Friday, April 22, 2016

TUY HÒA, QUÊ HƯƠNG MẾN YÊU (GS. Dương Đình Đống)





Kính thưa quý Thầy Cô & Các anh chị,

Vài lời giới thiêu ngắn của Thukỳ trước đây trong bài hồi ký của Thầy Dương Đình Đống: “Ngày Đầu Tiên & Cuối Cùng Đi Dạy Học” tả về người Thầy kính yêu, dạy học trò hết lương tâm, công chính, thương hc sinh nghèo, nhưng rất nghiêm nghị khó khăn.  Đúng với câu: “Thương cho roi cho vọt” ..

Sau khi bài được đăng lên con số vào xem rất đông vượt kỷ lục trên hết các bài, một số anh chị đã viết vào vài hàng ngắn ngủi nhưng hầu hết đều nhớ đến Thầy với hình ảnh kính yêu, biết ơn và nhiều trân trọng, điều này chắc sẽ làm Thầy vô cùng sung sướng & cảm động.

Hôm nay Thầy gời đến cho chúng ta bài: “Tuy Hòa, Quê Hương Mến Yêu” Dù Thầy ra đi dạy lúc đó Tuy Hòa rất nghèo nàn và đơn sơ lắm, nhưng Thầy đã đem lòng thương quê nghèo có những người học trò dễ thương, thật thà, và người dân đơn sơ, chất phát.  Thầy đã chọn nơi này làm quê hương, và mang cả gia đình về Tuy Hòa sinh sống.

Sau tháng Tư đen năm 75 Thầy đã không còn đi dạy, và cũng bị tù đày nghiệt ngã…Hoàn cảnh phải rời Tuy Hòa tạm sống ở Sài Gòn, nhưng trong lòng Thầy luôn nhớ về trường cũ với bao kỷ niệm của học trò, và như tâm sự Thầy đã thốt lên: “Mỗi khi ở xa về đến cầu Đà Rằng, hay nhìn thấy núi Chóp Chài, lòng tôi khoan khoái, nhẹ nhàng, hít thở không khí quen thuộc, thân thương, lòng bảo dạ rằng :- Tôi đã về đến nhà Tuy Hòa quê hương mến yêu của tôi.”

Chính gốc là dân “Nẫu” chôn nhau cắt rốn ở La Hai, Phú Yên nên khi đọc đến dòng tâm tình của Thầy, Thukỳ đã bật khóc vì  đã gần 40 năm rồi chưa một lần về thăm lại làng xưa, nhưng trong trái tim có bao giờ phai nhạt hình ảnh thân thương Tuy Hòa như tâm tình bài viết của Thầy.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy Cô & các anh chị dù không sinh ra nơi quê nghèo này cũng đã từng đến đây làm việc, sinh sống..Xin ghi nhớ tri ân vùng đất hiền lành với bao nhiêu kỷ niệm, xin mời đọc bài viết: “Tuy Hòa, Quê Hương Mến yêu.” Của GS Đương Đình Đống.

Trân trọng.
Thukỳ.
*** Nhiều anh chị phone hỏi email của Thầy nên Thukỳ xin ghi ra nếu ai muốn gởi email thăm Thầy, chắc Thầy sẽ vui và cảm động lắm.
Thầy DD Đống <dongduongdinh@yahoo.com.vn>



TUY  HÒA, QUÊ HƯƠNG MẾN YÊU!
Giáo Sư Dương Đình Đống
(Cám ơn anh Hoàng Trọng Nghĩa đã cung cấp hình của Thầy.)

Tôi đến nơi này dạy học từ thành phố lớn nhất nước vào mùa thu, thập niên 60 vừa qua, tính đến nay đã gần nửa thế kỷ.

Khi đến cơ quan để nhận sự vụ lệnh, Tôi được người phụ trách – vì sợ Tôi từ chối nhiệm sở mới: xa xôi và lạ lùng này – huyên thiên khoe thị xã này xanh đẹp, yên vui và dân cư hiền hòa…lại đem tấm bản đồ nước Việt ra chỉ chỏ…Nhưng tìm mãi Cô ta không thấy vị trí Tuy hòa đâu mà chỉ có Sông cầu! Thì ra, cô ấy đã “tán phét” và đấy là bản đồ cũ, lúc ấy Sông cầu là tỉnh lỵ Phú yên, và Tuy hòa còn quá nguyên sơ,  một địa danh chưa có tên trên bản đồ nước Việt!

Trước ngày ra đi, Tôi được người thầy kính yêu và rất có thế lực ở Bộ Đăc Nhiệm Văn Hóa Xã Hội (vì Tôi là précepteur, tức dạy kèm, cho con ông ấy) nhắn nhủ: “Thầy biết con là người có tâm huyết; mà người có tâm huyết như con, nên về dạy ở tỉnh lẻ, vì ở đấy con có thể thể hiện nhiệt tâm của mình; chứ ở đây học trò phần nhiều ít ngoan, xã hội lại điên đảo, việc truyền thụ của con sẽ muôn vàn gian nan và buồn phiền; sau này, khi có ít nhiều từng trải sự đời và kinh nghiệm trong việc dạy học, nếu con muốn về Sai gòn, thầy sẽ vui lòng làm con toại ý…!”.

Vì thế, Tôi đến Tuy hòa với một lòng hăm hở, muốn làm một việc, dù nhỏ nhặt và thầm lặng, nhưng thật ích lợi cho các em học sinh.

Sáng hôm đầu tiên Tôi đến dạy hai lớp Đệ Nhị (11) những lớp lớn nhât của trường Nguyễn Huệ lúc bấy giờ, Tôi đi xích lô đến trường Nguyễn Huệ cũ (Hùng Vương ngày nay). Con đường đep làm sao: Hai hàng dương liễu xanh rí và thẳng tắp, đây đó nhiều con chim nhỏ nhảy nhót, ríu rít như muốn chào mừng khách lạ, làm cho lòng Tôi thêm rộn rã…

Điều làm Tôi hơi ngạc nhiên là học trò nam nữ phần nhiều đều có vẻ già, to con (có lẽ do Tôi bé con và gầy). Sau này Tôi được biết, một số các em đã thi hỏng Tú Tài bán, xin học  để thi  lại, có em lớn tuổi (gần bằng tuổi thầy giáo) đã có vợ con; vì ờ quê, khai sụt tuổi để ra thị xã học, trốn lính!

Đẹp một điều là các em rất lễ phép và chăm học. Mọi người đều xưng “con” với thầy, làm Tôi suy nghĩ, liệu mình có xứng đáng với niềm tôn kính ấy không? Các em tỏ ra thông minh, lãnh hội bài giảng một cách đĩnh đạc chứ không láu cá như một số học sinh mà Tôi gặp khi còn đi thực tập ở các trường lớn tại Sàgòn.  Lớp hoc im phăng phắc!

Sau những ngày đầu xao xuyến và lo lắng, Tôi cảm thấy an tâm và tự tin.  Mọi việc dần đi vào nề nếp. Về phía phụ huynh, Tôi được biết họ lặng lẽ theo dõi tư cách, tác phong và trình độ của thầy giáo mới. Họ cũng dành thiện cảm và ưu ái, chấp nhận giao nhiệm vụ khó khăn và thanh cao cho người quyết tâm dẫn dắt trí tuệ và tâm hồn cho con em họ. Thỉnh thoảng họ mời Tôi đến nhà dự đám giỗ để tìm hiểu và làm quen. Dần dà, vài phụ huynh còn muốn tiến xa hơn về đời tư của Tôi như muốn gián tiếp hoặc trực tiếp gá kết Tôi với con, cháu họ.

Nhưng, Tôi đã xác định lập trường của mình: nơi đây là để dạy học. Môi trường này đối với Tôi là nghiêm trang như ở nhà chùa: Tu luyện! Tôi sẽ phải ra công tu dưỡng đạo đức và rèn luyện nghề nghiệp, không thể có ý tưởng và hành vi nào khác. Và Tôi đã vững vàng giữ vững lời nguyền: không lấy học trò  của mình làm vợ, dù điều này đôi khi làm cho Tôi ray rứt, tiếc rẻ ì không có gì trái đạo lý. Tôi đã không phạm giới cấm của mình để giữ nghiêm trong việc dạy học .

Tôi đã nói ở lớp: ”Vì Tôi lớn tuôi hơn các em, nên “đi trước” và làm thầy các em.  Nhưng Tôi thấy  một số các em, tuy còn nhỏ tuổi lại có tư cách, tác phong hơn Tôi, khi Tôi ngang tuổi các em, nên Tôi nể trọng tương lai các em;  tuy nhiên, không vì nghe nói thế mà các em được nhờn Tôi nhé!”

Tôi cũng thường nói: “Các em cần biết,dưới mắt Tôi chỉ có học trò, chứ không có con trai, con gái! Các em phải nghiêm chỉnh thực sự, nhất là các nữ sinh, không được dùng nước mắt để huyễn hoặc hòng khuynh loát Tôi!”  Tôi đã thể hiện công bằng tuyệt đối trong việc dạy học, gọi trả bài và cho điểm, kề cả quở phạt, la rầy hay tuyên dương, khen thưởng.

Những ngày mải mê phục vụ day học, Tôi đã để thời gian lặng lẽ trôi qua lúc nào không hay;  không hề nghĩ đến việc xin đổi về lại nơi xuất phát!

Có một lần, người bạn thân của Tôi – hồi còn đi học ở Nha trang, lúc ấy ra làm việc tại Tuy hòa– “phải lòng” một nữ sinh của Tôi đang hoc lớp Đệ Nhất (12), năn nỉ, nhờ Tôi (khi đó Tôi chưa lập gia đình) đến thưa với cha mẹ cô để xin cầu hôn…Sau nhiều lần căn vặn anh ta và đắn đo suy nghĩ, Tôi bình tâm đến nhà cô ấy để thực hiện công tác “ông mai”. Gia đình cô ấy người miền Bắc, bà mẹ già trông rất lịch lãm và khó tính; sau khi nghe Tôi nói, đã chậm rãi trả lời: “Tôi không biết bạn của Thầy là người thế nào, nhưng nếu ông ấy là bạn thân của Thầy, tôi sẵn lòng gả con Th. cho ông ấy”.  Nghe thế, Tôi thấy lòng nhẹ nhõm và tự hào như vừa được thưởng công sau bao năm tận tụy với nghề và giữ gìn đạo hạnh.

Trài nhiều năm sống ở các địa phương khác nhau, tiếp xúc và nghe luận bàn về nhân tình thế thái, Tôi thấy người dân Tuy Hòa, Phú Yên hiền hòa, không nhiễu sự, không thích xăm xoi, bới móc đời tư người khác, nặng tình nghĩa, trọng đạo lý và giữ thủy chung. Hoc trò Phú Yên chăm hoc, hoc giỏi, sẵn sàng giúp bạn và rất trọng thầy cô giáo. Quý ở chỗ đạo nghĩa thầy trò đất Phú Yên này rất sâu nặng và cao thượng. Đây cũng là xác nhận chân thành của các thầy cô vốn ở Huế, Quảng Trị, Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn, Mỹ Tho, đã từng dạy hoc tại đây.  Họ luôn luôn ao ước trở về Tuy Hòa để thăm lại chốn xưa, trường cũ và hoc trò thân yêu…Họ bảo tình nghĩa thầy trò đất Phú yên này đáng làm gương cho cả nước!

Một số ít người lại tỏ ra hoài nghi dân Tuy Hòa- Phú Yên thiếu tinh thần dấn thân, đấu tranh, thích an phân, kém tranh luận, giữ mình, chỉ muốn “đi sau” để tránh phiền lụy và dễ thụ hưởng! Tôi đã bảo, đó là những bình phẩm khá thiên kiến và phiến diện: Thế nào là dấn thân và đấu tranh? Qua các cuộc kháng chiến giữ nước, dễ gì dân ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Cần Thơ,… đã ra đi, cầm súng chống quân thù nhiều bằng nơi đây; đã hy sinh, chết chóc, thiệt hại, ruộng vườn bị phá hủy, nhà cửa tan nát, gia đình ly tan, cha mẹ, bà con bị tra tấn tù đày bằng dân Phú yên này? Thế mà khi đất nước hòa bình, họ có lên tiếng tranh công đâu! Vì đâu?  - Vì vồn bản chất nông dân, cuộc sống dung dị, cẩn trọng, họ kiệm lời, ít nói. Ở đây lại không có báo chí truyền phát ra cả nước như ở các thành phố lớn:  Họ chỉ biết nói với nhau và âm thầm phục hồi quê hương thôi. Họ tin vào luật nhân quả: mọi việc rồi ra sẽ được sáng tỏ! Với bản tính chất phác, họ quan niệm “thấy là hiểu”, không cần phải giải thich dài dòng, rắc rối!  Về phương diện hưởng thụ, có thể họ là những người chịu thiệt thòi nhất. Cái đó có thể là do bản chất cố hữu của họ: ít nói, không đòi hỏi và…thiếu báo chí. Họ chỉ quí trọng những gì do chính mồ hôi, nước mắt của mình làm ra, tức là “tự lực cánh sinh”, còn những gì từ ngoài mang lai, nếu có thì tốt, không thì thôi!

Cần nói rõ là trong thời kỳ “trường kỳ kháng chiến”, mặc dù trước tàn phá ác liệt của quân thù, dân Phú yên vẫn gắng sức, căng mình dưới bom đạn để bảo đảm lương thực cho miền Trung thiếu gạo này!

Mặc dù cuộc sống không dư dả, nhưng tâm hồn họ lúc nào cũng mở rộng, hào sản và trong sáng như dòng sông Đà Rằng bình thường mùa nắng: cạn trơ đáy, ai cũng nhìn rõ, ai cũng có thể lội qua được. Nhưng nếu cần, họ biết vùng lên đúng lúc như dòng sông Ba mùa lũ, khi kéo về mênh mang, tràn bờ, ngập đến dạ cầu Đà Rằng. Phong thủy của Phú Yên là thế; xem địa lý thiên nhiên để biết nhân văn dân cư địa phương là thế! Trong quá khứ, biết bao “quan” đến đây tung hoành, làm càn quấy như vào chỗ không người. Người dân lặng lẽ quan sát, theo dõi.  Và cuối cùng họ vùng lên: Đã có “quan nát” nào hạ cánh an toàn đâu! Chính họ đã vận dụng nhuần nhuyễn chỉ giáo của tiền nhân  “dĩ nhu nhược thắng can cường” (lấy yếu đuối thắng mạnh bạo). Đó là cứu cánh hài hòa và miên viễn độc đáo của dân vùng miền Trung này vây!

Từ  một người xa lạ đến nơi này, Tôi đã dần thấm nhập tâm tư tình cảm của người dân nơi đây, của núi sông này lúc nào không hay.  Mỗi lần từ nơi xa đến Tuy hòa, Tôi đều tự nhũ rằng: “về Tuy hòa, về quê”. Chính nơi này, Tôi đã đem Anh, Chi, Em và Vợ Tôi từ Qui nhơn, Phan Thiết, Sài Gòn về. Ba Mẹ Tôi, người Quảng nam, đã đến Bình thuận lâp nghiệp, rồi cuối cùng cũng định cư ở đất Tuy Hòa này và an nghỉ vĩnh viễn tại nơi đây cùng với Chị Tôi và có thể cả Chúng Tôi sau này nữa…

Mỗi khi ở xa, về đến cầu  Đà rằng hay nhìn thấy núi Chóp Chài, lòng Tôi khoan khoái, nhẹ nhàng, hít thở không khí quen thuộc, thân thương, lòng bảo dạ rằng, Tôi đã về đến……

“Tuy Hòa, quê hương mến yêu…của Tôi!”

Dương Đình Đống
Khai bút đầu năm Canh Dần, 2010 


No comments: