ĐÂY, VÙNG CHIẾN-TUYẾN
Thế là tôi đã trở thành Giám-Đốc An-Ninh Và Phản-Gián của Miền Trung.
Trước kia, thủ-phủ của Vùng này là cố-đô Huế; Đà-Nẵng chỉ là một Thị nhỏ, nhượng-địa, chịu nhiều ảnh-hưởng của Pháp hơn là Nguyễn-triều.
Lần đầu tiên tôi đến Đà-Nẵng là vào năm 1954.
Tôi được động-viên vào Quân-Lực với tư-cách chuyên-môn - văn-nghệ-sĩ & ký-giả - từ tháng 4 cùng năm. Sau Hiệp-Định Geneva, tôi cùng đi với nghệ-sĩ Tô Kiều Ngân, nhà-báo Huy Vân, nhà quay phim Lê Đình Ấn, thuộc đoàn phóng-viên chiến-tranh, tháp-tùng Bộ Tư-Lệnh Đệ-Nhị Quân-Khu trong cánh quân xuất-phát từ Huế vào, trong chiến-dịch tiếp-thu các Tỉnh Quảng-Nam, Quảng-Ngãi, Bình-Định, Phú Yên, khi cộng sản rút ra khỏi Miền Nam. Trên đường đi, tôi có ghé vào Đà-Nẵng, nhưng vào ban đêm, và trong chốc lát, nên chỉ nhìn thấy Đà-Nẵng khiêm-nhường, dè-dặt, trong buổi giao-thời phức-tạp của tình-hình chung: Ô. Ngô Đình Diệm về nước nhậm-chức Thủ-Tướng; Trung-Tướng Nguyễn Văn Hinh, Trưởng Tổng-Tham-Mưu, chống-đối Diệm; Đệ-Nhị Quân-Khu, dưới quyền tư-lệnh của Đại-Tá Trương Văn Xương, chuẩn-bị bích-chương, biểu-ngữ, trứng thối, cà chua... để đợi Diệm từ Sài-Gòn ra chủ-tọa lễ tiếp-thu là tổ-chức dàn chào đả-đảo Diệm, với khẩu-hiệu “Mười vé phi-cơ cho tập-đoàn họ Ngô [đi ra nước ngoài], hay là hằng trăm ngàn [mạng sống của] chiến-sĩ quốc-gia!”; quân-lực Pháp đã chấm dứt hành-quân nhưng cố-vấn quân-sự Pháp vẫn còn hoạt-động trong quân-ngũ Việt-Nam; chính-đảng Đại-Việt mà lực-lượng vũ-trang hậu-thuẫn là các tiểu-đoàn Nghĩa-Dũng-Quân tinh-nhuệ, chống Cộng mà cũng chống Diệm, đồng-minh giai-đoạn của Hinh...
Chỉ mấy tháng sau, Đà-Nẵng, cùng với toàn-quốc, đã đổi khác hẳn - trong đó có phần công-trạng của tôi.
Lần này, tôi cùng đi với bạn tôi, là Thompson A. Grunwald, Giám-Đốc Phòng Thông-Tin Hoa-Kỳ, trụ-sở tại Huế, đại-diện chính-thức đầu tiên của Mỹ tại Miền Trung. Ảnh-hưởng trực-tiếp của Mỹ đối với Việt-Nam bắt đầu lan dần. Tôi được đồng-bào nồng-nhiệt khen-ngợi Chương-Trình Phát-Thanh “Tiếng Nói Quân-Đội tại Đệ-Nhị Quân-Khu” mà tôi là Trưởng Đài, và phần “Anh-Ngữ Thực-Hành”, lớp dạy tiếng Anh đầu tiên bằng phương-tiện vô-tuyến dành cho thính-giả Việt-Nam, mà tôi chủ-trì thực-hiện với sự hợp-tác của Tôn Thất Đát bên cạnh Thompson...
Kế đến, sau vụ cộng-sản tổng-công-kích Tết Mậu-Thân 1968, nhạc-phụ tôi mất, tôi từ Pleiku đáp phi-cơ Air America ra Đà-Nẵng dự lễ tang.
Các viên-chức tình-báo Trung-Ương Hoa-Kỳ (CIA) sắp xếp các chuyến bay đã giúp-đỡ tôi rất tận-tình, nhưng tôi thấy rõ là họ đồng-thời bận-rộn liên-tục với khá nhiều công-tác khác, hòa nhịp với quang-cảnh rộn-rịp náo-nhiệt của các giống người - mà nổi bật nhất là da trắng, da đen -, các loại vũ-khí, xe-cộ, máy-móc, dụng-cụ, hàng-hóa - trên đất - cùng với các loại phi-cơ quân-sự và dân-sự gầm rú - trên không - và những tiếng súng đại-bác, đại-liên từ xa vọng về từng hồi... Đà-Nẵng với phi-trường lớn có thể đón phi-cơ B-52 đáp cánh khẩn-cấp, với hải-cảng lớn phục-vụ cho toàn Miền Trung, với các cơ-quan chính-quyền cấp Vùng và Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn/Quân-Khu từ Huế dời vào, đã phát-triển mạnh, xứng-đáng là thủ-phủ chiến-lược của Miền Bắc Trung-Nguyên Trung-Phần...
Lần này, tôi đến thì Đà-Nẵng lại có một bộ mặt khác.
Từ mái nhà trở xuống là những bộ quân-phục nhiều màu như cũ, nhưng chỉ khoác trên những thân người chung một da vàng và chung một tiếng nói, Việt-Nam - Việt-Nam-Hóa? - và từ mái nhà trở lên là ngót cả tá đảng-kỳ, giáo-kỳ, đoàn-kỳ, hội-kỳ, hiệu-kỳ...; nhưng nổi bật hơn hết là những dãy bốn lá quốc-kỳ của các nước trong Ủy-Hội Quốc-Tế, sặc-sỡ, tạo thành hai cặp, có cùng sắc màu mà vị-trí đối-nghịch nhau, như muốn nói lên cái thói trớ-trêu của một trò chơi quốc-tế về quốc-kỳ: Ba-Lan thì trắng-đỏ, Nam-Dương thì đỏ-trắng, đỏ-trắng-lục là Hung-Gia-Lợi, và lục-trắng-đỏ là Ba-Tư...
Cờ Poland (Ba Lan) Cờ Indonesia (Nam Dương)
Cờ Hungary (Hung Gia Lợi) Cờ Iran (Nam Tư)
Chính trước bối-cảnh chung đụng và đụng chung của những con người và của những nhóm người được tiêu-biểu bằng những màu cờ sắc áo đó, mà tôi bị bắt-buộc và cũng tự mình bắt-buộc mình phải đóng một vai trò “thiêu-thân” dưới ánh đèn sân khấu rọi sáng một khung không-gian và một quãng thời-gian nghiêm-trọng nhất trong lịch-sử của nước Việt-Nam Cộng-Hòa.
Con thiêu-thân thì nhỏ, nhưng khán-giả không thể không trông thấy, vì cái bóng của nó đã được phóng lớn, chập-chờn trên các lớp phông màn.
LÊ XUÂN NHUẬN
No comments:
Post a Comment