Thursday, September 27, 2018

THẰNG CỜI (HĐN)

Thằng Cời
 
Thằng Cời tự nguyện đứng cuốc đất trên một láng đất trong khu vườn rau trại giam giữa trời nắng cháy, bộ áo quần “trường sơn” của nó thiếu trước hụt sau, cái  nón cời chết tên cho nó, đủ để biểu hiện điều mọi người đặt cho chỉ đủ để gây nên thiện cảm tối thiểu cho. Chẳng ai hiểu nổi những điều lạ lùng đến tốc mái của thằng vừa thiếu học hành, thiếu chuyên môn ở trại giam này, giữa trưa nắng núi rừng Tây Bắc Phú Yên. Nghe đâu nó chưa qua khỏi lớp ba trường làng rồi phải theo phụ cha mẹ việc đồng áng. Trong một bài tự kiểm thảo, thằng Cời nói sao viết vậy, chữ nghĩa như trong thúng mẹt sắn khoai đem ra trình làng. Trại viên trong cùng nhà cùng láng giúp nó viết cho xong bài kiểm thảo đó, nó trả ơn bàng nắm rau rừng lượm lặt được lúc đi lấy củi. Tiếp theo, đó là đề tài cho những chuyện cười sinh đẻ ra từ bài kiểm thảo ấy, đỡ mệt ngày lao động dài thiếu bồi dưỡng cho các anh em.

Không hề gì! Thằng Cời dường như chẳng quan tâm về sự việc xung quanh, đời sống sinh hoạt nó cứ vô tư trong trại giam như chẳng khác đời thường bên ngoài chút nào. Sáng thức dậy làm việc, ăn trưa  chẳng ra gì cũng ráng thêm việc tăng gia sản xuất vườn rau tươi một mình, xế chiều bụng dạ sắn khoai vẫn làm việc... như là sinh ra để làm, làm xong phải ăn theo chu kỳ sinh hoá cần thiết. Lâu lâu nó ư ử trong cổ họng bài ca gì đó chẳng rõ, mọi người vẫn còn nhớ có đêm nó tung hứng nhạc vàng khi phong trào hát lén nửa đêm tự nhiên bùng phát trong nhà giam, thằng Cời chẳng bao giờ giữ được tông nhịp cho đúng  .. Người đùa: Anh kia!Tại sao không hát lên những bài ca anh hùng cách mạng? Có biết bài Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây không? Hát lên coi! Thưa cán bộ em biết nghe mà có biết hát đâu! Thằng Cời chối từ một cách vô tư hiền lành, tiếng ư ử từ cổ họng nó thoát ra tựa như tiếng rên bi đát của loài thú hiền từ, trước nanh vuốt cuộc đời như vậy giữa trưa ngày hè khắc nghiệt.

Kỳ thăm nuôi đến. Hình như ai cũng được thăm nuôi, người được gia đình gửi cho lon nhôm “gu-gô” có thịt ba chỉ mắm ruốc để dành ăn dần, người có cả một hộp nhựa chà bông đủ bồi dưỡng riêng cả tháng, kẻ khác có thêm chút thuốc men căn bản cho các loại bệnh tật núi rừng nhiệt đới, thuốc lá, thuốc rê, thuốc vấn cho những cố tật đã bào mòn trong cơ thể, chỉ riêng thằng Cời chẳng có ai thăm, chẳng ai đếm xỉa gì một thằng như là trôi sông lạc chợ đến bãi tận cùng xó xỉnh thăm nuôi. Ai cũng biết rằng giữa rừng núi thâm u, giữa cảnh đói triền miên, tự bảo toàn cho sự sinh tồn là điều dễ chấp nhận. Làm sao có thể chia xẻ được khi thân mình cứ gầy gộc meo râu? Nét mặt thằng Cời bình thản chấp nhận tình cảnh như ngày còn nhỏ đầu làng xó chợ bị mắng nhiếc đồ dơ dáy thiếu học. Chắc nó tự nhủ rằng điều người ta nói ra đúng phong phóc như cái ná  bắn trúng ngay con chim hiền lành đang đậu trên cây. Có gì đâu! Nó bỏ ra ngoài vườn rau tự tạo, lên đất, cắm cây, chút màu xanh trên mảnh vườn bắt đầu dậy lên những mầm xanh từ ngọn ngành rau bầu cong ngả như niềm hy vọng yếu đuối mong manh muốn tô  màu cuộc sống. Xanh lên sẽ tăng lên giúp bớt đói rau, đói gạo để có sức lao động ngày sau. Màu xanh tươi đẹp tô điểm lên trên nỗi niềm cô đơn không được thăm nuôi, lá cành là những lời chia xẻ an ủi không lời. Chắc ba mẹ, anh chị em nó chẳng còn ai! Chắc gia cảnh bần hàn sau chiến tranh tàn phá. Chắc cũng chẳng còn ai muốn ngó ngàng tới kẻ trôi sông lạc chợ như Cời. Chỉ còn màu xanh cây trái cho Cời trải lòng thôi!
Mưa xuống, nắng lên, những cuốc đất xoáy trồng...những đọt xanh thằng Cời đợi bắt đầu thay màu khoảng vườn nhỏ. Bông vàng dưa leo bắt đầu điểm nụ, hoa trắng dây bầu dựng lên cành lá dìu dịu mong manh,  mấy đọt rau rừng chăm bón xanh theo ánh mắt anh em trại viên cùng thời khác ý. Có ánh mắt niềm nở hy vọng như quen thân, có ánh mắt soi mói lạ lùng nhưng tất cả đều xanh theo niềm vui nhỏ bé sắp trổi dậy trong vườn. Mảnh địa đàng vừa chớm trên tàn tạ tháng năm.
 
Ngày gặt hái đầu tiên thằng Cời làm một việc hoàn toàn tự nhiên đối với nó nhưng thật như cú sốc với mọi người. Nó khéo léo pha chế nồi canh bầu theo kiểu đại trà. Trái bầu được cắt vụn nhỏ tưởng chừng như không còn cách nào để cắt nhỏ ra hơn nữa, nó trao đổi với vài anh em gom cho nhúm tôm khô khiêm nhường cũng được băm nhừ nhuyễn. Thùng nước lớn nấu sôi, tôm khô nhuyễn, bầu xắt vụn tuần tự để vào, muối biển mặn mà theo hương vị...Thằng Cời khiêng thùng canh bầu đại trà ra giữa nhà chia cho mọi người hỉ hả. Hình như con người dễ tha thứ, thế giới dễ đại đồng hơn trong bữa ăn chung trong cảnh bần hàn đói khổ... Rồi tâm tư cứ thế đổi theo. Những cái nhìn thiện cảm hơn cùng những đề tài châm chọc cũng dần bớt đi.

Ngày hết Tết đến, thăm nuôi đợt Tết Nguyên Đán tới. Chẳng biết đời sống bên ngoài trại giam đủ thiếu thế nào, người trong trại vẫn mong ngóng những món ăn khoái khẩu truyền miệng, những kỷ niệm ẩm thực ngày Tết truyền thống xa xưa cùng đãi nhau.  Mọi người bắt đầu kháo nhau món cúng ngày ngày ông Táo về trời, ngày nào lên lịch để ngâm nếp bánh tét, ngày này bắt đầu xên rim mứt ngọt ngào... Tất cả cũng chỉ là những món ăn hàm thụ thế thôi. Ánh mắt sáng lên theo từng âm chữ xuân mùa. May quá lần này Thằng Cời có được mấy đòn bánh tét, một gói rim gừng cùng mấy miếng kẹo thèo lèo đậu phộng và cục đường đen.

Mồng một Tết, trại được cho nghỉ lao động một ngày, sau bao nhiêu nghi thức chào xuân, chúc tụng lê thê, mọi người hỉ hả chuẩn bị ăn tết tù, thằng Cời lễ mễ bưng ra tất cả những thức thăm nuôi có được, đòn bánh tét, kẹo động phộng, cục đường đen... để cùng mọi người chia nhau hương vị Tết. Mọi người há hốc tinh thần để tin đó là sự thật, có niềm vui tiếng cười phá lên, có tiếng lao xao thắc mắc, có bóng dáng thẩn thờ của người cúi mặt quay lưng. Có tiếng pháo đì đùng trong lòng xuân ngoài kia, có tiếng chúc tụng nhiệt tình đầy sáo ngữ, có ánh xuân tươi mong ngóng ngày về đoàn tụ gia đình.

Trăm vui đó cũng từ bàn tay và tấm lòng đơn sơ của Cời.
Không ai ngờ được một thằng trôi sông lạc chợ như vậy lại làm
được những chuyện tốc mái mà chẳng ai dám làm. Vứt bỏ đi
ngàn vạn tiền tâm linh lúc thừa mứa chắc dễ hơn phải hy sinh
miếng kẹo đậu phộng trong trại giam này. Cây tin yêu trong
khu vườn rau của thằng Cời trổ lên đoá mong manh nhưng
mạnh như tấm kính chiếu yêu cho tăm tối bám víu tự soi vào
ngõ ngách tâm hồn.

Thằng Cời chắc cũng thèm món Tết năm nào, cũng nhớ lại chiếc áo mới ngày xuân, cũng muốn nhâm nhi miếng ngọt cay gừng, cũng thơm bùi miếng kẹo đậu phộng quê hương nhưng hình như niềm hạnh phúc được chia xẻ hay là tấm lòng của xuân đãi khách còn ngon miệng hơn những thứ Cời có thể giữ được cho riêng mình nơi rừng thiêng nước độc, nơi mà mọi người chưa đủ có để thủ thân. Thằng Cời chẳng là Ông Thầy, Ông tướng gì cho ra lẽ, chẳng đại diện cho tầng lớp nào trong xã hội, chẳng có triết lý gì rao giảng to lớn cho cả trại giam, chẳng hề mơ mộng điều gì huyễn hoặc. Sống giữa đời như cây cỏ tự nhiên thích ứng với môi trường, nhiều nước nhiều phân cứ tự nhiên khoe hương cành quả, thiếu điều kiện vẫn giữ được trong sáng cần thiết sự sống cuộc đời. Mẫu mực có được là đời sống tự nhiên ở lòng mình. Thằng Cời một cách vô tình là hướng dẫn viên trong cuộc sống đầy ganh đua thua thiệt. Thằng Cời trở thành Thằng Cười dưới khuôn mặt bình dị vui vẻ cùng mọi người qua món quà xuân đãi khách tù.

Cười ơi! Cười đang ở đâu? Ngóc ngách nào nơi rừng thiêng nước độc? Đại gia lắm bạc nhiều tiền? Lao động kiệt lực để tự nuôi thân hay đang bôn ba phương nào thế giới? Dù là nơi nào Cười đã là người Thầy nhân bản mang đến cuộc đời một tấm gương soi.

Bạn ơi! Thằng Cười có được cái bằng cấp gì đâu! Nhưng nó trở thành người Thầy trong trang sách sống khổ với người. Nếu thằng Cười có được những cơ hội, hoàn cảnh khác không chừng Cười cũng biểu tỏ được nhiều điều bất ngờ tưởng là chỉ có những bậc cao siêu mới có thể dạy cho. Cười hay ai đi nữa cũng có thể là Thầy của chúng ta trong hoàn cảnh hay môi trường đó, ai cũng có thể là Thầy mình. Hãy vui sống, hãy Cười, bận tâm chi cho những nhút nhát cuộc đời!

HĐN

Cali tháng 9, 2018.

No comments: