KHOẢNG CÁCH


“…
Máy bay trực thăng lên cao dần, làng xóm nhỏ lại, tôi cố nhoài người ra khung cửa
nhìn lại phía sau con tàu lưu luyến hình ảnh quê hương mình cho đến khi khuất
hút. Quê tôi, thung lũng được chia đôi bởi dòng sông Ba, một bên là làng Dinh
điền- bờ quê, một bên là huyện lỵ- bờ phố…
.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. .
…
Tiếng đông cơ diezein văng vẳng đều đều của nhà máy đèn Tuy Hòa, tiếng gió bấc
từ Ninh tịnh thổi vào, tiếng còi tàu từ sân ga, tiếng leng keng xe ngựa ra vào
chợ… tạo thành một giai điệu “ Mùa Đông Tuy Hòa” sao mà buồn quá. Tôi
không thể ngồi hơn nữa trên gác trọ với bài vở, có học cũng không vô, nghỉ
thôi, đến nhà Phượng, vì chỉ trong mắt Phượng tôi mới tìm thấy khung trời của
mình…”
Những trang nhật ký học trò bốn mươi năm qua ghi lại phần nào bức tranh thành
phố Tuy Hòa đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, là khung trời của tình yêu
tuổi học trò đã theo tôi đi nhiều nơi qua bao lần thay nhà đổi chỗ, có lẽ nó là
biểu tượng tình yêu đầu đời còn sót lại của cậu con trai thời mới lớn, mới
bước những bước chân đầu tiên vào vườn địa đàng nên lần nào đọc lại cũng
thấy hấp dẫn
Ngày ấy quê tôi bị chiến tranh cô lập với các nơi, dù chỉ cách tỉnh lỵ năm mươi
cây số nhưng đó là một ốc đảo, một thung lũng của lính, một xã hội có nhiều đặc
thù. muốn về thành phố đi các nơi chỉ duy nhất là quá giang máy bay quân sự,
nhưng để có được chuyến đi phải chờ chực hàng tuần lễ, thanh niên về phố học chỉ
đếm đầu ngón tay. Tuổi học trò của tôi nằm trọn trong cuộc chiến, thiếu thầy
cô, thiếu sách giáo khoa nên khi bước vào bậc trung học Cha tôi tìm cách gởi về
thành phố cho dù gia đình phải thắt lưng, buột bụng, mặc dù ở đây có trường
trung học tỉnh hạt dành cho học trò các quận.
Những ngày đầu mới về thành phố tôi ngơ ngác và lạ lẫm đủ điều, trước khi đi
Cha Mẹ đã chỉ nhiều điều cần thiết nhưng tôi vẫn không tài nào thích nghi
tức thời được, một thế giới sang trọng, phồn hoa và con người nữa, họ nhanh nhẹn
và văn minh hơn. Rồi đến buổi học đầu tiên, lạ trường, lạ thầy cô, lạ bạn bè …
nhưng vẫn mừng vì thấy đời mình được nâng lên một bậc so với các bạn còn học ở
quê nhà, giờ ra chơi tôi thường một mình tìm ghế đá yên tĩnh để ngắm những
tán phượng già tạo thành vùng bóng mát rộng lớn như một ô dù khổng lồ che cho mấy
trăm bướm trắng tung tăng trong sân trường, hình ảnh một ngôi trường lâu đời, bề
thế và đội ngũ thầy cô đầy đủ, sang trọng… cái thế giới học trò mà các trường
quận không thể nào có được . Thế hệ chúng tôi ở Phú Yên được làm học trò Nguyễn
Huệ là một niềm vinh dự cho gia đình, được mang lôgô Nguyễn Huệ trên ngực là niềm
tự hào với các bạn học trường tư thục
***
Sau thời gian cố gắng để thoát khỏi
cô đơn, thoát khỏi quê mùa tôi phải nhiều vất vả mới dần thành người
phố, nhưng hòa nhập được rồi thì lại gặp Phượng, cô bạn học cùng lớp
ở quê nhà cũng được Cha Mẹ tìm cách cho về học trường lớn ở phố, về học cùng
trường nhưng khác lớp, em nhỏ hơn tôi ba tuổi, thời ấy dù học cùng lớp nhưng
hơn, kém nhau năm ba tuổi là chuyện thưòng, vì đó là hậu quả của trưòng
lớp bị cháy, xóm làng bị xóa sổ , tản cư… tôi cũng thuộc diện học nhiều năm một
lớp thời tiểu học , sau này nghe nói cô giáo ở Tuy Hòa lên dạy các bạn tôi tuổi
Tỵ mà anh lớp trưởng tuổi Ngọ, nghĩ lại chạnh lòng ghê . Phượng , với tôi em là
một tiểu thư đúng nghĩa, em đẹp, ham học, nhà giàu ở “ bờ phố”
nhưng đáng quí là em không kiêu hãnh . Tôi, con
trai của thầy giáo dạy trường làng, nhà ở “bờ quê”, tôi chỉ cho phép
mình xem em như một bông hoa đẹp, một nét tinh khôi của cuộc đời và luôn dặn
lòng hãy đứng xa ngưỡng mộ để khỏi bị hụt hẫng và cũng để bảo vệ cái
danh hiệu ” học giỏi nhất lớp” của mình
.
Cảnh “Tha hương ngộ đồng hương” đã đưa tôi và Phượng gần nhau hơn giữa thành phố
rộng lớn và xa lạ này, những lúc nhớ nhà hoặc khi thấy lòng trống vắng tôi thường
đến nhà trọ nói chuyện với em . Buổi chiều mùa Đông không mưa, trời âm u
và lạnh khô, Phượng rủ tôi lên núi Nhạn chiêu đãi món ăn học trò mà quê
mình không có , đó là sắn nước chấm muối ớt , luôn tiện trao đổi về bài học “
Hàn nho phong vị phú” và quan điểm “ Tri túc tiện túc” của Nguyễn Công Trứ để
chuẩn bị làm thuyết trình mà em đã nhờ tôi trước đó vài ngày, thú thực hồi
đó tôi chỉ ham học toán và giỏi toán, xem văn là môn phụ, nhưng với người đẹp
mà ! phải chứng tỏ mình hơn hẳn kiến thức chứ, tôi đọc ngấu nghiến những tư liệu
nói về nhà thơ nghèo và đầy thăng trầm này . Rồi kết quả cũng tốt, gác chuyện học
lại chúng tôi nói về thực tại chiến tranh, về ốc đảo quê mình, về định hướng của
nhau…nói cho có chuyện để nói chứ còn non choẹt trong cái xã hội bị chiến tranh
thay đổi từng ngày biết gì mà định với hướng, ngôn ngữ của con mắt là chính .
Ngoài xa, hướng Hòa Quang, Bình kiến tiếng súng thỉnh thoảng vọng về, Phượng
nhìn lên lưng tháp cổ chỉ đôi chim đang rỉa lông cho nhau, em hỏi tôi “ theo
anh đó là gì,tôi trả lời “đôi chim đang trốn lạnh và nghỉ cánh” em nhìn mắt tôi
thật lâu rồi nói gọn lỏn “ NGỐC !”
Tết 1975, cái tết sau cùng của thời chiến tranh chúng tôi rủ nhau chơi
Xuân ở bãi Dinh một khúc sông đẹp vùng Sông Ba hạ rất phù hợp cho picnic, có
thác đổ phía trên, hai bên núi choài ra tận bờ, lòng sông có nhiều cồn
cát sạch và đẹp được cây rù rì che phủ tạo thế giới riêng cho từng đôi
nam nữ. Ăn trưa xong tôi và Phượng tìm nơi vừa mát vừa xa bạn bè để nghỉ, mấy
năm qua chúng tôi mãi đứng bên cái ranh giới “ già bạn bè, non tình nhân” có lẽ
là do tôi thiếu tự tin, nhiều mặc cảm và còn một nhiệm vụ lớn hơn là phải lấy
cho được mảnh bằng tú tài vì nếu không thì bị xem như đứa con bất hiếu, tương
lai sẽ là cầm súng gác cho người ta ngủ, còn Phượng, em là con gái mà !. Tôi mạnh
dạn choàng tay qua vai Phượng nói trong hơi thở không bình thường
-
Vài tháng nữa nếu anh rớt tú tài, hoặc chút nữa mấy ông trên
núi
dẫn anh đi, thì anh sẽ tồn tại trong em được bao lâu
Sắc
mặt Phượng thay đổi nhưng em cũng trả lời nhanh
- Sao
anh nói chuyện bằng cấp với em, còn nếu sợ mấy ổng
thì
đến đây làm gì
Tôi
muốn nói “ vì em” nhưng lại thôi và chuyển sang cách nói khác :
- Nếu
như đời anh buộc phải đi qua những ngả rẽ vừa nói
thì
đây
là khoảnh khắc sau cùng , anh xin đổi sự phó mặc để được nụ hôn đầu đời nghe em
Phượng
nhìn về phía xa:
- Anh
học giỏi nhưng NGỐC lâu quá
Nụ hôn đầu đời được đổi bằng phiêu lưu tương lai, phó mặc thực tại
***
Ba mươi năm sau tôi về Gài Gòn làm việc mục đích là dọn đường để vài năm nữa
yên tâm đưa con về đây học đại học . Không ngờ những lời tôi nói với Phượng
ớ Bãi Dinh trong cái tết sau cùng của tuổi học trò lại là sự thật . Tôi giã từ
nhà trường thăng trầm theo sự nghiệp, bồng bềnh theo dòng đời, còn em lấy chồng,
chỉ tiếc là cuộc chia tay không gặp được nhau, mà buồn hơn là mỗi người đều
mang một sự hiểu lầm đi về một phía . Nghe nói em lấy chồng về
thành phố được một thời gian dài rồi cơm không lành, canh không ngọt , đành phải
chia tay, em về Sài Gòn đã mười năm rồi, tội nghiệp em quá, “ Hồng nhan đa
truân, hồng nhan bạc phận” người xưa nói vậy, ngày em theo chồng tôi cố nén cái
tiếc nuối và ích kỷ của mình để thực sự mừng em đã lấy được người
chồng hơn tôi nhiều mặt, nhưng thực tế bài toán ngoài đời khác với sách giáo
khoa nhiều quá : hai lần hai không phải là bốn . Ba năm ở Saigon tôi tìm em để
nói lời chia sẻ của kiếp người và cũng để thanh minh cho nhẹ lòng nhau nhưng đều
hoài công, có lúc kẹt đèn đỏ tôi nhìn rừng người mà lòng tự tuôn trào Chiều
Saigon ngựa xe mắc cửi/ Em về đâu trong xuôi ngược dòng người/ Tinh mênh mông
mà kiếp người hữu hạn/ Tình treo ta trên thập giá cuộc đời
Chiều Thu ở quê nhà, cơn mưa sang mùa mang về chút se lạnh xua đi
cái oi bức nhiều ngày trước đó, khúc giao mùa dễ làm người ta thấy lòng khan
khác, có lẽ ở tuổi tri thiên mệnh ta thường hoài niệm, thường hay
tìm lại ký ức mình. Buổi chiều xuống nhẹ, tôi thấy lòng như nhớ nhung hay lo âu
một cái gì đó không rõ ràng, tâm trạng pha trộn bâng khuâng và man mác, uống cạn
bình trà nhưng vẫn chưa lý giải được, đành lấy cuốn nhật ký học trò ra đọc lại
để giải tỏa hiện tượng tâm lý khác thừờng này, coi vậy mà có lý, lòng tôi nhẹ hẳn,
hồn tôi ngược về tuổi đẹp nhất, mới đọc được vài trang đầu thì có điện
thoại gọi đến : “ xin lỗi đây có phải là số máy của anh Diệp không ạ”- “Đúng rồi
tôi là Diệp, xin lỗi chị là ai”- “ Nếu thu xếp được, mời anh tối nay khoảng bảy
giờ đến cà phê Hà Đông ,rất mong được gặp, cố gắng nhé”, máy cúp đột ngột .Ai vậy?
Giọng nói của người đàn bà miền Nam .Có lẽ nào mấy năm ở Saigon mình đã vô tình
mắc nợ, thứ nợ không thể trả bằng tiền . Hay đây một trò ú tim v.v và v.v , tôi
đặc ra nhiều tình huống để dự đoán nhưng chẳng chọn được cái nào
Cà phê Hà Đông vào giờ cao điểm người đông như rừng, tôi rút điện thọai lục nhật
ký số đã nhận buổi chiều nhưng chưa kịp gọi thì có em bé phục vụ của quán đến “
mời chú đi theo cháu”, đến lúc này thì lòng tôi thực sự lo âu, bụng bảo dạ “ chắc
đây là điềm dữ rồi”, tôi theo em bé ra khu phía sau của quán thường dành cho
khách lớn tuổi, thì ra … những người bạn học cùng lớp ngày xưa của tôi, gồm ba
nam hai nữ, như trút được áp lực tôi bình tĩnh ngồi vào ghế chờ sẵn, chào bạn
vài câu xã giao và châm điếu thuốc “ăn mừng” thì từ trong bóng tối phía sau một
người đàn bà bước tới không nói năng gì đưa tay mời tôi bắt, trong ánh sáng đèn
mờ chưa biết rõ đó là ai nhưng tôi cũng đưa tay đáp lễ vì tin vào
những người bạn xung quanh mình, khi chúng tôi nắm tay nhau cả bàn đồng
loạt vỗ tay, trời ơi…Phượng ! Tôi cảm thấy mình đứng không vững nữa , người cứ
nóng lên…, tôi không thể ngờ gặp lại được, em đã biền biệt không về quê, không
liên lạc với bạn bè dù chỉ bằng điện thoại từ khi hạnh phúc gia đình tan vỡ gần
hai mươi năm rồi vì mặc cảm, ba năm ở Saigon em biết tôi cố tìm mà vẫn
không chịu gặp thì làm sao về tại quê nhà trước bao nhiêu con mắt người thân
quen tôi gặp được em, nhưng, đời là thế, tình cảm không phải như toán học, nó
không có một qui tắc hay công thức nào cả, thậm chí nó còn ngược chiều với lý
trí nữa.
Khách trong quán thưa dần , bạn bè cũng tế nhị rút sớm, tôi và Phượng nói
với nhau nhiều điều , từ chuyện vụng dại ngày xưa đến chuyện được mất từ khi bước
vào đời, ba mươi lăm năm dồn lại một giờ, ai cũng muốn nói để phát tiết cho nhẹ
lòng. Tôi thể hiện sự khâm phục của mình đối với em, em không ngã quị và luôn bồng
con đi về phía trước, hành trình ấy em đã trả giá rất nhiều nhưng không để
mất nhân cách , mất chính mình
Tôi ôm Phượng vào lòng thì thầm “ nếu trên đời này có cuộc tình mà nụ hôn đầu
tiên cách nụ hôn thứ nhì ba mươi lăm năm thì đó có phải là cuộc tình đẹp
không”, em ngã vào lòng tôi chờ đón chút hạnh phúc muộn màng còn lại của
đời người , tôi hôn lên má em mà nghe dòng nước mắt còn nóng, em hôn đáp lại
kèm theo câu nói pha lẫn vui buồn “ NGỐC CỦA EM” đời đã xế rồi .
Phượng đã về Saigon, bỏ lại quê nhà, mùa Thu và tôi . Tôi miên man suy
nghĩ với khoảng cách thời gian giữa hai nụ hôn, khoảng cách hạnh phúc của cuộc
tình tôi với em và khoảng cách phần đời còn lại của chính mình
An Sơn
No comments:
Post a Comment