Đời thế mà vui
Ai nói rằng vô bịnh viện thì không vui?
Hôm trước Tết tui vô cổng cấp cứu của một bịnh viện lớn ở TPHCM.
Trong khi chờ được chăm sóc, tui thấy cô kia bị thương ở chưn, phải đi cà nhắc
đau đớn từng bước ráng lê vô, hai cô y tá ngồi đó ngó mà không có phản ứng
thích hợp nào.
Sau đó đến phiên tui cà nhắc đi theo bà y-lao (vì tui không biết bà
này là y tá hay lao công) từ cổng sau ra cổng trước, cách đó hơn trăm mét. Vui
hông?
Được người-trong-cuộc khuyên nhủ trước, tui đăng ký nằm phòng dịch
vụ, đơn giá 450k một ngày, mắc gấp hai lần phòng khách sạn. Sở dĩ phải đóng
tiền giá cao như vậy là vì vô phòng, bạn được nằm nguyên một cái giường riêng
mình, không phải chia chác gì với cái ông nằm giường bên cạnh. Giường này có
nệm, có drap, nhưng không có gối hay mền gì ráo. Muốn có, bạn phải mướn (có thế
chấp). Muốn sử dụng cái dờ-mốt tivi, bạn cũng phải thế chấp. À quên: nếu trường
hợp cái giường bạn nằm bị trục trặc chỗ cây chống đầu giường lên cho cao, nghĩa
là không chống lên được, thì bạn cứ thoải mái báo với y tá trực. Y tá trực sẽ
ân cần vui vẻ trả lời rằng bạn yên tâm đợi khi nào có bịnh nhân xuất viện, thì
họ sẽ đổi giường cho bạn. Vui chưa?
Ngoài việc nằm phòng giá dịch vụ 450k/ ngày, tui cũng đăng ký mổ
dịch vụ, bởi vì nghe bác sĩ nói rằng mổ dịch vụ sẽ được dụng cụ phẫu thuật tốt
hơn, những thiết bị khác tốt cho sức khoẻ hơn là so với mổ theo diện bảo hiểm y
tế. Khác nhau như thế nào thì chỉ có bác sĩ biết, chứ mình đâu có cách để so
sánh và kiểm chứng? Chỉ biết rằng với giá phòng và giá mổ dịch vụ, thì trước
khi lên lầu để phẫu thuật, bịnh nhơn phải xuống căng-tin mua dao cạo để tự cạo
chỗ nào sắp mổ. Hình nhu trong gói dịch vụ mổ không bao gồm dao cạo lông. Vui
héng?
Ờ mà quên, hồi mới nhập… lầu, tui được cô y tá dễ thương xin tí máu
(chớ không phải là xin tí huyết nha mấy huynh!) để xét nghiệm. Độ chừng vài
tiếng sau, cô dễ thương lại xuất hiện (làm tui tưởng lầm là do mình đẹp trai),
cổ lại xin tí máu lần nữa, lý do là vì trong thao tác trước đó có lầm lẫn chi
đó. Vui ghê!
Bác sĩ đã dặn trước khi nhập viện không được ăn uống, để thử máu.
Lấy máu xong, cô y tá dặn mình nhịn đói tiếp để chờ CT scan, khi nào scan xong
mới được ăn. Mình hỏi khi nào scan, cổ nói hỏng biết, chờ chừng nào scanner
rảnh. Và mình bèn nhịn đói chờ từ sáng sớm cho tới hơn 13h thì scanner tạm
rảnh. Ôm cái bụng đói meo meo, ngồi trước phòng scanner chờ tới phiên, nghe âm
thanh ột ột trong bao tử cùng vần với Trư Bát Giới. Cuối cùng, cánh cửa phòng
cũng được mở ra với thông báo “Scanner hư, bịnh nhân vui lòng trở về phòng, khi
nào sửa chữa xong sẽ thông báo!”. Thiệt là vui cái lòng trở về phòng. Đói quá
đói, tui bèn ăn đại, bởi vì đâu biết lúc nào “con scanner sẽ vui trở lại”?
Gặm khúc bánh mì cùng lúc những người khác chuẩn bị cơm chiều.
Hay ở chỗ là gặm xong một thoáng sau thì y tá biểu trở xuống phòng
CT-scanner. Vì hạnh phúc của bịnh nhơn và thu nhập của bịnh viện, scanner đã
được sửa tốc hành trong vòng vài giờ đồng hồ. Vui lém!
Bác sĩ hẹn 9h sáng hôm sau mổ, nhưng lụi đụi cũng phải qua tới buổi
chiều.
Cũng giống như cái thực đơn được soạn bởi những đầu bếp chuyên
nghiệp, nghĩa là cái gì ngon nhứt phải để dành lại sau, thì ở bịnh viện cũng
vậy: tới đây mới bắt đầu những gì vui nhứt.
Đầu tiên là bước qua cánh cửa của phòng vô trùng. Ổ khóa của cánh
cửa này không phải là thứ tầm thường à ngheng, mà nguyên cả ổ mã số bấm bấm gì
đó, giống như trong phim đột nhập tổng hành dinh CIA của Mỹ: chỉ có thành phần
tuyển chọn mới được vô. Thắc mắc không hiểu thành phần đó là ai, trong khi chờ gần
30 phút chưa thấy bác sĩ, tui lại thấy người giao cơm hộp, thợ điện, và những
bằng hữu khác bấm số 83817 là vô tuốt. Vui như hội chợ!
Khi y công đẩy băng-ca của mình đi dọc hành lang để vào phòng mổ
phía cuối, tui thấy vải phòng đang phẫu thuật mà không có đóng kín cửa, thiên
hạ ra vô tùm lum, giày dép búa xua. Cảm thấy bất an nhưng tự an ủi biết đâu
phòng của mình sẽ ngăn nắp sạch sẽ hơn. Hóa ra hổng phải như vậy.
Băng-ca của tui đã được đẩy tới cái đèn không hắt bóng rồi, mà cửa
phòng vẫn mở, nguyên bầy lao-tá tám chuyện rào rào, nào là chuyện giá cả,
chuyện con cái, chuyện thưởng tết, chuyện hốt hụi, hẹn hò đi du lịch, kêu gọi í
ới. Vui như sở thú!
Phần đông chúng ta đều đã đọc sách hoặc xem phim về ngành y của
Việt Nam Cộng Hòa hoặc các quốc gia tiên tiến, nên chúng ta đều mường tượng
cảnh bác sĩ rất “ăn rơ” với ê-kíp mổ: ca phẫu thuật tiến hành trong im lặng,
bác sĩ chỉ cần giơ tay ra là trợ lý biết phải đặt vào tay bác dụng cụ nào (kéo,
kẹp, dao, v.v.), liên tục lớp lang như vậy cho đến khi ca mổ chấm dứt.
Lầm rồi nghe bà con! Có nằm trên bàn mổ mới thấy… vui ghê (phần ghê
nhiều hơn phần vui): ông bác sĩ chính thức thì tui đã biết mặt rồi, mấy ông còn
lại là ai, có phải là sinh viên thực tập hay không, tui không hề biết bởi
vì đã mang khẩu trang. Trong khi mổ, tui nghe bác sĩ nói đại loại như “Ê, không
phải không phải cắt chỗ đó, em cắt chỗ này nè, làm lại đi!”
Trong khi em kia đang “làm lại đi” thì bất giác tui nhìn thấy hai
ba cái bọt bóng trong ống truyền dịch từ phía trên cao đang từ từ sắp tiến vào
tĩnh mạch mình. Thấy ghê quá, tui báo bác sĩ, bác sĩ quay ra phía cái đám bà
tám hô to “Em XYZ gì đó ơi, bệnh nhân báo có bọt bóng trong dây truyền dịch
kìa!”
Như có phép mầu, em XYZ bay vào rút vội dây truyền ra để thay thế
bằng cái khác. Thật đáng ngưỡng mộ!
Cuối cùng thì vụ mổ xẻ đã xong, đến phần khâu lại. Bác sĩ hỏi ai đó
(tui không thấy vì đã có tấm màn nhỏ che tầm mắt) rằng chỉ khâu để chỗ nào. Có
tiếng trả lời là em ABC giữ chìa khóa đã ra ngoài ăn trưa chưa vào. Bác sĩ liền
lệnh mấy bà tám đi tìm em đó gấp.
Lại như có phép mầu, không lâu sau, chỉ khâu đã xuất hiện. Lần này
tui nghe bác sĩ nói với anh bạn khẩu trang “không phải, em phải khâu bên này
mới đúng, làm lại đi!”. Sau khi em đó làm lại, và làm xong, bác sĩ gọi chị nào
đó ngoài kia, để xin cây kéo cắt chỉ. Im lặng vài chục giây. Lại nghe tiếng bác
sĩ nói “không phải kéo này, loại kéo để cắt chỉ đó chị!” Sau đó bác sĩ toại
nguyện vì được cung cấp đúng loại kéo.
Thiết nghĩ, tui có quyền liên tưởng rằng trước đó, cái kéo đang ở
“vòng ngoài”, tức là chưa được vô trùng. Vui không?
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang thì tui được đẩy ra khỏi phòng
mổ để trở xuống trại giam, xí lộn, trại dưỡng với cái giường trị giá 450k/ ngày
trong căn phòng mà cửa toilet bị hư, phòng toilet không có vòi xịt, không có
giấy vệ sinh, và không có móc quần áo.
Y tá đẩy băng-ca hậu phẫu vào tận giường, rồi yêu cầu tui tự leo
qua giường, với lời nhắn nhủ hết sức ân cần rằng “ráng leo qua cho khéo, không
thôi đứt chỉ vết thương mới mổ đó nghe!” Sự ân cần này khiến tui cảm động vô bờ
và vui khôn xiết.
Qua hôm sau, tất cả bịnh nhơn ở lầu 2 (trong đó có tui) được lịnh
dồn lên lầu 3. Lý do được đưa ra là để tập trung cho dễ quản lý. Phải nói nhơn
đạo như vậy, chớ ai đành đoạn mà bảo rằng gần Tết tới nơi, phải thu gom như vậy
để lao-tá-sĩ lo lắng việc nghỉ lễ mà không phải trực rải rác nhiều tầng lầu.
Đêm đó là đêm vui cuối cùng nơi bịnh viện.
Sáng hôm sau chuẩn bị trả phòng cao cấp để ra về. Bác trai ở giường
bên cạnh bị dãn nở phế nang, có lẽ vào giai đoạn cuối nên phải luôn đeo ống
oxygen mà vẫn khò khè vật vã. Mấy đêm liên tiếp, bác không thể nằm, mà phải
ngồi cúp lưng xuống thì mới có thể thở được. Bác yếu đến nỗi không thể từ
giường tự bước xuống xe lăn được. Khi cả phòng chuẩn bị về đón Tết, vị bác sĩ
đặc trách trường hợp bác trai ấy hân hoan bước vào phòng, vỗ vai bác dặn dò
nhiều lần “Bác nhớ nghỉ ngơi nhé, nghỉ ngơi cho nhiều vào, không được làm gì
nặng nhé. Nhớ nghỉ ngơi nhé!”
Vâng, đồng chí hãy yên lòng mà nghỉ ngơi nhé.
Riêng tui, tần ngần ra phía ngoài, chỗ ban-công để xem tập thể
lao-tá-sĩ thi kéo co ở dưới sân bịnh viện, với những đợt reo hò động viên của
khán giả, mang lại không khí vui tươi năng động. Nhờ đó, bịnh viện mới mất đi
cái yên tĩnh êm ru bà rù buồn như chấu cắn.
Xe taxi đang tới, tui lần lần xuống lầu. Văng vẳng đâu đó ở lầu
dưới là tiếng tập hát xôn xao, tiếng hẹn hò thăm viếng, tiếng rủ rê đi du lịch
xa, thiệt là vui như phiên chợ Viềng!
Ai
dám nói là vô bịnh viện thì không vui?
No comments:
Post a Comment