Friday, April 8, 2016

SAO CHIỀU (Cao Hoàng)





Kính thưa quý Thầy Cô & các anh chị,

Thầy Hoàng Thế Hào viết văn & làm thơ rất tuyệt, ngoài tài viết Thầy còn yêu thích âm nhạc…
Đàn giỏi, hát hay…Một người với đầy nghệ sĩ tính, nên Thầy rất dễ gần gũi với mọi người nhất là học trò, Thầy luôn có sự cảm thông thương quý và biết chia xẻ , lắng nghe… Cũng vì thế mà học trò rất quý mến Thầy.

Kỳ này với bài viết của Thầy “Sao Chiều” mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, về sự cảm nhận theo tâm linh của từng con người.

Trong cuộc đời này biết bao nhiêu là đau khổ, oan trái, lo âu dù sống bất cứ nơi đâu cũng không tránh khỏi, mặc dầu chúng ta đang sống trên một đất nước văn minh, đầy đủ mọi thứ thì cũng có nhiều vấn nạn khó giải quyết.  Nhưng may mắn thay trên đời này lúc nào cũng có những bồ tát sẵn lòng cứu đời cứu giúp chúng sinh, và rồi tùy theo duyên nghiệp, tùy theo mức độ cảm nhận mà mỗi người sẽ được hấp thụ ân sủng ấy theo cách riêng.

Thukỳ xin trân trọng giới thiệu đến quý Thầy Cô & các anh chị  : “Sao Chiều” của Thầy Hoàng Thế Hào.

Trân trọng,
Thukỳ.



Sao chiều



Tôi ở đây đã lâu lắm rồi, còn trước cả cái đám người nhớn nhác đến tỵ nạn. Tháng ngày nhẹ trôi trên cao, tôi có thể trông thấy vịnh biển xinh tươi với những cái phà lớn màu trắng đang lướt sóng, trông thấy đấu trường ồn ào với những cuộc tranh tài không bao giờ dứt. 

Mùa hè rực rỡ rồi đến thu vàng, đông qua lạnh lẽo ủ ê, tôi càng thêm cô độc; nhưng xuân về cây cỏ tươi mát, dưới đất chỗ tôi ở người ta đã trồng thêm mấy hàng đào Yosino trổ hoa rực rỡ. Cái nhóm người nhỏ bé ấy độc chiếm khu nàỵ  Họ đến mỗi lúc một đông làm chung quanh tôi tấp nập ồn ào không ngớt.  Đầu tiên chỉ có cái chợ nhỏ, thế mà bây giờ cửa hàng san sát liền kề liên tiếp mấy con đường. 

Trước đây những buổi trưa yên vắng, không khí dịu dàng tưởng có thể nghe được tiếng sóng vỗ về trên bờ vịnh, nhưng bây giờ không ngày nào là không có những đợt xe cấp cứu hú còi rền rĩ.  Xe cảnh sát chạy trước, đèn chớp lia lịa, còi kêu lanh lảnh rất mực oai phong.  Đi giữa là xe cứu thương lặng lẽ nghiêm nghị, làm như biết rõ cái thiên chức của mình.  Trong xe có thể có một bà sắp bể bầu, một chú bé bị đứt tay, một người bị tai nạn xe cộ vẹo cổ sứt trán, hay là trống rỗng chẳng có gì hết, vì tất cả đang  đùng đùng chạy đi cứu một con mèo mắc kẹt trên ống máng.  Đi sau cùng là một anh chàng thô bỉ màu đỏ, lưng chở đầy thang bóp kèo bắng nhắng, nếu ai không kịp tránh thì hắn gầm lên thật lỗ mãng. Mỗi ngày tôi lắng ghe cái điệp khúc đó:  mới đầu mơ hồ như ở tận đâu đâu, một cõi âm u xa vắng rồi lớn dần, cực lớn khi bọn họ chạy qua mặt tôi, rồi từ từ nhỏ đi và mất hút.  Giống như tháng ngày nhẹ trôi đấy mà.  Từ thuở ấu thơ xa xôi ngày nào, bỗng chốc hiện tại ập đến dồn dập, rồi cái tương lai mịt mờ xa tắp mà người rào rồi cũng tới nhưng chẳng được biết trước. Vì tôi đứng cao nên trông thấy cái đoàn xe ấy như con thuyền rẽ sóng.  Chúng chạy tới đâu các xe khác rạt qua hai bên như bọt nước, còn tôi như chân cầu đang nhìn xem giòng đời xuôi ngược tả tơi. Người càng đến thì chim bồ câu càng đông .  Luôn luôn có các bà già mang đồ ăn  đến  nuôi chim, thường đổ đầy ra đất thật dơ bẩn.

 Những con bồ câu xám không đậu lên dây điện, mà đậu trên máng nước, mái nhà và trên các tấm bảng hiệu nhô ra ngoài.  Cửa tiệm bị lũ chim câu chiếu cố nặng nề nhất lại là một tiệm thuốc Bắc, nơi phải sạch sẽ để giữ gìn sức khỏe cho mọi người.  Ông thầy lại cho rằng đất lành chim mới đậu, nên vui vẻ bỏ mặc chúng phóng uế. Dưới cái mái hiên ấy có một ông già mập mạp bầy những hàng vặt trên một miếng vải bạt:  đồng hồ, bút mực, đồ chơi, nữ trang giả và đủ thứ lỉnh kỉnh khác không khác một cửa hàng Dollar Store.  Khách mua toàn là di dân các nơi dừng lại ngắm nghía hỏi giá.  Ông rút một bàn tay ra khỏi cái áo dạ dày cộm đi một ngón tay, hai ngón hoặc ba bốn ngón; nếu cần ông sẽ rút thêm một bàn tay nữa.  Không phải là ông bị câm, mà ông nói rất nhiều, nhưng chỉ có độc một thứ tiếng của quê hương ông.  Ông than ông khổ, đời ông bất hạnh, con nhiều mà chẳng đứa nào ở cùng.  Rằng ông ngày xưa đâu có tệ như thế này, cũng đã từng được người ta gọi là ông chủ đấy.  Có bà trùm khăn đen kín mít trả giá rát quá, ông lắc đầu quầy quậy còn mắng theo:  về sa mạc mà mua, đồ khủng bố. Tôi bỗng thấy nhà thơ dắt bà vợ đi qua, nhiều năm trôi nhanh nhà thơ không còn cái  vẻ hào hoa, nay là một ông tóc hói mập bệu: 
-Em vào mua cái nhẫn cho con đi nhé, anh phải lại tiệm sách thằng Búc xem nó có bán được quyển nào không đây. Rồi là bà chủ nợ thắng xe cái két ngầu ngầu bước ra, dừng lại trước một cửa tiệm, hai tay chống nạnh; chắc là bà đã tóm được cái đứa lần khân, tám tháng chưa chịu trả tiền. Nhưng tôi lại chú ý ngay tới một anh chàng đang leo thang lên một mái nhà bằng phẳng, rất gần và ngang với tầm nhìn của tôi.  Khi anh leo tới gần những bậc thang cuối cùng thì tôi nhận ra đó là một anh thợ điện vì những dụng cụ rổn rảng mà anh mang theo, mà cũng vì tôi có quan hệ mật thiết với công ty điện lực.

 -Này anh kia ơi, leo tới bực thang cuối cùng thì cô đơn lắm đó!  
Tôi gọi to, gọi với mà anh chẳng thèm nghe, không biết anh có hiểu tôi nói cái gì?  Mà hình như anh đang cô đơn buồn chán thật đấy, vì tôi thấy anh làm việc uể oải lắm, lâu lâu lại ngồi thừ ra suy nghĩ. Một lúc sau tôi thấy anh làm một cái ngắt điện cho sợi dây nóng, cởi giầy ra, quấn sợi dây nóng màu đen vào một ngón chân cái, sợi dây lạnh màu trắng quấn vào ngón chân cái khác.  Tay anh run run ngần ngừ, chực bấm nối cái giòng điện ấy.  Trời đất quỉ thần ơi, anh ta định tự tử.  Tôi muốn kêu cứu nhưng mà cao quá, thành phố ào ào dễ sợ, ai mà nghe đây!  Mà nếu có nghe được thì cũng chẳng thể nào nhanh hơn điện.  Mà nếu nghe tôi la làng, sợ anh ta sẽ giựt mình mà nối sảng cái dòng điện; anh ta mà chết không chừng lỗi tại tôi.  Thôi thì cứ để xem cái phần số anh ta. Bỗng lúc ấy cái thang của anh thợ điện cọ quẹt vào tường.  Chắc là có kẻ trộm đạo định hạ cái thang.  Anh chàng quên béng chuyện tự tử, lật đật tháo dây vùng chạy tới níu đầu thang, miệng la lối om xòm.  Thế rồi anh lấy một sợi dây điện, cẩn thận buộc cái thang vào một ống sắt kiên cố, và tiếp tục làm việc, vẫn cái vẻ chán chường cũ. Việc kết liễu cuộc đời có thể tạm hoãn không biết đến lúc nào. Bây giờ mặt trời đã lượn về Tây, chất vàng vung ra cùng với ánh sáng dịu hơn.  Rồi ngày sẽ tàn, sao hôm hiện ra như một giọt nước mắt long lanh trong ráng chiều vàng mơ tím nhạt.  Các bà mẹ gốc Á Châu ở quanh đây thắp lên những ngọn đèn chiếu sáng phòng ăn, bảo ông chồng vui lòng bỏ màn ảnh nhỏ, dục những đứa con đi rửa tay. Đúng lúc ấy, tôi cũng thấy một đốm sáng đỏ rực thắp lên ở bên kia hè phố, ngay cái giòng người và xe tấp nập:  nàng mặc áo đầm đỏ, kiểu của những người Nam Mỹ, với eo thon, cánh tay trần, váy xòe rộng.  Tóc nàng xanh đen màu đại dương, môi hồng mắt biếc, chao ôi là đẹp.  Nàng không đứng yên, lúc lắc nhún nhẩy, ngoắc người này gọi người kia với cái giọng của chim, đánh lưỡi líu lo. Lát sau có cái xe hơi xà tới, cửa mở ra thế là nàng nhẩy tót lên xe, rồi xe mất dạng;  tôi nhìn theo mãi mà tiếc rẻ.  


 Nhưng chỉ chưa được nửa tiếng, cái xe ấy trở lại, thả nàng ra và nàng lại nhún nhẩy trên hè phố đông người, lại làm những điều bộ vui vẻ tự nhiên mà tôi tin chắc không phải giả tạo mà có được. Chỉ một thoáng lại có một cái xe khác trờ tới.  Cửa mở ra và nàng lại tươi cười bước lên.  Cả xe lẫn người lần này trông đều dơ bẩn cũ kỹ hơn chiếc xe trước nhiều. Tôi ở đây từ đã rất lâu, thấy bao người qua lại, tuyệt nhiên chẳng có ai vui vẻ yêu đời như nàng áo đỏ ấy.  Tất nhiên trước đây nàng cũng ở dưới một mái nhà, có mẹ có cha.  Mẹ nàng cũng có ý răn đe:  con gái lớn rồi phải cho có nết na, đi đứng đoan trang ăn nói dịu dàng chứ!  Rồi nàng cũng được đi học - xứ này ai chẳng được đi học.  Rồi nàng cũng có người chồng nữa chứ.  Nhưng những cái lẻ tẻ lăng nhăng ấy không phải cái hạnh phúc mà nàng đang tìm kiếm. Ai mà chẳng đang tìm kiếm hạnh phúc.  Cứ  xem như ông chủ nhà hàng Hồng Kông đằng trước đây.  Tuy miệng không nói ra, nhưng ông lật ngược cái chữ phúc nạm vàng treo ở quầy tính tiền.  Phúc đảo người Quảng cũng phát âm là phúc đáo;  tất nhiên phúc chưa đáo nên ông luôn luôn mắng cô hầu bàn xa xả.  Còn cô hầu bàn mặt khó đăm đăm như hầu hết những người hầu bàn gốc Á châu:  nhiều khi thực khách muốn nhờ cô lấy cho một cái muỗng hay một chai tương cũng đến ngại ngùng Hết xe này lại đến xe khác, tôi thấy cô nàng vẫn thế, lúc ở bên này đường lúc bên kia đường vui tươi nhí nhảnh không hề mệt mỏi. Đêm đã về, thành phố cũng lên đèn, những vì sao đã mọc, nhưng nhợt nhạt lắm vì cái ngôi sao đỏ này rực rỡ quá, chói loà hơn làm bạt đi mọi ánh sáng của các sao trên trời.

      Tôi định cúi gập người, chạm cái đầu toàn những dây điện của tôi vào ngón chân nàng để tỏ lòng ngưỡng mộ, nhưng người tôi cứng còng và cao lớn quá.  Tôi tưởng những định kiến của xã hội làm cái lưng không thể cúi xuống được, nhưng thật ra không phải thế:  người ta chôn chân cột đèn tôi ở đây đã quá nửa trăm năm. Tôi định nói với nàng:  Xin cảm ơn nhiều lắm, cô đã an ủi tôi, đã cho tôi hiểu thế nào là hạnh phúc cuộc đời;  là không phải cứ đi du lịch mới thú - tôi làm sao mà đi được;  đứng yên ở đây nhìn giòng đời, thưởng thức một cách nghiêm túc trong khả năng hạn hẹp của mình cũng đủ vui rồi.  Thế mà bao năm qua tôi chẳng rõ. Tôi còn định nói với nàng thêm nhiều điều nữa, định muôn vàn cảm ơn nàng, nhưng nàng lại nhẩy tót lên một chiếc xe khác nữa rồi; không biết sau lần đột kích này, nàng có còn trở lại.
Cao Hoàng.

No comments: