Wednesday, February 27, 2019

CHUYỆN ĐỜI XƯA VÀ NAY - PHẦN 3 (NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT)




Kính thưa quý thầy cô & các anh chị,

Hồi ký của chị Bạch Tuyết (cựu trưởng ban ngân quỹ kiêm thủ quỹ của ngân hàng PTNN tại Tuy Hòa) Thukỳ may mắn vào học tại đây nên quen biết chị, dù thơi gian ngắn ngủi nhưng kỷ niệm tại ngân hàng cũng nhiều và vui buồn lẫn lộn, xin kể 1 câu chuyện thật xảy ra tại đây, chút vui vui của thời xa xưa ấy.

Một hôm Thukỳ đánh máy những đơn xin vay của thân chủ, khi xong thì mang vào văn phòng ông giám đốc ký, TK chờ ông ký xong thì đem ra giao cho ban tài chánh, phòng thủ quỹ để hôm sau phát vay cho họ.  Có một hồ sơ ông ta tên là Hà C..
TK phải đánh cho đúng chính xác tên của họ, nhưng khi ông giám đốc ký mới nghi là TK còn trẻ nghịch hay làm lộn, nhưng ông khg dám hỏi thẳng, mà dùng bút đem ghi vào đơn: “Ông này tên Hà Cập hay Hà C..?”

Thukỳ đọc xong phải ngồi gục xuống ghế mà cười chảy nước mắt.  Các bác chủ sự phòng cũng mắc cười nhưng họ phải cố dằn lại.

Hôm sau ngày phát vay, tất cả các chị trong thủ quỹ không ai dám gọi tên ông, nhìn rồi úp hồ sơ qua một bên, cho đến khi phát tiền hết mọi người, chị Bạch Tuyết thấy còn 1 hồ sơ mới mở ra xem, nhìn hình căn cước và ông bác đó giống nhau, chị cười nhẹ và ngoắt ông lại, tội nghiệp khỏi đọc tên ông vừa thẹn vừa nói chữa: “Hồi nhỏ xấu láy quá cô, sợ khó nuôi nên ba má đặt tên vậy” Tội nhất là chị Bạch Tuyết kể ông kiên nhẩn chờ không khiếu nại hay hỏi han gì cho đến khi chị gọi.

Một cái phong tục xưa mà ba má ở quê nhà tin dị đoan khg muốn đặt tên con hay sợ ông bà bắt chết…Tội cho con phải mang cái tên mà một đời khổ sở, hy vọng ngày nay với sự văn minh thì ai cũng có những cái tên thật đẹp như Bạch Tuyết hay Thu-kỳ chẳng hạn…haha

Xin chia sẻ chút chuyện xưa vui kỷ niệm tại ngân hàng mà hai chị em kể lại còn cười.  Xin đọc tiếp hồi ký phần 3 của chị Bạch Tuyết.

Thukỳ

**********************

Ba tôi đang công tác ở miền Trung trong chiến dịch đấu tố này việt Minh khg còn tin tưởng giai cấp địa chủ nên cho ba tôi về nhà.  Ông đã học tập kỹ ở cơ quan về vấn đề đấu tố này nên ông rất sợ, về nhà ông ở trong phòng khg dám tiếp xúc với ai.  May mắn việc đấu tố hành hạ thân xác địa chủ chưa kịp thi hành thì chiến dịch Ách lăng (Atland) xảy ra.  Quân đội viễn chinh Pháp và quân đội Quốc Gia đổ bộ ra Tuy Hòa, họ đóng quân khoanh từng vùng, như Tuy Hòa và Hòa Thành, xã quê chúng tôi thì còn Việt Minh kiểm soát.

Ba tôi lúc này đã trở lại cơ quan, nhà chỉ còn má tôi, hai bà dì và 3 chị em tôi và người giúp việc (ông ngoại tôi mất 1952, tiếp đến là em gái thứ Ba của tôi, cô em này tôi rất thương yêu vừa xinh đẹp vừa khôn ngoan, em mất lúc lên 5 tuổi!  Tôi thương nhớ em khóc hết nước mắt, cứ mỗi lần cầm đến đồ chơi của em là tôi nhớ, sau đó vài năm bà nội mất, thêm một lần nữa tôi đau buồn, vì từ tấm bé hằng đêm tôi vẫn ngủ chung với nội nghe nội kể chuyện cổ tích, chuyện tông chi họ hàng...Ông ngoại thì nghiêm nên tôi rất sợ, con nít như chúng tôi có ai chịu ngủ trưa chỉ thích rong chơi, đi bắt bươm bướm, chuồn chuồn, nhưng ông ngoại buộc phải ngủ trưa.  Nằm bên ông ngoại sợ quá ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết.  Tôi thuộc những bài thơ của bà Huyện Thanh Quan, những bài thơ yêu nước cũng nhờ từ ông ngoại, tôi đã mất liên tiếp 3 người thân yêu)

Mọi người lập mưu cho 2 bà dì dẫn em trai tôi đi trước, mấy ngày sau má tôi mới nói với ông giúp việc phải đi Hòa Thành để thu lúa, để lại tiền bạc lúc gạo cho ông sống, căn dặn kỹ nên ông hỏi sao cô đi có ít ngày mà dặn kỹ vậy?  Ông có biết đâu đó là lần cuối cùng vĩnh biệt nhau.  Sau đó khg lâu ông bị máy bay Pháp bắn chết, lúc này tôi gần 12 tuổi, má tôi bồng em gái đi với tôi lên nhà bà cô thứ Sáu ở xã Hòa Thành cách xa đồn lính Quốc Gia khoảng 5 cây số ở lại 1 đêm, sáng hôm sau má nói gạt cô là vô Phước Bình tìm coi có ai quen hỏi thăm tin tức gia đình ở Phan Thiết, bà cô chẳng nghi ngờ gì.

Chúng tôi đi đến Phước Bình gặp ngay người quen, vợ chồng chú Trần Bình trọng và cô Thu, chú Trọng quê ở Hòa Hiệp khg biết chú theo lính Quốc Gia từ lúc nào, cũng may nhờ có cô chú mà trong mấy ngáy ngày ở đây được cô Thu lo cơm nước chu đáo, còn bày vẽ làm sao ra được TP Tuy Hòa.  Thuở ấy tuy là con nít nhưng tôi thấy cô chú ấy đẹp đôi và sang trọng, chẳng biết giờ này cô chú ở đâu có còn trên đời này hay khg, con xin tri ân cô chú.

Sau đó chúng tôi theo xe nhà binh đến Phú Lâm, vì xe khg đi thẳng ra Tuy Hòa, nên mẹ con phải đi bộ băng qua cầu Đà rằng, cầu thật dài hơn 1 km, lúc ấy tôi xách cái giỏ mây đựng ít quần áo, tôi lẻo đẻo theo sau, má tôi bồng đứa em đi trước, vừa đến đầu cầu Đà rằng đã gặp ngay người lính viễn chinh da đen đang cầm súng chận lại, má tôi đưa tay bắt tay người lính này và nói Bonjour monsier (chào ông) sau đó bà hỏi ông bằng tiếng Pháp ngả nào đến TP. Tuy Hòa.  Chắc người lính Pháp ngạc nhiên là ở nơi chốn u tịch này mà có 1 người đàn bà nhà quê nói tiếng Pháp trôi chảy, nên ông ta chỉ đường cho đi, nhưng phải đi bộ băng qua Ngọc lãng mới đến Tuy Hòa thay vì đi trên cầu Sông Chùa.

Đến TP chúng tôi tá túc nhà cô Ba Hữu Dụng con của ông bà Hòa Thái người quen biết ba tôi.  Tuy mới tiếp thu Tuy Hòa, nhưng cô Ba Giác đã mở một của hàng tạp hóa, vải vóc mới nhập từ miền Nan ra, là con nít chẳng biết làm gì hằng ngày tôi ra đứng trước cửa hàng chơi, dân và lính tây đến mua tấp nập, tôi nghe cô nói tiếng Pháp dòn tan mà phục lăn, nghe đâu lúc trẻ cô đi học ở Đồng Khánh Huế.  Đây là Gđ thứ 2 mà chúng tôi mang ơn khi mới từ vùng Việt Minh ra.

Mới tiếp thu mà đã thành lập chính quyền có tỉnh trưởng… đầy đủ.  Tôi còn nhớ ông Tỉnh trưởng đến tiệm tạp hóa của cô ba Giác thấy đứa cháu trai con của em cô, và em gái nhỏ của tôi xinh xắn dễ thương ông bồng chụp hình.  Ở Tuy Hòa một thời gian ngắn chúng tôi theo xe nhà binh vô Nha Trang, trong xe GMC này có chở con ngựa đứng giữa, chúng tôi ngồi 2 bên xe, khi xe đến Đèo Cả bị Việt Minh giật mìn cũng may khg ai bị thương tích gì.

Bà ngoại nghe tin các con sắp về Phan Thiết bà ra Nha Trang ở nhờ nhà người cháu họ trước mấy ngày để đón các con các cháu.  Sau 9 năm xa cách mẹ con gặp lại khg còn nỗi vui mừng nào hơn.  Chồng dì sáu tôi bị Tây bắt làm tù binh cũng được thả ra, về đến Phan Thiết bà con làng xóm ai cũng đến thăm viếng, mừng rỡ cho quà cáp, hàng vải để may mặc vì biết chúng tôi thiếu thốn.


Sau đó thì hiệp định Genève ký kết chia đôi đất nước, bà dì thứ Bảy tôi vì chồng còn lại ngoài đó nên tập kết theo chồng ra Bắc.  Ba tôi lúc này đang ở Bình Định, tụ điểm tập kết, ông khg muốn đi định trốn về nhưng sợ họ theo dõi, nên ba tôi viện lý do là về đem thằng con trai ra đi, ba tôi về Phan Thiết và ở lại.  Lúc này mọi việc đã tạm ổn, ba má tôi đưa con đi Sài Gòn viếng thủ đô, ở SG một hôm đi dạo trên đường phố thấy từng đoàn xe chở người Bắc di cư từ bến Bạch Đằng lên, tôi đứng nhìn từng chiếc xe chạy qua, trên xe thấy những ngauời đàn bà chít khăn đen nhìn quanh đường phố vẻ mặt ngỡ ngàng, ngơ ngác.  Lần đầu tiên tôi có mặt trên đường để nhìn thấy những người khách ly hương mới nhập cư vào miền Nam.

NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT

**Xin mời xem tiếp phần 4 vào tuần tới.

No comments: