Saturday, August 27, 2016

CŨNG ĐÀNH (Chu Sa Lan)





Mở truyện:

Đám tang buồn. Thật buồn. Thật lẻ loi. Theo sau chiếc xe hòm màu đen chỉ có hai người. Vỏn vẹn hai. Tảng, một người bạn ở xa. Chiêm, chồng của người chết. Như thế đủ rồi. Không họ hàng con cái gì hết. Người chết, sống đơn độc mà chết cũng lẻ loi. Tang lễ cũng đơn giản. Ngay cả vòng hoa cũng không có. Người nhắm mắt lại đâu có nhìn thấy hoa. Người nằm trong chiếc quan tài bằng sắt kín mít đâu có ngửi được mùi hương của hoa. Lời chia buồn cũng không. Người chết đâu có nghe được. Còn người sống cũng không cần người đi đưa đám tang phải thốt lên sáo ngữ để chia buồn. Buồn đau là thứ không thể chia xẻ được.

Hai người sống đứng cạnh nhau, im lặng nhìn chiếc quan tài đang từ từ được hạ xuống. Tấm bia bằng đá xanh khắc tên người chết. Nguyễn Thị Sầu Đông. Thế thôi. Không có ngày sinh, ngày tử. Người chết đâu màng chuyện sinh tử nữa. Không có tiếng khóc bi ai. Không có nước mắt. Chỉ có ánh mắt đăm chiêu của một người bạn. Chỉ có hai giọt lệ ứa ra từ đôi mắt buồn của người chồng. Thế thôi. Tháng 6 trời thật xanh. Mùa hè lá cây xanh thật xanh. Người ta thường nói màu xanh tượng trưng cho ước vọng. Ước vọng cái gì? Điều gì? Người chết đâu màng. Ngay cả người sống rồi cũng cạn dần ước vọng kia mà.
Bỏ lại đằng sau lưng ngôi mộ chưa được đắp đất, hai người đưa đám tang chậm chạp lê bước trên nền cỏ xanh. Bước chân mỏi mòn, rời rạc, nặng chình chịch. Tảng lên tiếng như muốn phá tan sự im lặng.

– Rồi anh làm gì?
Chiêm im lặng. Lát sau anh mới trả lời, một câu trả lời nhát gừng, như không có câu trả lời chính xác hoặc mệt mỏi khi phải trả lời.
– Không biết… Chắc cũng không làm gì…
Ngước đầu lên nhìn trời xanh, anh thở dài tiếp.
– Chắc tôi vẫn sống một mình… phải sống một mình… Thế thôi…
– Anh đủ sống?
Tảng lại hỏi. Chiêm nhếch môi cười. Hai ngày nay Tảng mới thấy bạn của mình cười lần đầu tiên, dù chỉ cái nhếch môi. Câu trả lời ngắn gọn như hà tiện lời nói.
– Tri túc, tiện túc…
Tới phiên Tảng bật cười thành tiếng ngắn. Hai người ngừng lại nơi bãi đậu xe. Chiêm nói nhỏ và gọn. Vẫn giọng nói đứt đoạn, rời rạc.
– Mời anh ăn cơm tối nay…Còn nửa chai rượu… Đông với tôi…chưa kịp uống hết…
Tảng gật đầu trong lúc mở cửa xe.
– Sáng mốt tôi mới về…
Câu nói có nghĩa họ còn một đêm để bù khú với nhau.
– Xe của chị sạch quá… Xe mấy bà lúc nào cũng sạch sẽ hơn xe của tụi đàn ông mình…
Nhìn quanh quất trong lòng chiếc Honda cũ song sạch sẽ và ngăn nắp, Tảng cười lên tiếng. Chiêm vừa lùi xe vừa nói.
– Đông bị dị ứng nặng…lúc nào xe cũng phải sạch sẽ…thơm tho…
– Chị bị dị ứng gì vậy anh?
– Đủ thứ… Cây cỏ, hoa lá, chó mèo, không khí và người ta…
Tảng đùa một câu.
– Kể cả anh…
Chiêm cười lặng lẽ. Tảng nhận thấy không có gì buồn hơn nụ cười của bạn. Khe khẽ gật đầu, Chiêm thốt.
– Đông dị ứng với chính mình nữa…
Tảng muốn bật cười song nín lại khi nhìn nét mặt buồn u uẩn của bạn. Mười lăm phút sau xe quẹo vào khu đất nhỏ có độ hai chục căn nhà. Đã tới nhiều lần anh nhận thấy mọi thứ đều giống như cũ trừ hoa mùa hè đang nở rộ. Những chùm hoa bằng lăng màu đỏ, tím đậm, hồng nhạt và màu trắng đung đưa trong cơn gió nhẹ. Một cây hoa màu tím dường như có tên chuỗi ngọc đứng riêng lẻ nơi góc sân trước. Trong lúc bạn mở cửa, anh nhìn khóm hoa huệ vàng úa, lá rủ xuống chắc vì thiếu bàn tay chăm sóc của chủ nhân. Ngày xưa, lúc Đông chưa bị bệnh, vườn hoa nhà nàng bốn mùa xuân hạ thu đông đều có đủ mọi loại hoa nở.
– Mời anh vào…

Chiêm lên tiếng trong lúc mở rộng cửa. Khẽ gật đầu Tảng bước vào. Anh nhận thấy ngôi nhà vẫn y nguyên trừ vài thay đổi nhỏ nhặt. Màng nhện bắt đầu đóng trên tường. Chút bụi mờ trên bệ cửa, trên tay vịn của cầu thang và vài mảnh giấy nằm lây lất ở trong góc tường. Ngồi xuống chiếc ghế nệm bằng da cũ, chỗ mà ngày xưa anh hay ngồi mỗi khi tới thăm bạn, Tảng cảm nhận được sự trống vắng và quạnh hiu của thứ không khí thiếu chất người. Đó là thứ tiết ra sự ấm áp tình cảm, điều hòa hơi thở và chan chứa ý nghĩa của sự sống. Đó cũng là điểm đặc biệt nhất của ngôi nhà có người sống đang ở. Người đang ở nhất định phải có hai người, đàn ông và đàn bà. Đàn ông và đàn bà ở chung nhà với nhau thì phải có tình cảm dù ít hay nhiều. Chính tình cảm tạo nên sinh khí cần thiết cho người. Đời sống mà không có tình cảm là một đời sống giãy chết. Vì vậy,cũng mang danh nhà song nhà mồ, nhà xác và nhà thương khác với nhà ở. Không khí trong ngôi nhà này thiếu sự sống. Có lẽ Đông đã mang nó theo xuống nấm mồ của nàng.

Nhận lấy ly rượu của bạn đưa cho, Tảng nhìn bức ảnh trắng đen lớn treo nơi vách phòng khách đối diện với mình. Đó cũng là vật trang trí duy nhất nơi phòng khách. Thấy bạn chăm chú vào bức ảnh bán thân, Chiêm thở dài.
– Đông… trước khi bị bịnh…
Như để giải thích thêm về câu nói chưa tròn nghĩa của mình, anh cười tiếp.
– Trong thời gian Đông bị bịnh, tôi giết thời giờ bằng cách lôi mấy tấm hình cũ ra dọc phá cho vui. Đó là hình tôi ưng ý nhất. Gọi như kỹ niệm… Đông đi rồi tôi chẳng còn lại gì ngoài kỹ niệm…
Chiêm nói bằng giọng bình thường. Có lẽ anh cố gắng giữ cho giọng nói của mình bình thường. Dù vậy Tảng cũng cảm thấy thấp thoáng chút ngậm ngùi,tiếc nuối và nằng nặng nước mắt.
– Tụi mình sống có gì đâu ngoài kỹ niệm… Dù đẹp hay xấu, kỹ niệm cũng đáng được nâng niu và gìn giữ giống như khuôn mặt của người giờ đã xa khuất mờ…
Tảng phụ họa. Cười nhẹ, Chiêm đưa ly rượu lên tỏ ý mời bạn. Gật đầu hớp ngụm rượu, Tảng hỏi cho có chuyện.
– Anh có được thư bên nhà?
– Cũng chẳng có gì quan trọng…
Tảng không hỏi gì thêm nữa khi nghe câu trả lời nhát gừng của bạn. Có bạn bè, bà con và anh chị em ở lại quê nhà, anh hiểu được điều mà Chiêm muốn ám chỉ xuyên qua câu trả lời ” Cũng chẳng có gì quan trọng…”.

Rượu Jack Daniel pha với Sprite có vị ngòn ngọt và thơm thơm. Từ lâu anh vốn không thích rượu pha với nước ngọt vì nghĩ mất đi mùi vị của rượu. Tuy nhiên hôm nay anh cảm thấy ly rượu của bạn đưa cho mình lại ngon và thơm. Anh biết vị giác và khứu giác của mình hơi thay đổi. ” Mình bắt đầu già…”. Tảng lẩm bẩm với chính mình. Sự bắt đầu già đó đôi khi anh cảm thấy có, đôi khi không. Tùy theo nhiều điều kiện như sức khỏe, tâm tình, hoàn cảnh mànó xuất hiện vô chừng. Khi người ta bắt đầu quên,lúc đó người ta bắt đầu ở vào tuổi già. Ngước lên nhìn bạn đang ngồi im lặng ngó đăm đăm ra khung cửa sổ, anh thầm thở dài. Chiêm là hình tượng của bất hạnh, vô phước và buồn đau. Khuôn mặt gầy gò. Mái tóc muối tiêu mà muối nhiều hơn tiêu. Nét nhăn ở vầng trán và đuôi mắt. Ánh mắt mỏi mệt của nhiều đêm mất ngủ. Đi làm để sống và săn sóc một người vợ bệnh hoạn không phải chuyện dễ dàng. Nó đòi hỏi ở anh sức chịu đựng hay đúng hơn sự hi sinh bắt nguồn từ tình thương yêu không thể diễn tả bằng ngôn từ.

– Anh chị lấy nhau bao lâu rồi?
Tảng hỏi cho có chuyện vì không lẽ im lặng mãi. Đang ngồi ngó ra ngoài trời Chiêm quay nhìn bạn. Câu trả lời của anh chậm, buồn, rời rạc, không trọn nghĩa.
– Quen nhau 73… Cưới nhau 83…
Ngừng lại giây lát rồi chắc biết câu trả lời của mình không đủ, anh tiếp.
– Sống với nhau 25 năm… đúng 25 năm và 1 ngày thì Đông đi…
Tảng mỉm cười khi nghe bạn trả lời. Lập gia đình đã lâu anh vẫn không nhớ được bao nhiêu năm, ngày nào mình lấy vợ. Nhớ làm chi ba thứ lỉnh kỉnh đó. Phải có điều gì rất đặc biệt cho nên Chiêm mới nhớ từng ngày, tháng, năm trong đời sống vợ chồng của mình. Dù tò mò muốn biết điều đặc biệt đó song anh không hỏi. Chơi với nhau khá lâu, anh biết tính tình của người bạn hà tiện lời. Quen nhau gần hai mươi năm song vì ở xa nên họ ít khi gặp nhau mà điện thoại nhiều hơn. Thỉnh thoảng, nếu rỗi rảnh anh mới đi thăm hai vợ chồng Chiêm một lần. Lý do mà anh quen với Chiêm khởi đầu từ Đông, một người cùng quê ở Bến Tre. Chiêm, người Sài Gòn song lại biết nhiều về Bến Tre hơn Tảng, gốc gác ở Bến Tre. Thêm một điều nữa khiến cho hai người lâu ngày thành ra thân thiết hơn. Lính. Dù khác binh chủng song đều khoác áo nhà binh nên họ cũng có nhiều chuyện để tán gẫu với nhau. Ở vùng đất quê mùa mà họ đang sống thì bạn lính còn quí và có giá trị hơn nhiều thứ khác.
– Quen nhau 73… Lấy nhau 83… Bây giờ là 2008…
Tảng lập lại nguyên văn và thêm vào câu nói của mình. Chiêm hiểu Tảng muốn chỉ điều gì. Ở giữa năm 1973 và 1983 có khoảng cách thời gian, có một đứt đoạn. Hớp ngụm rượu nhỏ, Chiêm từ từ giải thích.
– Tôi với Đông quen nhau từ năm 73. 30-4-75 tôi tị nạn sang Mỹ. Đông ở lại rồi vượt biên năm 81… năm 82 qua Mỹ… 83 tụi này lấy nhau… và 2003…
Chiêm ngừng nói vì nghẹn lời. Hớp thêm hớp rượu, anhbắt sang chuyện khác.
– Anh uống thêm… Rượu còn nhiều… Đêm đâu đã hết…

Tảng ậm ừ không nói. Uống một hơi cạn ly rượu, anh đưa chiếc ly không chỉ còn chút nước đá cho bạn. Đỡ lấy ly rượu, Chiêm thong thả gắp vài cục nước đá bỏ vào ly, rót chút nước ngọt vào rồi sau đó rót thêm rượu. Tảng nhìn cung cách rót rượu của bạn. Từ tốn, thong thả và như có chút cẩn trọng trong đó. Ở Chiêm, bây giờ như một nghiêm túc chừng mực, một trầm lắng dịu dàng pha chút mệt mỏi và chán nản. Tới lúc nào đó, trong tuổi bắt đầu già như Chiêm, thấp thoáng một sửa soạn để ra đi. Tuy nhiên dù nói sửa soạn để ra đi,song lẩn khuất đâu đó một dùng dằng, níu kéo để ở lại. Chẳng bù với ngày xưa. Ngày xưa, nghe thời xa xôi, đúng ra chỉ năm bảy năm về trước lúc Đông chưa bị bịnh. Không con cái, Chiêm-Đông là cặp vợ chồng được bạn bè thương mến nhất. Vào dịp Tết Ta, Tết Tây, Chiến Sĩ Trận Vong, Lễ Độc Lập, Lễ Lao Động, Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh; Đông thường mời mọi người tới nhà thưởng thức những món ăn ngon và độc đáo của nàng.
– Mời anh…

Tảng đưa ly rượu sóng sánh màu vàng ươm lên mời chủ nhà. Chiêm cũng nâng ly rượu lên ngang tầm mắt nhìn của mình. Màu rượu vàng óng ánh. Rừng thông xanh ngút ngàn màu xanh thẫm. Dãy núi Signal, Lookout kéo dài xuống tận dãy Racoon thành một bức tường mờ mờ xanh trong bầu trời nhiều nắng ít mây của ngày hè oi ả. Xuyên qua bóng nắng lung linh đọng trên tàng cây hoa mộc lan, anh thấy Đông hiện ra, không phải bây giờ mà Đông của ngày xưa. Đôi mắt buồn u ẩn. Mái tóc đen huyền hoặc ánh trăng buông lơi trên chiếc áo bà ba trắng. Đôi chân trần thon thon. Môi mím lại ẩn ước nụ cười. Đông của ngày xưa đó. Của năm 1973, ở vùng đất cũ quen thuộc mà tưởng chừng như xa thật xa, lạ thật lạ, tới nổi khó mà hình dung ra được, mơ hồ lãng đãng từa tựa khói sương khó diễn tả bằng ngôn từ mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm linh.

No comments: