Tuesday, March 25, 2025

HUẾ ƠI (THƠ- TRẦN QUỐC BẢO/ NHẠC- TRẦN ĐẠI BẢN/ CA SĨ- VÂN KHÁNH)

 


Ca khúc :      Huế Ơi      

Thơ Trần Quốc Bảo – Nhạc Trần Đại Bản – Ca Sĩ Vân Khánh

https://youtu.be/rfOwqkFOEIE?si=Qg6roJM8t5TYQeKq

 

                            ~~~~~~~~~***~~~~~~~~~

 

              Huế Ơi     Thơ Trần Quốc Bảo
 Inline image

           Huế Ơi     

 

Ai về núi Ngự, sông Hương,

Cho tôi gửi bớt nhớ thương về cùng,

Bao năm xa cách Miền Trung,

Nhớ chi nhớ rứa!... lạ lùng, Huế ơi!

 

Nhớ về Bến Ngự… nhớ Truồi,

Nhớ tà áo trắng, ngược xuôi Trường Tiền!

Trên sông, em gái Thừa Thiên,

Chở về Vỹ Dạ, một thuyền đầy trăng…

 

Ối tang!... Ối tang!… tình tang…

Câu hò mái đẩy, chèo sang bến tình!

Ối tang!… tình tang... Ối tình!

Dặt dìu điệu hát, Nam bình, Nam ai.

 

 Inline image

Giọng em nức nở cảm hoài,

Âm thanh lả lướt, trải dài Hương Giang.

Ối tang!... Ối tang!… tình tang…

Mộng mơ rứa đó!... xốn xang cõi lòng!

 

Nhớ O thôn nữ Kim Long,

Che nghiêng vành nón, đi trong nắng tà!

Gió đưa cành trúc la đà,

Gió vờn ve vuốt, mượt mà tóc O!

 

Inline image
 

Đồng Khánh ơi! tuổi học trò,

Có còn soi bóng, bến đò Bao Vinh?

Cố đô lưu luyến bao tình,

Răng chừ trở lại Ngự Bình, Sông Hương!

 

Huế ơi!... trăm nhớ ngàn thương!

Hương sen hồ Tịnh, hằng vương vấn lòng.

Giọng hò cô gái Kim Long.

Tình tang… Ơi hỡi!… ước mong ngày về!

 

          Trần Quốc Bảo

                  Richmond, Virginia

            Địa chỉ điện thư của tác giả:

          quocbao_30@yahoo.com

 

Kính mời Quí Vị đọc bài TỰA  Nhạc tập "HUẾ ƠI" của Nhạc Sị Trần Đại Bản
TỰA (Nhạc tập HUẾ ƠI của Nhạc Sĩ Trần Đại Bản)
Huế Ơi!
Nhớ chi nhớ rứa, lạ lùng… Huế ơi!
Tập sách nhạc gồm 26 ca khúc, quí Độc giả đang cầm trên tay, mang tựa đề “Huế
Ơi”, với dòng thơ nhạc êm đềm quyến rũ, những “Câu lục bát xuân tình”, đưa
chúng ta về Quê Hương “Ân tình” “Mộng ảo”.
Sách nhạc này không chỉ gợi lại niềm luyến lưu riêng về kinh thành Huế, nơi
chúng ta đã ngậm ngùi ngâm câu “Tống biệt hành”, mà còn nhiều địa danh thân
yêu khác nữa, như “Thành phố gió”, “Pleiku diễm tuyệt”, “Sàigon của tôi” với
“Trăng yêu” để “Cùng em” ôm “Mảnh vỡ trái tim” với biết bao “Kỷ niệm buồn”!
Tuy nhiên, trọng tâm tập thơ nhạc này, vẫn là nỗi nhớ thương da diết hướng về
miền đất Thần kinh, với “Bóng Hoàng thành”, “Chiều sông Hương”, “Bến Sịa
hoàng hôn”. Chao ôi!... Nhớ chi nhớ rứa, lạ lùng “Huế ơi!”
Nhớ Huế tới mức “lạ lùng”, bởi vì - Cảnh trí Huế cổ kính, mà vô cùng thơ mộng! -
Âm thanh Huế dịu dàng, mà tuyệt vời khả ái! - Huế trai tài gái đẹp, mà người dân
hiền hòa từng gánh chịu cuộc tắm máu Tết Mậu Thân, trời sầu đất thảm !!!
Sau chót, nhớ Huế lạ lùng, vì núi Ngự sông Hương chính là quê hương của nhạc sĩ
Trần Đại Bản, tác giả sách này.
Ông Trần Đại Bản sinh năm 1943 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên, trong một
gia đình danh gia vọng tộc, có nhiều người rất nổi tiếng về đường văn học, như chị
ruột là bà Trần Trinh Thuận, tức Cố Nữ Thi Sĩ Vi Khuê (1932 - 2018); anh ruột là
ông Trần Đại Bính tức Thi Sĩ Trụ Vũ. (12 tuổi đã biết làm thơ. lại nổi danh về biệt
tài thư họa)
Ông Trần Đại Bản xuất thân từ ngành giáo dục; Hiệu Trưởng trường Trung Học
Tư Thục Đức Trọng, Lâm Đồng, Đà Lạt. (1962-1964); Giáo sư Trung Học TT.
Thăng Long, Văn Học Đà Lạt., thuộc thành phố Đà Lạt (1964-1967)
Theo Lệnh Tổng Động Viên, năm 1967 ông gia nhập Quân đội, theo học khoá
25/SVSQTVK/Thủ Đức, sau đó là 8 năm phục vụ tại các đơn vị Vùng 2 Chiến
thuật, cấp bậc cuối cùng là Đại Uý.
Sau ngày 30/4/1975 cs cưỡng chiếm Miền nam VN, ông bị tù cải tạo 5 năm (1975-
1980) thêm 3 năm quản chế. Ông đến Hoa Kỳ theo diện H.O.I ngày 22/02/1990.

Về phần tôi, Trần Quốc Bảo tuy sinh quán miền Bắc, song tôi gia nhập quân đội và
xuất thân khóa 2, Trường Sỹ Quan Đập Đá Huế, tôi phục vụ nhiều năm ở các đơn
vị tiền tuyến, đã 3 lần bị trọng thương (2 lần tại chiến trường Thừa Thiên), đổ máu
để gìn giữ mảnh đất này. Nên tôi vô cùng yêu thương Huế, coi cố đô Thừa Thiên
như chính quê hương tôi vậy.
Khi nhạc sĩ Trần Đại Bản trao tôi bản thảo tập thơ nhạc này, trong có 1 bài thơ của
tôi được ông phổ nhạc, tôi rất vui mừng xúc động.
Tôi mạo muội viết đôi dòng giới thiệu “Huế Ơi ” với quý Độc gỉa xa gần, như một
dịp ngỏ lòng vọng tưởng về miền sông Hương núi Ngự hằng ấp ủ trong trái tim tôi,
cũng là một lời cám ơn nhạc sĩ Trần Đại Bản nữa.
Tôi chỉ là người yêu thơ nhạc, biết thưởng thức và thả hồn chìm đắm trong những
giai điệu êm đẹp của âm nhạc. Dù vậy, phải thú thực rằng tôi không hiểu biết nhiều
về nhạc lý Tây phương, hay âm hưởng nhạc ngũ cung của cổ nhạc Việt Nam. Và
tôi biết rằng trong âm nhạc, có rất nhiều luật lệ hòa âm, đối chiếu rất phức tạp, vì
âm nhạc là một món quà vô giá Thượng Đế ân tặng cho con người kể từ ngày khai
thiên lập địa. Nhạc và Thơ sẽ còn tồn tại phát triển, mãi mãi cho tới ngày tận cùng
trái đất.
Trong tuyển tập gồm 26 ca khúc này, tác giả Trần Đại Bản đã ứng dụng rất nhiều
âm điệu, chẳng hạn Ballad hay Slowrock để diễn tả nỗi buồn u uẩn man mác; điệu
Rumba tung tăng, nhún nhảy, xuất phát từ Châu Phi; hay điệu Valse lả lướt, phiêu
lãng; hoặc Bolero từ Tây Ban Nha du nhập vào đất Việt và đã được Việt Nam hóa,
và còn nhiều âm điệu đặc sắc khác nữa.
Nhưng một điều khá đặc biệt và cũng là một vinh dự cho tôi là bài thơ “Huế Ơi!”
của tôi, đã được nhạc sĩ Trần Đại Bản phổ nhạc và dùng làm tựa đề cho tuyển tập.
Với một kỹ thuật cao độ và tài tình, nhạc sĩ đã gói ghém vào trong bản nhạc này
nhiều cung giọng đặc sắc của dòng nhạc trữ tình Huế.
Theo lịch sử, ca trù Huế xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 trong cung điện của các Vua
Chúa Việt Nam. Đây là một sự kết hợp rất hài hòa, giữa nhạc cung đình và nhạc
dân gian. Các thể điệu dân ca Huế này, không chỉ vang vọng trong triều đình, mà
còn trải dài trên dòng sông Hương thơ mộng. Ca Huế được trình bày bằng rất nhiều
nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh, nhị, sáo và trống.
Những bài dân ca miền Bắc hầu hết mang sắc thái vui tươi, trong sáng, trong khi ca
trù Huế thường mang nét buồn u uẩn, đó là kết quả của giọng phát âm độc đáo và
tâm tình của người dân xứ Huế, hòa lẫn với khí hậu nắng mưa khắc nghiệt, phong
thổ đất cằn sỏi đá của miền Trung.
Điểm cuối cùng tôi thấy cần ghi nhận và cảm tạ ở đây, là ca khúc “Huế Ơi”, khi
phổ biến, đã được trình ca bởi giọng hát thiên phú của nữ ca sĩ Vân Khánh , với lối

phát âm từng lời, từng chữ hoàn toàn mang sắc thái Huế, đã đưa bài ca lên đỉnh cao
nghệ thuật. (để thưởng thức ca khúc “Huế Ơi”, xin mở youtube:
https://youtu.be/rfOwqkFOEIE?si=W-CiXco4n38BcgYx }
Sau chót, tôi xin chân thành cám ơn nhạc sĩ Trần Đại Bản và ca sĩ Vân Khánh bằng
mấy vần thơ thô thiển dưới đây:

RƯỚC NHẠC VÀO THƠ
Xin đón nhận “Nhạc vào Thơ”, giao cảm
Nỗi vui mừng, nay có bạn tri âm.
Từ đã bao lâu, ngọn bút lặng thầm
Đem tâm sự trải lên tờ giấy trắng

Đường vong quốc, chuỗi ngày dài hoang vắng
Thật lạnh lùng và cũng thật cô đơn
Thời buổi này, tiền bạc quyến rũ hơn
Còn thơ phú, đời cho là phù phiếm

Thao thức từng đêm, trái tim đau điếng
Du hồn mình trở lại với quê hương
Trực diện nhìn trang lịch sử đau thương
Bao trăn trở với vô cùng u uất

Tôi viết xuống những ưu phiền chất ngất
Dòng tâm tư, hay dòng máu trong tim
Cánh thơ bay, như lạc lõng cánh chim
Lên tiếng gọi đàn, giữa lòng sa mạc

Tạ ơn Người, đã ân cần phúc đáp
Đưa vần thơ lên bát ngát thanh âm
Duyên Nhạc tình Thơ, giao cảm đồng tâm
Thơ và Nhạc cùng vươn cao lãng mạn!

Trần Quốc Bảo
              Richmond, Virginia
         quocbao_30@yahoo.com

No comments: