Wednesday, February 13, 2019

CHUYÊN ĐỜI XƯA VÀ NAY (PHẦN 1) - NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT


CHUYỆN ĐỜI XƯA VÀ NAY (phần 1)
Nguyễn Thị Bạch Tuyết.
 
Hình chị Bạch Tuyết lúc còn trẻ.
ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU

Chắc không còn niềm vui nào hơn khi gặp lại người thân quen sau hơn 40 năm vật đổi sao dời, bao nhiêu biến chuyển thân phận con người cũng như của đất nước.

Mừng quá khi Thukỳ liên lạc được với chị Bạch Tuyết, đôi lúc hai chị em gọi phone nhau cả giờ để nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm dù thời gian bên nhau không nhiều và sự chênh lệch tuổi tác khá xa, nhưng tình thương mến rất gần.  Ngày ấy ba Thukỳ có hùn mở Ngân hàng nông thôn Hiếu Xương, gởi Thukỳ vào học tại ngân hàng PTNN Tuy Hòa, PY.  Chị Bạch Tuyết lúc ấy là trưởng ban ngân quỹ, kiêm thủ quỹ ở đây, chức vụ khá lớn vì nắm giữ tiền bạc sau Gám Đốc.

Lúc ấy Thukỳ còn quá trẻ con, học ít phá thì nhiều mỗi lần các bác chủ sự phòng nhờ đánh máy là ngửa tay xin tiền mới làm…hihi vậy mà bác nào cũng thương cũng phải “hối lộ” mới xong.  Các chị trong ngân hàng lúc ấy trẻ trung và rất đẹp, nên các xe jeeps của mấy ông trưởng ty đậu dài dài, và hay làm bộ vào thăm ông Long Giám Đốc để có dịp nhìn các nàng.  Thukỳ nhớ 1 bà rất xinh lai Tây vào mở trương mục, bà ta phải thốt lên: “Kỳ này phải đổi thành ngân hàng phát triển sắc đẹp” vì cô nào cũng xinh…Khi trung ương in lịch cuối năm, Thukỳ hay đi tặng cho các ty, mấy bác hay trêu: “Nếu chụp hình các cô ngân hàng in lịch thì còn đẹp hơn những người mẫu này”

Chị bạch Tuyết lúc ấy là một góa phụ trẻ, rất đẹp, Thukỳ ái mộ chị lắm, nhưng có biết chuyện gì để nói, hơn nữa chị học cao, lại nghiêm nghị, chưa thấy chị đùa cợt hay nói nhiều…chị có đôi mắt đẹp và buồn, khép kín, một chút lạnh lùng, Thukỳ sợ chị lắm.  Nhưng biết đâu đó là dấu hiệu của sự đau khổ giấu kín trong chị, chị nhiều tình cảm yếu mềm, nhưng bên ngoài một chút lạnh lùng cao ngạo.  Phải chăng đó là dấu hiệu của một kiếp đa đoan, một cuộc đời quá nhiều sóng gió.

Xin mời đọc hồi ký của chị: “CHUYỆN ĐỜI XƯA VÀ NAY” Thukỳ chia ra nhiều phần để đăng hằng tuần, Đời chị đa truân quá vì phải chịu kiếp hồng nhan, những gì chị viết được thì viết, nhưng có những tâm tình mà khg thể thổ lộ cùng ai.

Ước mong và cầu chúc chị những ngày sau này sẽ được nhiều an vui, may mắn và mãn nguyện.

Thukỳ.
********************************


“Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở này sông cát bồi
Bơ vơ từ độ luân hồi
Bâng khuâng nẻo nhớ xa xăm dặm về
Trông ra bến lạ bờ mê
Nhớ quê vằng vặt ta cầu đó thôi
…………
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này….

Bài thơ “Nguyện Cầu” của Vũ Hoàng Chương tôi chỉ nhớ mấy câutrên cũng đủ gây cho tôi cảm xúc về quê hương và thân phận con người.

Dĩ vãng bổng sống lại trong tôi như mới vừa đâu đó.  Tôi chào đờ bằng những tháng năm quân Nhật bắt đầu vào Đông Dương nơi quê ngoại ở Phan Thiết.  Mẹ tôi xuất thân trong một gia đình khá giả, có nhan sắc có học vấn so với thời bấy giờ.

Cha tôi quê ở Tuy Hòa trong một gia đình lắm vợ nhiều con.  Cha tôi là con trai độc nhất của bà cả, còn một chú con bà vợ thứ tư vì ông nội có 4 bà vợ, còn lại là 11 cô con của 4 bà.

Ông chú tôi làm chủ tịch xã bị VC thủ tiêu trong những năm cuối thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông mất đi để lại bà vợ trẻ xinh đẹp chưa có con.

Ông Nội qua đời, thì sau đó 2 bà nội giữa cũng theo ông, chỉ còn lại bà nội lớn và bà út.  Ba tôi để 2 bà nội ở nhà cũ nơi đại gia đình đã từng sinh sống, với cô Út và những người giúp việc.

Các cô đã lập gia đình, sau này lớn lên tôi mới thấy tôi có những ba cô thật thà tốt bụng, rất thương các cháu nhất là tôi, còn nhỏ mỗi năm nghỉ hè tôi thay phiên hết đến chơi nhà cô này đến nhà cô khác, con các cô tôi rất thân thương nhau.

Ba tôi ra cất riêng ngôi nhà trên khu đất khá rộng, vườn trồng đủ loại hoa, cây ăn trái, lại có hồ sen nhỏ nuôi cá.  Hai tỉnh Bình Thuận và Phú yên xa xôi như vậy, không hiểu duyên sự gì mà hai người gặp nhau để ngày nay có đám nhóc tì chúng tôi!  Má tôi lập gia đình trong những ngày đầu rất là vàng son.

Thuở ấy đàn ông lấy vợ ngoài 30 coi như là hiếm, nhưng ba tôi được một điều là ông rất thật thà, hiền lành lại vô tưcũng hảo tường nhưng ông khg lăn nhăng nữ sắc.  Sau này lớn lên tôi được nghe bà nội tôi kể lại trước đó cũng có nhiều người muốn gả con gái, nhưng ông thấy gương của ông nội tôi lắm vợ, nhiều con, gia đình chẳng có gì vui, nên ông tránh được vết xe này.  Trong thời Pháp thuộc ông làm hội đồng gì đó nên mọi người cứ gọi ông là ông Hội Đồng.  Người thân gọi là ông Hội Bốn vì ông thứ Tư.

Những ngày vàng son rồi cũng qua nhanh, chiến tranh Việt Pháp đã đến hồi khốc liệt.  Nghe kể lại năm đó là năm 1947, ngày 23 tháng Chạp mọi gia đình đang chuẩn bị ăn tết, ngôi chợ mà trước đây ông nội tôi hiến đất cho làng ở cạnh nhà.  Đang chợ phiên các nơi đem hàng hóa về bán, chợ đang đông đúc thì nghe loa “Alo, Alo mọi người phải chuẩn bị tản cư, vườn khg nhà trống, giặc Pháp sắp tràn tới”  Thế là ai cũng bán đổ bán tháo hoặc bỏ của chạy về nhà.

Thời gian này là lúc hưng thịnh nhất của gđ chúng tôi, nhà có 3 cỗ xe ngựa chở hành khách, mỗi ngày đều có người đến mua lúa đem đi bán khắp nơi, có trồng mía để làm đường. Khi nghe tin này ba tôi cho mọi người đi tản cư trước, ông ở lại sắp xếp rồi đi sau.  Đồ đạt quý giá trong nhà đem đi gởi hết nhà này đến nhà khác, một chiếc xe hơi du lịch, ba cổ xe ngựa còn mới toanh chưa đem ra sử dụng cất trong garage khi ra đi Việt Minh đốt cháy hết, còn ngôi nhà vừa rộng lớn vừa có lấu nên họ nên họ dùng mìn mới giật sập được.

Trên bước đường tả cư có khi ở trọ nhà người quen, có khi thuê, có khi cất nhà, biết gia đình tản cư có chút ít tiền nên có nơi bị trộm vào, nhưng chẳng lấy được gì, vì tiền bạc nữ trang đựng trong bao bố bỏ dưới gầm giường nên kẻ trộm khg ngờ.  Nhà chúng tôi khg xa đèo Cả mấy, quân Pháp đóng ở núi Hiềm trên dãy đèo Cả.  Từ đèo cả vào với sự kiểm soát của quân đội Pháp, từ đèo Cả trở ra dưới sự kiểm soát của Việt Minh.  Từ Phú yên ra tới Quảng nam (Gồm 5 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là liên khu 5)  Tuy còn rất nhỏ nhưng tôi cũng nghe người lớn nói”Bề mặt trận đèo Cả” tôi khg hiểu gì nhưng lớn lên một chút tôi mới biết là kể từ ngày đó quân Pháp chiếm cứ ở núi Hiềm cắt đứt mọi liên hệ với vùng có quân đội Pháp, vùng của Việt Minh thì họ gọi là “vùng giải phóng” còn vùng của Pháp là “Vùng bị chiếm”

Vì sống ở “vùng giải phóng” nên máy bay Pháp cứ bay ra bắn phá cả ngày lẫn đêm, mặc dù nhà cửa đã bị tiêu th kháng chiến họ đập phá khg còn cái nhà nào, nhà của GĐ chúng tôi cũng khg ngoại lệ.  Thôn làng phố xá đi đâu cũng là đống gạch vụn, chỉ còn lại những túp nhà tranh xơ xác.

Thỉnh thoảng quân Pháp đi tàu thủy đổ bộ ra các tỉnh duyên hải tràn vào đất liền tàn sát, đốt phá, hãm hiếp rồi rút lui.  Trong thời gian tản cư này GĐ chúng tôi đi đến đâu cũng có khách đồng hương của má tôiở Phan Thiết dù quen hay lạ cũng tìm đến thăm, đây là những người đi theo kháng chiến họ kẹt lại ở ngoài này, phần thì nhớ quê hương cho nên tìm đến đồng hương cho đỡ nhớ, phần thì cần sự giúp đỡ, lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng lớn lên nghe kể lại lúc đó khách khứa tấp nập, người này ra về người khác đến chén bác khg kịp khô.

Sau khi hồi cư về lại thì có thêm 3 người cùng làng Bình Hưng chổ quen biết với gia đình bên ngoại bị Tây bắt thả dù ra Phú yên đó là ông Hương Bộ Thơ, ông Lý Võ, ông tổng Trần Thiện Bang tìm đến GĐ chúng tôi cưu mang 3 ông một thời gian, ông Lý Võ sau đó lập gia đình với một bà ở Đông Tác, ông Tổng Bang có bạn gái ra ở riêng, chỉ còn ông Hương Bộ Thơ ở luôn với chúng tôi cho đến ngày Tây đổ bộ ra Tuy Hòa, ông theo đường núi trở về Phan Thiết.


Ông Lý Võ sau khi về lại Phan Thiết lúc đó cậu thứ chín tôi và con gái ông yêu nhau, ông đã đền ơn cho GĐ tôi đã giúp đỡ ông trong những ngày bị lưu đày ở Tuy Hòa, nên ông gả con cho cậu tôi mà khg đòi hỏi sính lễ gì, bây giờ thì cậu mợ cũng đã qua đời.


*** XIN XEM TIẾP PHẦN 2 VÀO THỨ NĂM TUẦN TỚI.


No comments: