Wednesday, February 6, 2019

NẪU MẦN THƠ (HẦU KỲ TẾU CỦA THUKỲ)




“Tục” ngữ có câu ‘thơ’ mình, zợ người. 

Nếu áp dụng “nam nữ bình quyền” mà nói “thơ mình, ‘chồng’ người” thì nghe có vẻ kỳ cục; nhất là đối với một nữ sinh như Thukỳ, một... “nhà thơ” còn độc thân, và rất... “kỳ kục” của đầu thập niên 1970. 

Ngay từ lớp đệ Ngũ, đệ Tứ... ở trường Thánh Guise thì nẫu đã tự coi mình là “thi sĩ” rầu, mà là một “đại thi hào” chứ không phải thứ lơ tơ mơ, vì trong bài tập toán lý hóa của nẫu, chẳng thấy có một con số nào cả, mà chỉ toàn là những “vần thơ sầu rụng”.

Khi nghe thầy cô giảng về Pythagore, Marie Curie hoặc Euclide... thì nẫu chẳng biết những nhân vật này là ai, chỉ tưởng tượng ra thần tượng của mình là James Bond, Silvie Vartan hoặc Alain Delon..., và lập tức trên những trang giấy trắng của nẫu liền tuôn chảy lai láng những vần thơ để đời như:
Rêm Bông thách đấu Đờ Lông
Để xem ai được làm chồng Vạc Tăng....
Vạc tăng chỉ thích Tặc Zăng
Hai ngừ rủ đến Mằng Lăng xây...tình.

Khi nẫu đọc bài thơ đó lên thì mấy đứa bạn của nẫu há hốc mồm kinh ngạc, chúng không ngờ nẫu có thể làm được những câu thơ “chữ tình” như zậy; mặt nẫu zênh lên, chân đã dài, cái cổ càng cao hơn, nên coi tụi cùng lớp dưới tầm mắt.  Kể kể từ đó, nẫu tự thấy mình "cao" như Nhã Ca và TTKh; vì thế, nẫu tự phong cho nẫu “bút hiệu” là “La2”, để phe với mọi người là kể từ nay thị trấn La Hai đã có một nữ thi sĩ nẩu tiếng.  (May là hầu đó chưa có “Hậu Zăng Bút”, chứ nếu có, thì nẫu cũng đã được mời làm Hậu Trưởng rầu.)

Hằng năm, khi trường làm bích báo xuân, nẫu vội vàng mần thơ ngay, thức trắng đêm để thả hồn theo thần thơ (the muse); đôi khi còn chấm ngòi bút vào nước hoa để viết ra những bài thơ có hương thơm. Sau những đêm dài bỏ học bài để “mần” thơ, nẫu đọc đi đọc lại, cảm thấy thơ của mình không những chứa đựng triết lý tình yêu sâu xa, mà còn tỏa ra mùi “au de toilette” ngất ngây.

Vừa đọc, nẫu vừa tự khen mình, nghĩ trên đời này chẳng ai có thể “vẽ” được hồn thơ như nẫu.  Mỗi ngày nẫu đều tụng thơ của nẫu như con chiên ngoan đạo đọc…kinh; bài vở ở trường thì cứ phó mặc cho “tôn ngộ không” múa gậy vườn hoang.

Kể từ đó, mỗi lần đến trường là nẫu vênh mặt lên trời, vừa đi vừa lẩm bẩm “từ nay tụi mày (mấy con bạn) sẽ sáng mắt ra mà ganh tị tài mần thơ của nẫu!”

Mỗi ngày nẫu đều đi học sớm, dán mắt lên trang “bích báo” của trường, tưởng tượng bài thơ của nẫu sẽ được những họa sĩ ở trường viết nắn nót bên những bông hoa thật đẹp, và được để lên trang đầu của tờ bích báo lớn được “lộng kiếng”.  

Nhưng hỡi ơi, nhìn từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, nẫu chẳng thấy bài thơ quen thuộc của mình.

Cố kềm, nhưng nước mắt nẫu vẫn ứa ra; buồn thì ít, mà hận thì nhiều; thơ thẩn về nhà như kẻ…thất tình, nguyền rủa mấy bà “sơ” không biết thưởng thức "thơ", không có trái tim rung động của phàm trần (nên đi tu là phải), nỡ lòng nào đem những bài thơ của nẫu… “liệng cống”. 

Không chịu khuất phục, nẫu tiếp tục mần thêm vài bài nữa, cố gắng nắn nót chép vào một cuốn nhật ký có những tờ giấy mầu tím, nhịn ăn để dành tiền mua tem gởi đến tòa soạn báo “Tuổi Hồng” và “Tuổi Xanh”, không thèm để ý đến tờ bích báo quèn ở trường. 

Nhưng sau khi gởi hàng chục bài đi, suốt ngày nẫu cứ lẩm nhẩm bài hát “theo năm tháng chờ mong, 'thơ' gởi đi mấy lần, đợi hồi âm chưa thấy”, ngay cả một lời cảm ơn cũng không.  Có lẽ chủ bút không “liệng cống” mà giữ lại để làm giấy vệ sinh....

Khoảng một năm sau, sự háo thắng và kiêu ngạo cũng “ngắn” dần so với  đôi chân dài thoòng của nẫu; tâm hồn cũng lắng dịu xuống theo tình yêu nẩy nở của tuổi dậy thì, nên nẫu lục tập thơ của mình xem có bài nào đủ tiêu chuẩn để tặng cho ngừ tình trong mộng của nẫu hay không.

Càng đọc những dòng thơ mà hầu nẩm nẫu khổ công nắn nót từng chữ và đem cả trái tim dát mỏng trên tờ giấy, nẫu càng thấy như mình vừa ăn một thìa “wasabi”: tóc nẫu dựng đứng, đầu bốc khói, mặt từ mầu xanh đổi sang mầu tím, rầu mầu hồng; nẫu lấm lét nhìn quanh như sợ có ai thấy mình đang…ăn vụng.  Nẫu xé nát những bài thơ ra từng mảnh vụn, vì sợ có người sẽ đọc những bài thơ còn tệ hơn thơ con cóc, trong đó có bài mô tả hoàn cảnh của nẫu phải sống dưới sự khắc nghiệt của dì ghẻ như cô bé lọ lem:
Mỗi năm hoa đào nở
Lòng em thấy hớn hở
Thèm ăn miếng thịt mỡ
Nhưng dì ghẻ hổng cho
Nên em nằm co ro
Đợi hoàng tử tới rước
Tặng cho em chiếc guốc
Làm công chúa “lọ lem”
Ăn một chậu cà rem
Cho đỡ thèm.....thịt mỡ!

Gần 40 năm trôi qua,  một chút kỷ niệm bây giờ mới thố lộ.  Phải chi hồi đó đừng học dệt thơ, mà học dệt vải, thì hôm nay nẫu đã có áo đẹp mặc tớt rầu!

Nhớ Tớt La2,
Thukỳ.


Biềm Navarre năm 2010


PS: Thật ra, cái máu “thơ” trong người Thukỳ vẫn không thể nào "lọc" được; cứ ngồi buồn là thơ lại tuôn ra lai láng; nên hồi mới sang Mỹ và ở Boston, MA,  Thukỳ cũng không bỏ được cái thú đam mê chết ngừ này.  Sau đó, biết nhóm cựu học sinh Phú Yên có blog “Cánh Chim Tìm Đàn”, Thukỳ liền gởi một tập “cảo thơm” cho người phụ trách cái web này là anh Phạm Đức Hiền (“Nẫu Nè”) nhờ đăng dùm. Nhưng khi đọc những bài thơ của Thukỳ, ảnh nói thơ “đường” mà sao "lạt" nhách zậy; thơ "lục bát” thì “lạc bút”, còn thơ “ngũ ngôn” thì giống như “ngổn...ngu”.  Thukỳ tức lắm, không phục, đòi giải thích, thì ảnh tặng cho Thuky bài tản mạn “Thiếu Cái Cuống”.  (Xin bấm vào những chữ đỏ bên để đọc), TK.

No comments: