LÁ ƠI, CHỚ VỘI THAY MÀU
Nhất-Phương.
Tạp bút
Tôi bị bức rời khỏi nơi sinh quán sau khi hãnh diện được
tiếp nhận mảnh bằng tốt nghiệp lớp ba ở
làng quê lâu lắm rồi, nên mọi kỷ niệm gắn liền với yếu tố thời gian trong ký ức
mờ nhạt thêm mỗi khi phải đi làm một cặp kính mới. Tuy nhiên, ông Thời Gian sau
này không còn là người xa lạ. Cả hai chúng tôi bắt đầu thân thiết với nhau tự
thuở tôi lén chui vào chiếc thuyền con lênh đênh trên biển. Bờ đại dương thật
dài, âu yếm nằm cạnh quê hương mang tên biển 'Bình Yên', ngọt ngào như
lòng mẹ nên đành phải âm thầm mím môi đẩy đàn con thơ xa dần cội nguồn, gốc rể!
Bảy mươi? Sao cõi lòng như
mới
chớm mười lăm,... dấn bước vào đời
sống trong lòng chiến cuộc chơi vơi
tuổi ươm mộng, khóc cười miên
viễn.
Nắng ngỡ ngàng khơi miền kỷ niệm
khe khẽ nâng tay vén lá sầu...
ngắm đám người gầy cuộc bể dâu
nghĩa tri thức đượm mầu vong bản!
Tôi đi, nhưng lòng luôn ở lại. Cho đến tận
bây giờ tôi thật sự đã biết, thật sự khẳng định điều này trong trái tim tôi
hoàn toàn có thật, như một thiên đàng giữa
chốn trần gian, để tôi nghĩ đến, để tôi nhớ về, để tôi tự nhủ thầm rằng tôi
luôn luôn có một quê nhà thống khổ, một mẹ hiền dấu ngấn lệ khô, đoạn trường
khi cả quyết bức rời lũ con ra khỏi lũy
tre già dấu ái!
Tôi đi, hành trang mang theo giống hệt gia
tài của mẹ tôi sau này, trong cuộc hành trình đoàn tựu với các con nơi hải ngoại-
“hành trang nằm trong túi áo bà ba, là đất nước, là quê cha thống khổ...”
Tôi đã đi. Tôi lao nhanh theo dòng trôi của định
mệnh, để được tạo hóa an bày; để nắm, để bắt, để dằn co níu kéo giữa hai cõi âm
dương. Cõi Tịnh Không là con đường tôi nắm chắc sẽ đến ở cuối quãng đường vượt thoát tìm tự do. Suy nghĩ của
tôi lúc bấy giờ, bến bờ nào cũng là Cõi Đến, là sự chọn lựa khát khao của đoàn
người quanh năm chỉ sống với gió mùa, gió chướng, vẫn thuộc làu làu bài học vỡ
lòng khi tuổi đời vừa đủ hiểu: “trước khi học bất cứ điều gì, phải học cách
để trở thành một con người biết tôn trọng quyền sống của người khác”. Trong
tôi có sự thương xót mặn mà sâu lắng đối với muôn loài, nhưng ngó lại cõi lòng,
tôi vẫn phải cố gắng học thêm cho thấu đáo cách phân biệt bạn hữu hay bạn bè, để
tránh tiếp tay làm cho đồng hương bên kia bờ đại dương sống khổ.
Bạn bè đọc đến chỗ này, ngước mắt nhìn tôi
'dõng dạc' hỏi: kẻ thù là ai vậy? Trời ạ,
con không còn ngôn từ nào khả dĩ thích hợp để có thể đáp ứng được câu phát ngôn
êm đềm như thế nữa! Ngần ấy thời gian, ngấp-nghé-năm-mươi- năm sống xa cội nguồn
dòng tộc, xa mùa nước nổi, xa ngọn đòng đòng, lòng người vẫn không muốn (hay
không dám) 'tiết lộ' tên để xác nhận kẻ thù của dòng giống Tiên Rồng là ai sao
chớ? Cho đến tận bây giờ, vài người tôi quen vẫn chưa định nghĩa rõ ràng hai tiếng
ấy, hay đúng hơn, họ không muốn nhớ hay không dám nhớ kẻ thù của dân tộc Việt-Nam
thuộc thành phần nào nữa! Nói ra như thế
cũng không vui vẻ gì, bởi “kẻ thù ta đâu có phải là Người - Giết Người đi thì
ta ở với ai?” [Phạm Duy]. Lẩn khuất trong trí nhớ tôi vẫn là những mẫu chuyện thuộc về quá khứ,
gây ngạc nhiên bởi khá phức tạp cũng như khá đau lòng. Nếu hai tiếng kẻ thù
không hiện hữu, không đáng lưu tâm, sao vẫn có câu “hãy tập yêu thương kẻ thù,
phòng khi bạn thân trở mặt thành kẻ thù”! Mà cũng đúng lắm bạn ạ. Tôi
tự thuyết phục để thông cảm cho bạn rồi, vì mỗi năm khi bạn du lịch về thăm quê
hương, tiệc tùng đình đám liên miên tiền xài như ở Mỹ..., nên dù muốn dù không
cũng hiếm khi nhìn thấy cuộc sống nơi hạ tầng xã hội khó khăn đến nhường nào!
Quen lớn như bạn, có ai dám làm khó dễ gì đâu mà bận tâm thù hận!
Nghĩ cho cùng, tôi quá ích kỷ và kỳ cục để
phê phán bạn như vậy. Mình đang thảnh thơi sinh sống trong lòng một đất nước hoàn toàn tự do. Bạn muốn đi đâu
thì đi, làm gì thì làm, tôi chỉ việc quên nó đi, như các bậc thức giả luôn luôn
khuyên nhủ: “Điều gì không thể thay đổi, hãy quên nó đi”. Nhưng sao tôi
khó quên những lời nhẹ nhàng của bạn đến thế! Có phải vì tôi vẫn xem 'bạn' luôn
là bạn của tôi không? Hay vì bạn và tôi đang cùng nhau sinh hoạt trong một hội
đoàn, một đoàn thể, hay cùng chung tôn giáo, cùng một Cộng Đồng nên khó lòng
quên nhau được? Ra vào gặp mặt, làm sao
quên đây hở bạn? Nhìn thấy bạn, tim tôi đau nhói, như nhìn thấy lại hình ảnh
quê nhà trong thiên kỷ 2000, nơi ghi đậm thảm trạng Tết Mậu Thân 1968 ở Huế
cũng như ở miền Tây quê hương tôi, có cả Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 cùng chiến tích oai
hùng trận Bình Long Anh Dũng. Dẫu ông Thời Gian đã già thêm năm-mươi-tuổi, những
cái chết vô danh vì tổ quốc lúc này vẫn còn tươi màu nhớ, người dân Sài-Gòn
chưa hề muốn lật sang trang. Tôi biết, tôi đã sai khi âm thầm trách cứ bạn. Sao
vậy?! Bởi tôi chợt nghiệm ra rằng, cõi-thiên-đàng trong nội tâm cục bộ của tôi
và trong nhận thức thông thái của bạn hoàn toàn khác biệt.
Các bậc chân tu thường xuyên khuyên nhủ phật
tử rằng: nói ít, không nghe, không nhìn... để được thân tâm an lạc,
nhưng xin thưa, “sao khó quá Thầy ơi!!!?”. Có cách nào hành xử cho vẹn toàn hai
nẻo Đạo-Đời không? Tôi đang sinh sống trong thiên đường của chính lòng tôi, làm
sao thẩm thấu hết mọi bề ở “phía sau vườn địa đàng”?! Tôi thầm lưu giữ ánh nhìn
xao xuyến thiết tha khi chiêm ngưỡng sự uy dũng của thủ đô Hợp Chủng, nơi lần đầu
tiên được tận mắt chứng kiến theo dòng xe từ phi trường J. F. Kennedy, hoặc từ
Dulles về khách sạn nhiều năm đã qua. Mặc dù quá khứ lặng lẽ âm thầm trôi, hình
ảnh những hàng cây mướt xanh “trăm năm tuổi”, cao vời vợi chạy ngược về sau, để
tôi thênh thang thưởng ngoạn cảnh vật tỏa rạng “quyền uy vô hình” tuyệt vời
phía trước..., hoài hoài hiện hữu. Ngạc nhiên quá đổi, sao chỉ là cây cao bóng mát mà
thặng dư sức mạnh âm thầm, khiến tôi khâm phục sững sờ đến vậy, huống hồ chi nếu
được vào tận Ngũ Giác Đài, mục nhĩ thênh thang? Mỗi lần nhàn nhã lái xe an toàn
trên xa lộ, nhìn lá cờ khít khao ngời ngợi các cánh sao xanh, sừng sững vươn
cao giữa đất trời, phần phật bay bay trong chiều gió lộng, tôi âm thầm “bỏ ngỏ
trái tim” với lòng biết ơn vô bờ khi được tồn sinh trên cùng mảnh đất với tất cả
các cộng đồng đa văn hóa.
Mùa Hè năm nay, Cali nóng
như chưa từng được nóng. Nắng tỏa xuống hừng hực, ạt ào, nhất quyết không nhường
nhịn những đóm mát hiếm hoi của tán lá tàn cây. Từ khung cửa sổ, tôi lặng nhìn
vòm bóng đỏ phía hông nhà, quà mừng sinh nhật của một người bạn vừa đủ chân
tình, được trồng từ đầu thiên kỷ 2021, tên là cây “Hạnh Phúc” (?). Phiến lá bị
uốn cong vì nóng, xào xạc rơi rơi. Màu đỏ tự nhiên xinh xắn ấy, tuy còn vương
vương lãng đãng đôi nét hồi Xuân, vẫn là hình ảnh tàn phai khi bị nhìn xuyên
qua màn nắng chói chan dưới khung trời mất nước. Hạnh phúc giống như các mẫu
bông gòn, lả tả lượn vờn theo gió cuốn ngàn phương. Tiếng hai con chó bên sân
nhà hàng xóm gâu gâu châu đầu tâm sự, gợi tôi nhớ nhiều về con Chắc Cà Đao của
mình hồi còn ở tận miền quê xa khuất mắt.
Lúc ấy, con Chắc Cà Đao vừa tròn bảy tháng tuổi,
lông vàng óng mượt, chạy lưng tưng, rong chơi thẩn thơ dọc ven đường trước cửa,
cạnh bên phía Hồ Thu (cùng tên với quán bò bảy món Thu Hồ của gia đình). Cô Chiều
đang lả lơi quyến rũ chú Hoàng Hôn hãy sớm chui vào bóng tối, tuy hơi vội vàng
nhưng êm ả cùng nhau. Mặt trời sắp đổi “sắc tím u buồn”, y như màu hoa sim rừng
gờn gợn long lanh trên lưng con chó nhỏ, theo tốc độ nhịp nhàng hay lừng khừng bất trị của nó.
Bé chó của tôi được mang
tên một địa danh theo âm của người Khmer, là
'prek pedao' hay 'chắp Kdam' gì đó, nơi khởi đầu của món gỏi Sầu Đâu đặc sản...
Tôi không dám đi sâu vào sự nghiên cứu công phu của nhà văn Sơn Nam hay cụ
Vương Hồng Sển, chỉ nhớ để biết ơn một người cộng sự viên của ba các cháu đã tặng
cho chúng tôi con Chắc-Cà-Đao, trong đêm lễ khánh thành chiếc cầu cùng tên thời
Long Xuyên còn chưa đổi chủ!
Bên cạnh
việc bất ngờ mồ côi đất nước, tôi còn bị mất mát thêm nhiều thứ khác trong cơn
lốc xoáy dị dạng, có thể quá tầm thường với mọi người nhưng là bảo vật của
riêng tôi, như tàn cây bông giấy đỏ trước cổng nhà, như bé chó Chắc-Cà-Đao, như
chiếc quần lãnh Mỹ A đen trơn láng mịn màng... dáng vẻ lụa Tân Châu, và nhất là
gần đầy một “tủ-sách-đồi-trụy” tôi lén dấu vội vàng lên trần nhà số 9 đường Lê
Lợi để tránh cho chúng khỏi bị hỏa thiêu, bao gồm luôn cuốn Đỉnh Gió Hú!
Nhiều
chuyện bắt buộc nên chúng tôi dấn thân vào đỉnh gió ấy, bí-mật-im-lìm- nhẫn-nhục,
để âm thầm được gió cuốn đi, bay qua đại dương, giã từ bể khổ sau lưng rồi
thiên di vô thiên đàng trước mặt, như bây giờ...! Do vậy, tôi rất sợ sẽ bị rơi
vào trầm cảm một lần nữa, khi phải đối diện với những phiến lá bất chợt đổi
thay màu, không còn giữ nguyên bản sắc mượt mà thuần khiết như chúng nó đã từng.
Tôi cần
phải thưa thêm cho rõ hơn với bạn tôi rằng, hoa lá chuyển đổi dáng màu theo thời tiết tứ mùa là chuyện đương
nhiên giữa đất trời tan hợp. Thực tế chứng minh vẫn không ít hiện tượng khiến
phiến lá... “tự nguyện” hay thụ động để phù phiếm xa hoa vẽ vời sáng tạo nên
vóc nên hình, bao gồm lá nylon, lá lụa, lá giấy... ở thời thượng này, nhìn y
chang lá thật, được đa phần trọng dụng bởi khá tiện lợi, chẳng cần tưới nước khử
sâu, chồi non đậm đà tươi tốt suốt ngày đêm. Thế mới biết, cho dù chúng không
thể hiện được một chút giá trị thiên nhiên nào, vẫn luôn hãnh diện có dư thừa
khả năng làm sáng màu cảnh giả. Đời sống nhiễu nhương, làm sao kiểm soát hết những
triệu chứng... vô thường?! Nhiều đám lá ố hoen vì thời cuộc, ẩn hiện trong vài
ba cuộc cháy rừng lỡ được hay bị ai đó đốt mỗi độ hè sang, vẫn ngang nhiên lộng
hành phất phới trêu chọc Cõi-Người, thảnh thơi hòa nhập vào cảnh phồn hoa dạt
dào chung quanh chúng.
Hiện
nay, sức nóng hừng hực cuối Hè vẫn đang trùm phủ khắp không gian, làm lá cây Hạnh-Phúc
trong tâm tư tôi phai tàn, rụng rơi gần hết. May mắn thay, chỉ còn đúng một
ngày nữa, cuộc đời chung sẽ mở ngỏ bước vào Thu (Sept-22-2024). Hy vọng nàng Thu mới sẽ rất nên thơ, ngoan hiền,
mang theo từng lọn gió heo may điệu đà dìu dịu, hiu hiu tự tại, thoang thoảng
hương Việt Nam của tình người-lâm-nạn, sẽ trải đều những-phiến-lá non
tươi mới nhú, đậm sắc thủy chung thuần khiết nhất lên suốt bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông của thiên kỷ thứ Hai-Ngàn-Không-Trăm-Hai-Mươi-Mốt.
Nhất-Phương
No comments:
Post a Comment