BỘ CHỈ-HUY CSQG VÙNG I
Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc, Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Vùng I, cấp trên trực-tiếp của tôi theo hệ-thống ngang, là một quân-nhân biệt-phái, nguyên là một sĩ-quan ưu-tú của đệ-nhất Quân-Đoàn, được Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân-Đoàn I và Quân-Khu I, đưa qua.
Chưa hề gặp nhau, không có một người trung-gian nào giới-thiệu, khi tôi vào ra mắt Lộc thì cả hai đều bỡ-ngỡ nhìn nhau. Thế nhưng, chỉ sau một lát chuyện-trò, tôi cảm thấy cả hai đều đã gặp được người đáng mến và tin nhau. Lộc nói:
- Tôi biết anh là người của Đặc-Ủy Tình-Báo Trung-Ương. Anh đã được huấn-luyện từ nước ngoài. Anh là thủ-khoa Khóa I Phản-Tình-Báo Cao-Cấp, anh cũng là thủ-khoa Khóa I Lãnh-Đạo và Chỉ-Huy Đặc-Cảnh Cao-Cấp. Trước đó, anh đã tốt-nghiệp uu-hạng Khóa I Điệp-Báo Cao-Cấp. Anh đã từng làm Trưởng-Ty Cảnh-Sát Quốc-Gia, anh đã từng là cấp chỉ-huy cả bên Cảnh-Sát Hành-Chánh lẫn bên Cảnh-Sát Tư-Pháp. Chức-vụ hiện nay thì anh đã từng đảm-trách sáu bảy năm trời tại Vùng II rồi. Anh đã từng sống lâu năm tại Miền Trung này, biết nhiều về người và việc tại đây. Với cái vốn chuyên-môn sẵn có, tôi tin là anh sẽ dễ-dàng hoàn-thành nhiệm-vụ Trung-Ương giao cho, giúp Bộ Chỉ-Huy Vùng I sớm ổn-định tình-hình Miền Trung.
Tôi hỏi Lộc công-tác nào là ưu-tiên số I của Cảnh-Sát Đặc-Biệt Vùng này, theo nhu-cầu của địa-phương. Ông đáp:
- Chúng ta có cả giặc ngoài lẫn thù trong. Ở đâu cũng có cả 2 đối-tượng ấy; nhưng ở Vùng mình thì mỗi vấn-đề có những đặc-tính khác-biệt với các Vùng kia. Ngành Đặc-Cảnh là cơ-quan chủ-chốt loại-trừ hạ-tầng cơ-sở Việt-Cộng và kiểm-soát tình-hình chính-trị nội-bộ Quốc-Gia. Trách-vụ nào cũng đều ưu-tiên như nhau. Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng thì muốn chúng ta phải ổn-định nội-tình ở Huế trước; ngoài đó là tiền-phương của Quân-Khu I là tiền-đồn của cả Miền Nam.
Tôi trình-bày tóm-tắt đường-lối làm việc của mình:
- Đối với cộng-sản thì Ngành Đặc-Biệt có hai phương-thức đương-đầu: một mặt thì vô-hiệu-hóa tức là chiêu-hồi, bắt sống, hạ-sát…, một mặt thì khống-chế sử-dụng làm nội-tuyến cho ta, “ở lâu, đi sâu, trèo cao” trong hàng-ngũ của đối-phương. Cách thứ hai này có kết-quả lâu dài và to lớn hơn, nhưng trái ngược với Kế-Hoạch Phụng-Hoàng. Một bên thì hốt trọn, một bên thì để dành. Tôi sẽ làm một lần cả hai công-việc ấy, và tôi sẽ tự mình quyết-định, không để cấp dưới lúng-túng hoặc làm sai. Còn đối với các đảng-phái, hội-đoàn, chúng ta phát-hiện và thanh-trừng các phần-tử cộng-sản xâm-nhập hoặc trá-hình, đồng-thời loại-trừ các hành-vi bất-hợp-pháp. Nếu có cá-nhân nào nhân-danh hoặc lợi-dụng tổ-chức mà làm càn, thì chúng ta chỉ đối-phó với cá-nhân ấy, chứ không vơ đũa cả nắm, vì trong tập-thể nào cũng có những người tốt, việc hay…
Một Buổi Họp Tham-Mưu
Gặp lúc có buổi họp tham-mưu hàng ngày của Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng I tại hội-đường, Đại-Tá Lộc hướng-dẫn tôi đến dự và giới-thiệu với mọi người tôi là tân-Phụ-Tá Đặc-Biệt của ông.
Ngay từ buổi họp đầu tiên ấy, tôi đã nhận thấy có cái gì bất-ổn nơi đây.
Sau phần thuyết-trình của Trung-Tâm Hành-Quân về tình-hình chung, Đại-Tá Lộc say mê nói về Chương-Trình Kiểm-Soát Tài-Nguyên mà nay thì tập-trung vào các Trạm Kiểm-Soát An-Ninh dọc đường, các Cuộc Cảnh-Sát Xã thành-hình song song với các Phân-Chi-Khu, và nhấn mạnh đến các chỉ-thị của Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân-Đoàn và Quân-Khu địa-phương.
Thế nhưng hầu như Đại-Tá Lộc chẳng có một ai, trên các Chánh Sở, để thay-thế ông xử-lý những việc thường.
Đại-Tá cảnh-nhân Lê Tú Trúc, Chỉ-Huy-Phó, thì chỉ ngồi cho có vị, không được ủy-thác mà cũng không tự đảm-nhận một trách-vụ gì.
Trung-Tá Phan Thành Thới, quân-nhân biệt-phái, Phụ-Tá Trung-Tâm Thường-Trực Phụng-Hoàng, một sĩ-quan cao-cấp đã từng được cử giữ chức-vụ Tỉnh-Trưởng ở trong Nam, thì biến cuộc họp thành một buổi mạn-đàm về lý-số tử-vi, mà lạ-lùng là mọi người, kể cả Lộc, đã không cản-ngăn lại còn chăm-chú lắng nghe.
Trung-Tá Nguyễn Minh Kính, Phụ-Tá Thanh-Tra, mà tôi đã biết, vốn thường lớn tiếng thao thao trong những thời-gian anh giữ chức-vụ Trưởng-Ty CSQG trước kia, thì nay hoàn-toàn nín thinh. Tôi khẽ quay lui hỏi nhỏ mấy người quen cũ ngồi gần sau tôi thì tôi được họ rỉ tai: ảnh ở cấp Vùng, cấp lớn nhưng chức lại bé, sợ bị thăng lên đại-tá thì hết hy-vọng - hy-vọng của một trung-tá là được cử làm chỉ-huy-trưởng CSQG ở một tỉnh nào - cấp tỉnh thấp hơn nhưng chức là trưởng thì quyền và lợi cao hơn. Thảo nào những người nay đã hết thời, hoặc chưa gặp thời, đều được cử làm thanh-tra. Và trong nữ-giới có câu châm-ngôn “Thà làm [vợ] bé ông lớn, hơn làm [vợ] lớn ông bé!”
Trong hàng Chánh Sở và dưới Chánh Sở thì có một số thiếu-tá thuộc thế-hệ trẻ, đã tốt-nghiệp cao-đẳng, được huấn-luyện tại trường sĩ-quan trừ-bị Bộ-Binh và xuất-thân từ Học-Viện Cảnh-Sát Quốc-Gia, nhưng có lẽ có mặc-cảm non-nớt trước các đồng-nghiệp già nghề nên họ rụt-rè như hồi còn mài đũng quần trên ghế học-đường. Trước bối-cảnh đó, Trung-Tá Nguyễn Văn Long, Chánh Sở Tư-Pháp, cùng Thiếu-Tá Nguyễn Đại Toàn, Chánh Sở Tiếp Vận, là những cấp chỉ-huy cảnh-nhân kỳ-cựu, thì trình-bày từng chi-tiết chuyên-môn với Đại-Tá Lộc và hội-đường mà như giảng-giải với khóa-sinh tân-tuyển ở nhà trường.
Tôi đã nhập vào một tập-thể tổng-hợp những dị-biệt tiềm-ẩn nhưng âm-ỉ sau những đồng-nhất ngoại-hình. Khác với các Vùng khác, ở đây người ta phân-loại mỗi người theo từng gốc-gác: thời-đại (Pháp, Bảo-Đại, Diệm, Thiệu); đảng-phái (Đại-Việt, Quốc-Dân Đảng, Dân-Chủ, Quốc-Gia Cấp-Tiến, v.v…); tôn-giáo (Phật, Thiên-Chúa, Hòa-Hảo, Cao-Đài); địa-phương (Bắc, Trung/Huế, Trung/Quảng, Nam, v.v…); xuất-xứ (nguyên-ngành, quân-lai, v.v…); lĩnh-vực (Sắc-Phục, Đặc-Biệt, Dã-Chiến, Giang-Cảnh, Thám-Sát); nhân-vật đỡ đầu (Tổng-Giám-Đốc, Giám-Đốc), v.v…
Tôi tự-nhủ mình có thể làm một cái gì, nổi bật hơn, và để nối lại những khoảng cách này.
Những Đóng Góp Đầu Tiên
Trực-thuộc Bộ Chỉ-Huy CSQG Vùng I có 2 đại-đội Cảnh-Sát Dã-Chiến. Ngót hai trăm nhân-viên mà chỉ có một việc làm là thay phiên nhau mỗi phiên một cảnh-viên gác tại cổng trụ-sở và một cảnh-viên gác tại ngã-tư đầu đường. Tôi thì chỉ cần có một tiểu-đội Biệt-Kích như hồi trước năm 1963 là đã đủ để hoạt-động khắp Vùng.
Lần đầu tiên cùng đi với Đại-Tá Lộc đến họp tại Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn I và Quân-Khu I, tôi mặc sắc-phục Cảnh-Sát Dã-Chiến, qua giành tay-lái lái xe của ông để vừa đi vừa chuyện-trò. Lúc sắp-sửa đến ngã-tư nói trên, tôi đã bấm còi nhiều lần để lưu ý viên Cảnh-Sát Dã-Chiến đang gác ở đó, nhưng anh vẫn ngồi mải-mê xem sách, khẩu súng M-16 thì dựng một bên. Khi xe đến sát, tôi đã ngừng lại, bấm còi lần nữa, anh mới đứng dậy, bỏ sách vào túi, cầm khẩu súng lên. Tôi chỉ cho Đại-Tá Lộc thấy cảnh ấy; ông chỉ lắc đầu.
Một buổi sáng, tôi đến sở làm, mặc dân-phục, đi xe sơn màu trắng-đục (không phải xanh-trắng là màu chính-thức của Cảnh-Sát Quốc-Gia) và mang bảng số ẩn-tế, như thường ngày. Khi xe vào cổng, viên CSDC đang gác ở đó uể-oải hạ sợi xích sắt giăng ngang cho xe tôi qua, không buồn nhìn ngó hay chào hỏi gì. Lên phòng làm việc, tôi thử đứng ở cửa sổ nhìn xuống thì thấy cảnh ấy cũng được tái-diễn với các sĩ-quan khác, dù là Cảnh-Sát Sắc-Phục đi xe xanh-trắng đường-hoàng.
(Tôi nhớ hồi ở Vùng II, nhân-viên trong đó lễ-phép vô cùng; nhưng có một viên trung-tá vốn có một thời được cử làm Phụ-Tá Giám-Đốc mà cứ mỗi lần sắp vào/ra cổng trụ-sở là anh đưa tay lên mũ nghiêm-chỉnh chào trước, để hân-hoan đón nhận cái chào-trả của người vệ-binh. Tôi không thể chịu được những chuyện ngược đời như thế.)
Tôi cho mời viên đại-úy Chủ-Sự Phòng An-Ninh Cơ-Sở, là cấp chỉ-huy của các toán gác kể trên, lên gặp tôi. Tôi hỏi sự-tình xong, anh trình-bày: “Họ là nhân-viên của các đại-đội CSDC biệt-phái đến. Chúng tôi đã nhắc-nhở nhiều lần, nhưng có người tuân theo, có người không. Phạt họ, trả họ về lại dơn-vị gốc thì họ khỏe hơn. Người khác đến thay thì cũng thế thôi, không phạm lỗi này thì cũng lỗi kia, có khi… còn nguy-hại hơn.” Tôi đoán viên đại-úy này muốn nhắc đến vụ Trung-Tá Nguyễn Đức Am, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Đà-Nẵng, bị một nhân-viên CSDC bắn chết, mà thủ-phạm thì có người cho là Việt-Cộng nằm vùng, có người cho là đảng-phái giật dây, có người cho là bất-mãn cấp trên…
Trong buổi lễ chào Quốc-Kỳ đầu tuần lần đầu tiên mà tôi tham-dự, tôi thấy chỉ có một mình Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc đứng trước tiền-đình đối-diện kỳ-đài, còn Chỉ-Huy-Phó cùng các cấp chỉ-huy khác thì đều đứng chung với các đội-ngũ thuộc-viên ở hai bên sân. Tôi tiến ra đứng sau Lộc một bước, chéo về một bên, ý nói để dành bên kia cho Chỉ-Huy-Phó, là người cũng được Sắc-Lệnh của Chính-Phủ xếp ngang hàng Giám-Đốc-một-Nha-có-nhiều-Sở như tôi, còn các Phụ-Tá thì đứng hai bên chúng tôi. Sau lễ thượng-kỳ, tôi mời tất cả các Chánh-Sở đến phòng-giấy tôi, sắp-xếp lại vị-trí từng người ở trên sân cờ, để Bộ Tham-Mưu đứng hẳn phía sau Chỉ-Huy-Trưởng, tạo thế thăng-bằng cho hệ-thống chỉ-huy. Tôi cũng lưu ý Chánh Sở Nhân-Huấn, và Chánh Sở Hành-Quân là chủ-trách vấn-đề bảo-vệ, về tác-phong kỷ-luật của nhân-viên canh phòng. Tôi báo tin là tôi sẽ điều-động Cảnh-Sát Dã-Chiến (thuộc Khối Sắc-Phục) phối-hợp với Cảnh-Sát Đặc-Biệt và Thám-Sát Đặc-Biệt đi hành-quân tiễu-trừ Việt-Cộng. Kết-quả là từ đó những thái-độ lười-biếng, ngang-bướng của thiểu-số vô-kỷ-luật ấy đã giảm-thiểu rõ-ràng.
Trong buổi họp các cấp chỉ-huy Cảnh-Lực toàn Vùng hàng tháng lần đầu tiên mà tôi tham-dự, tôi không thấy có Liên Thành của Thừa-Thiên/Huế. Tôi hỏi dò thì được biết, sau ngày Đại-Tá Lộc qua nhậm chức Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Vùng I, vì có sự hiểu lầm gì đó xảy ra giữa 2 cá-nhân, Thành chỉ cử Chỉ-Huy-Phó của mình vào dự họp mà thôi. Dư-luận cho rằng Lộc là người của Trung-Tướng Trưởng, mà Trưởng thì thân Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng, trong lúc Thành là một ủy-viên quan-trọng của Đảng Đại-Việt tại Thừa-Thiên/Huế. Sau đó, tôi cùng Đại-Tá Lộc ra Huế thì không thấy Thành đón tiếp vồn-vã như các CHT các tỉnh khác đối với CHT Vùng theo lệ thường. Lộc phải lập riêng tại Huế một toán đại-diện thường-trú và một nhà-khách của Vùng, để mỗi lần ra ngoài đó thì có người của mình đón-tiếp và có nơi nghỉ-ngơi.
Lần kế, ra Huế một mình, tôi đã đặt thẳng vấn-đề với Liên-Thành, một việc mà nếu tôi không làm thì chẳng có ai làm. Ở Tỉnh Quảng-Đức, trung-tá CHT Cảnh-Lực ở đó tự-hào rằng mình là bậc đàn-anh (vì xuất-thân từ khóa trước) đối với trung-tá Tỉnh-Trưởng địa-phương; nhưng anh đâu thể vượt quyền người đại-diện của Chính-Quyền Trung-Ương? Ở Tỉnh Gia-Định, Tỉnh-Trưởng là một trung-tá, mà CHT Cảnh-Lực sở-tại là một đại-tá; nhưng cấp-bậc đâu có ảnh-hưởng gì đến-chức-vụ mà thứ-vị trên/dưới đã rõ-ràng? Đằng này, cả về cấp-trật lẫn chức-vị thì Thành còn ở dưới Lộc khá xa. Chỉ-Huy-Trưởng cấp tỉnh, dù được Trung-Ương nuông-chiều, vẫn không thể nào bất-cần CHT cấp Vùng. Mâu-thuẫn riêng-tư đâu có được ai chấp-nhận là lỷ-do chính-đáng để sĩ-quan cao-cấp mà kỷ-luật buông lơi? Về mặt công-vụ, tôi có trách-nhiệm vừa chống-Cộng vừa ổn-định nội-tình. Về mặt tình-cảm, tôi vốn là một học-trò cưng của con-trai Kỳ-Ngoại-Hầu Cường Để, là ông Tráng Cử, thân-phụ của Liên Thành; ảnh không thể xem ý-kiến của tôi là của người dung. Và anh đã tìm thấy ở tôi những lời khuyên chí-lý, chí-tình, để từ đó trở lại với thủ-tục sinh-hoạt bình-thường như mọi người.
No comments:
Post a Comment