Friday, April 22, 2016

"TÔI TIN MÌNH ĐÃ LÀM ĐÚNG" (Người Lính Già)





Kính thưa quý Thầy Cô & Các anh chị,

Tháng Tư -1975 đã gây ra bao nhiêu đau thương tang tóc , tủi hận cho cà toàn dân miền Nam chúng ta.
Những khi nhắc đến ai ai cũng phải  ngậm ngùi, nhất là  khi nhớ về những vị Tướng đã tuẩn tiết thà chết chứ không hàng Cộng Sản.

Trong số các Tướng lãnh đó có Thiếu Tướng Trần Văn Hai (Cựu Tỉnh Trưởng tỉnh Phú Yên vào năm 1965) rất tiếc lúc đó Thukỳ còn quá nhỏ để không có dịp ngưỡng mộ và biết nhiều về ông, người mà dân tỉnh Phú Yên luôn luôn mang ơn, ghi nhớ luyến thương, và hết lòng kính trọng.  Vị Tỉnh Trưởng đầu tiên được mô tả với sự trong sạch, thái độ ngay thẳng và yêu mến dân chúng hết cả tấm lòng của mình.

Ngày rời Phú yên để nhận chức vụ mới, vị cựu Tỉnh Trưởng được mô tả mà khi đọc lại ai cũng ngậm ngùi rơi lệ: Rời Tuy Hòa với một túi vải nhỏ, và lên một máy bay thường, ông đã cám ơn các binh sĩ đã tận tình làm việc với ông trong thời gian ở Phú Yên và ông nói: “Có thể người ta cho rằng mình là những đứa dại, chỉ biết làm việc mà không biết đục khoét, nhưng tôi tin tôi đã làm đúng…”

Vào ngày 30 tháng 4 năm 75 Ông đã uống thuốc độc tự vẫn ngay trong văn phòng làm việc của mình, Trước đó ông đã giao cho vị sĩ quan tùy viên của mình  $70,000 (bảy mươi ngàn đồng VN) đó là số lương tháng cuối cùng của ông nhờ trao lại cho Mẹ ông.  Đọc đến đây Thukỳ đã khóc như chưa bao giờ mình được khóc !!!

Xin trân trọng giới thiệu đến 2 bài viết về vị Tướng anh hùng và cũng là người đã hết lòng thương mến Phú Yên: “Tôi Tin Mình Đã làm Đúng” & “Phút cuối cùng của Tướng Trần Văn Hai” Xin gởi đến ông với tất cả lòng kính phục, quý mến và trân trọng nhất của người Dân đất Phú.

Trân trọng,
Thukỳ.






“Tôi tin mình đã làm đúng” – Người Lính Già


Bài đọc suy gẫm: “Tôi tin mình đã làm đúng”, câu tâm sự với binh sĩ của Tướng Trần Văn Hai, một vị tướng thanh liêm, trong sạch của QL-VNCH. Người sau này đã tuẫn tiết trong ngày 30-04-1975 để giữ vẹn lòng trung với đất nước. Nhân tháng tư đen, những ngày quốc hận lại về. Blog 16 thân mời quý độc giả theo dõi những thăng trầm của ông qua bài viết “Tưởng niệm Tướng Trần Văn Hai”, tác giả Người Lính Già.
          Tưởng Niệm Tướng Trần Văn Hai
Người Lính Già
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi ông Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội buông súng dâng miền Nam cho tập đoàn Cộng Sản Bắc Việt làm tiêu tan nền tảng hợp pháp hóa sự xâm lăng của chúng thì một số quân nhân các cấp không chấp nhận đã tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng hoặc tự sát. Trong số các anh hùng đó, có các danh Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai*, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, nguyên Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân.
Với mục đích góp thêm vài nét chấm phá rất thực để tưởng niệm một người quân nhân thuần túy bất khuất, coi quyền lực như không có và đôi khi gần như ngạo mạn, không tham sân si và cả cuộc đời chỉ nhằm đóng góp nỗ lục cho Đất Nước…
Phải thẳng thắn nhìn nhận là ít ai để ý và biết tới tân Thiếu Úy Trần Văn Hai tốt nghiệp Khóa 7 trường Võ Bị Đà Lạt tình nguyện ra chiến đấu tại chiến trường Bắc Việt năm 1952 bổ nhiệm về phục vụ Tiểu Đoàn 4 Việt Nam (Thiếu Tá Đặng Văn Sơn Tiểu Đoàn Trưởng, sau này là Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 2, rồi Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân (BĐQ) Dục Mỹ). Sau khi đất nước bị chia đôi và người Pháp lần lượt trao trả quyền quản trị, điều khiển các quân khu lại cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (đặc biệt là Quân Khu 4 trên cao nguyên từ trước vẫn hoàn toàn do các sĩ quan Pháp nắm giữ) và do một cơ duyên nào đó ông Hai gặp Đại Úy Đặng Hữu Hồng là một chuyên viên tình báo mới được bổ nhiệm lên cao nguyên làm Trưởng Phòng 2 Quân Khu 4 đã nhận thấy ông Hai rất có thiện chí với nhiều khả năng về tình báo nên đã đề nghị rút về phụ trách ban binh địa của Phòng 2 Quân Khu, sau đó vinh thăng Đại Úy đi làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 81 địa phương đồn trú tại Phan Thiết rồi về làm Đại Đội Trưởng chỉ huy công vụ Trung Đoàn 44 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp khóa bộ binh cao cấp tại Hoa Kỳ thì Đại Úy Trần Văn Hai đã trở nên quen thuộc và được nhiều người biết đến trong tình thân thương cũng có mà thù ghét cũng không phải là ít. Khi Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ được thành lập để huấn luyện các đơn vị Biệt Động Quân cũnh như rừng núi sình lầy, mưu sinh thoát hiểm cho sĩ quan, hạ sĩ quan của các đơn vị và sinh viên sĩ quan của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Đại Úy Hai là một trong số những huấn luyện viên tận tụy làm viếc hết mình theo đúng quan niệm: Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, và mồ hôi của ông luôn luôn ướt sũng bộ đồ tác chiến như mọi người đã nhìn thấy.
Năm 1964, Đại Úy Trần Văn Hai được vinh thăng Thiếu Tá sau khi mang lon Đại Úy liên tiếp 9 năm và được bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên và cũng chính từ ở chức vụ này ông đã có dịp bộc lộ các cá tính và con người thực. Dưới đây là phần trích dẫn bài của Lôi Tam (tức anh Lê Đình Lãm, Cựu Trưởng Ty Nội An  phu quân của chị Nguyễn Thị Hằng, chú thích của TK) viết lại cuộc đối thoại của một nhóm quân nhân và công chức trẻ mà chính anh là một:
– Tụi bây bỏ hết công việc ra đây mai mốt anh Mũ Nâu lại gọi vào chửi cho cả đám.
Anh Mũ Nâu là biệt danh chúng tôi dùng để gọi Trung Tá Hai Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng vốn xuất thân là Biệt Động Quân.
– Ối ăn nhằm gì, chửi bới là nghề của anh ấy, không có chuyện cho anh ấy chửi, anh ấy bệnh ngay. Dưới mắt anh ấy cả nước này chỉ có mình anh ấy là khá, kỳ dư còn lại là lũ ăn hại, đái nát…
– Tụi bây chửi anh ấy cũng tội nghiệp, phải công nhận là anh ấy có thiện chí. Nếu nước mình mà có vài mươi mạng như anh ấy thì cũng đỡ khổ.
– Đỡ qúa chứ cũng đỡ gì…chỉ riêng cái việc anh ấy không ăn bẩn là tao sợ anh ấy rồi… 

Chúng tôi kính phục Trung Tá Hai vì sự trong sạch, thái độ ngay thẳng và lòng yêu mến dân chúng thật tình của ông. Trong thời gian phục vụ dưới quyền ông, chúng tôi phải làm việc gấp hai ba lần hơn khi làm việc với các ông Tỉnh Trưởng khác nhưng cũng là thời gian mà chúng tôi thích thú nhất…
…Ông không bao giờ cười, họa hoằn lắm mới có một cái nhếch mép nhưng lại có máu khôi hài lạnh. Tôi nhớ sau cuộc hành quân tại Vũng Rô, một phái đoàn Tướng Tá Việt Mỹ đến Phú Yên tham dự cuộc thuyết trình về thành quả. Trong khi ông Hai đang thuyết trình về tổn thất địch thì một ông Đại Tá Mỹ đứng dậy đặt câu hỏi là trong số thương vong của địch có bao nhiêu phần trăm do hỏa lực bộ binh?
Trung Tá Hai không trả lời ngày, ông có vẻ suy nghĩ, một lát sau ông nói:
– Tôi rất tiếc không thể trả lời câu hỏi của Đại Tá lúc này được.
Mọi người có vẻ ngạc nhiên, viên Đại Tá Mỹ cau mày hỏi:
– Tại sao vậy Trung Tá?
Ông Hai hơi nhếch mép, tôi biết ông đang cố gắng nén cái cười ngạo mạn.
– Tại vì tôi chưa kịp viết thư cho viên Tướng Cộng Sản ở vùng này. Lẽ ra tôi phải viết thư trước và yêu cầu hắn chỉ thị cho binh sĩ của hắn khi bị sát hại bằng hỏa lực phi pháo thì phải nằm riêng ra một chỗ và khi bị bộ binh bắn chết thì phải nằm riêng ra một chỗ để chúng ta dễ đếm và thống kê, lần này thì chịu, theo nhận định của Bộ Chỉ Huy hỗn hợp thì đầy là một cuộc hành quân phối hợp hoàn hảo của Hải, Lục, Không Quân, thương vong của địch rải rác lẫn lộn, tình thế cũng không cho phép binh sĩ của ta ở lại lâu tại vị trí giao tranh để làm thống kê tỉ mỉ, vì vậy tôi không thể trả lời được câu hỏi của Đại Tá.
Trung Tá Hai có thể nén cười được, nhưng chúng tôi thì không…
Trung Tá Hai rời chức vụ Tỉnh Trưởng vì một chuyện rất nhỏ** …Ông Tướng Tư Lệnh Vùng đang say mê một cô ca sĩ; biết rõ như thế nên một số các ông Tỉnh Trưởng trong vùng thi nhau làm vui lòng ông mỗi khi cô ca sĩ này đến trình diễn tại địa phương.
Ông Hai không cần biết điều này và ông cũng không cần tìm biết làm gì vì bản chất của ông: thanh liêm, chính trực. Sau một lần không làm vừ lòng Tướng Tư Lệnh về những chuyện công vụ, một tháng sau ông Hai bị thay thế, chúng tôi tiễn ông ra máy bay trực thăng… và hành trang của ông là một túi vải nhỏ, loại mà các phi công thường sử dụng mỗi khi đi bay…
– Tôi cám ơn các anh chị đã tận tình làm việc với tôi trong những tháng vừa qua, có thể người ta cho rằng mình là những đứa dại, chỉ biết làm việc mà không biết đục khoét. Nhưng tôi tin là mình đã làm đúng…
Thảo luận với ông về những khó khăn trở ngại ông thường nói: Tôi biết, tôi biết, tôi đã di qua chiếc cầu đó rồi, đừng nản, sớm muộn gì đất nước mình cũng có ngày sáng sủa…
…Ông về làm Chỉ Huy Trưởng BĐQ vinh thăng Đại Tá…Sau Tết Mậu Thân được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, vinh thăng Chuẩn Tướng, Tư Lệnh Biệt Khu 44, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 2, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Huấn Khu Dục Mỹ và cuối cùng là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh.
Khi ông vừa rời Phú Yên về trình diện Bộ Quốc Phòng thì cũng đúng lúc chức Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân đang trống và ông Hai được bổ nhiệm điều khuyết để trở lại nơi ông đã xuất thân với những tình cảm thân thương.
Vừa nhận chức với buổi họp tham mưu đầu tiên tại Bộ Chỉ Huy, ông đã giành tối đa thời giờ để lên lớp đúng theo danh từ mà Lôi Tam dùng để diễn tả các chỉ thị Tham Mưu chính yếu nhằm quét dọn rác rưới trong việc điều hành, thuyên chuyển nhân viên, sử dụng quỹ xã hội cách rất đúng đắn và những ngày sau đó đi thăm viếng các đơn vị, đặc biệt là những đơn vị trú đóng những căn cứ hẻo lánh, các trại gia binh và các thương bệnh binh đang nằm điều trị tại các quân y viện.
Quyết định đầu tiên của ông là xuất quỹ xã hội trao tặng cho mỗ đơn vị 5000 dồng để tổ chức cây mùa xuân, ông quan niệm đây là tiền của anh em đóng vào thì họ phải được hưởng, và hơn nữa ông là một người trong sạch nên ông coi giá trị đồng tiền khá cao, tại mỗi đơn vị ông giơ cao bao thơ đựng tiền lập đi lập lại nhiều lần khiến mọi người phải cười thầm.
Đặc điểm của ông là luôn luôn lắng nghe và ghi nhận những khó khăn của các đơn vị trưởng và dù với cấp bậc khiêm nhượng ông không ngần ngại đến gõ cửa chính các vị Tư Lệnh vùng để trực tiếp can thiệp giải quyết vấn đề chứ không qua các vị Tham Mưu Trưởng. — đâu có đụng chạm, có khó khăn là có sự hiện diện của ông và đặc biệt là nhiều khi mùi khét của thuốc súng giao tranh chưa tan ông cũng không ngần ngại đáp trực thăng xuống để cùng chia sẻ ngay tại chỗ với đơn vị và đặc biệt với các cấp chỉ huy về những nỗi khó khăn gặp phải mặc dù đó không phải là nhiệm vụ chính yếu được ấn định cho chức vụ Chỉ Huy Trưởng binh chủng của ông là quản trị.
Trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, chính ông đã trực tiếp điều khiển các Liên Đoàn BĐQ hành quân giải tỏa vùng ven đô gây tổn thất nặng nề cho địch quân cũng như giảm thiểu thiệt hại cho dân chúng.
Đại  tá Trần Văn Hai đang điều binh từ một góc phố trong Chợ Lớn trong trận Mậu Thân 1968. 
Khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG), ông có đem theo một số sĩ quan và hạ sĩ quan để cùng tiếp tay với ông điều hành công vụ và ông đã tỏ ra rất cứng rắn đối với những người này. Trường hợp Đại Úy La Thành H. cùng quê và được ông coi như một người em đỡ đầu được bổ nhiệm làm Trưởng Ty Cảnh Sát Quận 10 nhưng có những hành động lợi dụng chức vụ, tức khắc bị ông áp dụng biện pháp trừng phạt và trả về quân đội, trong đó có luôn cả chánh văn phòng của ông.
Khi một đại diện của Giám Sát Viện phàn nàn với ông về những bê bối trong ngành Cảnh Sát, ông trầm ngâm trả lời: Tôi biết, nhưng vấn đền không thể giải quyết một sớm một chiều mà phải kiên nhẫn tìm ra những đầu mối, những tương quan thế lực chằng chịt thì mới ngăn chận được. Từ ngày về đây tôi đã gặp khá nhiếu khó khăn, mình như người vác chiếc thang dài đi trong căn nhà hẹp, bốn bề đều đụng chạm. Không ai muốn mình làm những điều mình thấy cần phải làm.
Tướng Hai là một quân nhân thuần túy, không biết hay nói cho đúng hơn là không bao giờ chịu luồn cúi. Khi mới nhận chức Chỉ Huy Trưởng/BĐQ và lúc đó uy quyền của Tân Sơn Nhất hay nói đúng hơn là Tướng Kỳ đang ở thế thượng phong nên có người đặt vấn đề là nếu ông muốn vững tiến thì cần phải tìm cách móc nối để lọt vào vòng ảnh hưởng, nhưng ông làm ngơ. Với ông, bè phái là một từ ngữ xa lạ.
Theo tiết lộ của cụ Trần Văn Hương khi cụ được chỉ định làm Thủ Tướng thay thế Luật Sư Lộc, cụ đề nghị với Tổng Thống bổ nhiệm một tướng lãnh có khả năng chỉ huy chiến trường là Trung Tướng Đỗ Cao Trí làm Tư Lệnh Quân Đoàn 3 và Đại Tá Trần Văn Hai, một sĩ quan trong sạch làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát. Nhưng có lẽ đó cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nằm trong kế hoạch loại bỏ ảnh hưởng của ông Kỳ.
Khi vừa nhận chức được ít lâu thì ông Bộ Trưởng Nội Vụ muốn đưa đàn em về coi Cảnh Sát Tư Pháp nên yêu cầu ông Hai cất chức Phụ Tá Tư Pháp là Luật Sư Đinh Thành Châu, nhưng ông Hai thẳng thắn trả lời: Nếu ông Bộ Trưởng muốn thay xin cứ ban hành nghị định, tôi sẽ thi hành nhưng tôi không thấy LS Châu có lỗi lầm gì hết. Để dằn mặt và trả dũa về sự cứng đầu của ông, phụ phí cho Cảnh Sát đã bị cắt giảm quá một nửa, ông biết như vậy sẽ gặp rất nhiều trở ngại cho sự thi hành nhiệm vụ nhưng vẫn làm những gì mà lương tâm ông nghĩ và coi đó là lẽ phải.
Với thời gian hơn một năm làm TGĐ, ông Hai chỉ đến gặp Tổng Thống, Phó Tổng Thống và Thủ Tướng khi có lệnh hoặc vì công vụ phải đích thân trình bày, ngoài ra không bao giờ mon men cầu cạnh và chưa bao giờ người ta thấy ông mặc thường phục đi xe hơi mang số ẩn tế hoặc công xa lộng lẫy với xe hộ tống võ trang cùng mình chạy trước, chạy sau dẹp đường mà chỉ sử dụng chiếc xe jeep cũ của BĐQ mang theo với vài người cận vệ ngồi phía sau. Người ta cũng không mấy ngạc nhiên khi thấy ông bị thay thế trở về Quân Đội vì cụ Hương đã rời phủ Thủ Tướng và hơn thế nữa, các thế lực sẽ không thể chi phối các hoạt động của Cảnh Sát nếu còn để ông tiếp tục nắm giữ quyền điều khiển cơ quan này.

Mùa hè đỏ lửa 72, Cộng quân đẩy mạnh các nỗ lực tấn công có tính cách trận điạ chiến cắt đứt các trục giao thông chiến lược, đặc biệt là đoạn Quốc Lộ 14 nối liền hai thị xã Kontum Pleiku và Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 2 Quân Khu 2 cũng vừa mới nhận chức muốn chứng tỏ khả năng chỉ huy của ông cũng như tạo một tiếng vang nên ra lệnh cho lực lượng BĐQ phải hành quân giải tỏa đoạn Quốc Lộ nêu trên với sư tăng cường của một Chi Đoàn Thiết Kỵ giao tiếp với một thành phần của Sư Đoàn 23 nhưng liên tiếp bị chận đánh không tiến lên được như ý muốn của ông nên trong một buổi họp tham Mưu, Tướng Tư Lệnh*** đã trút giận dữ cho là BĐQ không chịu đánh, ra lệnh thay thế các cấp chỉ huy liên hệ bằng những sĩ quan khác đồng thời còn hướng về Tướng Hai lúc này đã được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn và nói: Biệt Động Quân của anh đó. Bị miệt thị và nhất là tự ái binh chủng của ông nên ông đã thẳng thắn đáp lễ là ông sẽ đứng ra trực tiếp điều khiển cuộc hành quân và ngay sau chấm dứt ông sẽ rời khỏi Quân Đoàn 2 vì ông không thể cộng tác với một ông Tư Lệnh làm việc tùy hứng…Hai ngày sau đó lực lượng Biệt Động Quân giao tiếp được thành phần tiếp đón từ Kontum tiến ra, Tướng Tư Lệnh đã bay tới nơi với một phái đoàn báo chí để ngợi khen cái bắt tay có tính quyết định này. Tuy nhiên, để giữ lời hứa, Tướng Hai yêu cầu được rời Quân Đoàn 2, sau đó về làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Huấn Khu Dục Mỹ, nơi mà trước đây ông đã phục vụ với tính cách một huấn luyện viên nhỏ bé; nhưng ông chưa ngồi ở chức vụ này được bao lâu thì Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn 4 nên ông Hai được bổ nhiệm thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam trong chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 7, một đại đơn vị nổi danh với những vị Tư Lệnh tiền nhiệm yêu nước, trong sạch gồm cố Trung Tướng Nguyền Viết Thanh và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Một đơn vị đã hoạt động một cách hữu hiệu trong nhiệm vụ chận đứng sự xâm nhập của các đơn vị Cộng quân trong mưu toan cắt đứt đường liên lạc tiếp tế từ miền Tây về thủ đô và đó cũng là đơn vị đã chứng kiến hành động khí phách phi thường nhất của ông với niềm tin sắt đá sớm muộn gì đất nước mình rồi sẽ có ngày sáng sủa.
Cùng các Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Tướng Hai đã ghi đậm một nét son cho trang cuối của quân sử Việt Nam Cộng Hòa.
Nhân ngày quân lực, xin đốt nén nhang cho những tang trung liệt, những người đời đời là nỗi tiếc thương và niềm hãnh diện cho Quân Dân Miền Nam, cho mọi thế hệ, cho mọi thời đại của giòng sử đấu tranh Việt.
Người Lính Già – Đa Hiệu 52

Chú thích:
*  Sinh năm 1929, Cần Thơ, tốt nghiệp khoá 7 Trường Võ Bị Liên Quân, Đà Lạt. Ông nguyên là Tư Lệnh Sư Đoàn 7/BB thuộc QĐIV/ QKIV từ ngày 1-3-1974. Trước đó ông cũng từng đảm trách các chức vụ như Tỉnh Trưởng tỉnh Phú Yên (năm 1965), Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Trung Ương (năm 1967), Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia (năm 1968), Chỉ Huy Trưởng Trung tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Chỉ Huy Trưởng Huấn Khu Dục Mỹ (năm 1971), Tư Lệnh Phó QĐII/ QKII và kiêm nhiệm Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Hành Quân Chiến Thuật QĐII/QKII (năm 1972).
Trong ngày 30-4-1975, khoảng 17:00 giờ tại Bộ Tư Lệnh SĐ7/BB ở Mỹ Tho, chuẩn tướng Trần văn hai đã uống thuốc độc ngay trong văn phòng của mình. Vị sĩ quan tuỳ viên sau khi phát giác chủ tướng của mình đã quyên sinh, đã đưa ông qua Tiểu đoàn 7 Quân Y mong cứu được ông, nhưng mọi nổ lực đều quá muộn. Buổi chiều trong ngày, trước khi uống thuốc độc chuẩn tướng Trần văn Hai trao cho vị sĩ quan tuỳ viên số tiền 70.000 đồng nhờ đưa cho người mẹ già của mình. Đây cũng là tháng lương cuối cùng của một người lính suốt đời liêm chính.
**  Đầu năm 1966, phu nhơn của Thiếu tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Quân Đoàn II và Quân khu 2 là nữ ca sĩ Minh Hiếu tới Phú Yên có việc riêng và lệnh của tướng Vĩnh Lộc là phải đón tiếp chu đáo.  Thiếu tá Hai lúc đó đã được thăng cấp Trung tá, quyết định dùng tiền riêng thuê xe dân sự đưa đón thay vì dùng công xa.  Vì chuyện này mà Trung tá Hai mất chức tỉnh trưởng với lý do ‘không hoàn tất chu đáo nhiệm vụ’. Theo BĐQ.com
***   Tức Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân đoàn 2, quân khu 2. Theo BĐQ.com

No comments: