MÓN NỢ NĂM XƯA.
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm
cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình
vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ
định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều
người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết
mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui:
- Vậy
là vài năm nữa con gái có quốc tịch Mỹ, sẽ bảo lãnh hai vợ chồng Đức qua đoàn
tụ, chắc chắn sẽ có ngày chúng mình tái ngộ ở Dallas, Đức ơi!
Hắn trả lời liền:
- Cám
ơn Nàng, nhưng lần này đừng... tài lanh làm mất giỏ đồ của tui nữa nha.
- Quỷ
sứ, nhớ dai quá chừng! Tui hứa danh dự, lần tái ngộ sắp tới, sẽ mua một cái giỏ
mới toanh, hàng hiệu, trả lại cho bà xã ông luôn nghen.
Hắn để icon mặt cười, rồi kết luận:
- Ừa,
Đức mong đến ngày nhận cái giỏ của Nàng lắm.
Chúng tôi gặp nhau tại bãi hẹn vượt
biên, là bến xe Bà Hạt Quận 10, chuẩn bị theo nhóm dẫn đường đưa lên xe đò chạy
qua biên giới Mộc Hóa Long An, rồi tiến vào đất Cambodia trực chỉ thủ đô
PnomPenh. Ngồi trên xe đò, từ xa lạ cũng trở thành quen biết, cả nhóm 41 người,
vì từ đây sẽ cùng chung số phận trên con đường vượt biển tìm tự do.
Tôi và ba cô con gái, cũng mới quen
trong chuyến đi, cùng vài thanh niên khác, trong đó có Đức, vì hơn kém nhau 1-2
tuổi, nên thường trò chuyện đùa giỡn với nhau.
Đức có giọng hát hay, biết chơi đàn
organ, vừa tốt nghiệp trường Âm Nhạc Sài Gòn, tính tình hài hước có sẵn trong
máu, hầu như ở mọi tình huống, lúc buồn lúc vui, lúc gặp hiểm nguy, Đức luôn
biến thành những khoảnh khắc vui cười, khiến mọi căng thẳng và nỗi sợ tan biến
.
Chỉ vài ngày đầu tiên trên đất
Cambodia, đi chợ, đi dạo, đi chơi, tối về khu nhà trọ “nằm vùng” chờ lệnh lên
đường đi phố biển Kongpom Som, chúng tôi đã biết khá rõ về mỗi người, gia đình
ra sao, hoàn cảnh thế nào, càng thân nhau hơn trong cách xưng hô, thoải mái gọi
ông gọi bà xưng tui, riêng Đức có cách gọi riêng khá dễ thương, là luôn gọi đám
con gái chúng tôi là Nàng.
Đêm tàu ra khơi từ Cảng Kongpom
Som, trời 8 giờ tối tháng 12 mù căm, gió lạnh, cả tàu nằm dưới hầm như cá hộp,
chật chội, chỉ có tài công và người thợ máy, cùng người dẫn đường của ban tổ
chức được ở trên boong tàu. Suốt những ngày qua mệt mỏi nơi đất Cambodia, nay
vừa lên tàu, mọi người bắt đầu tìm vào giấc ngủ trong tiếng máy chạy đều đều
của con tàu. Dưới hầm tàu tối như hũ nút, nhưng bốn đứa con gái chúng tôi biết
mình nằm cạnh nhóm của Đức, mạnh ai nấy ngủ, co ro trong hầm tàu chật chội.
Bỗng nửa đêm tôi giật mình vì nghe tiếng là hét, lộn xộn, ồn ào:
- Chuyện
gì vậy cà?
- Máy
thoát nước của tàu bị hư, bên ngoài đang có mưa bão.
Lúc này tôi mới để ý dưới sàn tàu có
nước, ba cô bạn xung quanh tôi cũng đang dao dác hỏi tin tức từ boong tàu đưa
xuống. Tình hình không mấy khả quan, thợ máy đang sửa ống thoát nước nhưng mưa
gió càng mạnh hơn, lại có sấm chớp, con tàu nghiêng ngả mỗi khi nước biển và
nước mưa tràn xuống hầm tàu. Mỗi lần như vậy, đàn bà con gái trong tàu rú lên,
vì lạnh và vì sợ hãi.
Lúc này, có lệnh đưa ra, các thanh
niên đàn ông trong tàu phải thay nhau lên boong phụ tát nước ra ngoài, dù biết
đó là việc chẳng thấm thía gì so với nước mưa như thác lũ, nhưng đúng như câu
“còn nước còn tát”, chứ chẳng lẽ chịu ngồi im chờ con tàu chìm xuống đáy đại
dương.
Trong bóng tối mờ mờ, lúc này trời có
lúc sáng lóe lên vì ánh sấm chớp và ánh đèn pin trên boong tàu thỉnh thoảng
chiếu rọi xuống hầm tàu kêu người lên tát nước. Tôi thấy Đức ngồi ủ rũ như gà
mắc mưa (mà đang mưa thiệt), tôi bảo:
- Tới
phiên Đức lên tát nước kìa.
Đức uể oải đứng lên, vẫn không quên
khôi hài:
- Từ
hồi cha sanh mẹ đẻ chỉ biết cầm đờn, cầm micro, giờ kêu Đức cầm xô tát nước là
coi như thua rồi đó, tàu có chìm đừng trách nha Nàng.
- Coi
chừng cái miệng ông ăn mắm ăn muối!
Rồi thì đàn ông thanh niên kéo nhau
lên boong, còn lại là những ông già bà cả, phụ nữ và con nít ở dưới hầm tàu,
tiếng ồn ào không thua gì trên boong. Nhiều người bắt đầu ói mửa khi
“lắc lư con tàu đi”, chúng tôi theo nhóm xúm lại đọc kinh, ai đạo gì thì đọc
kinh theo đạo ấy, trong tiếng la, tiếng khóc hỗn độn của đủ thứ âm thanh.
Lại có lệnh đưa xuống, mọi người nên
vứt bỏ thực phẩm và hành lý cá nhân ra ngoài biển để tàu nhẹ bớt. Bốn đứa con
gái chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành, tôi cũng còn kịp nhớ giữ lại chiếc phao
được cuộn tròn trong cái bịch nhỏ trước khi giao giỏ xách của mình cho người ta
truyền nhau lên boong để quăng xuống biển. Cô Nhạn, người phụ nữ lớn tuổi nhất
trong nhóm, đang nằm vật vờ nơi góc hầm, khều tay ra hiệu cho tôi chuyển mấy
giỏ xách của cô ấy lên boong giùm, tôi mệt lắm, nhưng cũng cố làm, nhân tiện thấy
một cái túi xách gần đó, tôi cũng chuyển lên boong, rồi tìm chỗ ngồi ngả lưng.
Mưa có vẻ đang nhẹ dần, bão cũng bớt điên cuồng, tuy máy thoát nước chưa sửa
xong nhưng con tàu đã lặng yên phần nào, Đức từ boong bước xuống hầm, đến hỏi
tôi:
- Nàng
có thấy cái túi xách của tui đâu không? Rõ ràng là hồi khuya tui nằm chỗ này
mà.
Tôi hơi chột dạ, tỉnh hẳn người, lắp
bắp:
- Có
phải cái... túi da, có buộc... cái khăn bên ngoài?
- Đúng
rồi, đúng rồi.
- Mình...
lỡ tay đưa lên boong quăng ra ngoài biển rồi.
- Trời,
ai xui ai khiến Nàng chớ!
- Thì
lệnh của ban tổ chức, ai cũng phải nghe theo mà.
- Thì
tui đang xuống đây để làm theo lệnh đó.
- Thì
ai làm cũng vậy, làm gì dữ vậy!?
- Sao
không dữ? Nàng có biết tui có 2 chỉ vàng ở trỏng không! Giời ạ!
Tôi giật mình, tá hỏa, chẳng biết phải
nói gì, đây là tình huống đầu tiên Đức không hài hước. Tôi biết lỗi, nhưng vẫn
cố cãi:
- Đi
vượt biên thì vàng phải dấu trong người, trong áo quần đang mặc, ai lại để
trong giỏ xách bao giờ.
Đức chẳng nói gì thêm nữa, đi ra phía
đầu máy, nơi đó có miếng ván cao ráo, nằm xuống để ngủ bù sau một đêm mệt đừ
tát nước. Tôi bước đến, lí nhí:
- Đức
ơi, cho mình xin lỗi nhé, hồi khuya quay cuồng theo sóng gió con tàu, mình
không được ... tỉnh táo cho lắm, chỉ nghe cô Nhạn nhờ quăng giùm mấy cái giỏ,
nên tiện tay gom hết luôn, ai dè...
Đức xua tay, dịu giọng:
- Thôi
cho qua đi, tui ngủ chút xíu.
Biển nổi cơn thịnh nộ, rồi biển cũng
trở lại dịu dàng, máy thoát nước trên tàu cũng đã sửa xong, và chiều ngày hôm
sau đã thấy vết đất liền Thailand ở xa xa. Đến mờ tối, tàu nhanh chóng thả 41
người chúng tôi xuống bãi san hô giữa biển, rồi vội vã quay tàu, tăng tốc độ đi
ngược ra phía biển trở lại Cambodia. Chúng tôi chơ vơ giữa bãi san hô, cũng may
nhờ tôi có chiếc phao, đem ra thổi, cho hai thanh niên trẻ bơi vào bờ, gọi ghe
của dân đánh cá Thái ra cứu. Sau đó có 2 chiếc ghe chèo ra bãi san hô, nói chuyện
với chúng tôi bằng Tiếng Anh “to quơ”, đại khái là mỗi nhóm tối đa 3-4 người
được lên một ghe, và phải trả cho họ bằng tiền, vàng, hoặc bất kỳ trang sức nào
đó như nhẫn, dây chuyền, đồng hồ. Tôi quay qua Đức:
- Chút
Đức đi với mình nhe, vì Đức thì đâu còn vàng bạc gì.
Đức cười cười, liếc tôi:
- Đương
nhiên rồi Nàng, còn phải hỏi!
Từng nhóm lần lượt lên hai chiếc ghe,
xong mỗi chuyến, họ quay lại đón nhóm kế tiếp, tôi và Đức cùng một cô bạn là
nhóm cuối cùng trên chiếc ghe cuối cùng đi vào bờ. Ôi trời ơi, vừa bước chân
xuống đất, mới biết đó là vùng đầm lầy, sình ngập qua đầu gối, nặng chịch,
không nhấc chân lên nổi. Cô bạn gặp được một chú đi trước giữa bãi sình, đứng
đợi rồi họ giúp nhau, tôi chỉ còn biết dựa vào Đức. Mấy ngày nay trên tàu nào
có ăn được gì vì lương thực quăng ra biển hết ráo, giờ mới thấy đói khát và
kiệt sức. Tôi mềm như cọng bún, ôm cổ Đức ghì chặt, chàng thư sinh nhạc viện
gầy yếu cũng ráng gồng hết sức kéo tôi lê lết qua bãi sình lầy rất khó nhọc
nặng nề.
Có thể nói, trên con đường vượt biên,
rồi đến trại tỵ nạn, những người chung chuyến tàu là những người thân thương
nhất, vì cùng trải qua những chặng đường sinh tử trên biển, gắn bó có nhau, qua
đến trại vẫn phải dính chùm nhau mọi nơi mọi lúc. Cao Ủy chia mỗi nhóm tàu một
lô nhà ở chung, thành hàng xóm của nhau. Đi lãnh gạo lãnh thực phẩm cũng đi
theo lô nhà, đi làm giấy tờ trên văn phòng trại cũng phải theo lô nhà, tới ngày
dọn vệ sinh khu trại cũng phải đi theo lô nhà, hỏi sao không gần gũi như người
trong một đại gia đình.
Có những buổi trưa rảnh rang, hoặc
chiều mưa ướt chẳng đi đâu được, nhóm tàu chúng tôi quay quần tán dóc, nhắc về
chuyến vượt biển, Đức lại hí hứng khoe với mọi người:
- Cái
đêm đến bờ biển Tha Luông, chính tui là người ẵm nàng Loan này vào bờ chớ ai.
Mọi người cười ha hả, tôi phải đính
chính:
- Ẵm,
bế hồi nào vậy cà!? Nói chính xác là kéo lê kéo lết.
- Ối,
lúc đó Nàng mệt lả người, mắt nhắm mắt mở, nhớ gì chớ!
Một buổi sáng, bốn đứa con gái chúng
tôi vừa thức dậy, cây kem đánh răng cứng quá, đúng lúc Đức bước qua tính xin
chút kem đánh răng, tôi nói:
- Nè,
nhờ Đức bóp giùm.
Đức chớp thời cơ:
- Bóp
trên hay bóp dưới?
Vì miệng chưa đánh răng, mặt mũi chưa
rửa, nên tôi khép nép trả lời:
- Phải
bóp từ dưới lên trên, mà phải bóp từ từ, đừng bóp mạnh quá.
Mấy chị mấy cô xung quanh lô cười rần
rần, tôi mới biết đang bị Đức chọc phá.
Bữa khác, buổi chiều, chúng tôi chuẩn
bị đi lễ nhà thờ, đi qua nhà Đức thấy Đức vẫn ngồi ngoài cửa:
- Ủa,
sao bữa nay Đức không đi lễ?
- Có
cái quần Jeans tối qua thằng bạn lô kế bên mượn đi chơi với bồ chưa trả.
- Trời
đất! À mà nè, mặc quần shorts đi lễ cùng được mà, Chúa đâu chấp nhất chuyện áo
quần.
- Không!
Đức đi lễ hoặc đi hát, thì phải nghiêm chỉnh đàng hoàng, còn không thì ở nhà.
- Ở
trại tỵ nạn mà cũng... chảnh dữ hen?
- Ừa,
tui dzậy đó!
Có lẽ, cái máu thích đùa
và máu “điên” tiềm ẩn từ lâu trong tôi, đã được đánh thức từ khi gặp Đức.
Đời tỵ nạn vẫn trôi qua,
có ngày vui xen lẫn ngày buồn, thấm thoát đã qua năm thứ ba của đời tỵ nạn.
Tình hình Thanh Lọc càng căng thẳng, chương trình cưỡng bách hồi hương thông
báo sẽ bắt đầu, và thuyền nhân đã biểu tình rầm rộ. Đám đông phá hàng rào, tràn
ra ngoài lộ, giương biểu ngữ chống cưỡng bách trước hàng trăm họng súng và xe
cảnh sát Thái bao vây. Cả trại hoang tàn vì một số người bạo động đã phá các
cửa hàng người Thái ngoài chợ, phá cửa nhà tù, khiến Bộ Nội Vụ Thái báo động
khẩn cấp, các văn phòng thiện nguyện ngoại quốc đóng cửa, không dám vào trại,
đại diện Cao Ủy phải đi máy bay trực thăng từ Bangkok đáp xuống bãi biểu tình
để đàm phán với dân tỵ nạn.
Đi trong buổi chiều đầy
vỡ vụn xung quanh, Đức hỏi tôi:
- Nếu
rớt thanh lọc, Nàng có ghi danh hồi hương?
- Theo
quy định, chúng ta được quyền xin tái thanh lọc 2 lần nếu có những giấy tờ mới
bổ sung, nên mình sẽ chờ đủ hai lần tái, rồi sau đó tính tiếp, còn Đức thì sao?
Thú thiệt, thấy nhóm tàu mình có người lai rai hồi hương, đôi lúc cũng thấy nản
chí, lung lay.
- Đức
sẽ theo Nàng, là chờ tái đến phút chót, cho đến khi “chín” thì thôi.
Hai đứa nhìn nhau, cười
buồn. Sau đợt biểu tình đó, cả trại được chuyển lên trại mới Sikiew. Tương lai
định cư đối với đa số đám đông vẫn là một giấc mơ xa vời, vì nhóm tàu của chúng
tôi, chỉ có 8 người may mắn được đậu thanh lọc trong đó có tôi.
Buổi tối chia tay để
sáng hôm sau đi qua trại transit dành cho người đậu thanh lọc, tôi đi dạo cùng
Đức. Tôi nói:
- Thế
là hành trình tỵ nạn đang khép lại, chỉ vì cuộc Thanh Lọc đáng ghét mà nhóm tàu
chúng ta phân chia trăm ngả, mà ngã đông nhất là hồi hương về Việt Nam, thật là
buồn.
Đức trầm ngâm:
- Chẳng
ai muốn trở về nơi họ đã dứt áo ra đi, mà thôi, vượt biên có số định cư có
phần. Riêng Đức sẽ nhớ mãi cái cảm giác sung sướng vỡ òa khi bước chân lên bờ
biển đất Thái sau mấy ngày bão giông tơi tả. Những ngày ấy có lẽ là những ngày
hạnh phúc nhất của đời tỵ nạn, vì chúng ta chưa nhập trại lớn, chưa biết gì về
cuộc thanh lọc, ba tuần ở trại nhỏ vui và đẹp như cõi thần tiên.
Đúng vậy, khoảng thời
gian ở trại Cảnh Sát Tha Luông êm đềm xiết bao. Sáng ngủ dậy, chào cờ Thái,
xong mọi người tản ra xung quanh trại nhặt rác, gọi là vệ sinh chung, rồi sau
đó tự do, từng nhóm tàu nấu cơm trưa, ai rảnh rang thì tụ năm tụ ba nói chuyện
tán dóc, kể chuyện cười, cho hết thời gian. Sau bữa trưa, là ... ngủ trưa, rồi
lại lo cơm chiều, rồi ra hồ nước kế bên trại tắm rửa giặt giũ, ôi vui còn hơn
Tết. Buổi tối, mấy nhà cảnh sát Thái mở Tivi cho bà con tỵ nạn vào xem ké,
riêng nhóm tàu chúng tôi náo động nhất trại, vì có một anh từng sinh hoạt trong
Hướng Đạo, nên chúng tôi chơi trò chơi Mật Thư, hoặc sinh hoạt vòng tròn ca
hát, các trò chơi tập thể. Nhiều người các nhóm tàu khác vây quanh xem chúng
tôi chơi, thậm chí ông Cảnh Sát trưởng trại cũng có lần ghé đến xem, thích thú,
rồi tặng cả nhóm một thùng mì gói Mama bồi dưỡng.
Đức ngập ngừng nói tiếp:
- Và
dĩ nhiên, Đức nhớ nhất cái đêm tháng 12 lạnh lẽo không trăng không sao, đã được
dìu Nàng vào trong bờ đất liền, kỷ niệm đẹp quá, Đức sẽ không bao giờ quên.
Tôi cũng mơ màng theo
dòng cảm xúc kỷ niệm:
- Còn
Loan ư, sẽ nhớ nhất tuần đầu tiên nhóm tàu mình ở khu trại Cảnh Sát Thái, được
nấu nồi chè ăn mừng đến bờ tự do, Đức đã hát bài “Yêu Một Mình”, giọng ca ngọt
ngào tha thiết, đúng là dân tốt nghiệp trường Âm Nhạc.
- Bài
hát đó tặng Nàng chớ ai!
- Xạo
vừa thôi! Mới gặp nhau trên đường vượt biển, biết gì mà tặng. Vả lại, nhà mình
ở Việt Nam có giàn hoa giấy màu đỏ, đâu phải “nhà em có hoa vàng trước ngõ,
tường thật là cao có dây leo kín rào ...”
- Lúc
đó cũng biết nhau cả tháng rồi chớ bộ. Mà ai ngờ bài hát đó lại đúng y chang,
sau này khi nhập trại Panatnikhom, là “mọi người thầm mong được đưa
đón chân em ...” trong khi Đức chỉ là một chàng nhạc sĩ nghèo, con bà “Phước” ở
trại, nào dám ngỏ lời, nào dám mơ xa ...
- Thôi,
hổng nói tào lao nữa, Đức nói đùa y như nói thiệt, nhưng Loan sẽ nhớ mãi cuộc
nói chuyện hôm nay, cám ơn Đức vì tất cả. Chẳng biết tụi mình có được gặp nhau
nữa không, chúc Đức nhiều sức khỏe, may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống tương
lai.
- Nàng
cũng vậy nhé, đừng bao giờ quên nhóm tàu 41 và trại tỵ nạn Thailand.
Chúng tôi từ biệt nhau từ đó, có ngờ
đâu, hơn 30 năm sau giấc mơ tái ngộ sẽ trở thành sự thật, vấn đề chỉ là thời
gian sớm muộn mà thôi. Tôi mong chờ đến ngày đó, để được thực hiện lời hứa tôi
đã nói với Đức trên Facebook, là sẽ mua một cái giỏ mới, thật đẹp, tặng cho bà
xã Đức, coi như “ nợ nần” xưa được xóa bỏ.
Đó là món nợ vật chất, còn cái nợ tình
thân, Đức dìu tôi vào bờ biển Thái năm nào, và những kỷ niệm chia ngọt sẽ bùi
của nhóm tàu 41 người, làm sao trả cho hết!
Edmonton, April 2024
KIMLOAN
No comments:
Post a Comment