lời thầy Tôi, giáo sư Rheim, ở ĐHSP Sài gòn vào dịp Tết Nguyên đán trước
đó. Thầy vừa cười vừa thân mât hỏi Tôi:
-Tai sao Anh chọn
nghề dạy hoc này? Anh có lầm không, có ân hận không?
Tôi ngạc nhiên:
-Thưa Thầy, con
không biết! Con thi đậu thì con học thôi ạ.
- Ở bên Pháp, nước tôi, chon sinh viên ĐHSP là rất khó: Sau khi đậu viết
rồi, thí sinh phải vào vấn đáp để giám
khảo loại ra những người không thích hợp với nghề này. Anh: lùn, ốm, đen thế này thì làm sao dominer (chế ngự )
hoc trò? Tôi xem Anh chỉ được có phát âm tốt và thiện chí thôi!
- Thưa Thầy, nước con không có lệ ấy; hơn nữa, trong dân gian có câu “quen
sợ dạ, lạ sợ áo quần” Dĩ nhiên điều Thầy nói
không sai, nhưng đó chỉ là cái nhìn ban đầu (première vue) thôi. Nhưng dạy học
là một quá trình tiếp xúc lâu dài giữa Thầy và Trò, còn cần nhiều yếu tố khác
như kiến thức, tinh thần làm việc, đạo đức nghề nghiệp và cách xử thế nữa, có
lẽ chẳng đến nỗi nào!
-Vous avez raison! (Anh có lý!)
Tôi vững tin điều đó khi nói với ông thầy mà Tôi rất kính trọng và nhớ mãi
…
Một lúc sau, Tôi vào lớp. Cả lớp
đứng dậy trang nghiêm chào thầy giáo mới, thầy Lý Hóa. Tôi tỏ ra không mặc cảm
và thân thiện ngay từ đầu, niềm nở với các em và mời tất cả ngồi xuồng. Tôi đi
qua lại trên bục cao trước bảng xanh để giáo đầu vài câu “lung khởi” vừa cố tìm
em học sinh cao lớn đã “chào Tôi” ở ngoài sân, mặc dù em ấy cố né sau lưng bạn,
nhưng cái đầu cao nghều của em thì không lẩn vào đâu được! Tôi nhẹ nhàng
bước xuống lớp, đi giữa lối đi, nhìn tất cả các em, nam cũng như nữ, và cố tình
chìa cho Phích một cái mỉm cười thân thiện, cởi mở, thông cảm và Tôi thoáng
thấy em ấy tỏ ra một chút bối rối và ân hận!.
Cả lớp im phăng
phắc, chăm chú theo dõi và ghi chép những điều Tôi giảng và vẽ trên bảng. Thế
là bước đầu, hầu như Tôi chiếm được tình
cảm của lớp. Tôi đã chuẩn bị bài giảng đầu tiên rất công phu. Sau gần hai giờ, trong
lúc đang say sưa giảng, bỗng tiếng kẻng báo hiệu đã đến giờ nghỉ. Tôi sẽ ngừng
giảng. Bỗng nghe, lúc đầu vài tiếng lốp bốp, sau đó là tiếng vô tay vang rân của cả lớp…
Thầy Trò chúng tôi chia sẻ nhau những cái nhìn tin tưởng và trìu mến. Rồi nhiều
em dạn dĩ đến gần bàn thầy hỏi
thăm Tôi đủ thứ chuyện, đầy lễ phép và kính trọng.
Lòng Tôi
tràn ngập niềm vui sướng, mắt mờ mờ, lảo đảo bước xuống bục giảng, đi về
phía văn phòng và tự nhủ: “Đống ơi, chưa đủ đâu, còn phải cố gắng nhiều, rất nhiều nữa và suốt
đời!”…
Tôi đã yêu trường
Nguyễn Huệ như yêu nhà mình và yêu học sinh như yêu con em mình vậy. Niềm
tin chỉ có giáo dục mới làm thăng hoa con người càng ngày càng vững vàng trong
Tôi. Với tâm nguyện làm tất cà mọi điều trong khả năng của mình để giúp đỡ các
em hoc sinh.Tôi vui mừng vì Cha Mẹ, Anh Chị Em và Vợ Tôi đều là nhà giáo, một
lòng vun đắp cho việc Học và Dạy.
Giữa năm 1975, sau
ngày 30/4, đất nước thống nhất, tất cả Thầy Trò Nguyễn Huệ cùng nhau đi khai
hoang, vỡ hóa ở An hòa, Tuy an; lớp Tôi hướng dẫn được bầu xuất sắc toàn
trường. Nhớ lại những gương mặt hồn nhiên của các em lúc ấy, đến giờ Tôi vẫn còn bồi hồi xúc đông…Ai ngờ đó
là thời kỳ chấm dứt nghề giáo của Tôi cũng như của rất nhiều đồng nghiệp nam nữ
khác… Trường Nguyễn Huệ lúc ấy có 104 giáo sư thì có đến 100 người không còn
được gọi tập trung đi học “bồi dưỡng”vào dịp hè đó, để chuẩn bị cho năm hoc
tới. Chỉ có hai ông Nguyễn Phụng Lãnh và Cao Quang Đức (vừa ra trường đại
hoc) là được gọi vì có cha tập kết, còn
hai ông nữa là Phan Xịa và Ngô Liên Phương, vì có “dây mơ rễ má” gì đó, thì sau
đó cũng được dạy lại, nhưng phải nhận
nhiệm sở rất xa, ở đâu miệt Sơn hòa, Củng sơn…Cả gia đình Tôi 6 người đều không
ai được đi dạy lai . Riêng Tôi, vì xem
chuyện dạy hoc là lý tưởng phục vụ và, vì lúc ấy chưa hiểu rõ, chưa “ngộ” bản chất của nền “giáo dục xã
hội chủ nghĩa”; vì vây, việc không được đi dạy đã làm Tôi quá phẫn
uất nên nhiều đêm liền, nước mắt
chảy ra dầm dề, ướt cả gối, sáng dậy mới hay!
Tháng 8/76 Tôi, Tôi
bị CA đến nhà bắt đi tra khảo, “chụp mũ” phản động và bắt đi tù lao động rất
cực nhọc và khắc nghiệt đến gần 5 tháng mới được cho về với lý do “vô
tội!”. Vừa đến nhà thì anh Lương của Tôi
(cũng là giáo sư Nguyễn Huệ, từ Qui nhơn xin đổi về), vừa ra tù (vì trước đó là
Trung úy trợ y) sau 1 năm ở trại giam Ngân điền, thuộc vùng rừng núi hiểm
trở, nước độc và có sốt rét ác tinh, thuôc huyện Đồng xuân, tỉnh Phú yên. Anh
đau gan nặng do lao động quá sức, thiếu nghỉ ngơi, thiếu thức ăn và thiếu thuốc
men, phải được đưa gấp vào bệnh viên Sùng Chính, Sài gòn (nay là BV Chấn thương,
chỉnh hình) và qua đời ngay trên giường
mổ!
Suốt mấy mươi năm
sau đó, Tôi làm rất nhiều nghề khác nhau: Thợ hồ, thợ mộc, thợ hớt tóc thợ may,
thợ chụp ảnh dạo, thợ nấu nhôm để đúc nồi và đúc vành xe đạp, thợ uốn, hàn
điện, làm vành xe đạp và thợ điện lạnh, kể cả hoc Hoa ngữ, nhưng đều thất bại vì tính
Tôi không thể thích nghi với môi trường xã hội quá ư hỗn tạp, lừa đảo, nịnh hót,
phản bội, bội tín chỉ vì đồng tiền…Riêng các nghề như thợ may,
thợ chụp ảnh, thợ điện lạnh, học Hoa ngữ, Tôi đã học rất bài bản ở trường lớp
trước khi hành nghề, có môn Tôi đã hoc đến 6 tháng hay 1 năm, được cấp bằng hẳn
hoi. Cuối cùng, có người khuyên Tôi nên
làm thợ “chà đồ nhôm” tức là “chôm đồ nhà” đem đi bán; nhưng Tôi lại không thể
làm nghề này được, vì nhà Tôi đâu còn thứ gì giá trị để bán nũa! Thế là Tôi đươc miễn cưỡng hưởng nhàn, ở nhà
nấu ăn và dạy con, sống bám vào thân cò
của bà vợ hiền thục làm nhân viên ở BV Tâm thần! Và Tôi hiểu rằng, Tôi chỉ thành công, tâm đắc
và toại nguyện với nghề đi day hoc mà thôi.
Giờ này nhìn lại
các em học sinh cũ, nhất là các em kế cận năm học 74-75; thấy các em đã trưởng
thành, sẵn sàng dấn thân vào cuộc mưu sinh lập nghiệp và khá thành công trong
các cơ quan chính quyền, trong trường học cũng như trong kinh doanh, kỹ nghệ; chẳng
những thế mà tư duy và kiến thức của các em rất có nền tảng và nhân cách rất
cao. Đó là điều đáng mừng, đáng tự hào. Thành
quả hôm nay phần nào có “dấu ấn” của các Thầy Cô trường Nguyễn Huệ:
“Con hơn Cha, nhà có phước,
Trò hơn Thầy, nước phú cường.”
Riêng Tôi, Tôi vẫn luôn luôn nghĩ đến trường Nguyễn Huệ, mái trường đã gắn
bó đời nhà giáo của Tôi, âm thầm làm tất cả mọi viêc theo khả năng của mình để
động viên, giúp đỡ các em, mong muốn các
em thành công, thành đạt nhiều hơn nữa trong cuộc sống– nhưng phải luôn luôn
giữ gìn nhân phẩm - .
Tuy Hòa, mùa lạnh năm 2005
Thầy Dương
Đình Đống
No comments:
Post a Comment