Ngôi đền tình yêu Taj
Mahal, Ấn Độ
Trần Nguyên Thắng
Chỉ
mới vài năm chưa trở lại với New Delhi, vậy mà thành phố này đã thay da đổi thịt
khá nhiều. New Delhi nay đã đẹp hơn trước, những hàng cây xanh không còn bám bụi
nên xanh tươi hẳn lên. Phần lớn các công trình xây dựng sửa sang thành phố đã
hoàn tất nên nhiều điểm trong thành phố khá hơn xưa rất nhiều. Ngạc nhiên nhất
là con đường Highway lớn nối liền New Delhi-Arga, thành phố của ngôi đền tình
yêu Taj Mahal, không còn là con đường nhỏ tắc nghẽn và đầy bụi bậm. Bây giờ chỉ
cần hơn 3 giờ lái xe từ New Delhi là du khách đến Arga, thành phố du lịch có
nhiều điểm nổi tiếng của Ấn Độ.
Arga
nằm về phía nam và cách Delhi chừng 200km. Đây là thành phố có ba di tích kiến
trúc văn hóa được UNESCO công nhận, trong số đó “ngôi đền tình yêu Taj Mahal”
là một. Có lẽ nhờ vào kiến trúc “đặc biệt“ của ngôi đền này mà người đời sau đã
cho thành phố Arga một biệt danh lạ lùng “Arga, Dream In Marble/Arga, Giấc Mơ Cẩm
Thạch.” Tại sao thành phố này lại có biệt danh “Giấc Mơ Cẩm Thạch”?
Trở
về quá khứ, lịch sử Ấn Độ thay đổi từ một triều đại cũ chuyển sang đế chế
Mughal vào thế kỷ 16. Đây là một đế chế khởi đầu với vị vua Babur từ năm 1526,
nhưng phải đợi đến 30 năm sau (1556) thì đế chế Mughal mới trổi dậy thành một đế
quốc hùng cường dưới thời vua Akbar, một vị vua trí tuệ và thông minh đã có
công lớn đưa đế chế Mughal lên vị trí “đế quốc Mughal vĩ đại.” Những kiến trúc
thành quách, cung điện, đền đài trong ba triều đại vua Akbar-Jahangir (con
Akbar) – Shah Jahan (cháu nội Akbar) đã trở thành những kiến trúc nổi tiếng bất
tử. Ngày nay, phần lớn tất cả các điểm kiến trúc này đều trở thành các di tích
lịch sử của Ấn Độ được UNESCO công nhận. Nổi bật nhất trong các kiến trúc đó phải
nói đến lăng tẩm Taj Mahal, một lăng tẩm không chỉ bất tử với kiến trúc của nó
mà còn bất tử với những câu chuyện tình yêu và hiếu tử của đế quốc Mughal.
Cổng
vào chính Main Gate Đền Taj Mahal. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Shah
Jahan lên nối ngôi năm 1628, ông thừa hưởng gia sản của một đế quốc thịnh vượng
giàu có do cha ông để lại. Công lớn nhất của ông là đã thống nhất được lục địa Ấn
Độ thời bấy giờ. Vua Shah Jahan có năng khiếu về nghệ thuật và đặc biệt về kiến
trúc mà người đời sau được thưởng lãm nét nghệ thuật kiến trúc có một không hai
trên thế giới của ông. Đó chính là hình ảnh lăng tẩm Taj Mahal, một trong những
ngôi đền được xây dựng bằng đá “cẩm thạch” đẹp nhất thế giới từ thế kỷ 17 còn
hiện hữu cho đến ngày nay.
Khi
còn là thái tử, Shah Jahan đã thầm yêu một nàng công chúa mang dòng máu Ba Tư
(Persian) tên là Mumtaz Mahal. Họ yêu nhau say đắm, Mumtaz Mahal luôn luôn bên
cạnh nhà vua Shah Jahan trong mọi hoàn cảnh kể cả những lúc hiểm nguy. Bà đã
cho ông tất cả 13 người con, nhưng chẳng may lúc sinh đứa con thứ 14 cho Shah
Jahan thì bà ngã bệnh, điều trối trăn của bà trước khi mất là ao ước Hoàng Đế
Shah Jahan xây cho bà một ngôi đền “mà không có bất cứ ngôi đền nào của đế quốc
Mughal có thể so sánh được” bên trên phần mộ bà. Ngôi đền Taj Mahal được ra đời
nhờ vào niềm ao ước của nàng công chúa Ba Tư. Ao ước của các bà hoàng ngày xưa
cũng như ngày nay đều thật là nhỏ bé, nhưng những mơ ước của các bà hoàng công
chúa nhiều khi làm điêu đứng cả một quốc gia. Làm theo lời trối trăn của Mumtaz
Mahal, nhà vua Shah Jahan đã vô tình đào hố chôn cả đế quốc Mughal sau này.
Như
đã nói, Shah Jahan không phải chỉ là hoàng đế mà ông còn là một nghệ nhân kiến
trúc có óc thẩm mỹ. Ông đã cho xây đền Taj Mahal để tưởng nhớ người vợ thương
yêu, ngôi đền được xây dựng bên con sông Yamuna uốn khúc tạo thành một không
gian hết sức tuyệt đẹp. Kiến trúc đền khởi công từ năm 1630 và xây dựng liên tục
trong suốt 22 năm, đến năm 1653 mới hoàn thành. Đền Taj Mahal là một kiến trúc
tổng hợp nghệ thuật Ấn Độ-Ba Tư, phần bên ngoài đền ảnh hưởng theo kiểu kiến
trúc Ba Tư, còn bên trong thì mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ (cho dù Shah Jahan
đã cải theo Hồi Giáo nhưng ông vẫn bị ảnh hưởng Hindu nhiều). Chung quanh đền
là bốn tháp minar bằng “cẩm thạch trắng,” dựa theo kiến trúc Hồi Giáo cao vút dựng
ở bốn góc đền tạo thành một hình ảnh cân xứng rất đẹp.
Hoàng
Hậu Mumtaz Mahal và Hoàng Đế Shah Jahan. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Người
ta ước lượng có khoảng 20,000 nhân lực, bao gồm nhân công và nghệ nhân, để hoàn
thành ngôi đền “giấc mơ cẩm thạch Taj Mahal.” Có đến Arga nhìn tận mắt những
người nghệ nhân cắt xén tường miếng đá cẩm thạch, lọc lựa từng lát đá cẩm thạch
màu để xếp thành hình ảnh những đóa hoa và các hoa văn để lát trên từng viên đá
cẩm thạch. Có dịp đứng thưởng ngoạn nhìn những tảng đá cẩm thạch trắng toát chồng
chất lên nhau theo một mô hình đã định trước như quần thể mái vòm và cổng của đền,
các nghệ thuật hoa văn lẫn các bông hoa bằng các miếng cẩm thạch màu sắc trên bốn
bức tường đền. Du khách không khỏi kinh ngạc trước một công trình kiến trúc Taj
Mahal vĩ đại và hết sức chi tiết tỉ mỉ vào từng phiến đá.
Điểm
tuyệt mỹ nhất của Taj Mahal không phải chỉ là phần kiến trúc cẩm thạch mà là phần
“không gian màu sắc cẩm thạch” biến đổi tùy theo ánh sáng mặt trời và mặt
trăng. Màu sắc đền Taj Mahal thay đổi theo từng giờ, buổi sáng ánh sáng mặt trời
lên chiếu vào phía Đông của đền tạo ra sự chuyển đổi ánh sáng trên mái vòm từ
màu trắng thanh dần dần chuyển sang màu vàng nắng. Đến trưa thì mặt trời đứng
bóng trên đỉnh vòm, nắng vàng làm rực nắng cả mái vòm. Hoàng hôn về, mặt trời
ngả về phía Tây tạo cho mái vòm chuyển từ màu vàng-nắng dần sang vàng-hồng trước
khi mặt trời tắt nắng.
Nếu
bạn muốn thưởng ngoạn hết vẻ đẹp của ngôi đền Taj Mahal, bạn phải cố gắng dành
ra trọn một ngày có ánh nắng mặt trời thì mới thưởng thức hết nét tuyệt mỹ của
Taj Mahal. Nhưng chưa hết, “ngắm ánh trăng trên Taj Mahal” cũng là một vẻ đẹp
khác mà đã được nhiều người nói đến. Tôi chưa đến Taj Mahal đúng vào dịp trăng
rằm, nên vẫn chưa có thể viết về cảm nhận của riêng mình khi thưởng ngoạn ánh
trăng trên đền Taj Mahal.
Có
lẽ nhờ vào kiến trúc cẩm thạch của ngôi đền mà người đời sau đã cho thành phố
Arga một biệt hiệu là “thành phố giấc mơ cẩm thạch.” Shah Jahan đã không quản
ngại tốn kém, đã đem cả gia-tài-đế-quốc của ông để biến niềm “ao ước” của người
ông yêu thương thành hiện thực. Ông đã làm cho “toàn phụ nữ thế giới trên trái
đất này” đốt đuốc đi tìm một người đàn ông hào phóng như ông trong tình yêu.
Còn giới đàn ông trên trái đất này thì “khổ sở” về cách chung tình của
ông. Làm sao ai cũng có thể biểu hiện như ông được! Chỉ cần quí vị phái nữ đem
công trình “ngôi đền tình yêu” của vua Shah Jahan ra so sánh là phái mày râu ai
cũng toát mồ hôi!
Bước
vào trong ngôi-đền cẩm-thạch, du khách nhận thấy bên trong lăng tẩm không có vẻ
to lớn như phần bên ngoài. Chính giữa là hai ngôi mộ nổi cũng bằng cẩm thạch nằm
trong một vòng hàng rào cẩm thạch. Các cửa sổ chung quanh mộ được thiết kế cố ý
tạo cho một phần ánh sáng chiếu vào vừa đủ như để hoàng đế Shah Jahan và hoàng
hậu Mumtaz Mahal yên tĩnh cho một giấc ngủ dài. Ngôi mộ nhỏ là mộ hoàng hậu
Mumtaz Mahal và một ngôi lớn hơn dành cho hoàng đế Shah Jahan. Nhưng phải ngưỡng
mộ ông vì ông đã giữ đúng lời trối trăn của người ông yêu quí, xây một ngôi đền
cho Công Chúa Mumtaz Mahal mà không có bất cứ một ngôi đền nào trên thế giới
này có thể so sánh được.
Không
gian hoàng hôn Taj Mahal. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Trong
tình yêu thì Hoàng Đế Shah Jahan đã làm những điều hào phóng và “rất đẹp” với
Mumtaz Mahal. Nhưng trong chính trị thì ông đã vô cùng bất nhẫn với dân, bắt
dân phải gánh chịu nhiều thứ thuế và lao dịch vào những công trình kiến trúc của
ông (không phải chỉ có kiến trúc đền Taj Mahal mà còn nhiều thành quách khác).
Khi ông ngã bệnh, các con ông tranh giành ngôi vua, chém giết lẫn nhau. Năm
1658, Aurangzeb (người con thứ tư của ông) đoạt ngôi vua và giam ông trong
thành lũy Arga Red Fort, chỉ cách xa đền Taj Mahal vài cây số đường chim bay.
Trong ngục tù, mỗi ngày qua khung cửa sổ nhà, ông dõi mắt nhìn hướng về ngôi đền
Taj Mahal nơi cuối khúc rẽ của sông Yamuna, không biết ông đã suy tư gì trong đầu
trong hoàn cảnh ngục tù! Ông nghĩ về Hoàng Hậu Mumtaz Mahal hay ông nghĩ về
công trình đền Taj Mahal của ông? Hay ông căm thù oán hận đứa con nghịch tử
soán ngôi và giam cầm ông? Thật tội nghiệp cho một hoàng đế lúc sa cơ. Nhưng có
bao giờ ông có một chút từ tâm nghĩ về những người dân khốn khổ của ông không!
Tôi
cũng có dịp đến thăm nơi ngục tù giam giữ ông. Tôi cũng đứng ngay bên những
khung cửa sổ mà có lẽ Shah Jahan đã từng đứng. ôi cũng dõi mắt hướng về ngôi đền
Taj Mahal mà lòng cảm thấy ngậm ngùi thương cảm cho thân phận cuối đời của ông.
Ông mất lúc ông 74 tuổi sau tám năm bị đứa con nghịch tử giam cầm, kể ra tuổi
ông cũng khá thọ cho vua chúa thời ấy.
Ngôi
đền lăng tẩm Taj Mahal không phải chỉ có kiến trúc “Giấc Mơ Cẩm Thạch.” Ngoài
ra, một kiến trúc quần thể khác như kiến trúc Ornamental Pool, Vườn, cổng Main
Gate trước đền, đền thờ Mosque bên phía tây Taj Mahal. Những kiến trúc này tạo
thêm phần thanh nhã tạo cho du khách cảm thấy nhẹ nhàng khi đến du ngoạn Taj
Mahal.
Thành
phố Arga ngoài “Giấc Mơ Cẩm Thạch” đền Taj Mahal còn có thành lũy Arga Red Fort
và Fatehpur Sikri là những thắng cảnh kỳ quan nổi tiếng khác của UNESCO. Riêng
ngôi đền tình yêu bất tử Taj Mahal được chọn là một trong bảy kỳ quan mới của
thế giới hiện tại. (Trần Nguyên Thắng)
No comments:
Post a Comment