Thursday, September 20, 2018

LÂN NHÀ NGHÈO (NGUYÊN ĐẠT)

Lân Nhà Nghèo
Truyện ngắn-Nguyên Đạt
… Chưa hoàn hồn bởi trận rượt đuổi của con chó xù giống Béc-Giê to đùng nhà lão Trấn, bọn trẻ đứng tụm lại vừa ho khan, vừa thở dốc; nhớn nhác nhìn lại phía sau xem chừng một lúc rồi quay sang ngẩn ngơ nhìn chú Lân con rúm ró nằm lăn lóc dưới mặt đất ẩm mốc, buồn rầu tiếc nuối.

Ôi thôi! Công khó hơn chục ngày qua coi như bỏ không. Niềm vui và những ước mơ coi như trôi tuột. Tết Trung Thu còn có ý nghĩa gì với bọn chúng nữa một khi chú Lân không còn sống để vờn bay múa lượn trên đôi tay điệu nghệ của Thạnh Đen, khi chú không còn hơi sức để há cái miệng rộng hoác ngáp ngáp rõ dài chọc quê cu Mập ủn è ủn ỉn với cái quạt mo mát trời ông Địa? Anh chàng Tề Thiên vốn hiếu động, chân cẳng nhảy nhót bú lua xua, cái miệng nhóp nhép tía lia tía lịa chọc cười thiên hạ, vậy mà bây giờ đứng lơ láo ỉu xìu không buồn nhích bước. Cả bọn, đứa nào mắt cũng đỏ hoe, khóc thương cho chú Lân con sắp giã từ cõi đời, thấy mà tội nghiệp...

-Ừ. Sao có người tàn ác vậy nhỉ! Không cho vào múa thì thôi; không treo giải thưởng cũng được, mình có đòi hỏi gì đâu. Nỡ nào lên tiếng mắng chửi tàn tệ, xua chó cắn, đuổi, lại còn ra tay dập nát đầu Lân rúm ró đến vậy?
-"Cũng tại mình hết". Cu Tâm vừa ngẫm nghĩ vừa tự trách mình: Tự nhiên đi nghe lời Thạch Mèo dẫn Lân vào nhà nó. Người ta nhà cao cửa rộng, đời nào chấp nhận đoàn Lân lem luốc, lôi thôi lếch thếch con dân lao động như tụi mình? Mà cũng khó hiểu thực, chỉ mới cách đây vài hôm thôi, phường tổ chức phát quà Trung thu cho trẻ nhỏ; ông Trấn đã thay mặt Xí nghiệp May Mặc xuất khẩu do ông làm giám đốc đích thân tặng thưởng: “Tết Trung thu là tết của các cháu”. Ông phát biểu:
-Các cháu được quyền vui chơi thoả thích. Các cháu tha hồ được nhận quà. Mọi người đều có bổn phận phục vụ cho niềm vui của các cháu được trọn vẹn. Các cháu chính là mầm non của đất nước, là tương lai của thế hệ mai sau. Nhà bác luôn sẵn sàng mở rộng cánh cửa đón tiếp các cháu.

Ôi! Lời phát biểu sao mà dịu dàng dễ nghe đến thế? Lại thêm nụ cười hồ hởi, ánh mắt nhân hậu, và đôi bàn tay múp míp, trắng trẻo của ông thì ban phát quà tặng một cách hào phóng. Nhiều đứa thậm chí còn được ông giám đốc thân thiết ôm hôn đánh chụt vào đôi má nhếch nhác, loang lổ nhọ than, khiến chúng mê mẩn cả người, nhất là khi được hít mùi nước hoa thơm lựng từ bộ áo quần sang trọng trên người ông bốc ra.

Vậy mà bây giờ, cũng chính con người bằng xương bằng thịt đó lộ ra một bộ mặt khác hẳn: Cay nghiệt, tục tằn và thô lổ không chịu được; đã vậy, ông còn phùng mang trợn mắt, giận dữ phun ra những lời lẽ hiểm ác đến khó tin khi thấy lớp sàn nhà lát gạch men bóng rạnh bị những bàn chân đất thô nhám của lũ trẻ bôi bẩn; càng bực bỏ ngoa ngoắt hơn khi thấy những cây đuốc tự tạo bằng bùi nhùi bốc khói mù mịt có nguy cơ làm hoen ố lớp trần nhà dán mi-ca láng coóng mà ông đã cho đệ tử cất công vào tận Sài Gòn rước chuyên gia trang trí nội thất về thiết kế.
Thế là, trong khi đội hình đoàn Lân chưa kịp định vị,   hồi trống khởi đầu chưa kịp chấm dứt, chú Lân con xinh xắn chưa kịp bay tới chào mừng gia chủ, anh chàng Tề Thiên chưa kịp nhấc chân nhảy điệu sam-ba, và Địa ta lạch bạch với nụ cười cầu tài chưa kịp toe toét phẩy phe là a-lê-hấp, lão Trấn hùng hổ nhảy tới chụp cái đầu Lân quăng đánh phịch xuống đất, đồng thời thét bảo người nhà mở dây buộc chó...
Vừa hay, mấy bữa rày chó ta bị bó tay bó chân một chỗ không được chủ thả rong dạo cảnh, nay bất ngờ được tự do, lập tức rướn mình gầm lên một tiếng sảng khoái thị uy, rồi nhe hai hàm răng nhọn hoắt gầm gừ doạ nạt; vậy là bọn trẻ chưa kịp hiểu mô-tê-răng-rứa đâm ra khiếp đảm, xanh tái mặt mày đứng sựng lại, rồi không ai bảo ai, vội vàng quăng hết đèn đuốc cờ quạt lẫn mũ mãng; hoảng hốt quay lưng kéo nhau vắt giò lên cổ trốn chạy bất kể đất trời thiên địa, dẫm đạp lên cả chú Lân con tội nghiệp nằm chỏng chơ trước cửa. Chỉ cu Tâm tiếc công tiếc của, đánh bạo nán lại, bốc đại tấm vải mùng làm đuôi Lân, thất thểu lê gót theo sau đám bạn.
*
… Mặt trăng lồ lộ giữa bầu trời tháng tám chiếu ánh sáng rỡ ràng tỏa khắp không gian. Tiếng trống ếch khi xa khi gần dội lên từng hồi trong lồng ngực đám trẻ dấy lên cả một khoảng trời thất vọng, tiếc nuối mênh mang. Ôi! Chưa qua rằm mà đã phải đưa đám chú Lân con thương mến quả là ức không chịu được. Chẳng biết chú Cuội ngồi trên cao kia có cảm thấy buồn thương dõi theo những bước chân rã rời của bọn chúng không. Tới chỗ ngả ba, bọn trẻ đứng cả lại, tần ngần nhìn nhau, nửa ở nửa về dùng dằng khó xử. Hốt nhiên có tiếng gọi lớn bên tai :
-Ê... Tụi bay, sao cờ trống xếp ráo trọi vậy?
Cả bọn giật mình quay cả lại. Chú Bính, bố của cu Tâm nghễu nghện trên chiếc xích lô từ đâu vừa ưa trờ tới, thấy đứa nào mặt mày cũng bí xị, đứng im thin thít, ngạc nhiên gặng hỏi; bỗng đôi mắt chú tình cờ bắt gặp chiếc đầu Lân sẹo sọ nằm lăn lóc dưới đất liền chợt hiểu, chú lập tức nhảy xuống xe cầm lên săm soi một đỗi rồi lắc đầu ngao ngán: “Nan tre dùng làm sườn bên trong gãy gần hết, khó chữa lắm đây”.
Chú nhìn bọn trẻ phân vân ra bề khó xử, từ chiều tới giờ đạp xe oải cả hai đầu gối mà nào có kiếm được "cuốc" nào ra trò đâu, không khéo bữa nay cả nhà lại phải… Mì gói trừ cơm nữa đây! Lưỡng lự một lúc, sau cùng chú miễn cưỡng leo lên xe định tiếp tục chạy đi kiếm khách, nhưng không hiểu sao mấy bộ mặt ủ rủ thất vọng của lũ trẻ cứ lởn vởn trong đầu khiến chú không dứt ra được. Ngẫm nghĩ một lát, chú đột ngột quày xe trở lại, cầm chiếc đầu Lân bỏ lên xe, xua tay quả quyết: “Thôi được. Chuyện đâu còn đó. Bây giờ tất cả về nhà tao. Đêm nay tao sẽ ráng cất công chữa lại cho, may ra còn kịp. Tối mai mới là ngày lễ chính cơ mà”!
Vậy là đêm đó, chú Bính thức suốt, một mình cặm cụi băng bó vết thương cho Lân con. Tuy chữ nghĩa chưa tới nhưng chú cũng hiểu, nếu không chữa trị kịp thời thì dù vết thương có nhỏ bé đến đâu cũng dễ dàng mưng mủ...
*
… Ngay từ hôm đầu tháng, cu Tâm đã lặn lội về quê ngoại kiếm đâu được mấy khúc tre già chuẩn bị làm đầu Lân đón tết Trung Thu. Chú Bính, dẫu mệt phờ người sau cuốc xe chở hàng trái cây buổi sáng, về tới nơi thấy cậu con trai loay hoay đánh vật mãi với mấy đoạn cây không xong, chú vội lùa mấy chén cơm tạm đẫy bụng, hy sinh cả giấc ngủ trưa cặm cụi chẻ tre, vót thành nan mỏng giúp con, sau đó còn cẩn thận hướng dẫn nó cách lắp ráp thành cái sườn xong mới đi làm. Tới chiều, chú đã thấy cả chục đứa tụ tập quanh cu Tâm trầm trồ, đưa tay vuốt ve sờ mó có vẻ thích thú lắm. Không cần bảo nhau, Thạnh Đen về nhà năn nỉ bố xin chồng báo cũ đem tới đóng góp. Cu Banh sưu tầm mấy bóng điện màu dùng làm mắt Lân. Vài đứa móc túi, rụt rè trình làng mấy đồng bạc bèo nhèo nhịn quà sáng mua thêm giấy bóng; đứa nào không có vốn thì góp công sức vào như xe dây, khuấy hồ chẳng hạn... Bao nhiêu phế liệu, phế phẩm trong nhà đều được bọn trẻ tận dụng đổi lấy niềm vui, để được từng ngày thấy chú Lân con lớn dần nên hình nên dạng, có tai-mắt-mũi-miệng tròn vẹn đủ đầy.
Thỉnh thoảng chú Bính cũng xăn tay áo phụ giúp bọn trẻ những công đoạn khó. Mỗi khi hoàn thành xong một chi tiết là bọn trẻ tranh nhau cầm lên khuỳnh chân hua tay nhảy múa, hát hò loạn xạ; niềm vui sướng vỡ oà lây sang cả chú. Chú nghiệm ra có lẽ đây là những giây phút hạnh phúc hiếm hoi nhất của bọn trẻ xóm lao động khó nghèo này.

Đối với cha mẹ, việc chạy ra cái ăn, cái mặc hàng ngày cho cả gia đình đã là khó khăn vất vả lắm rồi, nói chi tới chuyện sắm cho chúng những món đồ chơi đắt tiền giá cả gần mấy chục nghìn bạc. Bởi vậy, chú Lân con với cặp sừng cong cong trụi lủi, có bộ râu mép dài ngoằng đẹp mã do công sức cả nhóm bạn chung sức làm ra gần như đã đáp ứng thoả mãn mọi ước mơ của chúng, dẫu cho Minh Lé có bị trận đòn nứt đít vì dám cả gan "chôm" gần nửa ký sơn mới nguyên của bố mua về chưa kịp dùng tới; dù Ba Mập bị mẹ mắng vì cái tội bê nguyên miếng tôn chận cửa chuồng gà làm cho chúng sổ lồng chạy nhảy lung tung thiên địa...
Bây giờ thì chú Lân con đã trở thành tài sản chung rất quý hiếm và thiêng liêng trong tình cảm của lũ trẻ, đến đỗi con Lân đồ sộ, hào nhoáng của Thạch Mèo dẫu có nhiều màu sắc rực rỡ, khi bật điện, lập tức có điệu nhạc Lam-ba-da bên Mỹ, bên Tây gì gì đó cất lên rất sôi động du dương cũng chẳng nhằm nhò, chẳng giống "con mỉu" nào khi so với chú Lân con của bọn chúng.
... Có cảm giác như tất cả đám trẻ con của xóm Ga này đều tụ tập về đây để hộ tống chú Lân nhà nghèo của bọn thằng Tâm đi diễu phố. Cũng dễ hiểu thôi, những đôi chân ngắn ngủn của mấy cậu bé loắt choắt làm sao có thể theo kịp mấy đoàn lân hoành tráng của người lớn ngồi chễm chệ trên xe ba gát được hộ tống bởi từng hồi trống đại, phèng la não bạt (?!?).
Tối hôm nay, nhân khai trương đoàn Lân, chú Bính cố gắng nhặt nhạnh hết “thực phẩm” trong nhà, nấu một nồi khoai lang thết bọn trẻ. Mót máy lưng vốn đâu được gần chục ngàn, chú trịnh trọng gói vào giấy bóng xanh-đỏ-tím-vàng treo lên hiên nhà gọi là làm quà tặng thưởng "may xưa" cho chúng rồi mới tất tả giong xe đi kiếm mối bù lỗ.
Thế là đoàn Lân bắt đầu xuất phát, kéo theo sau là đám con nít với những chiếc lồng đèn tự tạo đủ loại kích cỡ, từ bánh ú thô sơ tới ông sao, cá chép, lon thiếc thắp bạch lạp sáng trưng trên tay, tuy bề ngoài xem ra có vẻ hổ lốn và vô trật tự nhưng đứa nào mặt cũng tươi rói, chân đi miệng hát, nói cười bi bô vầy thành đoàn rồng rắn đông vui vô kể...
Theo gợi ý của bố, cu Tâm dẫn đoàn Lân tới múa chào mừng nhà của bà con trong xóm trước. Quả nhiên, ở đâu bọn trẻ cũng được đón tiếp nồng hậu; tuy phần quà treo ít ỏi và số tiền thưởng chẳng được bao nhiêu nhưng gói gọn trong đó là cả tấm chân tình và lòng thương yêu trìu mến của mọi người dành cho chúng. Đặc biệt một số gia đình có con em tham gia biểu diễn lại càng cảm thấy vui và hãnh diện hơn khi thấy chúng cũng chả kém cạnh chi ai; bất ngờ nhất chính là Ba Mập: “Coi kìa”! Chị Son, mẹ của Ba Mập hớn hở khoe: “Hắn múa coi bộ dẻo quá đi chứ. Vậy mà thường ngày vụng về, lóng nga lóng ngóng trông chẳng giống ai”. Ô. Cu Beo vốn nhút nhát là thế, bây giờ đóng vai Tề Thiên sao mà ngộ nghĩnh, khéo léo đáo để. Bà Tám bánh nậm sau khi tính toán thấy đủ vốn bèn gói tất cả số bánh còn lại làm giải thưởng. Khuya hôm đó, cả bọn được chén một bữa no kềnh bụng.
Nhưng rồi đêm hôm sau, sự việc diễn ra không còn được suôn sẻ, xuôi chèo mát mái như trước nữa; mới vài ba nhà thì gặp phải rắc rối; đầu tiên là nhà mụ Bảy lò mổ, bọn trẻ mới ló đầu chưa kịp mở lời nói năng nửa câu, mụ đã lập tức đóng hai cánh cửa sắt cái rẹt: “Này! Này. Đi chỗ khác chơi. Ở đây không cần lân liếc chi hết”. Ông Chín Hưng thì sợ hư mấy chậu kiểng, vác ba-toong đứng ngay trước cổng chặn đường. Bà Năm tử tế hơn chút đỉnh, ôn tồn đưa đẩy: “Các cháu chịu khó đi đâu đó rồi trở lại”...
Lũ con nít đi theo, chân cẳng mỏi nhừ chẳng thấy nhà nào cho múa, chán nản bỏ về gần hết. Đang phân vân chưa biết tính sao thì Thạch Mèo từ đâu bỗng lon ton chạy tới:
-Này. Vào nhà tớ múa đi.
-“Nhưng”...
Bọn thằng Tâm ngần ngại bởi biết hầu hết các nhà giàu có, khá giả thường ít khi muốn thứ Lân nhà nghèo như nó vào múa lắm:
-Nhưng nhà mày đã có riêng một con lân to tổ bố rồi kia mà!             
Thạch Mèo xụ mặt:
-Chơi một mình chán lắm. Thôi, vào nhà tớ đi, để tớ xin bố cho. Nhớ nhé!
Trước khi chạy đi, nó còn ngoái lại, ân cần, năn nỉ:
-Cứ tin tớ đi các bạn ạ! Cho mình nhập bọn với mà.
*
… Đang thoải mái ngồi dựa lưng vào chiếc xa-lông bọc nệm mút êm như nhung trong căn phòng khách bài trí choáng lộn, thênh thang, vừa khoan khoái thưởng thức ly rượu Tây, vừa hau háu dán đôi mắt vào màn hình, mê mẩn nhìn mấy cô vũ nữ thắt lưng eo, để hở rốn, hở ngực ưởn ẹo phô phang đùi mông một cách thích thú, nghe tiếng ồn ào trước cổng, ông Trấn bỗng nhíu mày bực bội định gọi người nhà hỏi xem chuyện gì, vừa ưa Thạch Mèo chạy ào tới, phớn phở báo tin: “Bố ơi! Lân vào nhà mình rồi... Bố. Bố treo giải thưởng cho các bạn con đi. Bố. Bố nhé”!
Mới nghe chưa tròn câu, ông Trấn đã sững cồ đứng phắt dậy:
-Sao? Sao hả?? Mày nói sao? Rước thứ lân bẩn thỉu này vào nhà ta hả...ả...ả...?!?
Mặt mày tím tái vì tức giận, ông thẳng tay tát bốp một cái vào mặt cậu con cưng, tru tréo:
-Trời ơi là trời! Sao mày đần thế? Để cho người khác nó ngu bớt đi với chứ! Ôi! Mày hại tao. Đem vận xui vô nhà rồi. Tao đã... đã...
Chả là mấy bữa rày ông đã cẩn thận đặt cược trước với đội lân nhà Chùa tới múa nhà mình. Với địa vị, nhà cửa như ông phải đón tiếp những đoàn lân thật hoành tráng, đầy đủ lệ bộ, bầu đoàn gồm Sa Tăng, Bát Giới, Tề Thiên, có siêu đao, đại đao cộng với đầu trâu mặt ngựa đi xe ba-gát mới xứng với danh giá chứ. Hôm nay, ông đã gói sẵn một triệu rưỡi, kèm tấm các-vi-dít ghi rõ đầy đủ họ tên, chức tước đàng hoàng chờ đúng giờ tốt là treo lên, như thế vừa được tiếng làm việc công đức, vừa lấy vận hên vào nhà. Vậy mà... vậy mà... Ôi! Thằng con bất trị, thằng con trời đánh phá bĩnh hết tất tật cả rồi. Hừ… hừ…
Sự việc bất ngờ xẩy ra không được như ý làm cho ông Trấn tức bực trong lòng quá thể. Chẳng thèm để ý ngó ngàng tới nỗi thất vọng của cậu con trai đang đứng bú rụ ở một góc nhà, ông vội vã quay bộ mặt sưng sỉa, đưa mắt lom lom dòm chừng lũ trẻ đang lớp trong lớp ngoài hùa nhau kéo vào đứng ngồi lộn xộn chật cả gian phòng. Ông càng xót ruột khi thấy lũ "ôn con" nhếch nhác kia xìa những bàn chân nham nhở thô bạo dày xéo lên lớp sàn nhà trắng tinh không một hạt bụi của mình.
Hốt nhiên, trong bỗng chốc, ông quên béng chỉ cách đây hai bữa thôi, mình đã đóng vai ông Bụt rất đạt, một ông Bụt hiền từ, rất, rất giàu lòng nhân hậu, bao dung, cộng thêm sự… hào phóng!

No comments: