Thursday, September 13, 2018

ALASKA TRỞ LẠI NGA ? - CHUYỆN ĐÙA (DƯƠNG HOÀI LINH)


Alaska trở lại Nga? Chuyện đùa.

NSGV: Xem ra đây chỉ là một trò được tạo ra để gây tiếng vang với chính phủ Mỹ nhằm duy trì ngân sách cân bằng và để “bảo vệ tiêu chuẩn sống của các công dân”; đồng thời cũng cho chính phủ các nước khác thấy tiền lệ Crưm có tác dụng xấu như thế nào, và cũng nói với Putin rằng những lí lẽ ông ta đưa ra để cướp trắng Crưm của Ucraina là không thuyết phục. Đây! Alaska "vùng đất lịch sử của nước Nga" đây, nay chúng tôi đòi trở về Nga đây, sao ông lại im re vậy?


Cũng như Texas, Tennessee, Louisiana, South Carolina, North Carolina, Florida, Alabama và Georgia, Alaska đang cố gắng thu thập đủ 100.000 chữ ký cho việc trở lại Nga. Nhưng xem ra đây chỉ là thói dỗi hờn của trẻ nhỏ trước sự lơ là của cha mẹ nhằm duy trì ngân sách cân bằng và để “bảo vệ tiêu chuẩn sống của các công dân”. Nước Mỹ, với cương vị lãnh đạo thế giới đã chi quá nhiều ngân sách liên bang cho các hoạt động ngoại giao nhằm đảm bảo vị thế của mình trên thế giới. Liên tục nâng trần nợ công và giảm các chi phí phúc lợi xã hội đã khiến dân Mỹ cảm thấy bất an. Nếu so sánh với Canada và Australia,hai nước có GDP thấp hơn nhưng lại có chế độ bảo hiểm y tế toàn dân, thì đa số dân Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu lại không có bảo hiểm y tế. Họ có thể phá sản bất cứ lúc nào vì lý do sức khỏe. Do đó họ muốn đánh động đến chính quyền liên bang.
Nhưng nói như Obama thì người Mỹ cần phải tìm ra cách tốt nhất để tiến lên phía trước chứ không phải để chia rẻ. Và đạo luật về bảo hiểm y tế Obama care cũng là một trong những giải pháp.

Mỹ đã mua Alaska từ Nga vào năm 1867. Vào thời điểm đó, Alaska còn là vùng lãnh thổ xa nhất của Nga. Nga hoàng Alexander II lo ngại sẽ không bảo vệ được vùng đất địa đầu này nên đã quyết định ký hiệp định bán vùng đất có diện tích 1.600.000km2 cho Mỹ vào ngày 30-3-1867, với giá 7,2 triệu USD.                                                                                                                                                                                         
Đối với Seward, ngoại trưởng Mỹ bấy giờ, đây là cả một tính toán chiến lược. Alaska nằm sát bên Canada, lúc đó trực tiếp là lãnh thổ Anh. Nước Nga là một đồng minh quan trọng của Mỹ, giúp đỡ phe liên quân trong nội chiến Nam-Bắc Hoa Kỳ, còn nước Anh thì gần như là kẻ thù. Do đó, việc giúp đỡ Nga và làm chướng mắt người Anh là một việc làm có lý.

Sau khi được công nhận là một bang, Alaska đã trở thành bang lớn nhất Hoa Kỳ với diện tích 1.518.800 km2, gấp hai lần kích thước của bang đứng thứ hai là Texas. Alaska chỉ nhỏ hơn 18 quốc gia có chủ quyền. Diện tích vùng lãnh hải của Alaska lớn hơn diện tích của ba bang đứng liền sau là Texas, California, và Montana cộng lại, chiều dài đường bờ biển là 54.720 km.
Anchorage-min
Theo số liệu của cuộc điều tra dân số ngày 01-07-2012 do Cục Thống kê dân số Hoa Kỳ công bố, ước tính dân số Alaska là 731.449, xếp hạng 47 trong số các bang về dân số và cũng là một trong các khu vực thưa dân nhất trên thế giới, với chỉ 0,46 người/km² và là bang giàu thứ 10 xét về thu nhập bình quân trên đầu người.

Lễ chuyển giao Alaska cho Hoa Kỳ được tổ chức vào ngày 18-10-1867, ngày 3-1-1959 Alaska chính thức thành tiểu bang 49 của Mỹ. Việc phát hiện ra dầu tại vịnh Prudhoe vào năm 1968 và việc hoàn thành đường ống dẫn dầu xuyên Alaska vào năm 1977 dẫn đến bùng nổ dầu mỏ tại bang này.

140 năm trước, khi Ngoại trưởng Mỹ Seward ký hiệp định mua lại Alaska, ông cũng chẳng ngờ rằng sẽ có ngày các mỏ dầu ở Alaska chính là nguồn dự trữ chiến lược của Mỹ, và cũng là tiền đồn chiến lược cực bắc của Mỹ trước một nước Nga không còn là đồng minh từ 90 năm qua.

Sau khi bán Alaska cho Mỹ, người Nga không lúc nào nguôi hối hận về điều này. Tuy nhiên, không giống như Crimea hay Ukraine với tỷ lệ người Nga sinh sống đông, dấu ấn chính trị, kinh tế, văn hóa đậm chất Nga, Alaska hiện nay hầu như chẳng có chút dấu ấn nào của Nga. Bản kiến nghị trên dù có thu thập được 100.000 chữ ký để chính phủ Mỹ xem xét trả lời thì chắc nó cũng không giúp bang thứ 49 này tách ra khỏi Mỹ, sáp nhập vào Nga như Crimea.

Dương Hoài Linh


No comments: