Friday, August 5, 2016

MAI TÔI ĐI & KHÚC NHẠC THỜI GIAN (GS. Hoàng Thế Hào)






 "Nếu có ngày nào Thầy quay gót,
Lui về thăm lại tháp Nhạn xưa
Thđôi mái tóc không còn xanh nữa
Mây bạc, trăng vàng vẫn thiết tha..."
   
Kính thưa quý Thầy Cô & các anh chị,

Thukỳ nhớ trong một bài thơ Thầy Hào có câu: “Một thoáng hương xưa bay rồi” cứ tưởng chỉ là một thoáng, nhưng có ngờ đâu thoáng hương xưa kéo dài trong tâm hồn vô tận.

Cảnh cũ người xưa…kỷ niệm khó phai mờ: “Tôi muốn quên nhưng lại nhớ nhiều..”

Chuyện ngắn: “Khúc Nhạc Thời Gian” Thầy viết khá lâu hơn 40 năm qua, từ lúc còn ngồi ghế trường đại học sư phạm, trước khi ra trường đi dạy học và nhận nhiệm sở đầu tiên về Núi Nhạn, sông Đà.  Thầy muốn đem câu chuyện này để kể cho học sinh của Thầy trong những ngày đầu, và ước mong học trò sẽ nhớ câu chuyện dễ thương của người Thầy khá trẻ vừa bước lên bục giảng...

Nhưng Thầy không kể có lẽ Thầy nghĩ nghĩ học trò còn quá “bé” chưa đủ để hiểu câu chuyện của Thầy muốn nói lên tâm sự gì!  Thầy giữ mãi cho đến hôm nay.

Hy vọng những học trò ngày cũ của Thầy đọc, và sẽ hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của cốt chuyện mà Thầy muốn gởi đến cho những học trò dấu yêu ngày cũ, chắc cũng không muộn!!!

Thế rồi hơn 40 năm Thầy tâm sự: " Định năm sau trở về thăm lại cảnh cũ người xưa , thế mà chinh chiến điêu linh." Ngồi nhớ lại cái ngày từ giã thành phố hiền hòa thân yêu, những học trò, từ căn nhà trọ, kỷ vật ... Thầy diễn tả lại tâm trạng riêng lòng Thầy thật ngổn ngang, một nỗi  buồn da diết...kỷ niệm bao giờ cũng đẹp và khó quên nhất là kỷ niệm ở nhiệm sở đầu tiên.  "Thư Về Tháp Dĩ Vãng" Thầy muốn dành riêng cho Tháp c, những bức tâm thư mà bây giờ mới gởi, Thukỳ sẽ lần lượt giớ thiệu đến những lá thư như nỗi lòng người viết.

Thukỳ xin trân trọng giới thiệu đến quý Thầy Cô và các anh chị : “Khúc Nhạc Thời Gian” & "Mai Tôi Đi" của Thầy Hoàng Thế Hào,
để nghe lòng mình thổn thức theo tâm trạng của Thầy.

Trân trọng,
Thukỳ.


Mai Tôi Đi.

Năm sau , tôi cũng lại đứng ở chỗ này. Cũng bụi hoa vàng rực rỡ , cũng cái sân gạch chói chang . Thảo đang bứt bỏ những lá mai tứ quý . Năm nào cậu con trưởng cũng làn công việc này ,  năm nào cây mai trong cái bồn sành to lớn cũng nở hoa đẹp và đúng ngày . Giờ cũng gần cuối năm , nắng bớt gắt và khí trời se lạnh , hai tay Thảo làm việc  nhanh nhẹn nhưng thỉnh thoảng liếc nhìn tôi có vẻ bứt rứt . Giống hệt ông bố : hiền lành , đôn hậu và ít nói , nhưng hôm nay cậu gạ chuyện trước :

-        Bao giờ Thầy đi ?
-        Mai tôi đi Thảo à .
-        Có nói cho má em chưa ?
-        Nói rồi , bả nói : đi vài tháng thì không cho ai ở phòng đó đâu . Nhưng tôi nói với bả : lần này đi luôn , không về. Hình như bà cũng buồn ,lẳng lặng đi quét lá , chẳng nói năng chi nữa  .
-        Thầy đi nhà này sẽ vắng hoe. Ngày nào cũng có người đến thăm thầy, lúc đờn lúc ca. Nghe em Đệ nói nó muốn đi Sài gòn học vài năm rồi thi vào trường Đại Học Sư Phạm . Nó muốn làm cô giáo . Thầy nghĩ sao ?   
-        Nếu không so đo tiền bạc thì đối với đàn bà con gái có nghề nào đẹp hơn ?
Còn em ?
-        Em theo nghề ba cho chắc ăn . Thầy cần dọn đồ em phụ cho ?
-        Cám ơn em . Có gì đâu, chia hết rồi .
-         
Tôi lại gần phụ với Thảo bức lá mai mà nghĩ mãi , không biết còn cái gì để chia cho Thảo và hai đứa em . Thầy Huy xí bức tranh Nắng màu nhiệt đới . Thầy Định bộ bàn ghế . Bộ này rất xinh mua của trung sĩ Nghĩa khi anh theo chân trung đoàn 47 lên cao nguyên dự trận đánh Mùa Hè Đỏ Lửa . Lâu rồi không nhận thư anh . Bình chộp ngay bức Mất Hươu mà nó nhắm từ lâu . Còn ba bức Thuyền Giấy ,Ngày Về , Xuân Đi Chàng Cũng Đi không biết vào tay ai .( Người ta nói Hội Hoạ là tiếng nói của im lặng sao họa sĩ nào cũng đặt tên cho tranh cuả mình ? Đã đặt tên thì viết luôn lời giải thích  cũng không khác bao nhiêu) .Cái to nhất nặng nhất Túc khiêng về, chẳng phải để vẽ vời , chỉ làm kỷ niệm , là cái giá vẽ . Có một cái chẳng ai dám xin : Đó là cây đàn Guitar đầu tiên làm ra trong đời . Không xin là phải , bộ tính lóc thịt ông thầy hay sao !

Rồi bàng hoàng tôi nhìn lại căn phòng nơi đã sống bốn năm qua , chợt nhận ra chưa bao giờ mình được ở căn nhà nào quá bốn năm , dù là nhà thuê hay nhà cha mẹ . Nhưng đây là nơi đầy ắp kỷ niệm với mọi người .  Có bạn bè thân thương , có bao học trò quý mến mà chắc là có cả những niềm riêng !    
 
      Chiều nay bà chủ Mị Châu Thành chiêu đãi thức ăn . Túc sẽ mang qua . Mọi người sẽ thức trắng đêm trò chuyện hát hò cho vơi đi thương nhớ , ngày mai bốn giờ sáng ở bến xe có nhiều người tiễn tôi lên đường . Lạ thật , tại sao không ở lại , sao mà cứ phải ra đi , cứ phải khăng khăng giã từ ; giống như dân hải đảo lúc nào cũng muốn về đất liền , dù biết rằng nơi ấy chẳng tốt đẹp hơn .

      Mai tôi đi lòng buồn phiền ngổn ngang như những sách vở đồ đạc trong phòng . Thế mà trên chiếc bàn nhỏ lại còn một xấp bao thư màu xanh . Mỗi bao thư đã ghi sẵn tên và địa chỉ người nhận , người gửi . Thư có dán sẵn tem để một người lười cỡ nào cũng không thể chối từ . Ai cũng có cách riêng cuả họ để mà níu kéo , nhưng tôi cứ lầm lũi ra đi .

    Định năm sau trở về thăm lại cảnh cũ người xưa , thế mà chinh chiến điêu linh .
Bốn mươi ba năm qua nhanh như mộng . Cố tìm trong trí nhớ đã mòn hình bóng người xưa . Bồi hồi nhớ lại mùa xuân ấy , khi lửa hung tàn cháy quê hương .
                                                       
                                                              30 tháng 4 năm 2016

 



Khúc nhạc thời gian

Thính vũ sơn hoang vu cô tịch đã từ lâu, có một cây bạch tùng vạn niên, thân nó cao tưởng đụng trời xanh, lá mọc tràn lan một vùng sơn thạch.  Dưới cái bóng rợp mênh mông ấy, không biết bao nhiêu là muông thú đã sinh sống.  Xuân qua, hè tới vạn vật đổi dời, nhưng cây vẫn đứng thẳng như thế trong gió mát của mùa xuân, trong nắng hè oi ả, trong mưa thu rả rích hay trong gió bấc đông buồn.  Đêm đêm , người ta tưởng, ngọn cây đang thì thầm kể truyện với trăng sao.

Ngày nọ có một con chim phượng bay tới đậu trên đỉnh ngọn tùng.  Mình chim với muôn màu óng ả, nổi bật lên màu trắng của cây lạ.   Chim cất tiếng hót vang, giọng thanh tao, điệu lạ lùng quyến rũ.  Từng chuỗi âm thanh, như tiếng ngọc rơi, dội lên trên mấy từng cao của núi rừng trùng điệp;  bỗng nhiên cành lá của cây tùng rung động theo, hoà với tiếng hót cao vút thành một khúc nhạc trầm bổng tuyệt vời. 

Thanh âm đi thật xa, uốn lượn quanh dòng suối, vòng vèo qua rừng trúc thưa, và lọt vào tai một đạo nhân.  Vốn là một tay chơi  đàn thất huyền và thẩm âm rất giỏi, lão ngẩn ngơ nghe khúc nhạc đó rồi  bương bả theo tiếng chim hót lần tới.  Khi lão đến nơi, trông thấy một con chim tuyệt đẹp đậu trên đại tùng hót líu lo, thì cũng là lúc khúc nhạc chấm dứt.  Chờ mãi, chờ hoài mà không được nghe tiếp, lão giận giữ vung đôi tay quyền phép lên bắt được ngay con chim lạ; rồi lão lấy bảo đao ra, thế là thân cây ngàn năm chẳng mấy chốc đổ xuống vực sâu, gây một tiếng động kinh hoàng cho bầy muông thú.
Chiều rơi nhanh trên núi đồi âm u, bóng lão ẩn hiện trong lá cành, trên vai có con phượng hoàng ủ rũ.  Hình như trên tay còn có một vật gì giống như một khúc gỗ, một khúc gỗ trắng bạch.
Năm ấy công chúa Văn Quân tới tuổi trăng tròn.  Nàng đẹp như tiên nữ giáng trần, không những thế, bao nghề thi họa cầm kỳ không mấy ai sánh kịp.  Nàng công chúa tới tuổi cập kê này là một mối ưu tư không nhỏ của hoàng gia.

Một hôm, từ kinh thành đến các làng thôn xa xôi, chỗ nào cũng có một tờ yết thị.  Tin nhà vua tuyển đại nhạc sĩ hoàng cung làm mọi người không mấy ngạc nhiên - vì từ lâu nay vẫn có một cây đàn thất huyền làm bằng gỗ bạch tuyết tùng mà không ai trị nổi, bỏ quên trong kho báu, nhưng người ta bàn tán xôn xao vì đại nhạc sĩ hoàng cung chắc chắn sẽ trở thành phò mã của ông vua yêu nhạc này. 

Mùa xuân năm ấy thơn mgát hương hoa.  Gió thổi dịu êm trên giòng sông uốn lượn quanh kinh thành, đẩy nhè nhẹ những thuyền hoa xuôi ngược.  Tiếng đàn tiếng ca vang lừng, người người ăn mặc đẹp đẽ qua lại trên đường phố.  Có lẽ những chủ quán là vui mừng hơn cả, họ đon đả chào mừng những khách phương xa.
Trên quảng trường rộng bao la của hoàng thành, người ta dựng một cầm đài cao ngất, trên đó là chỗ ngồi của các quý khách, các nhân vật quyền thế, ban giám khảo và ngay chính giữa là chỗ dựng cây thất huyền cầm kỳ lạ với bao huyền thoại.  Các nhạc sĩ tham dự sẽ lần lượt lên cầm đài này để trổ tài.

Công tử Tư Mã hôm ấy cũng vui bước trên đường phố.  Lòng chàng mở rộng với mùa xuân của đất trời và tình người thắm thiết.  Khi đi ngang qua Thượng Uyển tình cờ chàng được trông thấy công chúa.  Nàng đi giữa bày thị nữ tươi đẹp.  Những bước chân của nàng ngàn hoa phải cúi đầu.  Tuy nhìn từ xa nhưng cái dáng uyển chuyển tiên nga, chàng nghĩ những lời đồn có lẽ còn thiếu.  Dù chỉ một thoáng rất nhanh, lòng chàng cũng rộn lên bao niềm xao xuyến.  Chàng cứ đi như thế cho tới đêm khuya, qua khu chợ búa, qua cầu, qua sông; chàng không dám bước mạnh , sợ tan đi những giai điệu huy hoàng của môt bản tình ca đang được kết cấu dưới mỗi bước chân.

Ngày hôm sau, trời quang nắng nhẹ, ngựa xe tấp nập phố phường.  Người người đã tụ tập ở sân hoàng cung từ sớm.  Thế rồi giờ trình tấu đã điểm.  Nhạc quan đọc lời khai mạc với tên tuổi khá nhiều nhạc sĩ mà tài năng xuất chúng nên đã lọt qua kỳ khảo hạch.

Người đầu tiên bước lên đài là một thư sinh áo trắng, dáng người mảnh mai thanh tú.  Chàng dâng khúc Cao Phi, hai bàn tay ngà lướt nhanh trên bẩy dây đàn kết bằng lông chim hồng.  Người ta thấy núi đồi thênh thang, mây trắng trải đầy trời với chim tung cánh bay trên cánh đồng lúa chín, cô sơn nữ vui tươi với gùi trên lưng trở lại buôn làng; thật là một khúc nhạc vui tươi rộn rã lòng người.  Nhưng kìa, người ta bắt đầu nhận thấy thư sinh không còn được thanh thản nữa, vầng trán cao bắt đầu nhỏ giọt mồ hôi, hai tay ôm đàn trĩu nặng và các ngón tay luống cuống.  Thư sinh đành buông đàn vì cây đàn bỗng trở nên quá nặng.

Người kế tiếp là một trung niên nhạc sĩ, đã đi khắp nơi tìm tòi những ngón nghề tuyệt kỹ.  Khúc Nam Bắc chiến trường mà trung niên nhạc sĩ trình bày thật là kỳ lạ, tưởng như đâu đây có tên bay, ngựa hí, tiếng gươm đao xé gió bay đầu.  Rồi thì giòng nhạc chậm lại, chìm trong tiếng âm u của đêm sa trường ai oán hồn tử sĩ khóc than.  Mọi người chưa kịp tán thưởng thì các dây đàn đồng loạt đứt lìa.  Người ta buông tiếng than cho người nhạc sĩ kém may mắn.

Đã quá trưa, ngả về chiều rồi mà chưa có tay đàn nào trình bày được hoàn hảo.  Không bị hỏng cái này cũng bị hư cái khác.  Mọi người chán nản muốn quay về, hoàng gia xem chừng cũng bối rối.

Ngay lúc đó, công tử Tư Mã bước lên.  Thoạt trông cái phong thái an nhiên toả ra từ người nghệ sĩ chân chính, mọi người đã nín thở chờ đợi.  Chàng cúi chào mọi người rồi nhận cây đàn từ chính tay nhà vua trao cho.

Chàng bắt đầu với trời biển bao la, núi đồi rực rỡ, gió mùa xuân mơn man trên cành lá, con hổ vằn gầm vang trong khe núi, những đêm hè có ai nghe con tu hú thở than?  Chàng ca thế giới hòa bình, tình yêu chân thật, lứa đôi hạnh phúc trong thiên nhiên hiền hoà.  Tức thì cái kho kỷ niệm êm đềm của cây tùng vùng dậy; bạch cầm bỗng rung động không ngừng , bảy dây thiết tha quấn lấy mười ngón tài hoa và dòng nhạc tỏa rộng bay cao, bay xa mãi.

Con chim phượng từ lâu bị nhốt trong lồng son, bỗng điên cuồng phá lồng bay ra, đôi cánh trùng dương với đuôi dài tha thướt uốn lượn trên cao.  Phượng hoàng cất tiếng hót theo bạch cầm, từ cổ chí kim chưa ai được nghe một điệu vũ nhạc tuyệt vời đến thế.  Bà nội trợ buông tay chổi lắng nghe, các cung nữ vì dòng nhạc khích động xoay tròn trong điệu vũ, rồi thì tất cả mọi người cũng quay cuồng theo nhạc, ngay cả ngự lâm quân cũng quên bổn phận canh gác say sưa với bản tình ca.

Thiên tử ngây ngất cầm lấy tay chàng đưa cao.  Muôn dân hoan hô chàng nhiệt liệt.  Trong lúc Tư Mã dâng trả lại cây đàn, nhà vua có hỏi: với cái bí quyết gì mà chàng thành công.  Chàng chỉ nhã nhặn trả lời rằng đó chỉ là sự thuận theo trời đất hợp với lòng người mà hoà bản nhạc với thiên nhiên.

Nhưng có một người chưa hài lòng với câu trả lời quá giản dị và khiêm tốn, đó là công chúa Văn Quân, cô con gái duy nhất của nhà vua, vừa xinh đẹp, tài ba lại giỏi ứng đối bước ra.
-Tâu phụ vương, tiểu nữ trộm nghĩ: “Cây thất huyền cầm này được nghệ nhân làm ra từ gỗ bạch tùng vạn niên ở Núi Nghe Mưa, hẳn nhiên đã được thần thời gian nhập vào.  Thần thời gian có thể bước một bước rất dài từ quá khứ mịt mù đến tương lai xa tắp.  Trong cuộc sống, con người thường đánh mất hiện tại, họ hay than thở một quá khứ đau buồn và lo lắng cho một tương lai bất trắc.  Con người không thể đạt được hạnh phúc nếu không biết sống từng phút từng giây hiện tại.  Nếu chìm đắm trong hiện tại thì thời gian sẽ ngừng trôi.  Chế ngự được thời gian là chế ngự được cây đàn thần này.

Khi phụ vương trao cho công tử Tư Mã cây đàn này là chàng không còn biết có phụ vương đứng trước, không còn biết có bao người hàng hàng lớp lớp chung quanh .(ngừng một lát, cô công chúa tinh nghịch mỉm cười)Và cũng chẳng cần thấy tiểu nữ này làm gì nữa.  Cái tiểu ngã bé nhỏ của chàng biến mất, nhập vào thiên nhiên, thuận theo dòng đời mà đưa đẩy khúc cầm; dòng nhạc lúc đó chỉ còn một chỗ là hiện tại, phi không gian, phi thời gian nên đi vào vĩnh cửu.”
Nhà vua, triều thần và tất cả dân chúng đều đẹp lòng vì câu trả lời của nàng, họ hết nhìn chàng Tư Mã hào hoa lại nhìn nàng Văn Quân xinh  đẹp và thông minh khiến cho nàng thật bẽn lẽn; cuối cùng nàng chạy lại đỡ cây đàn thần trên giá ngọc dâng cho Tư Mã, giữa tiếng reo vui vang lừng của mọi người

Bản đàn đã ngừng từ lâu nhưng dư âm còn vương vấn đâu đây.  Trong thư phòng công chúa Văn Quân vẫn còn đứng bên rèm thờ thẫn.  Có lẽ nàng  cũng đang dệt một khúc tình ca.

Hoàng Thế Hào.

                                                                                  

No comments: